04 tháng 2, 2007

"Đông Âu Tại Việt Nam" Quả Là Một Công Trình Biên Soạn Công Phu

* Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết

Về hình thức, tựa sách "Đông Âu tại Việt Nam" khá hấp dẫn và gợi nhiều hiếu kỳ, do bởi theo lẽ thường tình, Đông Âu ở tận trời Tây, còn vị trí Việt Nam ở bên nầy trời Đông của địa cầu thì làm sao mà Đông Âu lại có thể ở tại Việt Nam được? Sự thực, tác giả Lý Thái Hùng đã vận dụng kỹ thuật phóng chiếu các diễn biến chánh trị đưa dẫn đến sự sụp đổ thể chế Cộng sản tại các nước Đông Âu vào hoàn cảnh đất nước Việt Nam hiện vẫn còn đang nằm trong gông cùm Cộng sản độc tài đảng trị, tham nhũng, thối nát trong đường hướng mị dân "mở cửa", dối trá quảng bá mô hình kinh tế thị trường nhưng lại theo định hướng gọi là xã hội chủ nghĩa, mà không một ai xác định được "định hướng xã hội chủ nghĩa" cụ thể là thế nào.

Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt năm 1945 đập tan chế độ phát xít của nhà độc tài Hitler, đã dẫn đến sự hình thành hai khối Tây Âu và Đông Âu riêng biệt. Khối Tây Âu còn được gọi là Khối Tự do, còn Đông Âu bao gồm một số nước Đức, Bulgaria, Hungary, Rumania, Ba Lan, Tiệp Khắc, nằm phía Đông Âu Châu nên gọi là Đông Âu trong vùng đất do Hồng quân Liên Xô chiếm đóng, sau đó đã phải theo thể chế Cộng sản độc tài đảng trị, bị kềm chặt trong tổ chức COMECON tức "Hội Nghị Tương Trợ Phát Triển Kinh Tế" do Liên Xô cầm cán lãnh đạo, đối đầu với NATO tức "Tổ chức Minh Ước Đại Tây Dương" thụ hưởng chương trình tái thiết Marshall dưới quyền lãnh đạo của Hoa kỳ. Trong khối Đông Âu, riêng nước Đức đã bị phân chia làm hai: Tây Đức và Đông Đức, với thành phố Bá Linh là thủ phủ của nước Đức thời Hitler cũng bị phân chia thành hai khu Tây Bá Linh và Đông Bá Linh được ngăn đôi bằng một bức tường mang tính lịch sử. Lãnh địa của các nước Bulgaria, Rumania và Ba Lan là ba nước giáp giới với Liên Xô, cho nên toàn bộ Đông Âu tạo thành một vùng trái độn, được sử dụng như lá chắn thiên nhiên cho Liên Xô trong chiến lược phòng thủ đối đầu với Khối Tự Do.



Trong bối cảnh chánh trị lưỡng cực, diễn ra cuộc chiến tranh lạnh trên toàn cầu giữa Khối Tự do và Khối Cộng sản, cuộc chạy đua võ trang mà cao điểm là dưới thời Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã đẩy nền kinh tế Liên Xô lần đi vào con đường kiệt quệ không còn chịu đựng được nữa. Qua một số diễn biến chánh trị đưa Gorbachev rồi Yeltsin lền cầm quyền, Liên xô đã phải chấp nhận chánh sách đổi mới, theo hướng kinh tế thị trường như khối Tự do, tổ chức COMECON bị phá sản, Liên Xô bị rã ra từng mảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước chư hầu phải xoay trở để tồn tại, và đã không theo một đường hướng nào khác hơn là khôi phục nền kinh tế thị trường, phát triển theo hướng tự do dân chủ.

Sau khi giới thiệu tổng quát, trong chương đầu, lịch sử và tình hình chính trị khác biệt của từng nước Đông Âu, tác giả đã gợi lên hai kinh nghiệm căn bản trong đấu tranh cách mạng dân chủ là "chế độ đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân sớm muộn gì cũng sụp đổ" và "sức mạnh của toàn dân là vạn năng". Theo các kinh nghiệm sống này, tác giả tin tưởng "cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam sẽ diễn ra trong thời gian tới". Tiếp theo, tác giả đã dành cho mỗi nước Đông Âu một chương riêng để ghi lại những diễn biến chánh trị được lồng trong khung "cách mạng dân chủ".

Một chương riêng biệt đã được dành cho việc mô tả "Việt Nam trước cơn bão dân chủ tại Đông Âu" cho thấy rõ, chủ nghĩa Mác Lê đã phá sản và Cộng sản Việt Nam đã phải chuyển sang luận điệu "cởi trói" gọi là một lối thoát tích cực, trong khi phải đối phó với những mặt lung lay trong nội bộ đảng qua cuộc đấu tranh của "Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ", qua những tiếng phản kháng của giới trí thức xã hội chủ nghĩa, qua kiến nghị đòi hỏi thay đổi của Việt kiều yêu nước, qua phong trào đấu tranh giành tự do dân chủ cho Việt Nam của Cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại v.v... Tác giả ghi nhận, lực lượng cựu chiến binh là một nhân tố có thể góp phần châm ngòi các phong trào đấu tranh quần chúng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chương X là chương sách cuối cùng mang tựa đề "Đông Âu tại Việt Nam" là một chương quan trọng nhất mà người đọc chờ đợi tác giả hệ thống hóa lại những chi tiết đã được trình bày trong 9 chương trước, xác định một số kết luận mang tính cốt lõi nội dung những điều tác giả muốn chuyển tải đến người đọc. Để soi sáng vấn đề, một số khác biệt căn bản giữa Đông Âu và Việt Nam đã được tác giả thiết thực ghi nhận, cho thấy ngay việc phóng chiếu cụ thể các diễn biến chính trị Đông Âu vào bối cảnh Viêt Nam. Bên cạnh vị thế địa lý không có tính chất chiến lược đối với Liên Xô bằng Đông Âu, Việt Nam là một nước còn nặng về nông nghiệp trong khi Đông Âu đã đạt trình độ kỹ nghệ tương đối cao. Ngoài ra, sau năm 1945, trong khi các nước Đông Âu sống hoà bình dù là dưới ách thống trị của Cộng sản quốc tế, Việt Nam vẫn phải triền miên trong chiến tranh, để sau cùng, Cộng sản dành được ưu thế nắm lấy độc quyền thống trị toàn lãnh thổ đến ngày nay. Tuy nhiên, như là những bài học kinh nghiệm, tác giả đã xác định các yếu tố đưa đến rối loạn xã hội, làm tan rã thể chế Cộng sản tại Đông Âu, thể hiện bằng một số diễn biến chính trị tại từng nước có liên quan:

  1. "Tình trạng phân liệt" trong lãnh đạo đảng Cộng sản do bất đồng quan điểm trong chánh sách cải tổ trước đòi hỏi của quần chúng, cụ thể như tại Ba Lan, Cộng sản phải đối phó với Công đoàn đoàn kết của Lech Valesa, tại Bulgary, các cuộc biểu tình rầm tộ của quần chúng chống ô nhiễm môi sinh, v.v...
  2. Các tổ chức đối lập xuất hiện làm phát triển nhanh chóng xã hội dân sự khiến Cộng sản không còn khả năng kiểm soát, giúp đảng phái đối lập thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử ở Hung Gia Lợi, bức tường Bá Linh tại Đông Đức bị sụp đổ.
  3. Tình trạng cải cách nửa vời đã tạo ra bất ổn xã hội. Cụ thể như tại Ba Lan, có cuộc đình công chống tăng giá thịt, cuộc đình công của công nhân Gdansk. Tại Bulgary, tác giả đưa ra hậu quả của chánh sách công nghiệp hoá khiến nông dân kéo nhau về thành phố kiếm việc làm, phát khởi những cuộc biểu tình ngày càng lan rộng.
  4. Các áp lực quốc tế về nhân quyền và tự do dân chủ gián tiếp hỗ trợ đấu tranh đối kháng trong nước.

Chuyển sang nội tình Việt Nam Cộng sản, tác giả nhận diện các diễn biến chính trị qua bốn nan đề kể trên, đã là căn nguyên làm cho chế độ Cộng sản Đông Âu sụp đổ, nay đang tác động làm suy tàn và băng hoại đảng Cộng sản Việt Nam, khởi đầu bằng sự tranh chấp quyền lực nội bộ giữa các phe nhóm và giữa các địa phương: phe Trường Chinh, phe Lê đức Thọ, phe Phạm văn Đồng, phe Võ nguyên Giáp, phe Nguyễn văn Linh, phe Lê Duẩn, phe Đỗ Mười v.v... Từ đó, còn nẩy sanh ra các phe kinh tế kỹ thuật, phe quân đội, phe công an kình chống nhau.

Về nan đề thứ hai, tác giả đã nhận diện các lực lượng đối kháng ngày càng lớn mạnh, phát xuất từ những tổ chức kháng chiến trong nước và các lực lượng đấu tranh tại hải ngoại, khởi sắc là từ năm 1996, lực lượng đối kháng đã phát triển trong lãnh vực tôn giáo, lần lần đi đến những sự kết hợp quy mô, dấy lên phong trào đòi hỏi dân chủ đa nguyên tại Việt Nam, nội dung, theo tác giả, được tổng kết trong Bản Tuyên ngôn Dân chủ cho Việt Nam mang chữ ký của hơn 2.000 người đấu tranh tại Việt Nam, được đánh giá là sau thời kỳ đấu tranh đơn lẻ từng nhóm, từng cá nhân, nay cuộc đấu tranh chống Cộng sản đã chuyển sang thời kỳ phản kháng tập thể, có tổ chức, dựa trên mẫu số chung là "chấm dứt ách độc tài Cộng sản để canh tân Việt Nam".

Về nan đề thứ 3, tác giả nhận diện các cuộc chống đối đa diện của quần chúng liên quan đến ruộng đất, đến các hành vi tham ô, đến nạn cán bộ tự bao che, đưa đến các khiếu kiện, tố cáo vạch trần bất công trên khắp các miền đất nước. Hoạt động của Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ, những cuộc biểu tình huy động hàng ngàn Phật tử tại Thừa Thiên Huế, cuộc nổi dậy của đồng bào Tây Nguyên, cuộc nổi dậy của đồng bào Thái Bình, các cuộc đình công tự phát của công nhân Việt Nam làm việc tại các công ty đầu tư nước ngoài, cũng đã được nêu lên để minh hoạ cho phong trào đối kháng của quần chúng.

Về nan đề thứ 4, sau khi duyệt qua các đóng góp đấu tranh của các tổ chức quốc tế về nhân quyền, về tự do tín ngưỡng, tác giả đã nhấn mạnh vai trò của các cộng đồng người Việt hải ngoại trong việc tác động xoay chuyển tình hình chính trị Việt Nam Cộng sản.

Phóng tầm nhìn về tương lai, tác giả dự kiến ba viễn cảnh:
1) Cộng sản Việt Nam tiếp tục khống chế mọi mặt
2) Cộng sản lần lần biến thể không còn màu sắc Cộng sản nữa
3) Cộng sản sụp đổ đưa đến thay đổi thể chế như ở Đông Âu.

Tác giả khẳng định khát vọng của toàn dân Việt Nam là được sống trên một đất nước có tự do dân chủ, nhân phẩm được tôn trọng. Nhất quyết không thể dựa dẫm vào thế lực ngoại bang trong đấu tranh, tác giả khẳng định bài toán của Việt Nam vẫn là phương cách giải quyết vấn đề bằng một cuộc đấu tranh giải phóng bao gồm "những hành động có tính chất chiến tranh lẫn những hành động nằm ngoài khuôn khổ chiến tranh", "đấu tranh bằng mọi phương tiện, mọi phương pháp, mọi lề lối", "đấu tranh không quy ước", "đấu tranh toàn diện".

Để đưa cuộc đấu tranh kể trên vào hiện thực, tác giả trù liệu nhiều thử thách cam go cần phải vượt qua:
1) Nâng cao hiểu biết và ý thức dân chủ của người dân.
2) Hỗ trợ quần chúng hoạt động ngoài luồng, đặt nền tảng cho một xã hội dân sự thoát khỏi sự khống chế của đảng Cộng sản Việt nam.
3) Khai thác những biện pháp cải tổ vá víu của Cộng sản.

Trong nỗ lực đấu tranh chấm dứt Cộng sản độc tài, tác giả nêu lên một số đề cao cảnh giác căn bản:
1) Không nên chờ đợi thiện chí cải sửa hay tự thay đổi của Cộng sản;
2) Không nên có những ảo vọng về đối thoại;
3) Không nên có ảo vọng một phe nhóm trong nội bộ Cộng sản đứng lên làm đảo chánh;
4) Không nên trông chờ một thế lực ngoại quốc "can thiệp" dùm ta.

Theo tác giả, chúng ta chỉ còn một giải pháp thực thi chính nghĩa dân tộc, dựa trên 4 tiềm lực chính:
1) Đại khối quần chúng quốc nội; đồng thời "khai dụng" khối người Việt trong nước ra hải ngoại;
2) Những đảng viên Cộng sản thức tỉnh;
3) Các lực lượng đấu tranh, đảng phái cách mạng;
4) Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại.

Dự phóng tương lai trên cơ sở hai, khát vọng căn bản của dân tộc Việt  Nam là độc lập dân tộc và canh tân quốc gia, theo tác giả, phải trải qua ba giai đoạn trong khoảng hai thập niên sắp tới:

  • Giai đoạn 1: thanh toán guồng máy độc tài Cộng sản bằng sự vùng dậy của toàn dân trong vòng 2 đến 3 năm tới;
  • Giai đoạn 2: xây dựng dân chủ và phát triển qua việc tổng tuyển cử tự do, giải quyết các tệ nạn xã hội, ổn định xã hội, đẩy mạnh các cải cách kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục...
  • Giai đoạn 3: phát triển toàn diện.

* * *

Đọc đến trang cuối của tập sách "Đông Âu tại Việt Nam", phải thẳng thắn công nhận, đây quả là một công trình biên soạn công phu, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian vật chất tra cứu, cung ứng cho người đọc một tầm nhìn đối chiếu bao rộng, không gò bó riêng trong bối cảnh chính trị Việt Nam mặc dù chủ đích tối hậu là soi đường cho công cuộc đấu tranh chống Cộng sản độc tài đảng trị Việt Nam. Tuy nhiên, để được thoải mái trong phát biểu về nội dung tập sách, tưởng phải nói rõ như là một tiền đề về một điểm mà người viết cho là rất cần yếu để bảo đảm tính trong sáng trong ghi nhận.

Trước hết, tác giả Lý Thái Hùng thực sự là một tên tuổi quá quen thuộc trong hoạt động đấu tranh chính trị của người Việt ở hải ngoại, cụ thể đang là một thành phần Ban lãnh đạo Đảng Việt Tân, nay nếu gắn liền tư cách này với tư cách tác giả thì có thể tạo nên một vài gò bó chính trị, một vài ngộ nhận, có thể làm mất đi một ít thoải mái tối cần, bởi lẽ chính bản thân người đọc viết nên những hàng chữ này cũng thuộc thành phần đương kim Ban lãnh đạo Đại Việt Quốc Dân đảng, một đoàn thể chính trị không dính dáng đến Đảng Việt Tân. Do đó, xin xác định tác giả Lý Thái Hùng trên cương vị là nhà nghiên cứu chính trị đơn thuần, một học giả, và tập sách "Đông Âu tại Việt Nam" cần được người đọc đón nhận như là một công trình biên soạn khoa học về một đề tài chính trị liên quan đến hiện tình và tương lai đất nước Việt Nam đang quằn quại dưới ách Cộng sản độc tài đảng trị. Tập sách cần được đọc và phê phán, nếu có, dưới góc độ nghiên cứu khoa học không nhất thiết đặt trong phạm vi hoặc gắn liền với luận thuyết của một đoàn thể chính trị nào cả.

Trên tinh thần khoa học và bao rộng kể trên, nội dung tập sách, như vừa được phân tích, biểu lộ tấm lòng tha thiết và quyết tâm cao độ của tác giả trong công cuộc đấu tranh của dân tộc chống Cộng sản đương quyền. Trình bày các diễn biến chánh trị Đông Âu như là một hệ thống quy chiếu xác định chế độ Cộng sản cuối cùng rồi cũng phải tan rã theo quan thầy Liên Xô, tác giả chuyển tải một niềm tin vững chắc về sự sụp đổ đó đến người đọc trong bối cảnh hiện tình Việt Nam, khẳng định sức mạnh của toàn dân, của quần chúng nói chung cần được kết nối để phát huy ý thức đấu tranh nhằm mục tiêu chiến lược chung. Bằng một lối trình bày lớp lang đầy chi tiết, tác giả đã đưa người đọc vào một cõi say mê theo dõi các diễn biến chính trị soi sáng bối cảnh chính trị tại các nước này, và mỗi quốc gia vốn lại có những đặc điểm riêng. Về mặt này, tác giả cho thấy đã thành công trong việc làm nổi bật đỉểm cuối cùng như là một kinh nghiệm sống động của Đông Âu cho Việt Nam là không chóng thì chầy, chế độ Cộng sản phải sụp đổ trước nỗ lực vùng dậy dưới nhiều hình thức khác nhau của quần chúng.

Khi đi vào chương chín đề cập "Việt nam trước cơn bão Dân chủ tại Đông Âu", với tâm trạng quây cuồng trong chi tiết chồng tréo phức tạp của bảy chương sách trước, người đọc bắt đầu cảm thấy thoải mái dễ nắm bắt vấn đề hơn tựa hồ như đang ở trong căn nhà của riêng mình. Trong hai chương cuối cùng, tác giả đã biểu tỏ sự hăng say vượt mức trong việc kiểm điểm các diễn biến chính trị trong nội tình Cộng sản Việt Nam nhưng cũng vẫn theo phương pháp tổng lược lớp lang các diễn biến chính trị rải rác trong các lãnh vực, theo một hướng đấu tranh chỉ biết tiến chớ không bao giờ lùi, để cuối cùng với rất nhiều tin tưởng là lực lượng đấu tranh chống Cộng sản quyết định sẽ thắng và Cộng sản nhất định sẽ lụi tàn, như đã xảy ra ở Đông Âu vậy.

Theo dòng suy tư này, trong công cuộc đấu tranh chống Cộng sản, xây dựng dân chủ tại Việt Nam, lực lượng đấu tranh trong hiện tình, theo tác giả, sẽ phải bằng mọi cách, nỗ lực huy động toàn bộ các khuynh hướng đối kháng trong cũng như ngoài nước, nhưng trong đó, thực tế cho thấy và không thể giấu diếm vào đâu được, vẫn còn tồn tại một khuynh hướng triệt để lên án Cộng sản nhưng theo lập luận bảo tồn thành quả chống thực dân, giải phóng dân tộc, vẫn tôn vinh Hồ chí Minh và đề cao "tư tưởng Hồ chí Minh". Câu hỏi được nêu lên là khuynh hướng này có được chấp nhận vào hàng ngũ chống Cộng sản Việt Nam hay không?

Lướt qua một vài trọng điểm cụ thể góp ý kể trên, người đọc muốn nói lên một nhu cầu triển khai nghiên cứu chuyên sâu hơn một số vấn đề cốt lõi mở đường cho việc xây dựng chiến thuật và kế hoạch thực hiện đấu tranh chống Cộng sản. Trên bước đường triển khai này, không thể quên xét đến một nghịch lý đang diễn ra trong cộng đồng người Việt hải ngoại công khai cung ứng hàng năm một khối lượng ngoại tệ khổng lồ lên đến 3 tỷ đô la, nuôi sống nền kinh tế thị trường điều hành theo lối chữa cháy từng mảng theo định hướng xã hội chủ nghĩa què quặt, trong khi các lực lượng đấu tranh Tự do Dân chủ đang muốn cho Cộng sản dẫy chết. Mặt khác, vai trò của Hoa Kỳ đang xích lại với Việt Nam Cộng sản và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở sát cạnh cũng là một vấn đề cần được quan tâm phân tích thiết thực để không bị hố trong bước đường đấu tranh.

Xác định ý hướng cao đẹp cho tương lai đất nước của tác giả và tác dụng của nội dung tập sách trong việc mở rộng tầm nhìn chiến lược cho công cuộc đấu tranh chống Cộng sản Việt Nam, đó là một số nan đề mà tác giả đã ghi nhận khá đầy đù qua hai trang cuối của tập sách.

MAI THANH TRUYẾT
Ngày tưởng niệm Quách Thị Trang 25/8/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét