07 tháng 2, 2007

Chương X - Đông Âu Tại Việt Nam

Bản Tóm Lược

(Trích một phần từ: Chương X - Đông Âu Tại Việt Nam trong tập sách "Đông Âu tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng.)

Việt Nam rơi vào quỹ đạo cộng sản sau những biến chuyển của thế giới xuất phát từ thời Đệ Nhị Thế Chiến. Các nước trong vùng Đông Âu cũng vậy, nhưng tại Đông Âu, vai trò của Liên Xô mang tính chất quyết định trong tiến trình cộng sản hóa 8 nước trong vùng là Ba Lan, Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungary, Romania, Bulgaria, Albania và Nam Tư. Trong khi đó tại Việt Nam, vai trò quyết định trong tiến trình cộng sản hóa không luôn luôn nằm tại Mạc Tư Khoa, có những lúc Cộng sản Việt Nam thành công nhờ sự yểm trợ của Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là trong giai đoạn chiến tranh Pháp - Việt, từ năm 1945 đến năm 1954. Cũng do sự yểm trợ của Bắc Kinh mà trong cơ cấu đảng Cộng sản Việt Nam, người ta thấy có sự xuất hiện của nhiều nhân vật lãnh đạo được Trung Quốc huấn luyện. Ngay cả sau này, vai trò của Trung Quốc trong việc hỗ trợ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào thời điểm quyết định của cuộc chiến Việt Nam năm 1975 là một yếu tố mà người ta không thể quên. Do đó, mặc dù Việt Nam giống Đông Âu ở tình trạng bị cộng sản thống trị và các đảng thống trị đều bị Liên Xô chi phối, ta cần thấy là khả năng chi phối của Mạc Tư Khoa tại Việt Nam có những khác biệt so với khả năng chi phối tại Đông Âu.

Mười bảy năm qua, người dân tại Đông Âu đã sống một cuộc đời mới dưới ánh sáng tự do dân chủ, trong khi đó, Việt Nam vẫn tiếp tục ngập chìm trong tình trạng lạc hậu, chậm tiến với nhiều nan đề mới nảy sinh từ những chính sách thay đổi vá víu của đảng Cộng sản Việt Nam trong hai mươi năm qua (1986-2006). Những nan đề mà đảng cộng sản Việt Nam đang phải đối diện không khác gì những vấn đề mà cách nay 17 năm, các đảng Cộng sản tại Đông Âu đã phải đối phó và đã thất bại. Nói cách khác, nếu 17 năm trước đây Việt Nam hoàn toàn bất động trước cơn bão ‘dân chủ’ thổi mạnh mẽ đến Đông Âu, thì nay, những đợt sóng ngầm của trào lưu dân chủ hóa đang bắt đầu chuyển động trong xã hội Việt Nam với những tín hiệu giống như đã từng báo hiệu sự sụp đổ các chế độ độc tài cộng sản tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Bulgaria, Albania, Romania và Nam Tư trong hai năm 1989 và 1990.


Những Yếu Tố Đưa Đến Sự Tan Rã Các Chế Độ Cộng Sản Tại Đông Âu

Tuy các quốc gia Đông Âu nằm chung trong hệ thống cai trị độc tài và thoái hóa của đảng cộng sản, nhưng do hoàn cảnh của mỗi nước và do sự xoay chuyển của ban lãnh đạo mỗi đảng, khi Liên Xô tung ra chính sách tự cứu vào năm 1985, những chế độ Cộng sản tại đây đã tan rã theo những cách khác nhau. Sự tan rã của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan đến từ những áp lực đấu tranh mạnh mẽ của Công Đoàn Đoàn Kết, trong khi đảng Công Nhân Xã Hội Hung Gia Lợi, đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức bị tan rã vì sự phân hóa trầm trọng của thượng tầng lãnh đạo, khiến cho đảng không còn đủ sức để chống trả lại các đòi hỏi của những phong trào dân chủ của quần chúng và các nhóm đối lập. Trong các chế độ Cộng sản tại Bulgaria và Romania, những đảng đối lập đã khai thác khát vọng tự do của quần chúng để cô lập đảng cầm quyền. Trong khi chế độ Cộng sản tại Liên Bang Nam Tư bị sụp đổ vì các Cộng hòa quốc đứng lên đòi độc lập, dẫn đến các cuộc chiến sắc tộc đẫm máu. Tuy mỗi chế độ đã tan rã vào những giờ phút cuối khác nhau, nhưng trên tổng thể, bốn yếu tố sau đây đã là căn nguyên chính dẫn đến những biến động chính trị tại các quốc gia Đông Âu:

Căn nguyên thứ nhất, những bất đồng quan điểm trong các chính sách cải tổ đã dẫn đến tình trạng phân liệt trong hàng ngũ lãnh đạo, khiến các đảng cộng sản lúng túng trong việc đối phó trước những đòi hỏi cải cách chính đáng của quần chúng và của các khuynh hướng đối lập.

Đây là yếu tố căn bản nhất dẫn đến sự suy thoái đầu tiên trong nội tình của các đảng Cộng sản. Chính sự cho phép tự cứu ở mỗi nước của ông Gorbachev, cựu Tổng bí thư Liên Bang Xô Viết, đã làm giới lãnh đạo các đảng Cộng sản tại Đông Âu lúng túng trong việc tiến hành những cải tổ về kinh tế theo hướng thị trường tự do. Sự lúng túng này còn dẫn đến tình trạng mất định hướng trong hàng ngũ của giới lãnh đạo trong sự giằng co giữa việc mở rộng kinh tế để sống còn và việc ôm giữ xã hội chủ nghĩa để củng cố quyền lực độc tôn. Tình trạng này đã đưa đến sự phân liệt cùng cực trong cấp lãnh đạo với những phe nhóm mà người ta hay gọi là phe cải cách, phe giáo điều và phe trung gian. Sự phân liệt này đã khiến cho tập đoàn lãnh đạo bị dao động trước tình thế và không còn khả năng chống đỡ trước sức ép của quần chúng.

Căn nguyên thứ hai, sự bất mãn của người dân đã biểu hiện thành những phản kháng, dẫn đến tình trạng bất phục tùng dân sự với sự xuất hiện nhiều tổ chức ngoài luồng, những tổ chức đối lập đã khiến cho các cơ quan, đoàn thể của chế độ không còn có khả năng kiểm soát người dân.

Đây là tiến trình xảy ra một cách tất yếu khi chế độ không còn khả năng kiểm soát bao tử của người dân qua việc bãi bỏ chính sách hộ khẩu và áp dụng quy luật thị trường. Nói cách khác, những mầm móng sinh hoạt đa nguyên của xã hội xuất phát từ chính sách cởi trói của các đảng Cộng sản, làm nảy sinh những khuynh hướng đối kháng một cách đa diện từ tôn giáo, văn hóa, từ thiện lên đến công đoàn, sinh viên, thanh niên... đã khiến cho bộ máy bạo lực mất dần khả năng kiểm soát và từ đó những thành phần thi hành bạo lực bị vô hiệu trước sự xuất hiện nhanh chóng của những nhóm quần chúng ngoài luồng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức và những đảng phái đối lập đã hình thành từ tình trạng bí mật, tiến sang bán công khai và trở thành công khai khi những chống đối của quần chúng được các lực lượng đối kháng điều hướng thành những phong trào quần chúng, đẩy đảng cầm quyền phải thoái lui, nhượng bộ trước các đòi hỏi chính đáng của người dân.

Căn nguyên thứ ba, tình trạng cải cách nửa vời đã tạo ra những bất ổn xã hội, dẫn đến những biến động chính trị với sự bùng phát những phong trào đấu tranh quần chúng một cách rộng lớn và đa diện trên toàn quốc, vượt ra ngoài khả năng ứng phó của các lực lượng bảo vệ chế độ, từng bước làm tê liệt mọi sinh hoạt của quốc gia.

Những chính sách cải cách của các đảng Cộng sản đều có cùng một mục tiêu là mua thời gian để củng cố quyền lực của đảng, đồng thời tạo chỗ xì hơi hầu giảm sức ép chống đối của quần chúng. Nhưng chính những cải tổ nửa vời này cùng với sự rối loạn của thị trường đã tạo ra rất nhiều nan đề cho xã hội đổi mới, với rất nhiều tệ đoan xã hội xảy ra. Hậu quả là những hiện tượng tiêu cực này làm gia tăng sự bất mãn của quần chúng, với những vụ khiếu kiện, đình công, lãng công, tố cáo tham ô nhũng lạm đã xảy ra thường xuyên, tạo thành những biến cố gây ra bất ổn xã hội dẫn đến bất ổn chính trị. Những bất ổn này đã nhanh chóng tạo thành áp suất đè nặng lên nhóm lãnh đạo, dẫn đến những đối phó bất nhất và lúng túng trước các đòi hỏi của quần chúng. Hậu quả là bộ máy nhà nước còn đó, nhưng trong thực tế thì mạnh ai nấy làm, trung ương không còn điều khiển địa phương và mỗi vùng bị hiện tượng cát cứ của những sứ quân.

Căn nguyên thứ tư, những áp lực của quốc tế trên các mặt nhân quyền, tự do dân chủ lên các chính quyền Cộng sản trong tiến trình mở rộng giao thương buôn bán, đã phần nào làm chùn bước những đòn khủng bố của đảng cầm quyền, đồng thời gián tiếp hỗ trợ sức đấu tranh của các cá nhân và tổ chức đối kháng.

Cốt lõi của chính sách mở cửa giao tiếp với những nước Tây Phương mà hầu hết các đảng Cộng sản tại Đông Âu đã áp dụng qua khuyến cáo của ông Gorbachev vào năm 1985 đều có chung một mục tiêu là đi tìm tài nguyên và phương tiện ở bên ngoài để nuôi sống guồng máy thống trị, thay thế gánh nặng viện trợ của Liên Xô. Vì phải tranh thủ để có sự viện trợ và giao thương với các nước Tây Phương, các quốc gia Cộng sản đều hứng chịu những áp lực buộc phải tôn trọng nhân quyền và nhất là bị đe dọa trừng phạt kinh tế mỗi khi có những đàn áp mạnh mẽ đối với các cá nhân đối lập hay các đòi hỏi chính đáng của một số tổ chức quần chúng. Ngoài ra, những quốc gia Cộng sản tại Đông Âu còn bị áp lực phải cải tổ guồng máy hành chánh theo hướng pháp trị và tôn trọng tính dân chủ trong xã hội để được làm ăn buôn bán theo những đòi hỏi của các nước Tây Phương, nên bộ máy cầm quyền vốn đã không có hiệu quả, lại trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức đối lập. Áp lực nhân quyền của quốc tế tuy mang hình thức cảnh cáo nhưng có nhiều khả năng tranh thủ sự đồng tình từ các nước tự do, khiến cho đảng Cộng sản cảm thấy bị cô lập và có thể sẽ tháo chạy vào giờ phút cuối khi không còn biết bám víu được vào đâu.

So Sánh Đông Âu và Việt Nam

Nếu như các chế độ Cộng sản tại Đông Âu bị sụp đổ nhanh chóng, khởi đi từ chính sách cởi trói của Liên Bang Xô Viết do ông Gorbachev đưa ra vào năm 1985, thì chính sự sụp đổ này đã biến thành cơn cuồng phong thổi ngược vào khối Liên Bang Xô Viết, làm bùng nỗ những mầm mâu thuẫn vốn có từ lâu giữa các phe nhóm trong đảng Cộng sản Liên Xô, khiến cho Liên Xô bị sụp đổ toàn diện sau cuộc đảo chánh bất thành của nhóm quân nhân quá khích vào tháng 8-1991. Lúc đó, những biến cố chính trị xảy ra dồn dập tại Đông Âu, tuy có tạo một số ảnh hưởng nhất định lên cục diện Việt Nam, nhưng phải chờ đến khi Liên Xô tan rã, đảng Cộng sản Việt Nam mới rơi vào tình thế nguy kịch với những đối phó đầy lúng túng. Vì hoàn toàn dựa vào Liên Xô qua Hiệp ước hữu nghị ký vào năm 1979, đảng Cộng sản Việt Nam đã ứng xử theo mọi hướng dẫn từ Điện Cẩm Linh, nên khi phong trào dân chủ bùng nổ ở Ba Lan, Hung Gia Lợi hay tại Tiệp Khắc, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nghĩ rằng đó chỉ là những biến cố chính trị giai đoạn và Liên Xô sẽ khống chế trở lại như đã từng giải quyết các cuộc nổi dậy vào năm 1956 tại Ba Lan hay năm 1968 tại Tiệp Khắc. Do đó mà Hà Nội luôn luôn lên giọng trước các diễn biến chính trị tại Đông Âu. Đến tháng 8 năm 1991, khi nhóm quân nhân quá khích làm cuộc đảo chánh Gorbachev bị thất bại, Liên Xô rơi vào tình thế phân rã và sụp đổ toàn diện vào tháng 12-1991, đặt lãnh đạo Hà Nội ở vào thế ‘mồ côi giữa chợ’. Trong hoàn cảnh đó, với bản chất nô lệ - dựa vào quan thầy để sống còn - lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã phải chạy sang Thành Đô khấu đầu Bắc Kinh vào tháng 10-1991.

Đông Âu và Việt Nam rất có nhiều điểm dị biệt, trong đó khả năng biến đổi thấp của xã hội nông nghiệp chậm tiến sau nhiều năm chiến tranh của Việt Nam, đã giúp cho Cộng sản Việt Nam tiếp tục cố thủ trong nguyên trạng, khi những biến chuyển chính trị tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức xảy ra. Ngoài ra, Việt Nam nằm sát với Trung Quốc, nên khi Liên Xô gặp khủng hoảng và không tìm được lối thoát, Hà Nội đã vọng sang Bắc Kinh, áp dụng chính sách ‘mở kinh tế, xiết chính trị’ của Đặng Tiểu Bình, để vừa tìm tài nguyên từ bên ngoài hầu nuôi sống chế độ; vừa biến cải những phương thức cai trị để có thể đối phó những đòi hỏi của quần chúng trong thời mở cửa. Nhờ vậy mà đảng Cộng sản Việt Nam đã tạm thoát ra khỏi cơn bão ‘dân chủ’ tại Đông Âu cách nay 17 năm.

Ngày hôm nay, sau 20 năm áp dụng chính sách đổi mới để sống còn trong cơn dẫy chết của chủ nghĩa Cộng sản từ năm 1986 cho đến nay, xã hội Việt Nam và bản thân của đảng Cộng sản Việt Nam đã có những thay đổi rất căn bản. Những thay đổi này đã khiến cho guồng máy cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam trở thành u bướu sống bám trên cơ thể xã hội Việt Nam, để hủy hoại cơ thể chứ không có khả năng điều động như trước đây. Đây là những dấu hiệu suy tàn mà đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối diện, giống như tình trạng của các đảng Cộng sản tại Đông Âu và Liên Xô cũ vào những năm cuối thập niên 80. Nghĩa là đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang ở vào hoàn cảnh nguy kịch với 4 nan đề đã từng xảy ra tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức.... nay được lập lại ngay trên đất nước Việt Nam. Đó là:

Thứ nhất, tình trạng phân liệt trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam ngày trở nên gay gắt.

Thứ hai, những chống đối của các lực lượng đối kháng đã phát triển rộng khắp và đang tạo thành thế đối trọng với chế độ Hà Nội.

Thứ ba, những chống đối đa diện của quần chúng đã khiến cho Hà Nội lúng túng đối phó và tạo ra những xung đột quan điểm trong hàng ngũ lãnh đạo về cách giải quyết những yêu sách của quần chúng.

Thứ tư, áp lực quốc tế ngày một gia tăng đáng kể lên chế độ Hà Nội qua sự nỗ lực vận động không ngừng nghỉ của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

Viễn Cảnh Tình Hình Việt Nam

Cộng sản Việt Nam đã tạm thoát ra khỏi cơn ác mộng tan rã theo khối cộng sản quốc tế và giữ được quyền lực cai trị trên đất nước vào thập niên 90 của thế kỷ 20. Nhưng những thay đổi vá víu trong thời gian qua đang làm bùng nổ các vấn đề xã hội cùng với những nỗ lực tranh đấu liên tục của các lực lượng đấu tranh, đã và đang đẩy đảng Cộng sản Việt Nam rơi vào thế lúng tung đối phó. Ngoài ra, từ năm 2001 trở đi, hàng loạt các cuộc khiếu kiện của dân chúng ở Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình trong các năm 2002 đến 2004, những cuộc đình công của hàng chục ngàn công nhân tại những xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào cuối năm 2005 kéo dài đến nay, và nhất là những hình thức đấu tranh ngày một lan rộng của các nhà dân chủ trong nước đã cho thấy là đảng Cộng sản Việt không thể tiếp tục cố thủ trong lô cốt Mác - Lê.

Sự gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) và mở rộng các quan hệ song phương với một số quốc gia tây phương buộc Hà Nội phải chấp nhận một hình thái đa nguyên trong xã hội với sự xuất hiện của những tập hợp quần chúng do nhu cầu làm ăn sinh sống và cạnh tranh trong thương trường. Chính những tập hợp quần chúng này, dưới dạng tổ chức phi chính phủ, ái hữu, nghệ thuật, văn hóa, tôn giáo... sẽ tạo ra vô số những nối kết hàng ngang trong xã hội, từng bước vượt ra khỏi sự kiềm tỏa của bộ máy đảng và nhà nước, góp phần hình thành bối cảnh sinh hoạt đa nguyên.....

Trước những biến chuyển tình hình như vậy, vấn đề Việt Nam sẽ rơi vào một trong ba viễn cảnh như sau:

Viễn cảnh thứ nhất là đảng Cộng sản Việt Nam còn khả năng tiếp tục giữ nguyên tình trạng như hiện nay. Nghĩa là Hà Nội tiếp tục khống chế xã hội về mọi mặt, tiếp tục đu giây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những thay đổi đáng kể nếu có chỉ khi nào Trung Quốc có những biến động lớn.

Viễn cảnh thứ hai là đảng Cộng sản Việt Nam dần dần biến thái thành một đảng độc tài không còn màu sắc cộng sản (thay đổi tên đảng, tên nước và không nhắc đến nhóm chữ xã hội chủ nghĩa) và chấp nhận một số cải tổ biểu kiến về mặt chính trị như cho một số người ngoài đảng tham gia ứng cử dân biểu quốc hội hay các ủy ban nhân dân cấp làng xã, nhưng thực tế vẫn nắm chặt sự kiểm soát toàn xã hội.

Viễn cảnh thứ ba là đảng Cộng sản Việt Nam bị áp lực đấu tranh mạnh mẽ của các phong trào quần chúng và các lực lượng đối kháng, cùng với những xung đột quan điểm đổi mới ngày càng gia tăng trong thành phần lãnh đạo, khiến các cột trụ chống đỡ cho chế độ theo nhau sụp đổ đưa đến sự thay đổi thể chế như trường hợp các chế độ Cộng sản tại Đông Âu cách nay 17 năm.

Từ ba viễn cảnh có thể xảy ra nói trên, chúng ta thấy Cộng sản Việt Nam đang muốn cố kéo dài viễn cảnh thứ nhất và nếu có bị những áp lực thay đổi thì họ sẽ cố thực hiện viễn cảnh thứ hai, để đảng luôn luôn ở vị thế chủ động. Trong khi chúng ta, các lực lượng dân chủ dân tộc muốn đẩy viễn cảnh thứ ba xảy ra vì có nhiều thuận lợi hơn cho dân tộc.

Nếu đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục cầm quyền thì nước ta không những chỉ bị nạn độc tài mà còn rơi vào hai nguy cơ khác nữa. Nguy cơ thứ nhất là sự lệ thuộc của đảng Cộng sản Việt Nam vào một nước lớn, có thể là Mỹ hay Trung Quốc, khiến quyền lợi dân tộc bị hy sinh để phục vụ cho nước đỡ đầu. Kế đến là bất công xã hội và đạo đức tiếp tục suy đồi. Với ngần ấy vấn nạn tròng lên cổ dân ta thì dù có vận động thêm nhiều đầu tư ngoại quốc, hay dân ta có thêm ít nhiều hàng hóa tiêu xài đi nữa, Việt Nam vẫn sẽ chỉ là một nước nhược tiểu và lạc hậu so với thế giới, từ văn hóa và dân khí cho đến khả năng kinh tế và tự vệ.

Bài toán đặt ra cho tất cả những người yêu đất nước Việt Nam là làm sao thay đổi tình hình chính trị hiện tại, làm sao thực hiện được khát vọng của toàn dân là được sống trên một đất nước có tự do dân chủ với đầy đủ nhân phẩm và nhân quyền được tôn trọng. Không những thế, khát vọng của dân ta trong gần 150 năm qua còn là chấm dứt thảm kịch nghèo đói, canh tân đất nước giàu mạnh để có thể sánh vai cùng với các quốc gia láng giềng trong thế kỷ 21.

Những Giải Pháp Để Xây Dựng Dân Chủ Tại Việt Nam

Sự cai trị kéo dài từ năm 1945 tại miền Bắc, và từ năm 1975 trên toàn thể đất nước đến nay của đảng Cộng sản Việt Nam đã thực sự phá nát những giá trị căn bản của xã hội Việt Nam, đưa đến tình trạng thoái hóa của toàn xã hội. Tình trạng mở cửa, hội nhập kinh tế đi đôi với guồng máy cai trị độc tài và nhũng lạm đã gây ra nhiều hậu quả tai hại cho đất nước Việt Nam trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất:

Về mặt tinh thần, tình trạng tham nhũng lan tràn, móc ngoặc làm ăn trở thành thông lệ trong xã hội. Tinh thần công dân, ý thức trách nhiệm và nhất là sự quan tâm đến việc chung của mỗi người dân đã bị phá sản hầu như toàn diện. Bên cạnh đó, tình trạng đói khổ và bất công xã hội đưa đến những thảm trạng băng hoại đạo đức, đánh mất nhân tính đến mức độ báo động. Lòng tin của con người bị suy thoái và ý chí vươn lên không còn nhiều. Cả nước đang lao vào kiếm ăn và lo làm giàu trong một nền kinh tế hoang dã sau 20 năm gọi là đổi mới.

Về mặt vật chất, cuộc sống có thay đổi với hàng hóa tiêu dùng nhiều hơn so với trước đây, nhưng trong xã hội xảy ra nhiều tệ nạn với tình trạng phân cực giàu nghèo ngày một lớn. Sự phát triển bừa bãi tạo ra nhiều vấn nạn lâu dài trên người dân và làm biến chất xã hội tốt đẹp và lành mạnh của Việt Nam. Tài nguyên của đất nước bị khai thác một cách bất chính, tài sản quốc gia bị lạm dụng và thất thoát, môi sinh bị tàn phá ở mức báo động.

Ngoài ra, chiếu với những vấn nạn của đất nước hiện nay và những biến chuyển của tình hình so với vài năm trở về trước, công cuộc đấu tranh chấm dứt ách độc tài Cộng sản đang phải đối diện thêm một số thử thách mới. Những thử thách đó là:

1/ Làm sao nâng cao sự hiểu biết và ý thức dân chủ của người dân để góp phần đẩy mạnh tiến trình hình thành xã hội dân sự và chuẩn bị nền tảng dân chủ cho giai đoạn canh tân Việt Nam.

2/ Làm sao hỗ trợ để quần chúng có những hoạt động ngoài luồng, xây dựng những tập hợp quần chúng độc lập làm nền tảng cho một xã hội dân sự và thoát ra khỏi sự khống chế của đảng Cộng sản Việt Nam.

3/ Làm sao khai thác những biện pháp cải tổ vá víu và những mâu thuẫn tự thân của guồng máy độc tài để vừa tấn công làm suy yếu chế độ, vừa giảm thiểu các tác hại đang xẩy ra cho đất nước.

Tổng kết lại, với những vấn nạn và thử thách quan trọng đang xảy ra, để đáp ứng công cuộc đấu tranh chấm dứt ách độc tài Cộng sản Việt Nam và xây dựng lại đất nước, chúng ta phải đi tìm những giải pháp khả thi và hợp lý để góp phần đưa đất nước sang một tương lai tốt đẹp và sáng sủa hơn.

Ta không nên chờ đợi thiện chí cải sửa hay tự thay đổi của lãnh đạo Hà Nội để đất nước được tốt đẹp hơn và người dân có một đời sống tự do dân chủ.

Ta không nên có những ảo vọng sẽ đối thoại với lãnh đạo đảng Cộng sản để bàn thảo về con đường hợp tác hay chia xẻ trách nhiệm nào đó với họ để phát triển Việt Nam.

Ta không nên có những ảo vọng là một phe nhóm nào đó trong đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đứng ra làm cuộc đảo chánh, hay tạo ra cuộc chính biến nào đó hầu làm cho tình hình đất nước tốt đẹp hơn.

Ta không nên chờ đợi những thế lực ngoại quốc ’can thiệp’ dùm cho ta để có tự do dân chủ tại Việt Nam. Những áp lực của thế giới lên chế độ Hà Nội qua những vận động của Cộng đồng người Việt tỵ nạn trên các lãnh vực nhân quyền, tự do dân chủ, chỉ là những phản ứng chung của các chính phủ vốn có truyền thống tôn trọng các giá trị về tự do dân chủ nhân quyền.

Ngoài những giải pháp không nên chờ đợi nói trên, chúng ta chỉ còn một giải pháp, có phần chông gai và đòi hỏi sự kiên trì của toàn thể dân tộc, đó là dựa trên sức mạnh của người Việt Nam để vận động toàn dân tham gia đấu tranh cho đến khi nào chấm dứt ách độc tài Cộng sản. Đây là giải pháp thực thi chính nghĩa dân tộc và khi đã có chính nghĩa chắc chắn sẽ thành công vì trong lịch sử cổ kim đã từng minh chứng rằng chế độ nào đi ngược lại lòng dân, sớm muộn gì cũng bị người dân vùng lên lật đổ. Do đó, giải pháp chấm dứt chế độ độc tài Cộng sản tại Việt Nam phải là một cuộc đấu tranh dựa trên bốn tiềm lực chính: 1/Đại khối quần chúng tại Việt Nam; 2/Những người đảng viên cộng sản phản tỉnh; 3/Các Lực lượng, đảng phái đấu tranh; 4/Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại.

Bốn tiềm lực nói trên được kết thành hai mũi nhọn: từ bên trong lòng đảng Cộng sản và từ bên ngoài xã hội tấn công vào các tử huyệt thì chế độ Hà Nội sẽ vô phương chống đỡ. Nói cách khác, nếu kết hợp được bốn tiềm lực nói trên để chuyển thành hành động trong sự kết hợp nhịp nhàng, dân tộc Việt Nam sẽ có một vũ khí đáng kể tạo ra nhiều áp lực thay đổi kinh tế, chính trị, xã hội, hành chánh, luật lệ và từ đó lấn dần sự chủ động để thay đổi thể chế cai trị như những dân tộc tại Đông Âu và các nước cựu thành viên Liên Xô đã làm trong những năm qua.

Những Dự Phóng Tương Lai

Dựa vào những biến chuyển của tình hình và xu hướng đề cao các giá trị tự do dân chủ của nhân loại trong những năm đầu thế kỷ 21, chúng ta dự phóng rằng công cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam ra khỏi sự thống trị độc tài Cộng sản phải trải qua ba giai đoạn trong khoảng hai thập niên trước mặt.

Giai đoạn 1: Giải Quyết Guồng Máy Độc Tài Cộng Sản

Đây là thời kỳ khai triển tối đa những nỗ lực đấu tranh đã được dân tộc ta tiến hành trong hơn 30 năm qua nhằm chấm dứt ách độc tài cộng sản. Giai đoạn này sẽ phải kết thúc bằng sự vùng dậy của người dân để chấm dứt sự thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam, bởi phong trào đấu tranh quần chúng và sự hình thành bối cảnh sinh hoạt chính trị đa nguyên tại Việt Nam. Với những diễn tiến của tình hình hiện nay và với những quyết tâm đấu tranh của các lực lượng dân tộc, chúng ta tin tưởng rằng giai đoạn này sẽ không còn kéo dài lâu nữa.

Giai đoạn 2: Xây Dựng Bối Cảnh Sinh Hoạt Dân Chủ và Đặt Nền Tảng Cho Sự Phát Triển

Đây là thời kỳ vừa giải quyết những hậu quả của chế độc tài để lại, vừa phải tạo dựng một nền tảng dân chủ pháp trị để khai dụng hiệu quả tiềm năng của đại khối dân tộc cho nhu cầu canh tân và phát triển quốc gia. Cụ thể, trong thời kỳ này sẽ có một số nỗ lực phải tiến hành:

a/ Tổ chức tổng tuyển cử tự do để bầu ra quốc hội lập hiến. Nhiệm vụ của quốc hội này là định ra một khung sườn pháp chế cho một nền dân chủ vững bền của nước Việt Nam mới.

b/ Ổn định xã hội và giải quyết các tệ nạn do chế độ độc tài để lại, kể cả những vụ bất công, oan ức... đồng thời ngăn chận các hành vi phá hoại quốc gia và xã hội của những thế lực độc tài còn sót lại.

c/ Đẩy mạnh cải cách về mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục... nhất là đầu tư vào thế hệ trẻ để khai dụng nguồn lực chính của đất nước và chuẩn bị những thế hệ tương lai có khả năng đưa dân tộc thăng tiến trong các thập niên kế tiếp.

Giai đoạn 3: Tập Trung Phát Triển Việt Nam Toàn Diện

Sau khi đất nước có tự do dân chủ và ổn định, chắc chắn dân tộc Việt Nam sẽ dồn công sức vào công cuộc phát triển quốc gia để nhanh chóng đưa đất nước bắt kịp các quốc gia phát triển, chấm dứt nỗi nhục mấy trăm năm nghèo đói và lạc hậu. Nếu nỗ lực này được bắt đầu sớm thì đến năm 2025, chúng ta hy vọng sẽ có một số nền tảng phát triển đáng kể, dựa trên trí tuệ và sự cần mẫn của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đặc biệt là với sự đóng góp của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại, nước ta sẽ có cơ hội phát triển nhanh trong thời kỳ này.

Trong cả ba giai đoạn nói trên, giai đoạn I là gay go nhất vì sự ngoan cố của bạo quyền; còn giai đoạn II và giai đoạn III, tuy có những khác biệt trong hành động, nhưng đều góp phần vào việc tạo dựng nền tảng xây dựng một đất nước giàu mạnh và tiến bộ.

Kết Luận

Dân tộc Việt Nam đã phải trả một giá rất đắt của gần một trăm năm lệ thuộc thực dân Pháp vì tầm nhìn thiển cận của tầng lớp lãnh đạo, không dám canh tân vì lo sợ lung lay gốc rễ của hệ thống cai trị lúc bấy giờ. Sự tương quan giữa quyền tự chủ dân tộc và sự phát triển quốc gia là một bài học mà các thế hệ đi trước đã trả giá bằng máu và nước mắt. Hàng hàng lớp lớp những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam quật cường đã đứng lên đáp lời sông núi, nhưng gươm giáo thô sơ, tầm vông vạt nhọn đã không đủ sức chống lại súng đạn tối tân của kẻ thù nên dù máu xương chất chồng, toàn dân vẫn không thoát khỏi vòng nô lệ. Vì thiếu độc lập nên không có điều kiện để canh tân, vì không phát triển nên không thể giành quyền tự chủ. Đây là một vòng tròn độc ác đã cuốn xoáy dân tộc Việt Nam hơn một thế kỷ nay.

Vào đầu thế kỷ 20, một số những người Việt Nam yêu nước cũng đã tìm mọi cách để thoát khỏi vòng xoáy định mạng ấy. Tuy nhiên với toàn bộ dân tộc sống trong nội địa Việt Nam, để khởi động tiến trình canh tân, cha ông chúng ta đã không có chọn lựa nào khác ngoài việc trông cậy vào ngoại quốc. Đây là ngã ba đường mà chọn lựa nào cũng mang theo những hệ lụy đau thương của nó.

Có những nhà cách mạng đã chọn con đường nâng cao dân trí qua sự thu nhập văn minh từ chính sự cai trị của thực dân để từ đó làm bàn đạp giành độc lập. Con đường này cần thời gian quá dài và chế độ thực dân thì luôn luôn lấy đi nhiều hơn trả lại. Lịch sử cho thấy những nhà yêu nước chọn con đường này đã đau khổ nằm xuống khi ước mơ chưa thành tựu.

Có những nhà cách mạng đã chọn cách dựa vào Nhật Bản hùng cường với kỳ vọng tình đoàn kết Đông Á sẽ giúp hỗ trợ để giành độc lập và từ đó học hỏi mẫu mực canh tân. Con đường này đặt nhiều niềm tin vào hứa hẹn của nước ngoài. Lịch sử cho thấy những nhà yêu nước chọn con đường này đã ôm hận đắng cay khi ngoại quốc vì quyền lợi của họ đã bỏ rơi chúng ta.

Có những người đã chọn theo chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa mới hình thành vào đầu thế kỷ với hứa hẹn một tương lai thế giới đại đồng, hạnh phúc và vinh quang. Con đường này mới đầu những tưởng đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc nhưng thực tế cho thấy đã đem lại những tai hại dài lâu cho đất nước. Chủ nghĩa cộng sản đã chuyển sự nô lệ thực dân sang nô lệ ý thức hệ, một gông cùm vô hình nhưng tàn bạo và khó gỡ bỏ nhiều lần hơn. Chủ nghĩa cộng sản đã chuyển sự lạc hậu chậm tiến, hệ quả tất yếu của giới hạn dân trí sang sự lạc hậu có tính toán của tuyên truyền kích động một chiều, nhằm xây dựng sức mạnh của giai cấp. Sự tàn hại của chủ nghĩa này không chỉ xảy ra cho riêng Việt Nam nhưng cho tất cả mọi dân tộc lỡ bất hạnh đi vào con đường đó. Rất may mắn, chủ nghĩa quái ác này đã bị nhân loại đào thải ở một số quốc gia. Nhưng một lần nữa, những người nắm quyền hành đất nước vẫn không học được bài học của lịch sử, lại rơi vào lỗi lầm của triều Nguyễn ở cuối thế kỷ 19, đó là sự thiếu thức thời và đặt quyền lợi của phe nhóm cao hơn quyền lợi của tổ quốc.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng đang đứng trước một lựa chọn lịch sử. Đất nước bị lạc hậu quá xa so với các quốc gia trong vùng. Những nước này trước năm 1975 được sánh ngang hàng với miền Nam Việt Nam, thì nay đã bỏ xa Việt Nam thống nhất dưới gọng kềm chuyên chính từ 30 đến 40 năm. Nếu so với các quốc gia tiền tiến khác thì một số mặt chúng ta còn bị cách xa cả gần 100 năm. Đây là mối nhục chung của toàn dân tộc. Nếu để tình trạng này tiếp tục, Việt Nam có thể vĩnh viễn mất khả năng bắt kịp thế giới, trở nên một thành phần nhược tiểu với những thiệt thòi rõ rệt trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đây là mối lo chung của mọi người Việt Nam!

Nhưng ở thời điểm này, chúng ta cũng có những cơ hội mà các thế hệ tiền bối cách mạng không có.

Thứ nhất, trong lãnh thổ Việt Nam hiện nay không có quân đội ngoại quốc nào hiện diện. Những người cầm súng bảo vệ cho chế độ hiện nay cũng sẽ là những người tiên phong đứng về hàng ngũ của dân tộc một khi chế độ bị bùng vỡ từ bên trong. Lịch sử ở Đông Âu và Liên Bang Xô Viết cũ đã minh chứng điều này.

Thứ hai, do cuộc di tản lớn của người Việt Nam sau năm 1975, một bộ phận đáng kể của dân tộc đang sống bên ngoài lãnh thổ, có thể làm chỗ tựa cho Việt Nam vươn lên mà không cần phải dựa vào Nhật, vào Pháp hay Tàu như trước đây. Chỉ có người Việt Nam mới không bao giờ bỏ rơi dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, xu hướng dân chủ tự do đã trở thành mẫu mực cho nhân loại văn minh, tiến bộ. Có nước đi trước, có nước theo sau nhưng tất cả đều hướng về một phía. Không một thế lực quốc tế nào có thể ngăn cản xu thế này.

Khai dụng các cơ hội lịch sử này, để giải quyết bài toán độc tài cộng sản cũng như để gỡ bỏ nỗi nhục lạc hậu của đất nước và biến nỗi lo thành hành động, chúng ta cần phải huy động toàn bộ sức lực và tâm huyết của cả dân tộc trong một liên minh dân tộc. Làm được như vậy, chúng ta không chỉ xây dựng thế đoàn kết làm vũ khí đấu tranh chấm dứt ách độc tài Cộng sản mà còn là một tiềm lực to lớn để tạo những chuyển đổi của đất nước trong thời kỳ canh tân và phát triển Việt Nam. Chúng ta tin tưởng rằng, đã đến lúc dân tộc Việt Nam phải đứng dậy, rút tỉa những kinh nghiệm đấu tranh của các dân tộc đã từng bị nạn độc tài Cộng sản, tạo những chuyển đổi lịch sử tại Việt Nam, trong những thập niên đầu của thế kỷ 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét