(Trích một phần từ: Chương III - Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Hung Gia Lợi trong tập sách "Đông Âu tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng.)
Sơ Lược Bối Cảnh Lịch Sử
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Hung Gia Lợi đứng về phe Đức Quốc Xã nên được lấy lại các lãnh thổ đã bị chia cắt. Nhưng khi Đức Quốc Xã thua trận, Hồng quân Liên Xô tiến vào Đông Âu và chiếm đóng Hung Gia Lợi từ cuối năm 1944, những lãnh thổ mà Hung Gia Lợi đã chiếm lại, nay bị Stalin lấy để trả lại cho một số nước. Thời gian này, lực lượng Cộng sản Hung rất yếu, chỉ có khoảng 3.000 đảng viên, nhưng nhờ Hồng quân Liên Xô giúp đỡ nên chỉ trong 3 tháng đầu năm 1945, số đảng viên tăng lên đến 150 ngàn người. Những người gia nhập đảng vào lúc đó hầu hết là nông dân nghèo khổ, công nhân và một số sinh viên trẻ. Họ hoàn toàn không biết gì về chủ nghĩa Cộng sản, gia nhập chỉ vì hy vọng vào lời hứa được đảng cho nhà ở, ruộng đất để có đời sống tốt đẹp hơn.
Ngày 1-2-1946, Hung tổ chức tổng tuyển cử, Zoltan Tidy được bầu làm Tổng thống và thiết lập nền Cộng Hòa, nhưng sau đó, Zoltan Tidy bị lực lượng Cộng sản chống đối nên phải từ nhiệm vào năm 1947. Từ những năm sau đó, lực lượng Cộng sản Hung, dưới tên đảng Công Nhân Xã Hội Hung Gia Lợi (Hungarian Socialist Workers’ Party) đã lấn chiếm chính quyền và khống chế sinh hoạt chính trị theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 1953, Imre Nagy được đảng đề cử làm Thủ tướng, nhưng vì ông đưa ra đường lối cải tổ về nông nghiệp và thị trường tiêu thụ khác với Liên Xô nên bị áp lực phải từ chức vào ngày 18-4-1955. Lakoshi thuộc phe giáo điều được đưa lên thay thế. Sau khi lên cầm quyền, Lakoshi thiết lập thể chế độc tài và bạo lực còn khắc nghiệt hơn khuôn mẫu của Stalin. Gần 13 triệu đàn ông Hung Gia Lợi bị rơi vào vòng khống chế của guồng máy công an, có người bị quản thúc, tra tấn, cưỡng chế lao động với những tội danh vu vơ. Mục tiêu của Lakoshi là tạo ra một mạng lưới khủng bố để không ai dám có ý tưởng chống lại chế độ.
Chính sách cai trị gian ác của Lakoshi đã tạo sự phẫn uất trong quần chúng mọi giới, nên nhân vụ Tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô là Nikita Khrushchev tố giác tội ác của Stalin trong Đại hội đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 vào ngày 26-2-1956, và cuộc nổi dậy của công nhân Ba Lan ở Poznan vào tháng 6-1956, người dân Hung Gia Lợi nổi dậy vào tháng 10-1956. Lúc đầu một số công nhân, sinh viên và trí thức Hung tổ chức các cuộc biểu tình đòi Tổng bí thư đảng Công Nhân Xã Hội Hung là Emo Gerro và Thủ tướng Lakoshi từ chức, tái lập lại nội các của cựu Thủ tướng Imre Nagy. Cuộc biểu tình đã biến thành bạo động với sự tham dự sau đó của nhiều đảng viên chủ trương cải cách trong đảng, khiến Tổng bí thư Emo Gerro phải từ chức, bầu Janos Kadar lên làm Tổng bí thư và đưa Imre Nagy trở lại vai trò Thủ tướng vào ngày 23-10-1956. Nhưng dân chúng vẫn chưa thỏa mãn, lần này những cuộc biểu tình đưa ra đòi hỏi đảng Công Nhân Xã Hội Hung phải từ bỏ quyền lực độc tôn, chấp nhận tự do dân chủ. Sự kiện này đã làm cho lãnh đạo đảng và nhà nước Hung Gia Lợi rối loạn. Sau đó Hội Đồng Những Người Lao Động đã ra đời do Imre Nagy làm chủ tịch để thành lập chính quyền liên hiệp gồm nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Imre Nagy biết thế nào Liên Xô cũng đem quân vào đàn áp nên tuyên bố rút ra khỏi khối Quân sự Warsaw, chờ đợi quân đội Hoa Kỳ đang đóng ở Frankfurt, Tây Đức, sẽ vào giúp đỡ. Nhưng Hoa Kỳ đã hoàn toàn bất động như vụ Ba Lan. Trong khi đó, Tổng bí thư Janos Kadar đã lập chính quyền chống lại Imre Nagay và cầu cứu Liên Xô đem quân vào "giải phóng".
Những Diễn Biến Chính Trị
Những Tổ Chức Chống Chính Quyền Ra Đời
Cho đến đến năm 1985, mọi quyền lực đều nằm trong tay nhóm lãnh đạo giáo điều. Nhưng kể từ Đại hội đảng Công Nhân Xã Hội Hung vào năm 1985, phe giáo điều yếu thế nên thành phần có xu hướng đứng giữa giáo điều và cải cách đã lên nắm quyền. Thành phần đứng giữa đã chấp nhận cho nhiều xu hướng chính trị trong quần chúng được tham dự vào cuộc tổng tuyển cử tổ chức tháng 6-1985. Nhờ vậy, những tổ chức chống chính quyền hoạt động bí mật trong nhiều năm trước mới bắt đầu công khai xuất hiện. Những tổ chức này đã dùng ngay vấn đề xã hội bức xúc nhất là tình trạng ô nhiễm môi sinh do việc xây dựng nhà máy kỹ nghệ và đập thủy điện để phát động phong trào quần chúng chống chính quyền. Cụ thể là phát động cuộc vận động chữ ký để yêu cầu ngưng chương trình xây dựng đập thủy điện trên sông Donau.
Giữa năm 1987, Rezso Nyers đứng ra vận động thành lập tổ chức "Mặt Trận Tân Tháng Ba", quy tụ một số đảng viên chủ trương cải cách, nhằm chống lại phe đứng giữa ở trong đảng. Rezso Nyers nguyên là Ủy viên Trung ương đảng phụ trách kinh tế trong giai đoạn đảng Công Nhân Xã Hội Hung đưa ra chính sách cải tổ kinh tế năm 1968. Phía quần chúng cũng đã có nhiều đoàn thể chính trị, văn hóa bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập (một chính đảng được thành lập vào năm 1930 gồm giới trung nông và thị dân) bắt đầu hoạt động trở lại. Song song, một số văn nghệ sĩ theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, chủ trương làm sống lại truyền thống của Hung Gia Lợi, chọn con đường thứ ba không đứng về phe tư bản và cộng sản, thành lập tổ chức Diễn Đàn Dân Chủ (Democracy Forum) vào tháng 9-1987. Đến tháng 3-1988, một số trí thức tại thủ đô Budapest thành lập tổ chức "Những Người Tự Do Đầu Tiên", sau đó đổi thành Liên Minh Tự Do Dân Chủ (Alliance of Free Democrats) vào tháng 11-1988. Các tổ chức đấu tranh quần chúng này đã châm ngòi cho những đòi hỏi cải cách chính trị tại Hung Gia Lợi vào năm 1989.
Phục Hồi Danh Dự Những Người Tham Dự Biến Cố 1956
Trong một buổi nói chuyện với báo chí vào tháng 2-1989, đại diện phe cải cách là Imre Poszgay tuyên bố rằng cuộc chính biến 1956 không phải là phản cách mạng mà là cuộc nổi dậy của quần chúng hoàn toàn có chính nghĩa. Hệ thống truyền thanh đã loan tải lời phát biểu này một cách rộng rãi, tạo phản ứng sôi nổi trong quần chúng. Sau đó, báo chí Hung đã hỏi quan điểm của Tổng bí thư Karoly Grosz về lời tuyên bố của Imre Poszgay. Với một thái độ miễn cưỡng, Karoly Grosz tuyên bố là sẽ cho tòa án tái thẩm định lại vụ án của cựu Thủ tướng Imre Nagy, nhưng không đá động gì đến cuộc chính biến 1956. Phe giáo điều trong Hiệp Hội Muenihi Felen liền ra tuyên ngôn tố cáo Karoly Grosz đang ngả theo xu hướng "hữu khuynh" nguy hiểm, và cực lực chống lại việc cho tòa án tái thẩm vụ nổi dậy 1956.
Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng vào hai ngày 10 và 11-2-1989, phe cải cách đã đòi phải đưa vào nghị trình việc thảo luận lại bản chất của cuộc chính biến 1956 và nghe Ủy ban thẩm định lịch sử trình bày chi tiết về biến cố này. Cuối cùng, Trung ương đảng biểu quyết cho Tối Cao Pháp Viện tái thẩm lại cuộc chính biến 1956 và tổ chức các cuộc thảo luận để thu nhận ý kiến rộng rãi ở trong và ngoài đảng về biến cố này. Quyết định này được coi như là thắng lợi đầu tiên của phe cải cách, đẩy phe giáo điều rơi vào hoàn cảnh thụ động, nhất là tính mệnh của Janos Kadar trở nên hiểm nghèo.
Đến tháng 5-1989, phe cải cách gần như chiếm trọn quyền hành trong đảng cầm quyền và giải nhiệm cựu Tổng bí thư Janos Kadar ra khỏi Ban chấp hành Trung ương đảng. Từ ngày 28-4-1989, Tối Cao Pháp Viện bắt đầu xúc tiến việc tái thẩm về cuộc chính biến 1956. Trong khi đó, Ủy Ban Chính Nghĩa Của Lịch Sử (Committee for Historical Justice) chuẩn bị ngày lễ cải táng những nạn nhân của cuộc chính biến 1956, diễn ra vào ngày 16-6-1989, và không cho đại diện đảng cầm quyền tham dự. Ủy ban này quy tụ hầu hết những người đã có liên hệ đến cuộc chính biến 1956 hay gia đình của các nạn nhân. Ngày 9-5-1989, Bộ Tư Pháp Hung và Ủy ban Chính Nghĩa của Lịch Sử đã phối hợp thành lập danh sách những người liên hệ đến biến cố 1956. Ngày 7-6-1989, Tối Cao Pháp Viện phán quyết phục hồi danh dự cho cố Thủ Tướng Imre Nagy và những người liên hệ đến cuộc chính biến 1956. Sau khi nghe phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, cựu Tổng bí thư Janos Kadar đã tự sát (Kadar là người ra lệnh xử tử cố Thủ tướng Nagy vào năm 1958). Sự kiện này đã gây xúc động trong nội bộ phe giáo điều.
Hội Nghị Bàn Tròn Giữa Các Đảng Phái
Ngày 24-3-1989, đảng Công Nhân Xã Hội Hung đề nghị một số tổ chức ngoại vi như Nghiệp Đoàn Lao Động Trung Ương, Hội nghị Phụ Nữ Toàn Quốc, Hội Thanh Niên Toàn Quốc, Mặt Trận Ái Quốc, Liên Minh Cựu Kháng Chiến, sau đó thêm Hiệp Hội Fernc Munich của phe giáo điều tham dự Hội Nghị Bàn Tròn, mục đích là để xác định tính chất lãnh đạo của đảng cầm quyền trong tình trạng khủng hoảng chính trị vào lúc đó. Nhưng Hội Nghị Bàn Tròn của đảng cầm quyền không mang lại kết quả nào, nên đến đầu tháng 4-1989, đảng cầm quyền đề nghị mở những cuộc thảo luận tay đôi với các đảng chống chính quyền, mục đích là để trao đổi về quá trình đưa đến việc tổ chức bầu cử tự do. Hội nghị của các đảng đối lập quy tụ một số tổ chức như Diễn Đàn Dân Chủ, Liên Minh Tự Do Dân Chủ, Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ, đảng Xã Hội Dân Chủ, đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập, Hiệp Hội Baichrinsk, đảng Nhân Dân, Liên Minh Tự Chủ Lao Động Dân Chủ và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Trọng tâm của Hội Nghị là để bàn về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do và bầu cử Tổng thống. Các phe liên hệ đã đồng ý một số vấn đề căn bản liên quan đến tổng tuyển cử tự do như cải sửa hiến pháp, thiết lập chế độ chính đảng, cải tổ hành pháp.... Nhưng khi đi vào những thảo luận có tính cách kỹ thuật như giải quyết bộ phận Dân Vệ Đội trực thuộc đảng cầm quyền, giải tán cơ sở đảng Cộng sản trong các xí nghiệp, công bố tài sản của đảng cầm quyền, thể thức bầu cử Tổng thống, thì có sự bất đồng ý kiến và không bên nào chịu nhượng bộ.
Khi thảo luận về phương cách bầu cử Tổng thống thì bùng nổ sự tranh cãi rất gay gắt và đây là nguyên nhân đưa đến bế tắc. Phe cải cách của đảng Công Nhân Xã Hội Hung chủ trương đưa Imre Poszgay, đang là Bộ trưởng Ngoại giao trong Nội các Miklos Nemeth ra làm ứng cử viên Tổng Thống và bầu theo lối trực tiếp, dưới sự hậu thuẫn ngầm của Diễn Đàn Dân Chủ. Trong khi đó, một số đảng chống chính quyền thấy là nếu hai đảng lớn cùng ủng hộ Imre Poszgay, và bầu theo lối trực tiếp, chắc chắc Poszgay sẽ thắng cử. Do đó, ba đảng đối lập gồm Liên Minh Tự Do Dân Chủ, Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ, Liên Minh Nghiệp Đoàn Lao Động Tự Chủ, vì không muốn Poszgay đắc cử nên chủ trương bầu Tổng thống theo lối gián tiếp, qua cơ chế Quốc hội. Bầu theo lối này, ứng cử viên của đảng chống chính quyền sẽ chiếm đa số phiếu. Cuối cùng Hội Nghị Hiệp Thương tan vỡ.
Đảng Công Nhân Xã Hội Hung Bắt Đầu Phân Rã
Trong thời gian Hội Nghị Bàn Tròn nhóm họp, ngay trong nội bộ đảng Cộng sản Hung bắt đầu có những phân hóa với sự xuất hiện của nhiều nhóm quyền lực khác nhau. Trước hết, trong nội bộ phe cải cách, trước khi tham gia Hội Nghị Hiệp Thương, hai Ủy viên Bộ Chính Trị Imre Poszgay và Rezso Nyers tranh giành ảnh hưởng và cho ra đời hai tổ chức riêng. Rezso Nyers tăng cường sự hoạt động của Mặt Trận Tân Tháng Ba để thu hút sự tham gia của một số đảng viên trong phe trung gian và phe cải cách có tính cách ôn hòa. Imre Poszgay thì tập trung vận động thành phần đảng viên trẻ và nhóm đảng viên chủ trương cải cách mạnh, thành lập Phong Trào Vận Động Dân Chủ Hóa Hung Gia Lợi. Janos Berecz, tuy bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị nhưng còn ảnh hưởng mạnh trong phe trung gian có xu hướng khuynh tả đã vận động thành lập hệ phái riêng, lấy tên là Lực Lượng Đổi Mới Hung Gia Lợi, chính thức ra mắt vào ngày 1-7-1989.
Tình trạng phân hóa trong đảng ngày càng trầm trọng, khiến Ban chấp hành Trung ương đảng phải họp khẩn cấp vào ngày 23-6-1989. Trong hội nghị này, đảng Công Nhân Xã Hội Hung chính thức từ bỏ con đường chuyên chính vô sản, bầu Rezso Nyers lên làm chủ tịch đảng, đồng thời quyết định triệu tập đại hội đảng bất thường vào ngày 6-10-1989 để duyệt lại đường lối và những chủ trương chính trị của đảng trong hoàn cảnh mới. Ngoài ra, để kiện toàn hệ thống lãnh đạo và nhất là để chấm dứt tình trạng lãnh đạo yếu kém của Tổng bí thư Karoly Grosz, Trung ương đảng, thực chất là phe cải cách đã biểu quyết bãi bỏ hệ thống điều hành theo kiểu Xô Viết gồm Bộ chính trị, Tổng bí thư, mà thay thế bằng Ban chấp hành chính trị, điều hành đảng theo lối tập thể chỉ huy.
Để chuẩn bị đại hội đảng bất thường vào tháng 10-1989, nội bộ các phe trong đảng đã có những toan tính khác nhau từ hai tháng trước đó. Hai tổ chức của phe cải cách là Mặt Trận Tân Tháng Ba, đứng đầu bởi Rezso Nyers và Phong Trào Vận Động Dân Chủ Hóa Hung Gia Lợi, đứng đầu bởi Imre Poszgay, cùng với sự hiệp lực của nhóm Thủ tướng Miklos Nemeth, tổ chức một Hội nghị khoáng đại giữa những đảng viên cải cách vào hai ngày 2 và 3-9-1989, để bành trướng thế lực và tuyên bố là đảng Công Nhân Xã Hội Hung không thể tránh khỏi tình trạng phân rã trong đảng, vì Tổng bí thư Karoly Grosz không có khả năng điều hành. Phe cải cách lấy quyết định này vì nhìn thấy kết quả thảm hại của đảng trong cuộc bầu cử bổ khuyết Quốc hội vào mùa hè vừa qua. Ngược lại, phe giáo điều quy tụ trong Hiệp Hội Muenihi Felen cũng đã tổ chức Hội nghị tương tự, tuyên bố ủng hộ Tổng bí thư Karoly Grosz, và công kích phe cải cách đang có âm mưu làm phân rã đảng. Được sự ủng hộ của phe giáo điều, Tổng bí thư Karoly Grosz muốn tạo vây cánh để chống lại phe cải cách nên đã vận động thành phần cực tả của phe giáo điều lập ra tổ chức "Hiệp Hội Janos Kadar", mở chiến dịch tấn công phe cải cách đang có âm mưu cấu kết với các thế lực bên ngoài, khống chế nội bộ đảng. Karoly Grosz cảnh cáo rằng nếu đảng Công Nhân Xã Hội Chủ Nghĩa Hung bị phân rã thì sẽ mất hết quyền lực và thể chế chính trị sẽ thay đổi có hại cho "sự nghiệp cách mạng" của Hung Gia Lợi. Nhưng dư luận vào thời đó không mấy ai quan tâm vào lời tuyên bố lạc điệu này của Karoly Grosz nữa.
Công Nhân Đình Công Tạo Áp Lực
Trong lúc đảng Công Nhân Xã Hội Hung Gia Lợi rơi vào tình trạng phân rã không lối thoát, phía các đảng phái chống chính quyền xuất hiện thêm một số đảng chính trị mới như đảng Dân Chủ Độc Lập Hung Gia Lợi, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Trong giới lao động cũng bắt đầu kêu gọi đình công để chống lại việc đóng cửa một số công trường, để đòi tăng tiền lương, đòi tăng giá hàng cho người sản xuất. Đặc biệt, những người kinh doanh cá thể cũng bắt đầu tổ chức biểu tình đòi nhà nước thay đổi chế độ thuế khóa, bải bỏ tình trạng độc quyền sản xuất của các xí nghiệp quốc doanh, và tự động thành lập Nghiệp Đoàn Doanh Nhân Cá Thể. Những hoạt động chống đối của quần chúng và giới lao động đã được các đảng đối lập thổi phồng và hậu thuẫn. Liên Minh Tự Do Dân Chủ và Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ liên kết để hỗ trợ cho những người tham gia đình công bị bắt giam hay bị đuổi khỏi sở. Trong khi đó, tổ chức Diễn Đàn Dân Chủ cùng với Liên Minh Tự Do Dân Chủ (ủng hộ giới doanh nhân cá thể bằng cách đứng ra bảo trợ các cuộc hội nghị của Nghiệp Đoàn này) đã lên tiếng chỉ trích tình trạng kinh tế khủng hoảng là do chính sách quốc hữu hóa và đàn áp kinh doanh cá thể của đảng cầm quyền. Những đảng chống chính quyền đã khéo léo đứng trên quan điểm của nền kinh tế thị trường, ủng hộ doanh nhân tấn công những chính sách cải tổ nửa vời của đảng cầm quyền. Đây là kỹ thuật sử dụng vũ khí kinh tế tấn công độc tài chính trị của các tổ chức chống chính quyền. Nhờ vậy họ đã thu hút được đông đảo công nhân và giới tư doanh (trung lưu) tách khỏi đảng Cộng sản để ủng hộ phe chống đối.
Tổng Tuyển Cử Tự Do
Ngày 23-10-1989, Quốc hội Hung Gia Lợi công bố bản tu chính hiến pháp, chính thức bãi bỏ chế độ cai trị độc đảng, bỏ tên nước Cộng Hòa Nhân Dân và thay bằng Cộng Hòa Hung Gia Lợi. Trong ngày này, hơn 80 ngàn dân chúng đã tham dự cuộc mít tinh trước Quốc hội để tưởng niệm những người hy sinh trong biến cố 1956 và ăn mừng thể chế cộng hòa thật sự đã tái sinh. Ngoài ra, Hiến pháp mới quy định Quốc hội có một viện, nhiệm kỳ là 4 năm, gồm 384 dân biểu, trong đó có 8 đại biểu thuộc sắc dân thiểu số. Cuộc tổng tuyển cử tự do được bầu làm hai lần vào ngày 26 -3-1990 và mồng 8-4-1990. Ngoài ra, mặc dù Hội Nghị Hiệp Thương tan rã, nhưng vấn đề bầu cử Tổng thống qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp vẫn còn là đề tài tranh cãi giữa các đảng phái. Đảng cầm quyền thì muốn bầu trực tiếp cùng với sự ủng hộ của nhóm Diễn Đàn Dân Chủ, trong khi Liên Minh Tự Do Dân Chủ đã lôi kéo một số nhóm khác như Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ, đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập, đảng Xã Hội Dân Chủ, và vận động được hơn 200 ngàn chữ ký của quần chúng đòi bầu cử Tổng thống theo hình thức gián tiếp, qua Quốc hội. Cuối cùng, chủ trương bầu cử gián tiếp của nhóm Liên Minh Tự Do Dân Chủ đã được đa số Quốc hội thông qua. Kết quả trên đã làm cho nội bộ nhóm Diễn Đàn Dân Chủ bị phân hóa, một số người tỏ vẻ thất vọng về việc không đưa được Imre Poszgay ra làm Tổng thống theo lối bầu cử trực tiếp, vì nếu bầu gián tiếp qua Quốc hội, Imre Poszgay không có cơ hội thắng cử. Từ đó một số đảng viên đã ly khai, một số khác rút tên khỏi vị trí đại diện ở một số địa phương.
Trong vòng đầu của cuộc bầu cử vào ngày 26-3-1990, Diễn Đàn Dân Chủ chỉ chiếm được 24% số phiếu, Liên Minh Tự Do Dân Chủ chiếm 21,3% số phiếu, đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập chiếm 11,7% số phiếu; đảng Xã Hội (cựu cộng sản cải cách) chiếm 10,8% số phiếu; Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ chiếm 8,9% số phiếu; đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo chiếm 6,4%; đảng Công Nhân Xã Hội Hung (cựu cộng sản trung gian) chiếm 3,6%. 13,3% số phiếu còn lại dành cho các ứng cử viên độc lập, trong số này Thủ tướng Miklos Nemeth (đảng Xã Hội) ứng cử độc lập và thắng cử trong vòng đầu. Imre Pozsgay (đảng Xã hội) về hạng 3 tại địa phương trong đợt đầu, vì không chiếm được quá bán nên phải bầu lại vào đợt hai và thắng cử. Trong vòng bầu thứ 2 để quyết định 261 trong số 386 ghế Quốc hội vào ngày 8-4-1990, các đảng phái chống chính quyền vẫn đạt thắng lợi lớn. Kết quả sau cùng là: Diễn Đàn Dân Chủ chiếm 164 ghế; Liên Minh Tự Do Dân Chủ chiếm 92 ghế; đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập chiếm 44 ghế; đảng Xã Hội (cựu cộng sản cải cách) chiếm 33 ghế; Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ chiếm 21 ghế; Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo chiếm 21 ghế. Số ghế còn lại chia cho các ứng cử viên độc lập.
Chính Quyền Liên Minh Cánh Hữu Ra Đời
Nhìn trên bề mặt thì kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Hung Gia Lợi tạo ra triển vọng để thành lập một chính phủ tương đối mạnh hơn so với trường hợp Ba Lan. Các đảng chống chính quyền chiếm đa số ghế trong Quốc hội đã biểu hiện một sự dứt khoát với quá khứ và người dân chờ đợi một khung cảnh chính trị mới. Việc cử tri dồn phiếu cho Diễn Đàn Dân Chủ vào vòng bầu thứ hai giúp tổ chức này dẫn đầu khá xa so với các đảng phái khác, nhưng vẫn không chiếm được đa số ghế, nên việc thành lập nội các gặp nhiều trở ngại. Nguyên do là tuy các đảng phái có điểm chung là chống chính quyền độc tài cộng sản, nhưng lại khác nhau về quan điểm và lập trường chính trị. Có đảng thì khuynh tả, có đảng chủ trương trở về với chủ nghĩa dân tộc coi chính sách nông nghiệp là quan trọng. Có đảng thì chủ trương mở rộng ngoại thương để theo kịp các nước Tây phương... Mãi đến ngày 23-5-1990, Josef Antall, chủ tịch Diễn Đàn Dân Chủ mới trình được nội các lên Quốc hội để được chuẩn y với kết quả 218 phiếu thuận, 46 phiếu chống và 20 phiếu trắng.
Nội các Josef Antall là tập hợp của ba đảng khuynh hữu gồm Diễn Đàn Dân Chủ, đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Dĩ nhiên Diễn Đàn Dân Chủ chiếm đa số trong chính phủ liên hiệp, giữ 8 trong số 13 bộ gồm các bộ Ngoại giao, Quốc phòng Nội vụ, Công thương, Giáo dục-Văn hóa, Thông tin, Kiều lộ và Môi sinh. Đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập giữ Bộ Nông nghiệp và Lao động. Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo giữ Bộ An sinh-Xã hội. Hai chuyên gia kinh tế không thuộc đảng phái nào được mời giữ hai Bộ Tài chánh và Bộ Ngoại thương. Sự liên hiệp của ba đảng trong chính quyền đã tạo ra những nhược điểm khó tránh. Trước tiên là đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập đòi phải giữ Bộ Nông nghiệp và đem áp dụng một chính sách gây rất nhiều bất mãn trong dư luận, đó là việc trả đất lại cho các cố chủ từ trước năm 1947. Đây là lời hứa của đảng này trong thời gian tranh cử và nay nhất định không chịu linh động thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh chung. Trong thực tế, việc thực hiện chính sách này rất khó khăn, tạo ra sự bất mãn trong nhiều thành phần quần chúng.
Trong khi tạo được thế kết hợp làm việc với các đảng phái bên ngoài, thì nội bộ của Diễn Đàn Dân Chủ bắt đầu có xung đột. Chủ trương trung dung của Josef Antall tuy rất cần thiết cho việc mở rộng vòng đai ủng hộ của các giới cử tri, nhưng nó lại không phù hợp với giới trí thức, vốn là thành phần nòng cốt sáng lập tổ chức này từ năm 1987. Những người này hoàn toàn bị Josef Antall đẩy ra khỏi nội các liên hiệp, nhưng lại là những người nắm chặt guồng máy tuyên vận và thông tin ở trong đảng cũng như một số cơ quan đại chúng. Từ vị trí này, nhóm trí thức dọa sẽ tấn công vào thành phần lãnh đạo Diễn Đàn Dân Chủ, nếu không có đường lối cải cách dứt khoát tiến sang nền kinh tế và chính trị giống như các nước Tây phương. Nhưng điểm yếu nổi bật của Diễn Đàn Dân Chủ là thiếu một tầng lớp chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm trong số đảng viên để điền vào những chức vụ kinh tế then chốt và cung cấp vốn tri thức cần thiết cho chính quyền hầu soạn thảo nhanh chóng một kế hoạch ổn định kinh tế. Vấn đề là đại đa số những kinh tế gia nổi tiếng hoặc đã tham gia, hoặc có cảm tình sâu đậm với Liên Minh Tự Do Dân Chủ hơn Diễn Đàn Dân Chủ. Sự kiện này khiến cho chính phủ liên hiệp phải nhân nhượng cánh đối lập trong Quốc hội. Nghĩa là, trong những tháng đầu ở Quốc hội, chính phủ và các đảng đối lập đảo lộn vai trò với nhau, phía đối lập thì trình bày bản dự thảo luật, còn phía chính phủ thì lại đóng vài trò đặt câu hỏi, chỉ trích những dự luật đó, thay vì phải bảo vệ cho những dự án luật do mình đề xướng.
Diễn Đàn Dân Chủ Gặp Bế Tắc
Cuối cùng, vào tháng 9-1990, Thủ tướng Josef Antall công bố "Chương Trình Kinh Tế Để Canh Tân Quốc Gia", dài 220 trang lý thuyết, nhưng thiếu thực tế. Ngay vào thời điểm công bố chương trình này, chính phủ liên hiệp khó có cơ hội nào để Quốc hội thông qua một số Pháp lệnh mà họ định ban hành trong năm 1990, để bắt đầu biện pháp cải tổ, trong khi những đối nghịch công khai trong nội bộ chính phủ về vấn đề tư hữu hóa ruộng đất lại đã làm trì hoãn việc soạn thảo một chính sách chung về quyền tư hữu, làm giảm uy tín chính phủ liên hiệp rất nhiều. Trong Quốc hội, sự thảo luận về các dự thảo do chính phủ đưa ra không còn không khí hợp tác mà đã trở thành những tranh chấp, công kích cá nhân. Khủng hoảng bùng nổ lớn khi chính phủ liên hiệp quyết định đột ngột tăng giá xăng 66% vào ngày 25-10-1990, với lý do là số dầu thô do Liên Xô cung cấp đã giảm đến 30% nên cả nước bị thiếu hụt trầm trọng. Ngoài ra, chính phủ cũng phải nâng giá dầu nội địa lên cho bằng giá thị trường thế giới vốn đang tăng sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait vào cuối năm 1989. Tài xế Taxi ở Budapest đình công phản đối, và sau đó có thêm những hãng vận chuyển tư nhân nhập cuộc. Họ án ngữ các đại lộ ở thủ đô và các tỉnh lớn khiến cả nước bị tê liệt. Chính phủ phản ứng bằng cách ra tay đàn áp.
Tình trạng này đã tạo ra làn sóng bất mãn chính quyền lan rộng trong quần chúng, mọi sinh hoạt trở nên hỗn loạn vô chính phủ. Cuối cùng, Tổng thống Arpad Groncz phải ra tay can thiệp bằng cách kêu gọi chính quyền ngưng thi hành quyết định tăng giá và thương thuyết với phía biểu tình để tìm biện pháp giải quyết. Arpad Groncz cũng kêu gọi dân chúng ngưng biểu tình, vãn hồi trật tự. Trong khi đó, từ ngày 27-10-1990, các cuộc thương thuyết được tiến hành giữa đại diện chính quyền với các hiệp hội chủ hãng, công đoàn, tài xế Taxi, nông dân... qua trung gian hòa giải của Hội Đồng Phối Hợp Vì Quyền Lợi Quốc Gia vừa mới thành lập. Phía chống chính quyền đưa ra lập luận rằng họ không chống lại việc tăng giá của nhà nước mà chỉ chống mức độ tăng giá. Trong năm 1990, giá dầu trong nước tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng giá trên thế giới. Giới tài xế bất mãn chính phủ đã dùng việc tăng giá xăng để kiếm thêm lợi tức nhằm chận bớt nạn thâm thủng ngân sách mà họ không kiểm soát nổi. Như vậy biện pháp tăng giá là một thủ đoạn tăng thuế ngầm, một chọn lựa dễ dàng của chính phủ, một chọn lựa không công bằng đã đặt gánh nặng của giai đoạn chuyển tiếp kinh tế trên vai của một nhóm người. Cuối cùng phía chính quyền phải nhượng bộ ở điểm này, cuộc thương thảo chấm dứt với mức tăng giá thấp hơn trước và một thỏa ước sẽ không đánh thêm thuế xăng. Tuy cuộc thương thảo kết thúc, nhưng đã tạo cho quần chúng Hung một ấn tượng sâu sắc là chính quyền liên hiệp thiếu khả năng trong việc hoạch định chính sách kinh tế chuyển tiếp. Ấn tượng này làm cho uy tín của chính phủ bị tổn hại, nhất là tư thế chính trị của Diễn Đàn Dân Chủ mất nhiều ảnh hưởng trong quần chúng.
Phe Cựu Cộng Sản Thắng Thế Trở Lại
Trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ hai vào năm 1994, sau khi chuyển qua thể chế đa đảng từ năm 1989, nhóm Diễn Đàn Dân Chủ bị thảm bại nặng nề. Trong cuộc bầu cử này (vòng một diễn ra ngày 8 và vòng hai diễn ra ngày 29-5-1994), đảng Xã Hội Hung Gia Lợi (phe cựu cộng sản cải cách) đã chiếm được đa số ghế trong Hạ viện (209 ghế trong 386 ghế). Liên Minh Tự Do Dân Chủ đứng hàng thứ hai nhưng chỉ chiếm được 70 ghế, trong khi đó, nhóm cầm quyền là nhóm Diễn Đàn Dân Chủ tụt xuống hạng 3 chỉ còn 37 ghế, đảng Những Người Tiểu Nông Độc Lập chiếm 26 ghế, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo chiếm 22 ghế, Liên Đoàn Thanh Niên Dân Chủ chiếm 20 ghế. Số ghế còn lại dành cho ứng cử viên độc lập. Trong kỳ tuyển cử này, đảng Công Nhân Xã Hội Hung (phe cựu cộng sản giáo điều) hoàn toàn thảm bại.
Ngày 22-6-1994, đảng Xã Hội Hung Gia Lợi và Liên Minh Tự Do Dân Chủ cùng ký bản tuyên bố chung để thành lập chính quyền liên hiệp. Gyula Horn, Chủ tịch đảng Xã Hội được bầu làm Thủ tướng, đảng Xã Hội chiếm 10 Bộ, còn lại Liên Minh Tự Do Dân Chủ chiếm 3 bộ. Thủ tướng Gyula Horn nguyên là Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời nội các Miklos Nemeth, từng tích cực giúp đỡ người Đông Đức chạy qua Áo để xin tỵ nạn tại Tây Đức vào năm 1989, và là nhân vật nổi bật trong phe cải cách, chủ trương phế bỏ chủ nghĩa Cộng sản và dân chủ tập trung. Ngày 27-6-1994, Thủ tướng Gyula Horn đã đọc một bài diễn văn tại Quốc hội, tuyên bố tiếp tục chính sách kinh tế thị trường của Diễn Đàn Dân Chủ, nhưng áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" để sớm khắc phục khủng hoảng kinh tế. Mặc dù phe cựu cộng sản cải cách trở lại cầm quyền sau bốn năm mất quyền lực, nhưng đảng Xã Hội Hung đã thay đổi rất nhiều, nhất là những nhân vật lãnh đạo cũ đã lui vào bóng tối. Với sự liên hiệp mới giữa những người mang tư tưởng xã hội và những người có tư tưởng tự do, tình hình từng bước được ổn định và đưa Hung Gia Lợi vào chỗ trung hòa các xu hướng, bớt những chống đối nội bộ, để dồn nhiều nỗ lực cho việc phục hồi kinh tế.
Ngày 4-11-1956, Hồng quân Liên Xô tiến vào thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi qua ngả biên giới Romania với trên 2.500 xe tăng và 200 ngàn bộ đội. Sự kiện này đã làm cho Thủ tướng Imre Nagy tức giận, lên đài phát thanh kêu gọi toàn quốc chống lại Hồng quân Liên Xô, cững như yêu cầu Liên Xô ngưng việc đem quân vào Budapest. Lúc đó, có khoảng 200 ngàn dân Hung Gia Lợi chạy tỵ nạn ra khỏi xứ. Dân Hung đã dùng xe bus, bàn ghế chận các ngả đường, không cho xe tăng Liên Xô tiến bào, nhưng chỉ cầm cự được 13 ngày thì bị Hồng quân Liên xô phá tan, Thủ tướng Imre Nagy chạy vào xin tỵ nạn ở tòa đại sứ Nam Tư, nhưng sau đó bị bắt cùng với hơn 1.000 người khác. Dưới sự chiếm đóng của Hồng quân Liên Xô, phe giáo điều chiếm lại ưu thế trong đảng Công Nhân Xã Hội Hung, đưa Janos Kadar lên làm Thủ tướng. Sau khi tái ổn định tình hình, Janos Kadar đưa cựu Thủ tướng Imre Nagy ra tòa, kết tội phản quốc. Imre Nagy bị xử tử vào ngày 26-6-1958, chôn ở một nghĩa trang vô danh.
Kết Luận
Cuộc cải cách chính trị ở Hung Gia Lợi đã diễn ra theo tiến trình tiệm tiến, với sự phân rã từ bên trong của đảng cầm quyền, đưa đến sự thắng thế từng bước của các đảng phái chống chính quyền, hợp thành lực lượng đối trọng với phe cộng sản giáo điều. Khác với Ba Lan, Hung Gia Lợi không có lực lượng lao động để châm ngòi các biến động chính trị và thành phần trí thức cũng không đóng vai trò tiên phong để khởi động cuộc đấu tranh như ở Tiệp Khắc. Thành phần trung gian và cải cách trong đảng Công Nhân Xã Hội Hung Gia Lợi với chủ trương bãi bỏ thể chế độc đảng, chấp nhận nguyên tắc đa đảng, đã làm cho nội bộ đảng cầm quyền phân hóa, đưa đến tình trạng lúng túng trong việc đối phó. Sự kiện phe trung gian và cải cách hợp lực đưa Karoly Grozs lên làm Tổng bí thư là một biến cố lớn mở đầu cho sự thắng thế của phe cải cách về sau này. Nhưng sự lưỡng lự, thiếu quả quyết của Karoly Grozs đã khiến cho phe cải cách bất mãn, từ đó phát sinh ra sự xung đột, tranh giành ảnh hưởng ngay chính trong thượng tầng lãnh đạo là Bộ chính trị, giữa phe cải cách và giáo điều.
Giống như Ba Lan, có quá nhiều đảng phái xuất hiện trong quá trình công nhận sinh hoạt đa đảng ở Hung Gia Lợi, tạo ra sự hỗn loạn chính trị vì chính trong nội bộ nhóm chống đối đã không thống nhất mục tiêu chống lại đảng cầm quyền. Trong các đảng phái chống chính quyền Cộng sản, hai tổ chức lớn là Diễn Đàn Dân Chủ và Liên Minh Tự Do Dân Chủ đã có những xung đột về chính sách cải cách. Diễn Đàn Dân Chủ được hình thành do sự chủ xướng của giới văn nghệ sĩ, có ảnh hưởng trong giới trung lưu nên nhờ đó phát triển hạ tầng khá nhanh so với các tổ chức khác. Diễn Đàn Dân Chủ chủ trương Hung Gia Lợi trở về với con đường dân tộc, không đứng về phe tư bản hay cộng sản. Trong khi Liên Minh Tự Do Dân Chủ quy tụ những trí thức ở Thủ đô chủ trương thực hiện một chế độ tự do giống như các nước Tây Âu. Liên Minh Tự Do Dân Chủ không có nhiều hạ tầng cơ sở ở địa phương nhưng lại quy tụ được các chuyên viên kỹ thuật, và có ảnh hưởng trong thành phần "chất xám".
Chính sự khác biệt về quan niệm và sự ủng hộ của giới quần chúng đối với các đảng phái, đã cho thấy những nhược điểm của chính quyền liên hiệp không cộng sản sau tổng tuyển cử tự do. Tiêu biểu nhất cho nhược điểm này là Diễn Đàn Dân Chủ đã không huy động được tầng lớp chuyên viên trí thức tham gia vào chính quyền để giúp hoạch định chính sách ổn định kinh tế phù hợp. Trong khi đó, Liên Minh Tự Do Dân Chủ có ảnh hưởng đối với nhóm trí thức thì lại không tham gia nội các. Kết quả là những nỗ lực cải cách của Diễn Đàn Dân Chủ liên tục gặp bế tắc, các đảng tham chính không tạo được sự thống nhất và đoàn kết, giữa chừng ly khai, cùng lúc kinh tế ngày một xuống dốc khiến cho quần chúng không còn tin tưởng nhiều vào các đảng phái. Đây là lý do giúp cho đảng Xã Hội (cựu cộng sản cải cách) chiếm được một số ghế kỷ lục 209 ghế trên 384 ghế, vượt xa những đảng phái đã từng chống lại đảng Xã Hội 4 năm trước đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét