02 tháng 2, 2007

Một Tài Liệu Đáng Được Các Người Tranh Đấu Dùng Để Tham Khảo

* Đề Đốc Đinh Mạnh Hùng

Cuộc tranh chấp Quốc - Cộng tại Việt Nam, kéo dài từ thập niên 30-40 của thể kỷ 20 đến nay, trên căn bản là một cuộc tranh chấp ý thức hệ. Cho đến nay, kết luận quá rõ ràng là chủ nghĩa cộng sản đã chứng tỏ hoàn toàn thất bại trong công cuộc xây dựng đất nước và đem lại hạnh phúc cho người dân. Không những thế, chủ nghĩa này đã hủy hoại xã hội Việt Nam trên mọi phương diện và lưu lại nhiều tác hại trầm trọng lâu dài cho thế hệ tương lai.

Tất cả người dân Việt có ý thức, từ trong nước đến hải ngoại, kể cả các cán bộ cộng sản, đều công nhận không thể duy trì hình thức chính trị hiện nay mà cần phải thay đổi chế độ cộng sản mới mong có thể đưa đất nước Việt Nam bắt kịp đà tiến triển của nhân loại.

Tuy nhiên, mặc dầu ý thức hệ quốc gia với những ý tưởng: độc lập tự chủ, tự do dân chủ, kinh tế thị trường, xã hội công bẳng bác ái, văn hóa dân tộc khai phóng... đang là lý tưởng của người dân Việt hiện nay, nhưng chuyển đổi từ một chế độ cộng sản toàn trị sang một chế độ tự do dân chủ không phải là giản di nhanh chóng và dễ dàng.

Hiện nay, dầu bị bế tắc về chủ thuyết, chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ chế độ Hà Nội đã sẵn sàng hay đang bị hiểm nguy để phải chấp nhận dân chủ hóa Việt Nam. Cộng sản Hà Nội sẽ chỉ thực hiện những ’đổi mới’ vừa đủ để hội nhập vào cộng đồng thế giới mà vẫn duy trì được quyền độc tôn chính trị. Từ trước đến nay, cộng sản chỉ chịu lùi bước trước áp lực hay khi bị thất thế. Do đó, công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam cần phải mạnh mẽ và tinh vi hơn mới mong nhanh chóng đạt đến thắng lợi sau cùng.



Mặt khác, những lực lượng đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam chưa có một sách lược tranh đấu đồng bộ chung. Đã có nhiều đề nghị về một tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Các tiến trình này cần được cụ thể hóa và chi tiết hóa khi đem ra thi hành. Đến đây, công việc sẽ trở thành phức tạp và khó khăn do những bất đồng ý kiến về cách thức và đường lối thực hiện. Về điểm này, ta có thể rút kinh nghiệm từ các diễn biến lịch sử đã qua để tìm được một sách lược thích ứng và hữu hiệu.

Tập sách "Đông Âu Tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng đã được xuất bản đúng vào lúc công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam đang ở một khúc quanh với những biến chuyển quan trọng, với sự xuất hiện của nhiều yếu tố mới cần phải duyệt xét lại các đường hướng đấu tranh. Trong tập sách này, đọc kỹ các diển biến đưa đến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Đông Âu và so sánh với Việt Nam, ta có thể rút tỉa nhiều kết luận có giá trị:

Trước hết, có thể kể đến các yếu tố đã đưa đến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản Đông Âu, bao gồm:

  • Sự phân hóa trong hàng ngũ đảng cộng sản.
  • Sự bất mãn và bất phục tùng của các tầng lớp dân chúng, nhất là trong giới trí thức và công nhân.
  • Tình trạng yếu kém về phát triển kinh tế.
  • Thái độ không can thiệp của Liên Xô.
  • Có một thành phần đối kháng sẵn sàng khai thác thời cơ.
  • Ảnh hưởng dây chuyền của các biến động.

Thứ đến, có thể kể đến các khó khăn trong thời kỳ chuyển tiếp đưa đến sự phục hồi của các hậu thân của đảng cộng sản, như:

  • Sự bất lực của các chính quyền hậu cộng sản vì thành phần lãnh đạo kém khả năng hay bị các cựu cộng sản phá hoại.
  • Sự chia rẽ trong hàng ngũ dân chủ khi cách mạng đã thành công.
  • Sự thất vọng của dân chúng về đời sống khó khăn và bất ổn trong giai đoạn phôi thai của nền kinh tế thị trường.

Tập sách cũng đã nêu lên các lý do tại sao chế độ Hà Nội đã không bị sụp đổ vào cuối thập niên 80 cùng với Đông Âu, tình hình Việt Nam hiện nay giống như tình hình Đông Âu vào thời kỳ đó như thế nào và đề nghị những giải pháp để xây dựng dân chủ tại Việt Nam.

Dầu có thể không hoàn toàn đồng ý về những nhận xét và đề nghị của tác giả, đây là một tài liệu đã được nghiên cứu kỹ lưỡng - công phu và khách quan, đáng được các người tranh đấu dùng để tham khảo. Chúng tôi xin giới thiệu tập sách ’Đông Âu tại Việt Nam’ với quý vị độc giả.

Đinh Mạnh Hùng
Hoa Thịnh Đốn
September 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét