07 tháng 2, 2007

Chương VI - Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Bulgaria

(Trích một phần từ: Chương VI - Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Bulgaria trong tập sách "Đông Âu tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng.)

Sơ Lược Bối Cảnh Lịch Sử

Dưới sự chiếm đóng Hồng Quân Liên Xô, Bulgaria tổ chức trưng cầu dân ý chấm dứt chế độ phong kiến, thành lập chế độ Cộng Hòa Nhân Dân. Các đảng phái bị ép buộc phải tham gia Mặt Trận Tổ Quốc dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản Bulgaria. Tháng 9-1946, chính quyền liên hiệp ra đời dưới sự lãnh đạo của Kimon Georgiev, Tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng sản Bulgaria, một nhân vật được coi là trung thành với Liên Xô nhất trong các lãnh tụ Cộng sản ở Đông Âu vào thời đó.

Bulgaria là một quốc gia có truyền thống nông nghiệp, mặc dù hiện nay được coi là quốc gia "tân hưng công nghiệp" trong vùng Balkan. Ngay từ trước Thế Chiến Thứ Nhất, người Bulgaria ít có ai sở hữu nhiều đất đai rộng lớn, phần đông chỉ làm chủ từng mảnh đất nhỏ, năng suất canh tác rất kém. Từ năm 1899, người Bulgaria thành lập "Liên Minh Nông Dân", một lực lượng chính trị còn hoạt động đến ngày nay, để bảo vệ quyền lợi cho riêng giới nông dân, và nhờ vậy họ đã thắng trong cuộc tuyển cử năm 1919. Liên Minh Nông Dân dưới sự lãnh đạo của Stanborisk đã tranh thủ được hậu thuẫn trong những cuộc vận động nông dân. Sau khi cầm quyền, Stanborisk xúc tiến việc cải cách ruộng đất, thành lập hợp tác xã và thực hiện nhiều chính sách khá dân chủ. Uy thế chính trị của Liên Minh Nông Dân suy giảm sau khi Stanborisk bị sát hại trong cuộc đảo chánh năm 1923, nhưng lực lượng nông dân vẫn duy trì được sức mạnh lớn trong nền kinh tế Bulgaria.


Từ năm 1947, mặc dù Kimon Georgiev áp dụng đường lối cải tổ của Liên Xô, nhưng vẫn tham khảo chính sách nông nghiệp của Stanborisk để vừa đưa Bulgaria đi theo con đường phát triển đặc thù, vừa phát huy khả năng chỉ đạo của mình. Nhưng sau đó bị sự ép buộc của Stalin, Bulgaria phải áp dụng triệt để chính sách cải tổ theo đường lối giáo điều và sắt máu của Liên Xô khiến nông dân nổi lên chống đối. Tháng 3-1954, Todor Zhivkov được bầu lên làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Bulgaria, đã linh động thay đổi một số chính sách nhằm thỏa mãn sự đòi hỏi của nông dân nên những chống đối bắt đầu lắng dịu.

Nhờ những cải tổ của Todor Zhivkov giúp cho việc sử dụng đất đai được hiệu quả, sự tăng trưởng của nền nông nghiệp đạt được tỷ lệ cao trong suốt hai thập niên kế tiếp. Tuy nhiên, vào giữa thập niên 50, nền công nghiệp của Bulgaria vẫn còn rất lạc hậu, số lao động không có công ăn việc làm rất nhiều, nên Bulgaria đã phải "xuất cảng" lao động sang Liên Xô. Từ giữa năm 1959, đảng Cộng sản Bulgaria bắt đầu đưa ra kế hoạch công nghiệp hóa, sau khi đã thành công trên mặt cải tổ nông nghiệp. Tổng bí thư Totor Zhikov được coi là người đầu tiên thiết kế nền công nghiệp của quốc gia này.

Trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, Bulgaria có một sự may mắn. Đó là từ cuối thập niên 40, Nam Tư dưới sự lãnh đạo của Tito ra mặt chống lại Liên Xô nên bị loại ra khỏi Quốc Tế Cộng Sản. Tại bán đảo Balkan chỉ còn một mình Bulgaria là quốc gia Cộng sản theo Liên Xô, và là nước có vị trí chiến lược để bành trướng chủ nghĩa, nên Liên Xô không muốn Bulgaria ngả theo Nam Tư mà giành quyền tự chủ. Do đó, Liên Xô đã phải đổ nhiều viện trợ vào Bulgaria để "cầm chân" nước này. Sự kiện đó đã giúp cho Bulgaria hưởng được mọi ưu đãi về viện trợ và xuất cảng hàng hóa sang Liên Xô và khối Comecon. Vì vậy mà chỉ không đầy hai thập niên sau đó, Bulgaria đã nhanh chóng trở thành một quốc gia "tân hưng công nghiệp" trong khối Cộng sản. Đương nhiên Bulgaria không thể sánh kịp với các nước Đông Đức hay Tiệp Khắc là những quốc gia đã tiến bộ về kỹ nghệ từ trước thế chiến, nhưng là một quốc gia công nghiệp lớn so với các nước Balkan bên cạnh.

Tuy nhiên, dù Liên Xô muốn "cầm chân" Bulgaria bằng cách dành cho nước này nhiều ưu đãi, nhưng về lâu dài cũng có lúc cạn sức. Do đó mà từ đầu thập niên 80 trở đi, tình trạng phát triển kinh tế của Bulgaria bắt đầu suy thoái. Bulgaria đã phải đưa ra luật vận động đầu tư từ các nước Tây Âu và nhanh chóng cải tổ cơ chế quản lý để thu hút vốn từ bên ngoài, đồng thời cho các xí nghiệp tự quản để gia tăng hiệu năng sản xuất. Từ tháng 1-1984, Bulgaria thay đổi một số lớn nhân sự lãnh đạo trong đảng và nhà nước, đưa một số cán bộ trẻ lên cầm quyền nhằm giúp củng cố sức mạnh cho triều đại Tổng bí thư Totor Zhikov. Nhưng đó cũng là lúc phát sinh ra những xung đột ý kiến trong nội bộ đảng về quan niệm "cải cách kinh tế phải đi đôi với cải cách chính trị, thực hiện dân chủ".

Khi Gorbachev cầm quyền ở Liên Xô đưa ra hai chính sách "cải tổ""tái phối trí" vào tháng 5-1985, Bulgaria là quốc gia đầu tiên theo chân Gorbachev, xóa bỏ chế độ bao cấp, bãi bỏ đặc quyền cho cán bộ đảng và bỏ tệ sùng bái lãnh tụ. Song song, từ tháng 7-1987, Bulgaria sát nhập 28 khu vực hành chánh trên toàn quốc để thành 9 khu vực và cải tổ chế độ bầu cử, công nhận nguyên tắc bầu cử, ứng cử đa thành phần. Nhưng nói chung, những cải tổ này chỉ mang tính cách hình thức nên quần chúng không quan tâm bao nhiêu. Cho đến khi phong trào đòi tự do dân chủ ở Đông Âu bùng nổ vào giữa năm 1989, nội bộ đảng cộng sản Bulgaria bị rúng động, và đã phải đưa ra một số biện pháp cải tổ tích cực hơn.

Những Diễn Biến Chính Trị

Khủng Hoảng Kinh Tế - Xã Nội Bùng Nổ

Trong hai thập niên 60 và 70, Bulgaria có sức phát triển mạnh về công nghiệp, nhưng nhiều vấn nạn cũng đã phát sinh. Đó là vấn đề ô nhiễm môi sinh, xử dụng năng lượng hoang phí, quản lý lạc hậu... khiến số nợ ngoại trái ngày một gia tăng. Tính đến năm 1984, Bulgaria đã nợ ngoại trái lên đến gần 60 tỷ Mỹ kim, trong khi đó, mức thu hoạch nông phẩm liên tục bị sút giảm do ảnh hưởng của thời tiết, và nhất là hạ tầng cơ sở nông nghiệp bị hư hỏng vì không đầu tư tu sửa trong gần hai thập niên dồn sức cho công nghiệp hóa. Ngoài ra, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa đã kéo theo tình trạng nông dân lũ lượt bỏ nông thôn về thành thị tìm việc làm, khiến cho thành phố mở rộng, nhiều thành phố tân lập được hình thành bên cạnh các nhà máy, công trường.

Việc đô thị hóa một cách nhanh chóng như vậy đòi hỏi những ngân khoản lớn để đầu tư vào việc xây dựng những cơ sở công cộng như chung cư, hệ thống giao thông, bưu điện, trường học, hoặc chỉnh đốn lại hệ thống phân phối hàng hóa liên quan đến đời sống của người dân v.v... nhưng chính phủ không sao đáp ứng nổi. Người đông nghẹt vào giờ đi làm mỗi buổi sáng, hàng hóa đắt đỏ, muốn bắt máy điện thoại tại tư gia phải chờ nhiều năm trời, thiếu các khu buôn bán ở những chung cư, nên mỗi lần mua sắm phải đến tận trung tâm thành phố. Hơn thế nữa, lối điều hành quan liêu, nhũng lạm của cán bộ hành chánh đã làm cho vấn đề phân phối hàng hóa bị rối loạn, những chính sách về dân sinh hoàn toàn bế tắc.

Vào những ngày nghỉ, từng đoàn người từ thành phố đổ về nông thôn để hái thêm rau trái hoặc mua ngũ cốc nhằm bù đắp vào sự thiếu hụt do tình trạng phân phối thiếu thốn ở các cửa hàng thương nghiệp nhà nước trong thành phố. Những căn phòng dưới hầm của các chung cư trở thành kho chứa lương thực mang từ các vùng quê, và cũng là nơi phát sinh thị trường chợ đen, làm đảo lộn sinh hoạt của dân chúng. Trong khi đó, chính phủ càng lúc càng bất lực trong việc đối phó, khiến cho sự mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân càng ngày càng bùng nổ lớn. Hàng ngày có từng nhóm người cầm cờ đứng trước các công sở đòi hỏi chính quyền phải giải quyết nạn khan hiếm hàng hóa, phải giải quyết tình trạng ô nhiễm môi sinh... Những chống đối của quần chúng tuy ở quy mô nhỏ, nhưng cũng đã làm cho hai khuynh hướng giáo điều và cải cách trong đảng Cộng sản Bulgaria bắt đầu có những xung đột về mức độ cải cách kinh tế.

Người Bảo Gốc Thổ Bỏ Nước Ra Đi

Những thay đổi ở Bulgaria gần giống như ở Liên Xô, tức là được tiến hành từ bên trên, dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản. Nhưng vào ngày 29-12-1984, một quyết định của Trung ương đảng về vấn đề người Bulgaria gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo cơ hội cho phong trào đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc ở các địa phương bộc phát, sau đó nhanh chóng biến thành làn sóng đòi cải cách chính trị. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng sắc tộc này bắt đầu từ sự kiện người Bulgaria gốc Thổ Nhĩ Kỳ muốn đổi tên sang gốc Slav (gốc Nga và Ba Lan), dưới phong trào "vận động đổi tên" có từ tháng 10-1984, nhưng chính quyền Cộng sản Bulgaria không đồng ý và tìm cách ngăn chận. Đến tháng 3-1985, khi chính quyền ra lệnh đóng cửa một tờ báo xuất bản bằng tiếng Thổ và sát hại gần 100 người Bảo gốc Thổ tích cực trong các cuộc vận động đòi đổi tên, thì cuộc vận động biến thành cuộc đấu tranh quy mô chống kỳ thị chủng tộc.

Suốt từ năm 1985 đến giữa năm 1988, phong trào chống kỳ thị bị chế độ Cộng sản đàn áp một cách dã man, nhiều người lãnh đạo phong trào bị bắt, nên những chống đối dần dần lắng đọng, dù những đòi hỏi của sắc dân Thổ Nhĩ Kỳ không hề được giải quyết. Cho đến tháng 10-1988, chính quyền Bulgaria công bố luật cho sửa đổi quốc tịch. Ngày 29-5-1989, Tổng bí thư Todor Zhivkov lên đài truyền hình và truyền thanh thông báo về quyết định cho đổi tên, đồng thời chính thức cho phép người dân Bulgaria được đi du lịch bất cứ nơi nào. Tin tức trên đã được nhanh chóng loan tải trên toàn quốc. Từ đầu tháng 6-1989, hàng ngàn người đã tìm cách đi ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, đặc biệt là những người Bulgaria gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Tính đến ngày 22-8-1989, số người ra đi đã lên đến 300 ngàn. Trước tình trạng đó, chính phủ Bulgaria đã phải ra lệnh đóng cửa biên giới.

Những người Bulgaria gốc Thổ ra đi phần lớn sống ở vùng rừng núi phía Nam và Tây Bắc Bulgaria, đa số sống về nghề nông. Họ bất mãn chính quyền Bulgaria về việc không cho họ đổi tên và quan trọng hơn là đã dùng bạo lực thủ tiêu những người lãnh đạo của sắc dân Thổ trong các năm trước đó. Khi những người Thổ bỏ xứ ra đi, lực lượng nhân công ở các vùng nông thôn bị thiếu hụt, mùa màng đến kỳ gặt hái mà không có người làm. Chính quyền đã phải động viên thanh niên và một số người thất nghiệp ở thành phố về trợ giúp, nhưng cũng không giải quyết nổi. Sự kiện này làm cho người dân Bulgaria tức giận và cho rằng chính quyền đã xua đuổi người dân ra khỏi lãnh thổ. Sự bất mãn về vấn đề kỳ thị chủng tộc cùng với tình trạng thiếu thốn lương thực đã tạo ra những chống đối ngấm ngầm, nhưng chưa có "điểm nóng" để bộc phát.

Các Nhóm Chống Chính Quyền Xuất Hiện

Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc là những nước công nghiệp đô thị từ trước Thế Chiến Thứ Nhất, nên người dân ở các nước này quen thuộc với những cuộc đấu tranh quần chúng dưới dạng đình công, lãn công, biểu tình. Trong khi đó, người dân Bulgaria đa số sống ở thôn quê, việc đô thị hóa chỉ có từ vài thập niên sau này, họ chưa quen thuộc với phương cách đấu tranh đó, cho nên những cuộc vận động của các tổ chức chống chính quyền chưa tạo được tác dụng lớn. Nhưng từ khi những tin tức xuống đường biểu tình ở các nước Ba Lan, Hung Gia Lợi được loan truyền một cách dồn dập và nhanh chóng vào Bulgaria, việc này đã giúp cho những nhóm chống chính quyền dễ dàng hô hào quần chúng tham dự các cuộc biểu tình bày tỏ nguyện vọng.

Năm 1987, một số trí thức thành lập "Hội ủng hộ dân chủ chủ nghĩa" nhưng cũng chỉ giới hạn trong một số người ở thủ đô Sofia, vì chưa có điểm tựa để bung ra quần chúng. Đến tháng 4-1989, do ảnh hưởng của phong trào chống môi sinh ở các nước Âu Châu và nhất là ở Hung Gia Lợi, một số trí thức thành lập tổ chức "Chống Ô Nhiễm Môi Sinh", nhưng vì vấn đề còn quá mới nên quần chúng ít quan tâm. Mãi cho đến tháng 10-1989, lợi dụng cuộc Hội nghị về Môi sinh của các nước Âu Châu nhóm họp tại Sofia, thủ đô Bulgaria, từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11-1989, hai tổ chức trên đã thực hiện một số cuộc biểu tình chống chính phủ. Người dân Bulgaria chưa bao giờ có truyền thống biểu tình chống chính quyền, mà lần này, hai tổ chức trên huy động được vài ngàn người tham gia một cách liên tục trong nhiều ngày, nên sự việc trên được coi là biến cố lớn. Tuy vậy, các cuộc biểu tình của hai nhóm trên cũng chưa tạo được động lượng trong dân chúng.

Vì những yếu tố nói trên, những thay đổi ở Bulgaria trong thời gian đầu, phần lớn là do những biến chuyển chính trị từ các nước Đông Đức, Ba Lan, Hung Gia Lợi tác động vào, khiến cho nội bộ đảng Cộng sản Bulgaria bắt buộc phải cải tổ, hơn là do sự chống đối mạnh mẽ của người dân như ở các nước khác. Do đó, khi Todor Zhivkov xin từ chức Tổng bí thư vì lý do sức khoẻ, tin này được loan ra ngoài khiến đa số dân chúng Bulgaria ngạc nhiên. Bởi vì phần lớn người dân vẫn nghĩ rằng quyền lực của Todor Zhivkov rất vững vàng (cai trị 35 năm), và vì khôn ngoan đi bước đổi mới trước khi Gorbachev đưa ra chính sách "tái phối trí" nên đã tạo cho người dân có ấn tượng là triều đại Todor Zhivkov khó bị thay thế. Trong thực tế, Todor Zhivkov từ chức không phải vì lý do sức khoẻ mà là do Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Bulgaria ngày 10-11-1989 ép phải từ chức, một ngày sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ (9-11-1989).

Chấp Nhận Tổng Tuyển Cử Tự Do

Sau khi thay thế Todor Zhivkov để lên làm Tổng bí thư, Peter Mladenov tuyên bố Bulgaria phải tiến đến một quốc gia dân chủ pháp trị, chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Ngày 14-11-1989, Tổng bí thư Peter Mladenov mở các cuộc đối thoại với thành phần văn nghệ sĩ, trí thức chống đối, để kêu gọi sự hợp tác. Ngày 16-11-1989, Peter Mladenov giải nhiệm một số nhân vật thuộc phe cựu Tổng bí thư Todor Zhivkov gồm Dimital Stoyanov và 3 ủy viên Bộ chính trị khác, cộng thêm con trai của cựu Tổng bí thư Todor Zhivkov là Viladimil Zhikov, ra khỏi Bộ chính trị. Tổng bí thư Peter Mladenov đề cử Andrei Lukanov, nguyên là Bộ trưởng Ngoại thương từ thời Zhikov cầm quyền (1987), được coi là nhân vật thân Liên Xô và ủng hộ đường lối cải cách của Gorbachev, vào Bộ chính trị. Qua hôm sau, 17-11-1989, Quốc hội bỏ phiếu bầu Peter Mladenov làm Chủ tịch nước, đồng thời biểu quyết hủy bỏ điều 237 của bộ Luật Hình Sự có nội dung ngăn cấm mọi hoạt động chính trị của người dân, và quyết định phóng thích tù nhân chính trị.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Tổng bí thư Peter Mladenov chỉ trích cựu Tổng bí thư Todor Zhivkov đã lạm dụng quyền hành, biển thủ công quỹ quốc gia. Ông cũng tuyên bố rằng Bulgaria phải tiến đến việc thực hiện Tổng tuyển cử tự do. Ngày hôm sau, Andrei Lukanov tuyên bố thêm rằng cuộc tuyển cử này sẽ được tiến hành theo thể thức đa đảng. Nương theo chiều hướng này, hai tổ chức "Chống Ô Nhiễm Môi Sinh" và "Hội Ủng Hộ Chủ Nghĩa Dân Chủ" đã tổ chức một cuộc biểu tình tại thủ đô Sofia vào ngày 18-11-1989, lên án cựu Tổng bí thư Todor Zhivkov và đòi quyền tự do ngôn luận. Ngoài ra cũng vào lúc đó, một nhóm trí thức, phần lớn thuộc các đại học và viện khoa học, đã ra một kháng thư đòi hỏi đảng Cộng sản Bulgaria phải tôn trọng những điều căn bản về nhân quyền và phi chủ nghĩa trong vấn đề giáo dục.

Tiếp theo sau cuộc biểu tình của hai tổ chức "Chống Ô Nhiễm Môi Sinh" và "Hội Ủng Hộ Chủ Nghĩa Dân Chủ", ngày 7-12-1989, một số trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên và quần chúng đã cho ra đời tổ chức "Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ", bầu triết gia Zhelyu Zhelev làm Chủ tịch. Đây là một cơ chế có chức năng quy tụ những cá nhân, nhóm, tổ chức chống đối nhà nước Cộng sản, nhằm chuẩn bị lực lượng để tham gia cuộc Tổng tuyển cử tự do. Sau khi thành lập, Liên Minh đã tổ chức một cuộc mít tinh vào ngày 9-12-1989. Sau đó, Liên Minh đứng ra tổ chức một Hội Nghị Bàn Tròn giữa các đoàn thể đối lập để yêu cầu đảng Cộng sản Bulgaria hủy bỏ điều 1 hiến pháp (quy định Bulgaria là một quốc gia theo chủ nghĩa xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản), và giải quyết những đòi hỏi của người Bulgaria gốc Thổ.

Hội Nghị Bàn Tròn Và Tổng Tuyển Cử

Vào lúc đảng Cộng sản Bulgaria chấp nhận mở Hội Nghị Quốc Dân, nội bộ đảng đã bắt đầu chia ra nhiều hệ phái khác nhau như đã trình bày bên trên. Hội nghị khởi sự từ trưa ngày 8-1-1990, với phần phát biểu quan điểm và ý kiến của từng đoàn thể, tổ chức, cho đến ngày 12-1-1990 thì họp đúc kết để đưa ra một tuyên bố chung. Ngày 17-1-1990, trên trang nhất của các nhật báo đã đăng bản Tuyên Ngôn của Hội Nghị gồm có bốn điểm chính như sau: 1) Xác nhận nguyên tắc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ; 2) Tất cả mọi người dân đều được bình đẳng trước pháp luật và chính quyền cam kết tôn trọng mọi sự hoạt động tự do của các tôn giáo cũng như quyền tự do tín ngưỡng của các sắc dân; 3) Mọi người dân có quyền tự do chọn lựa tên và có thể sử dụng bất cứ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Bulgaria, nếu những nơi đó không là chỗ công cộng; 4) Tôn trọng quốc kỳ và phù hiệu quốc gia hiện hữu.

Ngày 15-1-1990, Quốc hội nhóm họp chính thức thông qua việc bãi bỏ điều khoản quy định trên hiến pháp vai trò lãnh đạo đất nước của đảng Cộng sản. Ngày 16-1-1990, ba tổ chức gồm: đảng Cộng sản Bulgaria, Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ và Liên Minh Nông Dân tham dự Hội Nghị Bàn Tròn để thảo luận về một số nguyên tắc tổ chức cuộc Tuyển cử tự do và thành lập chính quyền liên hiệp. Ngày 22-1-1990, Hội Nghị Bàn Tròn đã mở rộng thêm sự tham gia của một số tổ chức chống đối khác để thống nhất quan điểm về cuộc bầu cử và thành lập chính quyền liên hiệp. Ngày 30-1-1990, Đại hội lâm thời của đảng Cộng sản Bulgaria khai mạc tại thủ đô Sofia, biểu quyết đổi tên thành Đảng Xã Hội Bulgaria, thông qua Cương Lĩnh và Điều lệ mới, đồng thời biểu quyết nội quy cấm cán bộ lãnh đạo đảng kiêm nhiệm hai trách vụ đảng và nhà nước cùng một lúc. Đại hội đảng đã bầu Alexander Lirov lên làm Chủ tịch đảng.

Để tiến tới việc thành lập chính quyền liên hiệp chuyển tiếp cho đến khi tổ chức xong cuộc Tuyển cử tự do vào tháng 6-1990, nội các Georgi Atanasov tổng từ chức vào ngày 1-2-1990, đại diện ba đảng gồm đảng Xã Hội Bulgaria (nguyên là đảng Cộng sản), Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ và Liên Minh Nông Dân sắp xếp nhân sự ra nắm chính quyền. Tuy nhiên việc thành lập nội các gặp nhiều trở ngại vì phe Cộng sản muốn nắm giữ những bộ quan trọng. Ngày 3-2-1990, Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ tuyên bố không tham gia vào chính phủ liên hiệp, đến ngày 7-2-1990 thì nhóm Liên Minh Nông Dân cũng tuyên bố rút lui. Cuối cùng, ngày 13-2-1990, đảng Xã Hội Bulgaria đơn độc thành lập chính quyền, đề cử Andrei Lukano ra làm Thủ tướng. Ngày 25-2-1990, các tổ chức chính quyền đã tổ chức mít tinh ngay tại thủ đô Sofia để biểu dương lực lượng nhằm áp lực đảng cầm quyền đẩy mạnh việc cải tổ chính trị.

Từ tháng 3-1990 trở đi, đảng Xã Hội Bulgaria đã tổ chức những cuộc thảo luận bàn tròn với các tổ chức chống đối. Trong khi đó, Thủ tướng Andrei Lukano cũng thỏa mãn một số yêu sách đòi tăng lương cho công nhân và giải quyết vấn đề "đổi tên" của sắc dân Thổ Nhĩ Kỳ. Nói chung những nỗ lực của nội các Andrei Lukano đã làm cho những cuộc đình công, biểu tình tạm lắng đọng. Tất cả mọi sinh hoạt chính trị đều dồn vào cuộc vận động tranh cử. Ra tranh cử, ngoài các ứng viên của đảng Xã Hội Bulgaria còn có ứng viên của một số tổ chức chống chính quyền như Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ, Liên Minh Nông Dân, đảng Dân Chủ Cấp Tiến và Phong Trào Vận Động Tự Do và Quyền Lợi của người Bảo gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trừ Liên Minh Nông Dân đã có cơ sở vững chắc ở các tỉnh, những đảng chống đối khác vì mới thành lập trong một thời quá ngắn, thiếu phương tiện vận động, chỉ tập trung ở thủ đô và một số thành phố lớn, nên đảng Xã Hội Bulgaria đã chiếm nhiều ưu thế. Kết quả đảng này về nhất chiếm 211 ghế, Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ được 144 ghế, các nhóm Liên Minh Nông Dân, đảng Dân Chủ Cấp Tiến và Phong Trào Vận Động Tự Do và Quyền Lợi chỉ chiếm được 45 ghế.

Những Khủng Hoảng Chính Trị Mới

Tin tức thắng lợi của đảng Xã Hội Bulgaria đã tạo thêm sự bất mãn trong giới trí thức, nhất là những nhóm ủng hộ Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ. Vì vậy, từ ngày 12-6-1990, tức ngay sau ngày công bố kết quả cuộc tuyển cử, sinh viên và giáo sư đã chiếm đại học Sofia, căng lều vải tại công trường đối diện với văn phòng trung ương của đảng Xã Hội Bulgaria, để chống kết quả tuyển cử. Họ đã phát động phong trào "Sự Thật" để vạch trần những tội ác của đảng Cộng sản, đòi hỏi Chủ tịch nước Peter Mladenov và Thủ tướng Andrei Lukano từ chức.

Nhóm chống đối đã cho công bố bạch thư tố cáo cựu Tổng bí thư Peter Mladenov đã ra lệnh cho công an dùng vũ lực đàn áp cuộc biểu tình ngày 2-12-1989 tại thủ đô Sofia. Phong trào "Sự Thật" đã nhanh chóng lan rộng trên toàn quốc với sự hưởng ứng mạnh mẽ của sinh viên và quần chúng. Ngày 6-7-1990, Peter Mladenov phải lên đài truyền hình thú nhận rằng chính ông ta đã ra lệnh đàn áp cuộc biểu tình, và sau đó tuyên bố từ chức Chủ tịch nước. Phong trào chống đối của giới trí thức tiếp tục đòi hỏi chức vụ Chủ tịch nước không được bầu cho đảng Xã Hội Bulgaria và toàn bộ lãnh đạo đảng này phải từ nhiệm. Tình thế này đã đẩy đảng Xã Hội vào cuộc khủng hoảng mới, Alexander Lirov phải tuyên bố từ chức Chủ tịch đảng để hy vọng cứu vãn tình hình, nhưng cuộc đấu tranh càng lúc càng bùng nổ lớn.

Ngày 10-7-1990, tân quốc hội nhóm họp không có Chủ tịch nước, thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp mới. Ngày 19-7-1990, các nhóm chống đối đã chiếm được xác ướp của Georgi Dimitrov, cha đẻ của đảng Cộng sản Bulgaria từ năm 1947, và đem ra hỏa thiêu tại một nghĩa trang trong thủ đô. Hành động này đã chạm đến tự ái của những thành viên đảng Cộng sản, khiến cho nhiều nơi xảy ra các cuộc xô xát giữa thành viên đảng Cộng sản với các nhóm sinh viên, trí thức chống đối. Ngày 28-7-1990, hơn 250 ngàn cựu đảng viên Cộng sản tổ chức mít tinh vừa để vinh danh Georgi Dimitrov, vừa lên tiếng công kích các tổ chức chống đối. Nhưng các lực lượng chống chính quyền và phong trào "Sự Thật" không ngồi yên. Họ tiếp tục tổ chức biểu tình, mít tinh và hô hào đình công trên toàn quốc, khiến cả nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ.

Ngày 1-8-1990, tân quốc hội tái nhóm để bầu lại Chủ tịch nước (Peter Mladenov đã từ chức). Quốc hội bỏ phiếu đến 5 lần mà không có ai đạt được 2-3 số phiếu theo yêu cầu. Cuối cùng, đảng Xã Hội Bulgaria dồn phiếu cho Zhelyu Zhelev, chủ tịch Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ lên làm Chủ tịch nước (Tổng thống) với 284/389 phiếu, vì nghĩ rằng nhân vật này không có nhiều kinh nghiệm chính trị, trước sau gì cũng sụp đổ. Nhưng sự kiện Zhelyu Zhelev được bầu làm Tổng thống đã nói lên sự thắng thế của các phe chống đối, giải quyết phần nào những bất mãn đối với đảng cầm quyền nên tình hình bắt đầu lắng đọng. Ngày 16-12-1990, Andrei Lukano tuyên bố từ chức Thủ tướng, Demiter Popov được đề cử lên thay thế. Nhưng từ giữa tháng 8-1991 trở đi, các cuộc đình công và biểu tình của công nhân lại bắt đầu bùng nổ vì bất mãn trước một số cải tổ kinh tế của chính phủ Demiter Popov. Khoảng 27 ngàn trong số 75 ngàn thợ mỏ than đá trên toàn quốc đã đình công, đòi hỏi nhà nước phải tăng lương và nâng cao đời sống. Họ đòi tăng mức lương căn bản từ 40 Mỹ kim lên ít nhất 130 Mỹ kim một tháng.

Tháng 1-1992, Bulgaria tổ chức bầu cử Tổng thống, nhưng không có ứng viên nào sáng giá ngoài đương kim Tổng thống hiện tại, triết gia Zhelyu Zhelev được tái đắc cử thêm nhiệm kỳ thứ hai. Tình hình Bulgaria bắt đầu ổn định cho đến tháng 10-1992 thì bắt đầu có sóng gió, khi báo chí phanh phui một vụ buôn bán vũ khí giữa chính phủ Bulgaria với cộng hòa Macedonia. Đề tài này trở thành mục tiêu tấn công của đảng Xã Hội Bulgaria, khiến cho Thủ tướng Dimitrov phải từ chức. Cuối tháng 12-1992, Lyuben Berov, một trí thức không thuộc đảng phái nào được đề cử lên làm Thủ tướng.

Đảng Cộng Sản Thắng Thế Trở Lại

Bước vào năm 1993, tình hình chính trị của Bulgaria gặp rất nhiều khủng hoảng, từ giữa tháng 6 đến tháng 7-1993, nội bộ chính quyền đã xảy ra một số mâu thuẫn về các chính sách cải cách kinh tế, khiến cho công nhân, sinh viên tổ chức các cuộc đình công, biểu tình để đòi Tổng thống Zhelyu Zhelev và Thủ tướng Lyuben Berov từ chức. Tuy những chống đối này không bùng nổ lớn như các năm trước đó, nhưng nó cũng đã khiến cho Bulgaria ở trong tình trạng bất ổn chính trị, khó có thể thu hút đầu tư từ bên ngoài như mong muốn. Mặc dù từ tháng 9-1990, dưới sự cố vấn của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Bulgaria chuyển hướng sang kinh tế thị trường, nhưng đến đầu năm 1992 mới thực sự khởi động việc này. Đến tháng 4-1992, Quốc hội mới thông qua đạo luật giải tư các xí nghiệp quốc doanh và từ tháng 4-1993 mới tiến hành việc khuyến khích tư doanh.

Bulgaria cũng cho tự do hóa việc buôn bán nhiên liệu và hàng hóa, nâng lãi suất tiền tệ và định lại mức hối đoái, nhưng tình trạng thất nghiệp gia tăng, nhất là lương căn bản của công chức và công nhân không thể theo kịp đà lạm phát lên đến 200%, vì vậy các cuộc đình công đòi tăng lương của công nhân viên chức vẫn liên tục bộc phát, khiến cho các hoạt động kinh tế bị khủng hoảng nặng nề. Đặc biệt là trong nhiều năm, nền kinh tế Bulgaria hoàn toàn tùy thuộc vào Liên Xô và khối Comecon, nên sau khi khối này tan rã, Bulgaria không có khả năng điều chỉnh thị trường nội địa, nhất là nguồn nhiên liệu từ bên ngoài. Về phương diện nông nghiệp, từ tháng 3-1992, Bulgaria công bố Luật Đất Đai, chính thức công nhận quyền tư hữu và đưa ra chính sách khuyến khích tiểu nông. Nhưng vấn đề này cũng tạo ra mầm mâu thuẫn chính trị, khi chính quyền Bulgaria không công bằng trong việc hoàn trả lại ruộng đất đã từng bị đảng Cộng sản tịch thu vào những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến cho những chủ đất cũ.

Ngày 18-12-1994, khoảng 5 triệu cử tri Bulgaria đã đi bầu Quốc hội (trước thời hạn). Trong cuộc bầu cử này, đảng Xã Hội Bulgaria không chỉ vượt qua đối thủ của mình là tổ chức Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ mà còn chiếm được quá bán với 125 ghế trên tổng số 240 ghế trong quốc hội. Trong khi đó Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ chỉ còn có 69 ghế (mất 41 ghế), Liên Minh Nông Dân chiếm 19 ghế, Phong Trào Vận Động Tự Do và Quyền Lợi chiếm 16 ghế. Nguyên do đưa đến sự thắng thế trở lại của đảng Xã Hội Bulgaria (cựu Cộng sản) có thể nhìn thấy là từ sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10-1991, tình hình kinh tế, chính trị và xã hội chưa được cải thiện nhiều để đáp ứng sự mong đợi của người dân. Trong khi đó chính phủ của Liên Minh Các Thế Lực Dân Chủ và sau đó là chính phủ không đảng phái của Thủ tướng Lyuben Berov đã không đủ sức giải quyết những nan đề do chế độ Cộng sản để lại trong nhiều năm trước như lạm phát, sản xuất suy giảm, tình trạng thất nghiệp lan tràn, nhất là các tệ nạn xã hội gia tăng. Dân chúng thì lại nóng lòng muốn được tăng lương, có công việc làm ổn định. Đảng Xã Hội Bulgaria đã tung ra nhiều hứa hẹn và vì còn những cơ sở đảng vững vàng ở nhiều địa phương nên đã chiếm ưu thế trong kỳ bầu cử.

Kết Luận

Trong các đảng Cộng sản tại Đông Âu cũ, đảng Cộng sản Bulgaria được coi là một đảng vô cùng trung thành với Liên Xô về mọi phương diện. Đặc biệt là việc Tổng bí thư Todor Zhivkov đưa ra chính sách công nghiệp hóa được Liên Xô giúp đỡ để "cầm chân" nước này trong vùng Balkan, điều này vô hình chung đã giúp cho triều đại Todor Zhivkov vững chắc, với 35 năm độc chiếm quyền lực cai trị. Tuy vậy, Bulgaria cũng không đi ra khỏi cảnh ngộ chung của các nước Cộng sản là luôn luôn phải đối phó với một nền kinh tế khủng hoảng, mặc dù trên bình diện chính trị vẫn ổn định. Hơn nữa, Bulgaria vốn là một quốc gia nông nghiệp, đa số dân chúng sống ở nông thôn, ít có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, cho nên ý thức chống đối chỉ tiềm ẩn trong thành phần trí thức, quần chúng ở các thành phố lớn.

Ngoài ra, khi phong trào đòi tự do dân chủ lan sang đến Đông Đức, và khi bức tường Bá Linh sụp đổ (9-11-1989), đảng Cộng sản Bulgaria đã đi trước tình hình, thay thế Tổng bí thư Todor Zhivkov bằng Peter Mladenov vào ngày 10-11-1989. Lúc đó, những cuộc biểu tình đầu tiên của quần chúng chỉ vừa xảy ra ở thủ đô Sofia, quy tụ chỉ được vài ngàn người. Tổng bí thư Peter Mladenov đã thay đổi chính sách rất nhanh, tuyên bố cho phép dân chúng hoạt động chính trị, tổ chức tổng tuyển cử tự do vào tháng 6-1990. Đặc biệt, chính Peter Mladenov lại công kích cựu Tổng bí thư Todor Zhivkov là không chịu cải cách chính trị, sau đó trực tiếp gặp gỡ giới văn nghệ sĩ, trí thức để kêu gọi hợp tác. Đòn giải nhiệt nhanh chóng này khiến cho quần chúng bỡ ngỡ, các tổ chức chống đối mất mục tiêu tấn công, và khiến cho phong trào đấu tranh bị mất ngay động lượng khi mới phát động.

Tuy nhiên, khi các tổ chức chống đối nhanh chóng đổi mục tiêu đòi thay đổi chế độ bằng cách tấn công vào bản chất độc tài của đảng Cộng sản, thể hiện qua Nghị quyết của Bộ chính trị về vấn đề sắc tộc Thổ, thì cục diện cũng nhanh chóng thay đổi. Các tổ chức đã dùng "điểm nóng" của vấn đề chủng tộc để kích động quần chúng, nhưng chưa đủ, họ đã gia tăng cường độ đấu tranh bằng việc đòi truy tố những cán bộ lãnh đạo đảng trong quá khứ ra tòa, nhằm tấn công vào tư thế lãnh đạo của Bộ chính trị. Lúc đó, đảng Cộng sản Bulgaria hoàn toàn rơi vào tình trạng lúng túng. Cuối cùng Bộ chính trị phải chấp nhận mở Hội Nghị Quốc Dân, để đối thoại trực tiếp với các tổ chức đối lập. Đây là phương cách mà hầu hết các đảng Cộng sản đều áp dụng để mua thời gian tìm các biện pháp cứu nguy. Thông thường, các đảng phái chống chính quyền Cộng sản đều thắng lớn trong các cuộc Tuyển cử tự do đầu tiên, nhưng Bulgaria lại xảy ra hoàn toàn trái ngược.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét