Công Cuộc tranh đấu cho Phẩm Giá và Quyền Con Người là một cuộc tranh đấu liên tục, sôi nổi và không hề khoan nhượng như đã diễn ra khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là trong vòng 40 - 50 năm gần đây. Đáng kể nhất là cuộc tranh đấu cho Dân Quyền của người đa đen ở Mỹ với biểu tượng lẫy lừng là Mục Sư Luther King, ở Nam Phi với Nelson Mandela. Tiếp theo, kể từ khi có Hiệp ước Helsinki năm 1975, thì phong trào đấu tranh cho Nhân Quyền đã bùng nổ ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Đông Âu, ở Liên Xô và ở cả Châu Mỹ La Tinh. Và kết cục đã đưa tới sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở toàn thể Đông Âu và cả ở Liên Xô vốn được người Cộng sản ca tụng là "thành trì của xã hội chủ nghĩa". Và kể từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, chiến tranh lạnh đã chấm dứt và cục diện thế giới đang bước sang một trang sử mới, với nhiều phấn khởi và hy vọng cho toàn thể nhân loại ở thế kỷ XXI ngày nay.
Nói chung, trong suốt thế kỷ XX, đặc biệt kể từ sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt vào năm 1945, công cuộc giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ thuộc địa, về cơ bản đã hoàn thành trên khắp thế giới vào đầu thập niên 1960. Tiếp theo là cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc ở ngay nước Mỹ và đặc biệt ở Nam Phi, với thắng lợi dứt khoát vào thập niên 70 & 80. Rồi sau cùng là sự giải phóng khỏi chế độ Cộng sản ở Đông Âu và cả toàn thể Liên Xô vào đầu thập niên 90.
Những thắng lợi đó, mặc dù rất to lớn, thực ra, mới chỉ là một giai đoạn phá đổ nền chuyên chế, áp bức vốn được áp đặt trên con người, nhân danh những ý thức hệ lạc hậu, lỗi thời, như là "Sứ mệnh khai hóa của phương Tây đối với các dân tộc kém phát triển ở Á Châu, Phi Châu", "Sứ mệnh tranh đấu giai cấp để dành thắng lợi cho tầng lớp vô sản, được củng cố bởi nền chuyên chính vô sản" của hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo v.v...
Vấn đề còn lại là làm sao xây dựng lại một quốc gia để cho mọi công dân đều được ấm no, hạnh phúc thực sự, trong đó phẩm giá và quyền con người được bảo đảm tôn trọng, mỗi người được tự do sinh sống với những lựa chọn chính đáng riêng tư của mình. Đây chính là trách nhiệm của mọi người, đặc biệt là của tầng lớp sĩ phu ưu tú của đất nước, trong công cuộc kiên trì xây dựng một Xã Hội Dân Sự, với khả năng kềm hãm được sự khống chế của Quyền lực Nhà nước, vốn thường bị cám dỗ đi đến lạm quyền và lại hay cấu kết với giới tài phiệt để áp chế, bóc lột đa số người dân thấp cổ bé miệng.
Như ta đã biết, Xã Hội Dân Sự là một thành tố của cái không gian xã hội (Social Space) được biểu thị bằng:
- Khu vực Nhà nước (the State)
- Khu vực Thị trường (the Marketplace)
- Xã Hội Dân Sự (the Civil Society)
Trên nguyên tắc, trong một xã hội lý tưởng, cả ba khu vực này đều tương tác hỗ trợ bổ túc nhau, để phục vụ con người sao cho tất cả đều được sinh sống an vui, trong một cộng đồng xã hội được tổ chức ổn định, điều hòa, thuận thảo với nhau, ở nơi đó con người đối xử với nhau bằng sự tử tế, văn minh lịch sự. Và dứt khoát không còn cái cảnh con người khinh chê, hận thù và hà hiếp lẫn nhau, không còn có câu chuyện kẻ có quyền thế "cá vú lấp miệng em" đối với người dân thân cô, thế cô nữa.
Nhưng trong thực tế hàng ngày, luôn luôn có sự áp đảo của giới có quyền và có tiền đối với "đa số thầm lặng", là khối đông đảo quần chúng nạn nhân, vốn không mấy khi được tổ chức chặt chẽ với lãnh đạo tài ba, hầu đối phó với tầng lớp thống trị, thường luôn lấy bạo lực ra mà trấn áp người dám cưỡng lại ý đồ của kẻ ỷ thế có sức mạnh, để bóc lột đè nén người yếu đuối, không biết nương tựa vào đâu.
Xã Hội Dân Sự bao gồm mọi tổ chức phi chính phủ (NGO: Non Govermental Organizations) mọi nhóm người gắn bó với nhau để theo đuổi một mục đích xã hội, văn hóa, thể thao hay tâm linh tôn giáo, mọi tổ chức ở cộng đồng địa phương nhằm cải thiện môi trường sinh hoạt của mình... Trong một quốc gia thật sự tự do, dân chủ, thì người dân được khích lệ đứng ra thiết lập những tổ chức, những nhóm sinh hoạt muôn màu muôn vẻ, như trong một vườn hoa tranh nhau đua nở, tạo thành một xã hội phong phú, đa dạng và lành mạnh tử tế. Đây chính là hạ tầng cơ sở, nơi các cộng đồng địa phương được tự do phát huy sáng kiến xây dựng cụ thể và tích cực của mình, để chăm sóc cho mọi thành phần viên về các mặt công ăn việc làm, về bảo hiểm y tế, về môi sinh lành mạnh, về sinh hoạt giải trí văn hóa, thể thao, về săn sóc người già yếu, chăm lo đúng mức cho phụ nữ và trẻ em v.v... Phải củng cố các cộng đồng địa phương, như vậy, mới xứng đáng là đã "phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân", bắt đầu ngay từ đơn vị cơ bản nhất của xã hội nơi các xóm làng, các khu phố, nhất là nơi các con hẻm tối tăm chật hẹp của các thành phố, mà thường có mức độ phạm pháp rất cao. Cụ thể hóa chuyện xây dựng Xã Hội Dân Sự bằng phương sách "Phát Triển Cộng Đồng" (Community Development) chính là vừa đem lại sự cải thiện vật chất của môi trường sống ở mỗi địa phương, vừa gầy dựng được tình nghĩa gắn bó thân mật giữa mọi người trong xóm làng, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực tương thân, tương trợ lẫn nhau, cùng nắm tay nhau thực hiện những dự phóng tươi đẹp của một cộng đồng địa phương cơ sở, của mọi người và của mọi người.
***
Riêng đối với quê hương đất nước Việt Nam chúng ta, kinh nghiệm tranh đấu thắng lợi của các nước Đông Âu là một bài học thật quý báu, bởi lẽ nó tạo cho chúng ta một sự hào hứng, phấn khởi trước một viễn tượng sáng sủa tốt đẹp cho một dân tộc biết gắn bó , liên kết với nhau bằng Tình Người, bằng truyền thống Nhân ái của cha ông ta ngày xưa, vốn thường dạy là "Đem Đại Nghĩa Thắng Hung Tàn", "Lấy Trí Nhân Thay Cường Bạo".
Giai đoạn phá đổ nền độc tài toàn trị đã hoàn tất ở Đông Âu. Các chi tiết về công cuộc tranh đấu thắng lợi của 8 quốc gia Đông Âu trong thập niên 1980, đã đuợc tác giả Lý Thái Hùng trình bày khá đây đủ mạch lạc trong cuốn sách này. Đây là một cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Việt phân tích khá chính xác và khoa học về sự chuyển biến ngoạn mục ở Đông Âu của thế kỷ XX đưa đến sự sụp đổ toàn diện của khối Cộng Sản.
Luật Sư ĐOÀN THANH LIÊM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét