04 tháng 2, 2007

"Đông Âu Tại Việt Nam" Đã Đem Đến Một Cái Nhìn Tích Cực Hơn Về Công Cuộc Đấu Tranh Hiện Nay

* Nhà văn Trùng Dương Nguyễn Thị Thái

Vào cuối thế kỷ 20 – một thế kỷ được đánh dấu bằng hai cuộc thế chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại, với khoảng gần 100 triệu người cả quân lẫn dân sự bị thiệt mạng; cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế vào năm 1929 chấn động toàn cầu; và các cuộc chiến tranh ý thức hệ cả lạnh lẫn nóng giữa thế giới tự do và chủ nghĩa cộng sản kéo dài gần một nửa thế kỷ – nhân loại đã được chứng kiến một loạt những biến cố vô cùng ngoạn mục và cảm động vào năm 1989, khi các chế độ cộng sản ở Đông Âu lần lượt theo chân nhau tan rã sau khi Bức Tường Bá Linh xụp đổ. Sự tan rã của các chế độ cộng sản chư hầu tại Đông Âu sau đó đã kéo theo cả Liên Bang Sô Viết, là chế độ cộng sản đã tồn tại lâu dài nhất, từ năm 1917 tới năm 1991. Loạt biến cố này đã được mệnh danh là Cuộc Cách Mạng Nhung vì, trừ trường hợp của Romania, những chế độ cộng sản này đã xụp đổ qua các tiến trình dân chủ với các cuộc tổng tuyển cử tự do, không có cảnh máu đổ thịt rơi và người chết hoặc những màn đấu tố thanh trừng tàn khốc kiểu cách mạng cộng sản.



Biến cố Đông Âu đã làm bừng lên một hy vọng trong lòng người Việt trong nước cũng như cộng dồng người Việt tị nạn cộng sản ở rải rác khắp nơi trên thế giới. Từ đó tới nay đã 17 năm (1989-2006), thời gian đối với lịch sử là ngắn, song đốí với một đời người thì kể như dài. Việt Nam vẫn ngày một chìm đắm dưới chế độ cộng sản. Vấn đề Việt Nam ngày một hết thuốc chữa vì tham nhũng thối nát và các tệ đoan xã hội ngày một lan tràn đến rùng rợn. Nghe chuyện Việt Nam chỉ thấy thắt tim, đau lòng. Tôi thú nhận là có lúc tôi sợ không muốn nghe chuyện Việt Nam nữa, mặc dù nỗi khắc khoải Việt Nam vẫn còn đó, như vết thương không thể lành.

Tập sách Đông Âu Tại Việt Nam của tác giả Lý Thái Hùng đã đem đến cho tôi một cái nhìn tích cực hơn. Có lẽ đây là tập sách đầu tiên bằng tiếng Việt đã phân tích cặn kẽ những diễn tiến đã đưa tới sự tan rã của chủ nghĩa cộng sản tại từng nước Đông Âu, gồm Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Tiệp Khắc, Nam Tư, Bulgaria và Romania, và so sánh những diễn biến này với những diễn biến chính trị, kinh tế và xã hội, nội cũng như ngoại tại, diễn ra tại Việt Nam trong 17 năm qua, đặc biệt hơn cả là gần đây. Khác với loại sách biên khảo, tác giả đã không dừng lại ở việc phân tích và trình bầy, mà còn đưa ra những phương cách để một Đông Âu có thể diễn ra ở Việt Nam, như tựa đề của cuốn sách đã gợi ý. Và đặc biệt hơn cả là những đề án xây dựng đất nước, tạo bối cảnh sinh hoạt dân chủ và đạt nền tảng cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

Tôi có vinh dự được đọc tập sách này khi còn là bản thảo, và được tác giả mời viết bài cảm nghĩ này. Trong lá thư gửi cho tôi kèm với tập bản thảo, tác giả Lý Thái Hùng cho biết tập sách lúc đầu được soạn ra từng bài làm tài liệu tham khảo riêng. "Nhưng càng ngày số liệu càng nhiều nên tôi viết theo từng quốc gia," anh viết. "Tuy nhiên công việc này bị gián đoạn rất nhiều vì nó chỉ là nghiên cứu cho biết nên tôi không mấy tích cực lắm. Mãi cho đến năm 2004 và nhất là đầu năm 2005 khi Cộng Sản Việt Nam thả một số tù nhân như Cha Lý, GS Huy, BS Quế và nhất là sự đấu đá trong nội bộ đảng CSVN qua vụ án Tổng Cục II, khiến cho tôi thấy là những diễn biến tại Việt Nam đang có những yếu tố gần giống như tại Đông Âu. Đương nhiên mỗi quốc gia có những điểm dị biệt về bối cảnh lịch sử, con người; nhưng nhìn trên tổng thể các diễn biến, tôi thấy là những xung đột nội bộ và cách đối phó của CSVN hiện nay có rất nhiều điểm giống như Đông Âu. Ngay cả những diễn biến của công cuộc đấu tranh từ các nhà đối kháng tại quốc nội cũng có những điểm giống như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi. Chính vì nhìn như vậy, tôi đã dồn sức viết cho xong vào cuối tháng 6 vừa qua."

Nhờ tác giả quyết định viết lại và xuất bản tập Đông Âu Tại Việt Nam, thay vì giữ tập sách ở dạng tài liệu tham khảo riêng, nếu không, chắc tôi sẽ không có dịp đọc. Mặc dù tôi vẫn theo dõi tin tức về Việt Nam, phần lớn qua Internet, nhưng một sự hiểu biết sâu xa chắc chắn không thể có bằng sự hiểu biết thâu lượm được sau khi đọc tập sách Đông Âu nhờ nguồn tài liệu phong phú mà có lẽ chỉ có một tổ chức, như Mặt Trận (nay là Việt Tân, viết tắt của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, có mặt trên World Wide Web tại Viettan.org), chuyên về đấu tranh và có nhiều liên hệ và móc nối trong nước cũng như ở hải ngoại mới có thể thu góp, phân tích và tổng hợp được như vậy.

Tôi bồi hồi khi đọc về những diễn biến có những đặc tính như của Đông Âu vào cuối thập niên 1980 đã và đang xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt là những đối kháng của các vị lãnh đạo các tôn giáo, các nhân vật trí thức và văn nghệ sĩ, và những người dân từ thôn quê đến thị thành, từ cao nguyên xuống đồng bằng, bị áp bức đã cuối cùng phản kháng tập thể trước sự đối phó lúng túng quanh co của một chính thể đã lỗi thời và phân hoá đến tê liệt từ trong đến ngoài.

Tôi đặc biệt bùi ngùi thương cảm khi đọc về chặng đường dài gian chuân của cụ bà Trần thị Ngọ, quê ở Bà Rịa, Vũng Tầu, người đã từng góp công của nuôi du kích và đã được Hà Nội trao tặng huy chương kháng chiến sau 1975 cùng với danh hiệu liệt sĩ cho chồng bà đã bị bắn chết vì tiếp tay du kích. Dù vậy, bà cụ Ngọ, ở tuổi 93, đã "vẫn ngày đêm lặn lội ra Hà Nội mong gặp được Tổng bí thư Nông Đức Mạnh để đòi lại 5,7 hecta ruộng mà gia đình cụ đã bao đời canh tác" và đã bị quốc hữu hoá. Và còn bao nhiêu những chuyện đau lòng thương tâm khác đang hàng ngày diễn ra trên mảnh đất quê hương tôi chưa hề đươc đặt chân trở lại từ trên 30 năm nay.

Nhìn thành quả của người Việt tị nạn ở rải rác tại những nước tự do dân chủ trên thế giới trong 31 năm qua, đặc biệt của thế hệ con cháu họ, tôi thường nghĩ người Việt không dở. Họ phát triển và nở rộ, trên thương trường cũng như đường học vấn và ở các ngành nghề chuyên môn, trong những thể chế tự do nhân bản, như diều gặp gió, như cá gặp nước.
Nhìn lại các thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam trong chế độ cộng sản mà xót xa: cũng là người Việt mà èo uột, cả thể chất lẫn trí tuệ, bên cạnh nhưng thành phần mánh mung lươn lẹo vì nhu cầu sống còn, sản phẩm của một chế độ với một giới lãnh đạo miệng nói lo cho dấn, rằng dân làm chủ, song chỉ chuyên lo cho quyền lợi của mình và phe nhóm.

Trong cuốn sách bán chạy nhất ở Hoa Kỳ của Thomas L. Friedman, The World Is Flat – A Brief History Of The Twenty-First Century (Farrar, Straus and Giroux, New York, 2005), tác giả đưa ra bốn nguyên nhân đã đưa tới sụ xụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu và Sô Viết. Những nguyên nhân đó là: thứ nhất là những xung khắc nội tại của chủ nghĩa cộng sản và tính cách thiếu công hiệu của nó đã làm tê liệt các công cuộc phát triển kinh tế; thứ hai là cuộc chạy đua võ trang đã khiến cho khả năng kinh tế của nước cộng sản đàn anh Sô Viết ngày một kiệt quệ; thứ ba là chính sách cải cách một hệ thống kinh tế không-còn-có-thể-cải-cách-được-nữa của Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev đã, thay vì cải cách, mở cửa cho những bất mãn chống đối có dịp bùng nổ; và cuối cùng là áp lực của cuộc cách mạng thông tin (information revolution) mà Friedman cho là quan trọng hơn cả.

"Nếu tôi phải nêu ra một yếu tố hàng đầu trong số bốn yếu tố vừa kể," Friedman viết ở trang 52, "thì chính là cuộc cách mạng thông tin bắt đầu từ giữa thập niên 1980. Những thể chế chuyên chính độc tài sở dĩ tồn tại là nhờ ở sự độc quyền thông tin và bạo lực, và có quá nhiều tin tức đã bắt đầu thâm nhập qua Bức Màn Sắt nhờ máy fax, điện thoại và những dụng cụ truyền thông tân tiến khác."

Cuộc cách mang truyền thông này đã không dừng lại sau khi bức tường Bá Linh xụp đổ kéo theo với nó các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên Bang Sô Viết. Kỹ thuật thông tin ngày một phát triển, lan rộng qua sự phổ biến của cái mà Friedman mệnh danh là "critical mass" của hàng loạt máy vi tính cá nhân đã nhờ hệ thống thao tác Windows 3.0 và những ấn bản kế tiếp mà bỗng trở nên phổ biến sâu rộng. Rồi sự ra đời của hệ thống Internet với đặc biệt là sự phộ biến của điện thư (e-mail) đã khiến cho việc thông tin nhanh chóng hơn bao giờ hết; và sự xuất hiện của các Web browsers, như Nestcape và Internet Explorer, đã giúp cho kiến thức của chúng ta ngày một đầy đủ trọn vẹn với đầy đủ hình ảnh và chứng liệu. Cái "critical mass" này hiện đang lan tràn ở Việt Nam, như một đàn, chứ không phải chỉ một con ngựa Thành Trojan.

Trên tường trước bàn làm việc ở nhà của tôi có tre một tấm hình trắng đen nhỏ, cỡ tấm thiệp bưu điện, lồng khung mà tôi cắt từ tờ tuần báo Việt Mercury (nay đã đình bản) ở San Jose, Bắc California. Bức ảnh đã khiến tôi thật xúc động khi thấy lần đầu cách đây mấy năm và còn tiếp tục gây ấn tượng mạnh nơi tôi. Hình do Hoàng Đình Nam chụp và được hãng thông tấn Agence France Press phổ biến, chụp cảnh một bác phu xích lô, phục sức tiều tụy, ngồi đọc báo trong khi chờ khách trên đệm xe chỗ chở khách, mặt cúi gần sát tờ báo, chắc là bị cận hay viễn thị nhưng không có mắt kính. Phía trên đầu bác phu đạp xích lô là cái bảng đề "Internet Café", với chữ Internet lớn và đậm, cheo trước một căn nhà xập xệ trên một con đường có vỉa hè lồi lõm mang tên Phố Tạ Hiện ở thành phố Hà Nội nổi tiếng ngàn năm văn vật. Bức hình nói lên, chua xót và trọn vẹn, tất cả cái tình cảnh xã hội Việt Nam hiện tại, và của những khát vọng bung ra vươn tới đang căng phồng như cánh buồm no gió chờ lướt sóng, song bị trì kéo trở lại, của dân tộc và đất nước Việt Nam.

Mười lăm hay hai mươi năm đối với một đời người kể là dài, song đối với lịch sử là ngắn, có lẽ quá ngắn. Đọc Đông Âu Tại Việt Nam để thấy rằng 17 năm, kể từ khi cuộc Cách Mạng Nhung diễn ra ở Đông Âu, thực ra không lâu, và rằng Đông Âu trước sau gì cũng sẽ phải diễn ra ở Việt Nam thôi. Mong rằng sau đó người Việt khác chính kiến sẽ có thể nhìn nhau bớt đi hận thù.

Trùng Dương NGUYỄN THỊ THÁI
Mùa hè 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét