* Nhà báo Giao Chỉ Vũ Văn Lộc
MỞ ĐẦU
Tháng 4-1975 Sài Gòn thất thủ và từ đó quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa trình diện học tập cải tạo. Trong số hàng trăm ngàn chiến binh bị tù đày không người nào nghĩ rằng sẽ có ngày thiên đường Sô Viết xụp đổ. Khi cộng sản Việt Nam chiến thắng Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ là lúc chế độ cộng sản toàn thế giới trở thành vô địch.
Đầu năm 1990, những người tù cải tạo đầu tiên được HO qua Hoa Kỳ, bước xuống phi trường San Francisco vẫn tưởng trong giấc mơ. Dù vậy cũng không ai nghĩ rằng chỉ một năm sau đảng cộng sản Liên Sô giải tán, toàn bộ Liên Bang Sô Viết xụp đổ.
Làm sao khối Cộng vĩ đại với hơn 70 năm xây dựng nên đế quốc Đỏ, thống trị một phần hai đất đai và ba phần tư dân số toàn cầu mà lại có ngày tan rã một cách nhẹ nhàng không cần đến binh đao?
Câu chuyện phải được ghi lại bằng những biến cố tiệm tiến rất đơn giản bắt đầu năm 1978 từ nước Ba Lan, một quốc gia Đông Âu trong Liên Bang Sô Viết.
Lịch sử của Ba Lan là chuỗi dài của bất hạnh từ thế chiến thứ nhất qua thế chiến thứ hai. Nằm giữa chiến trường Âu châu, Ba Lan luôn luôn chịu đựng sự xâm chiếm xâu xé của Đức và Nga. Trải qua biết bao năm trầm luân dâu bể.
Sau khi Đồng Minh thắng Đức Quốc Xã, ba vị nguyên thủ của Anh Mỹ và Nga đã thỏa hiệp trao toàn bộ Đông Âu cho Sô Viết. Sau đó bức màn sắt buông xuống và 10 quốc gia chìm trong lửa đỏ, trở thành chư hầu của Điện Cẩm Linh. Âu châu chia đôi thành hai khối Đông và Tây Âu. Riêng nước Đức bị cắt đôi chia cho mỗi bên một nửa.
Xin kể lại một lần danh tính một số các nước Đông Âu mà tên tuổi thường được nhắc đến: Ba Lan (Poland), Tiệp Khắc (Czechslovakia), Nam Tư (Yugoslavia), Lỗ Mã Ni (Romania), Hung Gia Lợi (Hungary), Bảo Gia Lợi (Bulgaria) v.v...
Trên bản đồ địa lý, dòng sông Danube nổi tiếng chảy ngang Âu châu ra Địa Trung Hải đã chia đôi bờ Quốc Cộng. Tả ngạn Đông Âu là cộng sản và Hữu ngạn Tây Âu là các quốc gia tự do. Trên dòng sông Xanh lịch sử với điệu Valse quay cuồng bất hủ chảy êm đềm giữa bờ trắng tự do và bờ đỏ đầy máu lửa.
NGÀY THÁNG LỊCH SỬ
Những ngày tháng lịch sử sau đây đã thổi cơn gió ngược lần lượt làm xụp đổ toàn bộ các chế độ cộng sản Đông Âu.
16-10-1978: Đức giám mục Ba Lan lần đầu tiên được bầu vào chức vụ Giáo Hoàng La Mã trở thành Gioan Phaolo II. Nước Ba Lan trở thành ngôi sao của Thiên Chúa Giáo tại Đông Âu.
02-07-1979: Giáo Hoàng Thiên Chúa Giáo của La Mã về thăm quê hương Ba Lan cộng sản.
04-10-1980: Công đoàn Đoàn Kết thành lập tại Ba Lan. Một người thợ vô danh tên Lech Waless lên làm chủ tịch. Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ bắt đầu.
13-12-1981: Chính quyền cộng sản Ba Lan thiết quân luật, đàn áp Công đoàn Đoàn Kết, bắt nhốt lãnh tụ Lech Walesa.
24-12-1981: Hoa Kỳ cấm vận Ba Lan để trừng phạt chính quyền cộng sản.
07-06-1982: Tổng thống Hoa Kỳ Reagan gặp Đức Giáo Hoàng Phaolo II.
12-12-1982: Lãnh tụ Lech Walesa được chính quyền Cộng sản Ba Lan trả tự do.
20-12-1985: Mikhail Gorbachev nhận chức tổng bí thư đảng cộng sản Nga, đưa ra chính sách cởi mở và tái phối trí.
12-05-1988: Công đoàn Đoàn Kết tổng đình công làm tê liệt Ba Lan.
04-06-1989: Ba Lan tổng tuyển cử, lần đầu tiên tại nước cộng sản phe công đoàn dân tỵ nạn chủ thắng lớn.
30-09-1989: Phong trào tỵ nạn cộng sản bùng nổ bằng những xe lửa. Ba mươi ngàn dân Đông Âu từ Áo, Tiệp Khắc băng ngang Hung Gia Lợi và Đông Đức để vào Tây Đức.
23-10-1989: Tổng tuyển cử tại Hung Gia Lợi, phe cộng thua, phe Dân Chủ lên cầm quyền.
09-11-1989: Dân chúng đứng lên phá xập bức tường Bá Linh.
17-11-1989: Bầu cử tự do tại Bulgaria. Chế độ cộng sản tan rã.
28-11-1989: Biến chuyển tại Tiệp Khắc. Lần đầu tiên có đối thoại giữa phe Cộng Sản và Dân Chủ. Việc này dẫn đến tổng tuyển cử 1990.
01-12-1989: Quốc Hội Đông Đức quyết định giải tỏa vai trò áp đặt của đảng cộng sản trên chính quyền.
25-12-1989: Mặt trận cứu quốc nổi dậy xử tử nhà độc tài Ceaucescu. Chính quyền Lỗ Ma Ni xụp đổ.
03-10-1990: Cộng sản Đông Đức tan rã. Nước Đức thống nhất.
12-06-1991: Borris Yeltsin lên làm thổng thống Nga.
19-08-1991: Phe quân nhân và cộng sản giáo điều đảo chánh Tổng bí thư Gorbachev nhưng thất bại.
24-8-1991: Nikhail Gorbachev tuyên ngôn giải tán đảng cộng sản Nga và từ chức tổng bí thư.
17-12-1991: Liên Bang Cộng Hòa Sô Viết giải tán. Chế độ cộng sản tan rã toàn diện tại Nga và tất cả các quốc gia Đông Âu.
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
Với diễn tiến như trên, cuộc cách mạng dân chủ nảy mầm từ quốc gia Ba Lan năm 1980 và phát động mạnh mẽ toàn Đông Âu vào năm 1989 để chấm dứt tại Mạc Tư Khoa vào cuối năm 1991.
Ba Lan là nơi khởi động của cách mạng dân chủ tại Đông Âu trong tay một người thợ vô danh sau này lãnh giải Nobel Hòa Bình.
Đông Âu tan rã làm xụp đổ luôn cả đảng cộng sản Nga và Liên Bang Sô Viết.
Con đường đi của cuộc cách mạng dân chủ thành công là 12 năm.
Những dữ kiện kể trên được ghi lại đầy đủ trong một tác phẩm có tựa đề là "Đông Âu tại Việt Nam."
Tác giả là Lý Thái Hùng, sinh quán tại Bình Định, du học tại Nhật Bản, tốt nghiệp cao học về công chánh tại đại học Tokyo.
Sau tháng 4-1975, ông là thành viên của Người Việt Tự Do tại Nhật Bản và sau này sáp nhập vào Mặt Trận của tướng Hoàng Cơ Minh.
Hiện nay ông là Tổng thư ký của Đảng Việt Tân.
Cuốn sách của tác giả viết về Đông Âu là một tài liệu sưu tầm hết sức công phu gồm có 10 chương xin được lược kể như sau:
1). Tổng quát về Đông Âu. 2). Ba Lan, ngọn lửa dân chủ khơi dậy. 3). Hung Gia Lợi, cuộc cách mạng dân chủ. 4). Cách mạng tại Đông Đức. 5). Cách mạng tại Tiệp Khắc. 6). Bảo Gia Lợi. 7). Lỗ Ma Ni. 8). Nam Tư. 9). Việt Nam trước cơn bão dân chủ Đông Âu và sau cùng. 10). Đông Âu tại Việt Nam.
Trải qua 10 chương sách, ghi dấu sự biến chuyển hết sức mạnh mẽ của toàn khối chư hầu Đông Âu để rồi làm xụp đổ cả đế quốc đỏ trong 12 năm. Ngoại trừ máu đổ ở Lỗ Ma Ni vì lý do chủng tộc vào tôn giáo. Ngoài ra, tất cả các nơi khác đều có thể gọi là cuộc cách mạng nhung. Mọi diễn tiến rất nhịp nhàng và được coi là những biến chuyển hoàn toàn do đấu tranh chính trị với sức ép từ trong ra ngoài.
NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ
Suốt 12 năm kể trên từ 1978 đến 1991 với những khởi động đôi khi rất khách quan định mệnh khi vị hồng y Ba Lan đầu tiên lên ngôi giáo hoàng ở La Mã. Chuyến hồi hương với hàng triệu tín đồ đón tiếp ngay tại nước Ba Lan cộng sản rồi cuộc gặp gỡ với tổng thống Hoa Kỳ, Reagan. Công đoàn ra đời, Hoa Kỳ cấm vận. Những mẩu tin rời rạc đã đan kết vào nhau làm thành một biến chuyển lịch sử vô cùng quan trọng.
Theo chân những dữ kiện với ngày tháng liệt kê và cũng dựa vào tài liệu trong sách của tác giả, chúng tôi xin khai triển thêm để quý độc giả đọc mà giải đoán con đường mà nhân loại đã trải qua ở Âu châu.
Trước hết là khối Đông Âu gồm các tiểu quốc nằm gần nhau, tất cả đều bị Nga thống trị và mỗi nước đều do một đảng cộng sản thân Nga cầm quyền. Hai nước đông dân nhất là Ba Lan có 38 triệu rồi đến Lỗ Ma Ni 22 triệu. Các nước khác từ 5 đến 10 triệu dân. Tổng số Đông Âu lối 100 triệu có thể so sánh với 80 triệu dân Việt hiện nay.
Tuy nhiên, sau khi thoát khỏi chế độ cộng sản, trải qua hơn 15 năm xây dựng lại, ngày nay tình hình các nước đều khả quan và lợi tức mỗi người dân mỗi năm trung bình từ 10 ngàn Mỹ kim (Bảo Gia Lợi) lên đến 20 ngàn Mỹ kim (Tiệp Khắc).
Báo chí thế giới vừa loan tin đáng lưu ý là Ba Lan lần đầu tiên tổ chức giải Hoa Hậu Thế Giới tại thủ đô Warsaw vào tháng 9-2006.
Bây giờ cả thế giới lại có dịp hướng về Ba Lan, nơi mà người đẹp 104 quốc gia về thủ đô Warsaw đua sắc tranh tài. Hai tỷ người theo dõi qua truyền hình trực tiếp của 200 quốc gia. Không còn những hình ảnh đau thương mà chỉ còn lại nhan sắc lên ngôi với ngàn tía muôn hồng.
Nước Ba Lan đã cố bỏ lại phía sau những kỷ niệm đau thương của thời kỳ Đức Quốc Xã, rồi đến qua giai đoạn tàn khốc Nga Sô cai trị. Biết bao nhiêu nấm mồ chôn tập thể đã tìm thấy cùng với số lượng khổng lồ dân Ba Lan và Ba Lan gốc Do Thái đã hoàn toàn mất tích. Những nhà thơ cách mạng Ba Lan đã từng viết nên vần thơ thống khổ. "Biết bao giờ đứa trẻ Ba Lan lại được ăn những trái táo Ba Lan. Cây táo trồng ở Warsaw nhưng lại ra trái ở Mạc Tư Khoa."
BÌNH MINH CỘNG SẢN
Khi cuộc cách mạng vô sản Sô Viết bắt đầu vào lúc bình minh của thế kỷ thứ 20 như là một cao trào vĩ đại để giải quyết vấn nạn người bóc lột người, nhân loại tưởng chừng đã giải được bài toán toàn diện cho cuộc sống. Nhưng cuộc cách mạng Đỏ phải trả giá bằng binh đao và sự hy sinh của nhiều thế hệ. Kết quả thay vì bình đẳng và cơm áo thì chỉ thấy xương máu đọa đày và một giai cấp mới đã lên ngôi thống trị với bộ máy công an theo dõi từng người dân vào cả trong giấc ngủ.
HOÀNG HÔN SÔ VIẾT
Sau hơn 70 năm, bắt đầu từ Ba Lan và hoàn toàn bằng phương pháp đấu tranh chính trị, cuộc cách mạng Xanh đã nẩy mầm làm xụp đổ toàn diện chế độ cộng sản Âu châu bắt đầu từ Đông Âu.
Chúng ta còn nhớ những tin tức Đông Âu tràn ngập báo chí thế giới vào năm 1989 làm rung động nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam và đây cũng là lúc Hoa Kỳ đang thảo luận với Hà Nội để chuẩn bị cho cựu tù cải tạo được tự do xuất ngoại.
Vì những bài học đấu tranh hết sức quan trọng từ Đông Âu nên tác giả Lý Thái Hùng đã bỏ ra hơn 10 năm sưu tầm và viết lại trang sử của cuộc cách mạng Xanh vào thập niên 80.
Để trả lời câu hỏi vì sao cách mạng bằng đấu tranh chính trị đã thành công, ông Lý Thái Hùng ghi lại bốn yếu tố.
- Sự rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản.
- Nhân dân ý thức được nhu cầu tự do, không còn sợ nhà cầm quyền.
- Các phong trào quần chúng thành hình.
- Và sau cùng là sức ép của quốc tế.
Trong các chương cuối cùng, tác giả đưa luận đề Đông Âu về Việt Nam để tìm cách phân tích ảnh hưởng và đưa ra các giải pháp.
NHỮNG NHẬN XÉT CỦA ĐỘC GIẢ
Riêng phần chúng tôi là người đọc, nhân dịp tìm hiểu thêm về Đông Âu đã tự làm một bản phân tích các biến chuyển trong 10 năm từ 80 đến 90 qua các quốc gia Ba Lan, Hung, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bảo Gia Lợi, Lỗ Mã Ni, Nam Tư. Chúng tôi đã tìm thấy các sự kiện rất đáng lưu ý.
Trước hết là biểu tình: Tất cả các nước đều có dân chúng biểu tình. Chỗ thì đòi lương. Chỗ thì đòi nhà đất. Phải bớt sợ công an thì mới xuống đường. Có các cuộc biểu tình vài chục người. Hàng trăm, rồi hàng ngàn người rồi đến hàng trăm ngàn người. Khi công an không còn bắt bớ là coi như chiến thắng.
Hiện tượng thứ hai là di cư tỵ nạn: Nhiều người trốn khỏi nước và không ai ra đi mà không còn liên hệ. Mối liên hệ gia tộc, bằng hữu là sợi dây liên lạc đấu tranh cho quê nhà.
Tiếp theo việc trốn đi là giai đoạn chính quyền phải cho đi tự do. Tại Đông Đức, dân trốn qua Hung và Tiệp, rồi từ đây chạy qua Tây Đức. Rồi đến lúc phá xập bức tường Bá Linh để thống nhất.
Hội nghị bàn tròn: Với sự ủng hộ của dân chúng, với sức ép từ bên ngoài thế giới tự do, các nhà lãnh đạo phong trào quần chúng từ trong nước bắt đầu đối thoại với chính quyền cộng sản. Các hội nghị bàn tròn giữa phe dân chủ và cộng sản thành hình từ Ba Lan tháng 2-1989 đến Hung tháng 3-1989 và Tiệp Khắc tháng 12-1989.
Tại một vài nơi chính quyền và quốc hội tự điều chỉnh để thích ứng với thời cuộc. Bảo Gia Lợi quyết định bỏ điều 1 của hiến pháp vốn dành độc quyền cai trị cho đảng cộng sản. Nhiều tay lãnh đạo cộng sản đổi chiều vì hy vọng sau này vẫn có chân đứng trong đảng cộng sản ở một quốc gia dân chủ đa đảng.
Bầu cử tự do: Với mục đích tìm cách "hạ cánh an toàn," lãnh đạo các quốc gia cộng sản Đông Âu lần lượt tổ chức bầu cử tự do. Hầu hết đảng cộng sản đều thua phiếu những đây lại chính là phương cách rút lui em đẹp nhất.
Giải tán đảng cộng sản: Nhiều nước giải tán đảng cộng sản hoặc đổi tên để tiếp tục hoạt động trong chính trường. Họ trở thành các đảng phái mới.
KẾT LUẬN
Chúng tôi ghi lại được các sự kiện kể trên sau khi tham khảo với 138 ghi chú lịch sử mà tác giả đã sưu tầm rất công phu về biến chuyển Đông Âu trong tác phẩm.
Đặc biệt phải ghi nhận công việc sưu tầm và sắp xếp toàn bộ các biến chuyển lịch sử tại Việt Nam từ 1986 đến 1995 là một tài liệu quý giá cho những ai muốn tìm hiểu vấn đề.
Sau hết, tác giả biên khảo Đông Âu tại Việt Nam của tác giả Lý Thái Hùng là một tài liệu rất cần được đọc để "ôn cố tri tân," "biết mình biết người" và từ đó chúng ta suy diễn về tương lai Việt Nam.
Phải chăng con đường của Đông Âu ở Việt Nam sẽ phải đi qua các ngã rẽ lịch sử như Đông Âu. Khi hàng ngũ lãnh đạo dân chia rẽ, khi dân chúng không còn sợ công an, các cuộc biểu tình bắt đầu, phong trào quần chúng đòi tự do dân chủ, lãnh đạo cộng sản muốn hạ cánh an toàn, sức ép từ thế giới, thì những chuyện gì sẽ xảy ra.
Những sự kiện như trên thực tế đã xảy ra chưa? Rồi bao giờ sẽ đến các bước kế tiếp: Hội nghị bàn tròn, bầu cử tự do, giải tán đảng cộng sản v.v...
Tác phẩm này cũng không phải là cuốn tiểu thuyết hấp dẫn quyến rũ người đọc. Độc giả đọc cuốn này sẽ vất vả. Tại thư viện quốc gia Hoa Kỳ có khẩu hiệu: Đọc là trưởng thành – "Reading is growing." Ý nói về loại sách này.
Nếu chúng ta có ước mơ thay đổi một quê hương bằng một cuộc cách mạng không đổ máu. Đông Âu tại Việt Nam là một cuốn sách cần phải tham khảo.
Giao Chỉ - San Jose
September 2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét