* Hòa bình và Cơm áo. (VH)
* Hãy trả tự do cho những người không suy nghĩ giống mình. (ĐATVN)
Nhà báo Lý Kiến Trúc tại buổi ra mắt sách ở Nam California. |
Dưới chân bức tường đau khổ, thật là tội nghiệp, những cục gạch đá vỡ nát văng vẩy, bèn nhặt về Mỹ một cục. Tôi gọi cục đá Bá Linh này là hòn đá tảng che mắt dân chủ những nhà chuyên chế Việt Nam. Nhưng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi dạo bước trên một con phố thêng thang phía Đông Bá Linh; Ô kìa! bảng đường vẫn dựng tên: Đại lộ Karl Marx!
Rõ ràng là tôi chậm chân hơn tác giả Lý Thái Hùng. Nhìn bức ảnh ông đứng như trời trồng bên bức tường loang lổ mầu hoang phế từ năm 1990, ông đứng đó để làm gì? Hóa ra bây giờ ông mới bộc lộ, ông đi thâm cứu thực địa để thai nghén 10 năm đứa con chính trị đầu lòng của ông, đó là tập khảo luận dầy 600 trang được nắn nót đặt tên: “Đông Âu Tại Việt Nam”. Và tôâi rất lấy làm vinh hạnh khi nhận được bản thảo đầu tay của tác giả gởi đến tặng, tác giả có hỏi ý kiến tôi về tựa sách, tôi nhiệt tình tán thành tựa này.
Nhưng tôi cũng xin thưa với quí vị rằng, tôi đã trao đổi trước với ông Lý Thái Hùng rằng ông ra mắt sách “Đông Âu tại Việt Nam” chỉ với danh nghĩa một nhà biên khảo, chứ không với danh nghĩa là một lãnh đạo của một đảng chính trị - thì tôi OK. Ông Lý Thái Hùng cũng OK.
Nhân đây, xin ông Lý Thái Hùng chuyển lời thăm hỏi đầy cảm mến của tôi đến tất cả những người bạn trong đảng Việt Tân, những người bạn mà tôi cho rằng đã sống và tranh đấu trong mối chân tình hòa hợp và hiệp thông.
Nhưng vì sao tôi gọi sách là“Bản Án Thư Chính Trị” mà không gọi là tập biên khảo, tập biên niên sử, tập nghiên cứu và lý luận? Bởi lẽ, theo tôi, tác giả đã dầy công thực hiện một công trình “khảo” và “luận”. Khảo về Đông Âu và Luận về Việt Nam.
Khảo bằng cách nào? Khảo bằng cách nhật ký từng dữ kiện biến động, sắp xếp diễn tiến các biến động từ phạm vi nhỏ đến phạm vi lớn, cuối cùng là biến cố kinh thiên động địa làm thay đổi diện mạo xã hội và chính trị. Nội việc sắp xếp mục lục sách một cách “logic” có hệ thống, đủ nói lên tư duy chính trị của tác giả.
Luận bằng cách nào? Luận bằng cách phóng chiếu bối cảnh lịch sử của từng khu vực điạ lý nhân văn, nguyên nhân và hậu quả chính sách cai trị của chế độ toàn trị dẫn tới tổng nổi dậy, đặc biệt tác giả nhấn mạnh khu vực Ba Lan là khởi điểm mẫu mực của phong trào quần chúng, từ Ba Lan, vết dầu dân chủ loang dần, cuộc tan rã 8 nước Đông Âu phải là một tất yếu.
Tất cả các nhân tố khách quan về phía đại bộ phận bị trị, chủ quan về phía thiểu số cai trị, từng dữ kiện được tác giả soi lên kính hiển vi mổ xẻ rất cặn kẽ, khoa học. Tác giả còn đối chiếu và so sánh với tình hình Việt Nam hiện nay, để ai đó có thể rút tỉa kinh nghiệm, làm mô thức lợi hay hại, nhanh hay chậm, hay đã lỗi thời rồi trong cuộc đấu tranh hiện nay, hay tương lai tiên đoán có thể diễn ra cuộc cách mạng “nhung-lụa” canh tân Việt Nam.
Tới đây, tôi xin mở một ngoặc đơn nhỏ, vì, chúng ta sẽ rất cẩn thận khi:
Nếu Ba Lan được coi là cái nôi của cuộc cách mạng Đông Âu, cái nôi thù hận từ thời Hitler-Stalin đẻ ra Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan - Lech Walesa cầm đầu trở thành lực lượng tiền phong phất cao ngọn cờ dân chủ; đối chiếu với tình hình chính trị Việt Nam hiện nay nó có sự khác biệt, có sự khác biệt rất nhiều. Manh nha “dĩ độc trị độc”, đã có công đoàn đối trọng với công đoàn; có đảng đối trọng với đảng đối lập; có truyền thông đối trọng với truyền thông; có việt kiều đối trọng với người việt quốc gia tị nạn... và sẽ có rất nhiều đa nguyên đối trọng với đa nguyên.
Đọc sách “Đông Âu Tại Việt Nam”, ta sẽ tự hỏi: sách viết về những chuyện gì? Viết về những ai? Và viết cho ai đọc?
Với cách “khảo” và “luận” như thế đối với một tác phẩm chính trị, sách “Đông Âu Tại Việt Nam” không thể nào không trở thành sách gối đầu giường về quốc phòng. Có một điều là, cuốn sách này mà ra sớm từ 15, 17 năm trước thì chưa chắc hôm nay chúng ta được ngồi bình an nói chuyện với tác giả!
Toàn cảnh bức tranh nổi dậy của các nước Đông Âu tường trình trong 8 chương, rồi đúc kết mỗi chương cho từng nước một; nhưng chính hai chương kết thúc (9 và 10) mới là điều tác giả giãi bày, gởi gấm. Tâm đắc với hai chương Việt Nam Trước Cơn Bão Dân Chủ Tại Đông Âu và Đông Âu Tại Việt Nam, tôi cho rằng sách “Đông Âu Tại Việt Nam” chính là “Bản Án Thư Chính Trị Cho Việt Nam”. Còn nếu duyệt dưới góc độ thông tin, sách cung cấp vô số tư liệu về Đông Âu, ngoài ra, sách còn giúp ích rất nhiều cho các chính trị gia, sử gia, xã hội học, dân tộc học, báo chí học; v.v…
Ông Lý Thái Hùng đã dùng bút pháp nào để tải tư tưởng của ông? Ông vốn là một chiến sĩ vũ trang cầm súng lên đường theo tiếng gọi của núi sông, trước khi ông múa bút đã có một thời lăn lộn khu chiến, bây giờ ông giã từ vũ khí cổ điển để tái trang bị cho ông loại vũ khí tối cổ mà cách đây gần 600 năm Sư Tổ Nguyễn Trãi đã sử dụng: đó là Tâm Công. Đánh vào lòng địch.
Tuy nhiên, xin có một vài giác độ cảm tính khi nhìn về Đông Âu và Việt Nam vào thời kỳ đó.
Cơn chấn động đầu tiên là sự ra đời công khai hoạt động của Công đoàn Đoàn kết Ba Lan do Lech Walesa lãnh đạo, bức tường Bá Linh tan tành và TBT Mikhail Gorbachev giải tán Liên bang Xô viết - giải thể đảng CS Liên Xô. (12/1991). Một số đặc điểm quy kết đơn điệu về Đông Âu như sau:
- Các đảng CS Đông Âu là đảng “ăn theo”, “liếm” giầy chiến thắng của Stalin mà dựng lên nhà nước. Thầy Xô sụm, trò tất phải đổ như domino!
- Các đảng CS Đông Âu không có bề dầy đấu tranh xương máu cách mạng giành độc lập dân tộc. Dân không tin!
- Các đảng CS Đông Âu thoát thai từ hệ thống quốc tế vô sản. Dân nô lệ!
- Các đảng CS Đông Âu lèo lái đất nước bằng sức mạnh của công an mật vụ. Dân căm thù!
- Các đảng CS Đông Âu nhất định không “Chia tay với ý thức hệ”. Dân thờ ơ!
- Các quốc gia Đông Âu hợp quần ở nền văn minh giáo quyền và tan hàng khi niềm tin thế quyền sụp đổ. Dân chờ đợi!
- Các quốc gia Đông Âu từ bại tới liệt về kinh tế. Dân đói triền miên!
Tới đây, tôi lại xin mở một ngoặc đơn nhỏ, vì, chúng ta sẽ rất cẩn thận khi:
Chiến tranh Việt Nam sau 31 năm ngừng đánh nhau giữa hai người Việt miền Bắc và miền Nam, đã quá nhiều giấy bút luận về cuộc chiến kỳ quái chất xương thành núi máu thành sông, cũng có người còn nói là “dơ bẩn”; và cho đến nay, hai người Việt trong và ngoài nước vẫn còn cãi nhau, đổ thừa, đổ tội cho nhau!
Người Việt gọi là “đảng cộng sản thắng trận 75” vẫn tiếp tục chịu khó núp bóng dưới ngọn cờ Mác Lê Mao, giương cao khẩu hiệu tư tưởng Hồ Chí Minh. Từng giai đoạn một, đảng vận dụng tối đa chiêu bài giải phóng dân tộc để giành lấy chính quyền về tay chuyên chính vô sản; đảng vận dụng chủ nghiã dân tộc để tiến hành cuộc chiến tranh thống nhất; (kể cả việc đốt cháy dẫy Trường Sơn, kháng chiến 10 năm, 20 năm và nhiều hơn nữa, vv...); đảng chứng tỏ là bậc thầy nghệ thuật xiếc đi dây với hai đầu sỏ Trung Quốc và Liên Xô trong chiến tranh và tiếp tục xiếc đi dây với thế giới trong xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa; đảng là bậc thầy trong việc khuynh đảo dư luận và hướng dẫn dư luận; đảng sử dụng mọi biện pháp chế tài để hóa giải mâu thuẫn giữa đảng ta là đảng cầm quyền với quần chúng, đảng không ngại ngùng dùng bạo lực trấn áp mọi tổ chức đấu tranh chính trị khác chính kiến, nhằm tạo sự “ổn định chính trị phục vụ cho nhu cầu đối tác kinh tế và để nắm chắc tay chèo lãnh đạo của đảng CSVN”. v.v…
Thế nhưng, đảng và nhà nước chuyên chế hiện nay có tiếp tục giữ vững ngọn cờ toàn trị mãi không, khi cả nước đang rung chuyển vì sự đòi hỏi về một đời sống văn minh sung túc, ngưỡng cửa thế giới mở rộng vòng tay cho tầm nhìn bước ra, làn gió dân chủ tự do của phương tây đang thổi đến kích thích người dân đứng dậy đòi nhân quyền và dân quyền.
Muốn giải thoát cái nút thắt này, ta thử điểm lại từ năm 1975 đến nay, quốc gia cộng sản Việt Nam đã trải qua 6 đời TBT định hướng với 6 chính sách khác nhau: 1975:Lê Duẩn (vượt qua thời kỳ quá độ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội); 1986: Trường Chinh (kêu gọi phải thay đổi, nhưng không thể từ bỏ xã hội chủ nghiã); 1987:Nguyễn Văn Linh (mở màn đổi mới, cải tổ, cởi trói, hồng và chuyên, tiến hành nền kinh tế thị trường nhiều thành phần); 1991: Đỗ Mười (tuyệt đối trung thành giáo điều Mác xít Lênin nít); 1998: Lê Khả Phiêu (đối phó nguy cơ diễn biến hoà bình); 2001: Nông Đức Mạnh (hội nhập, đối tác, liên kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền kiểu xã hội chủ nghiã); 2006: Tù trưởng họ Nông sau hồi trống đồng APEC tiếp tục làm “dzua” nước Việt Thường thay da đổi thịt, lộ trình cải cách đi trước sức chuyển động của thế giới đang vẽ lại biên giới địa lý nhân văn để mà tồn tại,... “Dzua” có đi đúng hướng không, hay chệch hướng chỗ nào, xin dành cho các nhà bình luận.
Đấy là chuyện người trong nước, thế còn chuyện người nước ngoài ra sao?
Giả sử nếu có một bảng so sánh về lòng yêu nước giữa người Việt Quốc Gia chân chính và người Việt Cộng Sản chân chính và phản tỉnh thì tôi cho rằng tất cả dân ba miền Bắc Trung Nam đều ngang nhau, đều như nhau, nhưng phải nói thêm rằng người Việt quốc gia yêu nước ngây thơ chính trị hơn người Việt cộng sản đầy mưu lược thủ đoạn.Thế cho nên cái khối gần ba triệu người Việt hải ngoại, (xin nhấn mạnh, tôi chỉ kể đến những người còn nghĩ đến quê hương mà thôi) là có sự khác thường. Khác thường ở chỗ nào? Ở chỗ hễ cứ nói đến chữ CS là cộng đồng điên tiết lên! hễ cứ nói đến chủ nghiã là rủa sả sao nó không chết tiệt đi cho rồi, sao nó không chết tiệt đi cho rồi!
Ta phải “thông cảm” tại sao cộng đồng dị ứng nặng như vậy? Chung qui cũng bởi vì cái chữ “lừa” (không có trong từ điển chính trị) nó vẫn gờm gờm mỗi khi giao lưu; bởi vì cái người Việt ta chưa chịu nói “thật” được lời như cởi tấm lòng với nhau; bởi vì chúng ta đều muốn chung sức lại đem lại sự đổi thay, giải quyết các vấn đề của người Việt Nam, nhưng chúng ta, trong thì “trịch thượng” “ngạo mạn”, “vờ vịt”, ngoài thì mạnh ai nấy “thủ”. “Thủ” đến độ khi cơ hội ngàn vàng đưa đến, chỉ cần một ngón tay đẩy một cái là nó đổ ụp xuống, nhưng chúng ta vốn rất rụt rè, e ngại, nhỡ nó không đổ ụp xuống thì sao?
Thật ra, ai cũng biết rằng, từ khi hàng tỉ đô la hải ngoại viện trợ về cho bà con, từ khi cựu Tổng thống Bill Clinton và mới đây Tổng thống George W. Bush phủ mầu xanh đô la hy vọng cho Việt Nam thì chủ nghiã CS đã chết ngắc từ khuya. Và nếu ai nghĩ rằng tâm thức tranh đấu của người Việt nói chung ở hải ngoại nhằm phục hồi lại chế độ miền nam cũ, hay dự tranh ghế ghiếc trong chính phủ liên hiệp thì cả là một sai lầm lớn, bởi vì dòng sinh mệnh sống khoẻ mạnh của nòi giống Việt trong các xã hội đa văn hóa phương tây đang chính là môi trường hoàn mỹ cho nòi giống Việt sáng tạo, lưu truyền.
***
Tôi nhớ đến huyền thoại của Vua Rồng Lạc Long Quân nói với nàng Tiên Âu Cơ rằng: “Ta là Rồng, nàng là Tiên, hai ta như nước với lửa không thể sống chung với nhau mãi, nàng đem 50 con lên núi, ta mang 50 con về biển…” Năm ngàn năm sau, bà Tiên nhất thống sơn hà cai quản sông núi bề bề, ông Rồng vượt biển đi lập bộ lạc bầu tù trưởng danh trấn bốn biển năm châu. Bên cạnh ông Rồng là những bà Tiên đẹp như tiên dũng lược đảm đang.
Thời huyền sử tổ tiên đã muốn như vậy, vậy ta còn muốn cái gì nữa? Người Việt trong nước muốn cái gì ở người Việt nước ngoài? Và người Việt ở nước ngoài muốn cái gì ở người Việt trong nước?
Sách “Đông Âu Tại Việt Nam” của tác giả Lý Thái Hùng không “khảo” và “luận” hay “muốn” theo con đường mòn cố hữu khi nhìn về Việt Nam. Những phản bác chính trị của tác giả rất lịch sự. Không thấy đoạn nào so sánh tương quan lực lượng quốc – cộng, không thấy đoạn nào nhằm khôi phục lại chế độ VNCH; cũng không thấy đoạn nào viết về thoái trào của nền dân chủ tư sản hay những bất cập của dân chủ phương tây, những cấu kết đồng minh hay đồng minh nâng đỡ cũng không thấy đề cập tới.
Bằng án thư chính trị, ông quay lại bộ phim lịch sử toàn cảnh Đông Âu 17 năm về trước để viễn kiến ra một Đông Âu tại Việt Nam, một Việt Nam phải được canh tân bằng cuộc cách mạng “lụa nhân bản” toàn diện. “Lụa” nghĩa là mềm, nghĩa là không cướp chính quyền bằng mọi giá, nghĩa là từ cái tâm của người con dân Việt hải ngoại, ý thức mới về giải pháp, bài toán đáp số cho toàn bộ vấn đề Việt Nam làm cách nào có lợi cho dân tộc và đất nước.
Tuy nhiên, theo tôi, tác giả có vướng mắc vào một số mâu thuẫn sát bên bờ hiểm nguy, khi lý giải một số biện pháp canh tân trong lúc cao trào diễn biến hoà bình đang diễn ra ở thế tam giác đều: Hoa Kỳ, Việt Nam và Cộng đồng người Việt hải ngoại. Tác giả có cái băn khoăn nước đôi về “Những giải pháp để xây dựng dân chủ tại Việt Nam” , khi đòi “Đấu tranh giải phóng bằng mọi phương tiện, mọi phương pháp, mọi lề lối”; nghiã là “bài toán của Việt Nam vấn là phương cách giải quyết vấn đề bằng một cuộc đấu tranh giải phóng”…, nghiã là “Đấu tranh giải phóng không phải là một cuộc chiến tranh võ trang thuần túy mà bao gồm những hành động mang tính chất chiến tranh lẫn những hành động nằm ngoài khuôn khổ chiến tranh”. (tr….)
Câu hỏi thời sự rất nóng hổi lại được đặt ra: Mỹ muốn gì ở Việt Nam, Việt Nam muốn gì ở Mỹ và tập thể cộng đồng Việt hải ngoại muốn gì?
Để trả lời câu hỏi thời sự đó, tôi lại xin mở ngoặc đơn mô tả vài đoạn trích trong bộ phim nhiều tập “Diễn Biến Tam Giác Đều”, tất nhiên lâu lâu MC cũng nói: “kính thưa quí vị khán thính giả, để thay đổi không khí, chúng tôi xin cống hiến quí vị” một vở bi kịch đối tác mặn mà nhất của đồng minh Việt – Mỹ hôm nay là:
- cổ vũ các khuynh hướng tự do dân chủ tư sản tư hữu;
- đánh bóng chủ nghiã dân tộc về nguồn;
- tư nhân hóa các khu vực, đặc khu kinh tế; viện trợ, đầu tư và trao đổi giáo dục có hệ thống trung cấp-cao cấp;
- cổ vũ và khuyến khích phong trào hình thành đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập độc lập.
- huấn luyện và trang bị quốc phòng;
- giao lưu chính trị, kinh tế thương mãi, văn hóa, văn nghệ;
- đánh động lòng trắc ẩn vì cảnh nghèo nàn lam lũ bi thương của xã hội;
- vv…hiện đã và đang do các đạo diễn, diễn viên, tài tử hàng đầu biểu diễn tại nhà hát lớn Hà Nội, sân khấu Cộng Đồng và đại hí viện Hoa Thịnh Đốn.
Vậy, đứng trước một “nền văn hóa và văn minh Việt Nam đang trải qua những cơn giông tố phũ phàng nhất của lịch sử và đã có những lúc tưởng như bị cuốn đi để chìm vào một dĩ vãng không đáy...” (chữ của Gs Trần Ngọc Ninh), màn kịch vĩ đại đang diễn ra, cộng đồng Việt Nam hải ngoại sẽ muốn gì? Cộâng đồng ở đây ta phải hiểu rằng, không một ai là lãnh tụ của ai, và cũng chẳng một ai bầu bán cho một người nào làm lãnh tụ duy nhất của họ cả; đó là một tập thể hồn Việt rộng lớn “ngủ yên”, tiềm tàng, đang âm thầm xây những viên gạch đầu tiên cho thế hệ kế thừa với vô số nét đặc trưng truyền thống, ẩn tàng một nội lực vô hình, vừa bảo tồn dòng sinh mệnh sống văn minh văn hóa của Viêm Việtù, vừa vươn lên mạnh mẽ trong các dòng chính công quyền. (Xin nhắc lại trận công kích năm 1999 tại Bolsa, chỉ có một bức ảnh ông Hồ, một lá cờ đỏ thôi, chỉ trong một đêm trong 53 ngày đêm, ba mươi ngàn người Việt hải ngoại xuống đường).
Thế mới có câu:“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường” để cho “Thân em như tấm lụa đào, phất phơ trước gió biết vào tay ai”. (Còn khuya em Việt Nam mới lọt vào tay ai!)
Phóng chiếu Bản Án Thư Chính Trị về Việt Nam, tôi tự hỏi:
- Nó có động vào não ban văn hóa tư tưởng của đảng không?
- Nó có đáp ứng các điều kiện ắt có và đủ cho công cuộc xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, phát triển kinh tế, nhân quyền, nhân đạo, để Việt Nam bước những bước đi phù đổng của “con hổ trẻ” không như lời của Tổng Thống Bush không?
- Cơn bão tố chính trị Đông Âu quét qua Việt Nam có đủ cường độ tạo ra những biến cố nguy hiểm để lật đổ chế độ không?
- Chính quyền Việt Nam có khả năng tiêu thụ tiêu hóa cơn bão Đông Âu hay ù lì phớt tỉnh ăng lê?
- Diễn biến chính trị về một cuộc cách mạng “nhung lụa” một khi bùng nổ có đổ máùu hay không đổ máu?
- Chế độ hiện nay sẽ không thể để có một cuộc bùng nổ chính trị nào trong vòng từ mười đến hai mươi năm nữa.
- Nền văn minh xã hội phương tây có phải là khuôn mẫu để tái cấu trúc lại một xã hội đã gánh chịu gần một thế kỷ nhà tan cửa nát vì chiến tranh, cái ác nhiều thập phần hơn cái thiện, người ác nhiều thập phần hơn kẻ hiền lương không?
Gấp cuốn sách lại, tôi tự nhủ:
Đông Âu Tại Việt Nam-tác phẩm tâm huyết chính trị của tác giả Lý Thái Hùng không kém phần nhiệt huyết canh tân so với bản điều trần cách tân xứ sở của sĩ phu Nguyễn Trường Tộ ở đầu thế kỷ 20, vì thế:
Tôi tin rằng, những người cộng sản cầm quyền và tiến bộ (nhớ đi mua sách), hãy tìm đọc tác phẩm “Đông Âu Tại Việt Nam” để cải tổ nhanh hơn nữa, vượt qua thời kỳ quá độ tiến thẳng lên chủ nghiã dân giầu nước mạnh, và, để nhân dân đồng bào cả nước khi tỉnh dậy đỡ làm phiền quí vị.
Tôi tin rằng, người Việt hải ngoại khi đọc sách này, sẽ đánh đổ đi thành kiến bất công về quan niệm đấu tranh của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng.
Tôi tin rằng, một ngày nào đó, chúng ta sẽ vinh danh những tấm lòng bất khuất trung trinh cho đến chết, những tấm lòng hy sinh cả thanh danh sự nghiệp để mưu cầu đại nghĩa.
Cuối cùng, nhân mùa Xuân đang đơm triệu đóa hoa hồng nhân ái về với quê hương, hãy giã từ chiến tranh, chia tay gấp với thủ phạm của hận thù và hủy diệt, đảng và nhà nước mau mau lập đàn-sám hối-giải oan cho những con người chết oan vì yêu nước, thì lúc ấy, hòa bình, cởi mở và hỷ xả sẽ là ánh sáng soi rọi cho chúng ta xây đắp một nền văn minh vạn thắng.
Xin cám ơn tác giả Lý Thái Hùng và quí vị.
Quận Cam, California ngày 4 tháng 2 năm 2007.
Lý Kiến Trúc
Văn Hoá Magazine
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét