(Trích một phần từ: Chương IX - Việt Nam Trước Cơn Bão Dân Chủ Tại Đông Âu trong tập sách "Đông Âu tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng.)
Cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu đã tác động mạnh mẽ vào Việt Nam. Lúc đó, từng người, tùy theo vị trí trong xã hội, đã có những phản ứng khác nhau.
Thành phần lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, thì cố bưng bít mọi tin tức hoặc diễn giải sai lạc về những diễn biến xảy ra ở các nước Đông Âu và cương quyết chống lại xu hướng đa nguyên chính trị, cho đó là đầu dây mối nhợ đưa đến sự sụp đổ của chế độ và sự mất độc quyền cai trị của đảng. Họ tiếp tục cố thủ trong lô cốt giáo điều Mác-Lê để duy trì độc quyền cai trị, dù biết là chủ nghĩa này đã phá sản. Những người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đông cán bộ đảng viên thì nhìn rõ là chủ nghĩa Mác - Lê không còn là ý thức hệ "ưu việt" như họ đã bị nhồi nhét và tin tưởng một cách mù quáng trong quá khứ. Trong số này, đã có người can đảm nhìn ra chính ý thức hệ Mác - Lê đang là chướng ngại ngăn cản đà phát triển của đất nước và sự tiến bộ của dân tộc. Đặc biệt là đã có một số văn nghệ sĩ viết bài ca ngợi dân chủ đa nguyên và tố cáo những tệ nạn trong xã hội do chế đố cực quyền sản sinh ra.
Trong khi đó, vì bị chế độ bưng bít mọi luồng thông tin từ bên ngoài và bị bộ máy tuyên truyền diễn dịch sai lạc về mục tiêu đấu tranh của các phong trào dân chủ tại Đông Âu, đại đa số quần chúng ở trong nước đã không có một nhận thức rõ ràng về các biến cố này nên tỏ thái độ thờ ơ. Một thiểu số tuy biết rõ các diễn biến nhờ những liên lạc và tin tức chia xẻ từ một số người thân đang tu nghiệp hoặc đang lao động tại các nước Đông Âu, nhưng cũng chỉ có phản ứng chờ đợi. Điều bất hạnh là vào thời gian này, những nhânvật đấu tranh tiêu biểu ở trong nước như Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh Mục Trần Đình Thủ, ông Võ Đại Tôn.... lại ở trong vòng lao lý hay dưới sự quản thúc của chế độ. Chỉ có người Việt tại hải ngoại, trực tiếp theo dõi những diễn biến tin tức qua các hệ thống truyền thanh và truyền hình quốc tế, thì rất phấn chấn trước những biến cố dồn dập tại Đông Âu, nhưng phản ứng của họ nói chung thì rất là phức tạp. Một số người thì có ý nghĩ "bất chiến tự nhiên thành", tức chờ đợi đảng Cộng sản Việt Nam tự tan rã do mất chỗ dựa vào khối Cộng sản quốc tế. Một số người khác thì chờ đợi những văn nghệ sĩ trí thức ở trong nước vùng lên làm cuộc chuyển đổi lịch sử. Những người tích cực ở các tổ chức đấu tranh thì tìm cách chuyển tin tức về trong nước và hỗ trợ những tiếng nói đối kháng để dấy lên phong trào dân chủ hóa Việt Nam.
Từ "Cởi" Đến "Trói" Của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Tháng 12 năm 1986, đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức đại hội đại đảng kỳ VI dưới khẩu hiệu "đổi mới" và "cải tổ cơ cấu" theo bước đi của Gorbachev. Đây cũng có thể coi là đại hội chỉnh đảng quan trọng vì hàng loạt cán bộ thuộc cánh Lê Duẩn (ông Lê Duẫn chết vào tháng 7-1986) bị loại ra khỏi Trung ương đảng. Đại hội đảng Cộng sản kỳ VI đã bầu Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư, bắt đầu cho áp dụng một số cải tổ theo xu hướng đổi mới. Bộ chính trị đã bật đèn xanh cho đội ngũ văn nghệ sĩ của đảng bắt đầu tham gia cái gọi là "chiến dịch chống tiêu cực" trong xã hội và trong các cơ sở đảng. Chính sự bật đèn xanh này, có thể nói là trong giai đoạn đầu khi Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền đã tạo ra một sinh khí mới trong các hoạt động của giới văn nghệ sĩ. Ban bí thư đã ra chỉ thị "tăng cường sự lãnh đạo của đảng nhằm sử dụng tốt hơn báo chí trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực", qua việc cho phép sử dụng báo chí, đài phát thanh để nêu lên những sự việc, cá nhân làm điều sai trái.
Ngày 28-1-1987, dưới chữ ký của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Nghị Quyết 05 mang tựa đề "Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới" đã được ra đời. Từ năm 1988 bắt đầu xuất hiện thêm những cây bút lý luận như Lữ Phương, Hà Sĩ Phu, Lê Ngọc Trà, Phạm Xuân Nguyên, Lại Thiên Ân... tạo ra những cuộc bút chiến giữa họ và các cán bộ tuyên huấn của đảng về quan niệm giữa văn nghệ và chính trị, đòi đảng chấp nhận sự độc lập của văn nghệ. Những bài viết công kích chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi đảng phải thực thi dân chủ hóa, nhất là vạch trần những tội ác của cán bộ lãnh đạo đảng ở cấp trung ương lẫn địa phương đã tạo rất nhiều khó khăn cho nội bộ đảng, vì vai trò lãnh đạo của đảng bị thách đố. Trong khi đó, những biến chuyển chính trị ở các nước Đông Âu cũ như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc về việc xuất hiện các phong trào quần chúng đòi tự do dân chủ đã tác động vào Việt Nam, làm cho Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu lúng túng.
Lo sợ quyền lực lãnh đạo của đảng bị soi mòn trước sức bật mạnh mẽ của giới văn nghệ sĩ, trí thức trong nước, Bộ chính trị bắt đầu giảm tốc độ đà đổi mới, bước đầu là giới hạn những bài viết đề cập về các tệ đoan ở trong đảng. Tại Hôi nghị lần thứ 5 của ban chấp Trung ương đảng khoá VI vào tháng 6-1988, Nguyễn Văn Linh lại lớn tiếng phê phán một số bài viết cũng như một số tác phẩm đã vượt quá giới hạn. Nguyễn Văn Linh cho rằng "dân chủ phải có lãnh đạo, tự do không phải là vô bờ bến" và ra lệnh cấm phổ biến một số tác phẩm. Liền sau đó, những loạt bài ký tên N.V.L đăng trên báo Nhân Dân bị ngưng vĩnh viễn. Ngoài ra, để xiết chặt hàng ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trước các diễn biến phức tạp tại những nước cộng sản ở Đông Âu, Ban bí thư đã ra chỉ thị mang số 52-CT/TW ngày 8-6-1989 về "đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật" có nội dung ngăn cấm tất cả những bài viết đề cập dân chủ đa nguyên đa đảng, đồng thời vẽ ra hình ảnh mất an ninh, do sự xuống cấp toàn bộ của các cán bộ đảng viên, cộng với sự xúi giục của những bọn phản động đang đeo đuổi chủ nghĩa bá quyền đế quốc... để xiết chặt lại mọi sinh hoạt xã hội.
Cuộc Đấu Tranh Của Ông Nguyễn Hộ và Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ
Trong khi Trung Ương Đảng Cộng sản lúng túng đối phó vấn đề Trần Xuân Bách chưa xong, thì lại xảy ra sự chống đối một cách quyết liệt của Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ trong cùng thời gian. Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ, được thành lập bởi một ban chấp hành gồm 24 người, từng là cán bộ đảng viên cao cấp trong thời chiến tranh Việt Nam trước năm 1975, do ông Nguyễn Hộ đứng đầu. Đơn xin thành lập đã gửi cho Thành ủy Sài Gòn từ năm 1985 nhưng không ai dám quyết định mãi cho đến khi Lê Đức Thọ, Trưởng Ban tổ chức Trung Ương đảng đồng ý thì Thành phố Sài Gòn mới cấp giấy phép cho hoạt động vào ngày 16-5-1986. Theo ông Đỗ Trung Hiếu, một thành viên của tổ chức này thì Câu lạc bộ hoạt động và phát triển từ năm 1986 cho đến tháng 3-1990, lúc ông Hộ phải bỏ Sài Gòn đi trốn vì bị đàn áp. Trong khoảng thời gian 4 năm này, Câu lạc bộ đã có một số giai đoạn hoạt động đáng chú ý.
Giai đoạn I: từ ngày 16-5-1986 cho đến ngày 3-4-1988, tập trung vào việc xây dựng và phát triển Câu lạc bộ với số hội viên lên đến 20 ngàn người tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Vào lúc đó, Câu lạc bộ được coi là tổ chức quần chúng không do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phát triển nhanh và mạnh nhất với nhiều hoạt động đa dạng.
Giai đoạn II: từ ngày 3-4-1988 cho đến 23-3-1990, tập trung vào cao trào đấu tranh đòi đổi mới, chống tham nhũng quan liêu bảo thủ. Đây là thời kỳ Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư, tung ra chính sách đổi mới và cởi trói tư duy nên Câu lạc bộ đã lập ra Ban Tư Vấn Chính Trị vào ngày 3-4-1988 để phát động hai nỗ lực; 1/Chống tham nhũng; 2/Tổ chức các sinh hoạt chính trị ủng hộ đổi mới.
Sự phản kháng của ông Nguyễn Hộ và cuộc đấu tranh của Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ tại miền Nam là một sự quật khởi đầy bất ngờ của những cán bộ, đảng viên cộng sản gốc miền Nam, đối với lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Hộ, ông Tạ Bá Tòng, ông Đỗ Trung Hiếu, ông Hồ Hiếu... là những nhân tố chính, đã khai thác sự tập hợp nhóm cựu chiến binh miền Nam để đòi hỏi những cải cách dân chủ khi biến cố Đông Âu xảy ra. Tuy cuộc đấu tranh của những người cựu chiến binh miền Nam bị thất bại sau khi Thành ủy Sài Gòn tổ chức ‘đảo chánh’ để chiếm Câu Lạc Bộ vào năm 1990; nhưng ông Nguyễn Hộ và nhiều người khác đã tiếp tục đấu tranh và gây rất nhiều khó khăn cho Hà Nội cho đến năm 1996.
Đảng Cộng Sản Mò Mẫm Tìm Hướng Đi Mới Trong Sự Phân Liệt Nội Bộ
Trong lúc tiến hành việc "giải độc" cán bộ, đảng viên các cấp về những diễn biến xảy ra ở Đông Âu, ngay từ giữa năm 1989, Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu mò mẫm tìm một hướng đi mới, qua việc soạn thảo bản Cương lĩnh mới mà họ gọi là "Cương Lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ", trước sự sụp đổ hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu. Theo Đào Duy Tùng thì bản dự thảo này đã thảo luận và viết đi viết lại đến 15 lần, đến tháng 8-1990, Bộ chính trị mới đem ra thảo luận rộng rãi trong Hội nghị lần thứ 9 của ban chấp hành Trung ương đảng. Tại hội nghị này, Trung ương đã quyết định phổ biến lấy ý kiến trong quần chúng, đảng viên, trước khi công bố chính thức vào đại hội đảng lần thứ 7 vào năm 1991. Nội dung của bản dự thảo Cương lĩnh không có gì mới, vẫn là những từ ngữ dao to búa lớn, tiếp tục dựa vào những nguyên tắc kinh điển lỗi thời của thời kỳ "ai thắng ai" để tiếp tục cố thủ trong lô cốt Mác - Lê.
Bản dự thảo Cương lĩnh được viết ra trước khi có những biến chuyển sâu sắc lên tình hình Liên Xô (Liên bang Xô Viết sụp đổ vào tháng 12-1991) nên nội dung tuy có nhẹ nhàng so với các văn kiện trước đó, nhưng vẫn đặt nặng tin tưởng tuyệt đối vào sự tồn tại của Liên Xô để lãnh đạo khối Cộng sản quốc tế. Vì thế mà nương theo việc tổ chức các cuộc "học tập" về dự thảo Cưong lĩnh, đảng Cộng sản Việt Nam đã huy động toàn bộ lực lượng báo chí, truyền thông và những cơ quan phụ trách công tác lý luận của đảng, mở hàng loạt chiến dịch tấn công vào các chủ trương đa nguyên, tiếp tục cổ võ xã hội chủ nghĩa là một giải pháp duy nhất để phát triển Việt Nam. Cuộc lấy ý kiến này đã tạo ra sự tranh luận gay gắt giữa một số trí thức xã hội chủ nghĩa với các cán bộ phụ trách công tác tư tưởng ở trong đảng. Cuối cùng thì bản Cương Lĩnh đã được thông qua trong đại hội đảng kỳ VII vào tháng 6-1991.
Những Lên Tiếng Phản Kháng Của Giới Trí Thức Xã Hội Chủ Nghĩa
Cho đến khi đảng bắt đầu đưa ra chính sách kiểm thảo, phê bình tự phê sau biến cố Đông Âu từ tháng 3-1990, và kêu gọi cán bộ đảng viên góp ý về hai văn kiện "Cương Lĩnh Chính Trị Mới" và "Chiến Lược Kinh Tế - Xã Hội Năm 2000" để chuẩn bị đại hội đảng kỳ VI thì hàng loạt những kiến nghị, phát biểu của nhiều đảng viên lão thành và giới trí thức được phổ biến dưới nhiều hình thức, bắt đầu đặt thẳng vào vấn đề cốt lõi nhất, đó là bãi bỏ vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng, công nhận đa nguyên đa đảng. Sau đây là những ghi nhận các phát biểu ghi lại theo thứ tự thời gian.
Đầu tiên là ông Lê Hồng Hà, một cán bộ lão thành đã công kích về sự nhận thức hời hợt của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam về các nhu cầu cải tổ ở Việt Nam, dựa trên những góp ý của "cố vấn" Liên Xô đối với bản dự thảo Cương Lĩnh của Hà Nội vào tháng 9-1989. Ông Lê Hồng Hà đã tiết lộ một số điều mà cố vấn Liên Xô nói với lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam...
Nhà văn Dương Thu Hương, qua các tác phẩm "Bên Kia Bờ Ảo Vọng", "Những Thiên Đường Mù", đã đánh thẳng vào nền tảng của chủ nghĩa cộng sản qua những biến cố xảy ra trên đất nước, khởi đi từ thảm kịch cải cách ruộng đất. Hai tác phẩm này cũng như những bài phát biểu của bà sau này đã tạo sự chú ý trong dư luận và gây khó chịu cho đảng Cộng sản rất nhiều.
Cùng thời gian này, ông Nguyễn Kiến Giang đã phổ biến một bài viết "Bàn về sự lãnh đạo của đảng" đăng trên tờ Khoa Học và Tổ Quốc số phát hành vào tháng 4-1990, đã cho rằng sự thống trị tuyệt đối của đảng là nguyên nhân dẫn đến những trì trệ của đất nước.
Tháng 5-1990, ông Lữ Phương, nguyên Thứ trưởng thông tin văn hóa của Chính quyền cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã trình bày một số quan điểm trong bài: Chủ nghĩa xã hội Việt Nam, di sản và đổi mới", cho rằng đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn mâu thuẫn với các chủ trương trong thời kỳ nắm chính quyền và vì thế đã tạo ra quá nhiều thảm kịch trên đất nước.
Tháng 11-1990, trong dịp đến Paris tham dự hội nghị quốc tế, ông Bùi Tín, Phó tổng biên tập Nhật báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản đã gửi một kiến nghị gồm 12 điểm cho đảng Cộng sản Việt Nam qua làn sóng của đài phát thanh BBC tối ngày 27. Vào lúc đó, mặc dù ông Bùi Tín đề cập những sai lầm của chế độ và đề nghị cải sửa; nhưng ông vẫn khẳng định là người trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và với tư cách một đảng viên. Nhưng sau hơn 12 năm sống lưu vong tại Paris, lập trường và quan điểm hiện nay ông Bùi Tín đã thay đổi và không còn tin vào đảng, vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, thậm chí ông còn tuyên bố từ bỏ tất cả những huy chương hay những khen thưởng mà ông nhận từ chế độ.
Đầu năm 1991, Giáo sư Nguyễn Khắc Viện đã đề nghị đại hội lần thứ VII của đảng Cộng sản tập trung giải quyết hai vấn đề: 1/Cương quyết tuyên bố đảng trả lại mọi quyền hành cho các cơ quan dân cử và nhà nước. Cụ thể hoá là giải thể một loạt bộ phận trực thuộc trung ương cũng như cấp ủy trong các địa phương, trả lại Nhà nước một loạt nhà cửa, chuyển sang khoảng 2/3 cán bộ. 2/Các đồng chí lãnh đạo tối cao các ban trung ương hiện nay tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho những người mới.
Ông Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện triết học Mác Lê, người từng bị Lê Duẩn giam 17 năm tù từ năm 1964 vì bị ghép vào nhóm "chống đảng xét lại", đã viết một bài góp ý về dự thảo Cương lĩnh với 5 đề nghị rất thẳng thắn đối với đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài góp ý, ông Hoàng Minh Chính đã bác bỏ dự thảo Cương lĩnh và cho rằng: "nội dung của dự thảo đã đánh giá tình hình thế giới theo mô hình giáo điều tả khuynh từ cách đây 30 - 40 năm, không nêu bật lên được điểm cơ bản nhất và mới mẻ nhất của thời đại mới ngày nay thuộc nửa sau thập kỷ 90. Do đó Cương lĩnh mắc phải mâu thuẫn trong nội dung, rắm rối trong trình bày, lập lại các quan điểm lỗi thời, vừa bi quan, vừa lạc quan vô căn cứ, thiếu nhất quán dẫn tới định hướng đường lối chiến lược cách mạng không phù hợp, thậm chí trái ngược tiến trình chủ đạo của thế giới loài người thời đại mới ngày nay".
Tiến Sĩ Phan Đình Diệu, một thành viên của đoàn chủ tịch Mặt trận tổ quốc vào lúc đó đã gửi đến Trung ương đảng một "kiến nghị" có tên là "Kiến nghị về một chương trình cấp bách nhằm khắc phục khủng hoảng và tạo điều kiện lành mạnh cho sự phát triển đất nước". Tiến Sĩ Phan Đình Diệu đề nghị đảng phải nhất quán trong việc xác định mục tiêu hiện thực cho sự phát triển đất nước. Mục tiêu đó là xây dựng "một nền kinh tế thị trường phát triển và một chế độ chính trị dân chủ, đoàn kết và hoà hợp dân tộc".
Trong tất cả những nhân vật viết các bài bày tỏ những quan điểm phê phán nội dung Cương Lĩnh cũng như đường lối đổi mới và sự phá sản của chủ nghĩa Cộng sản, ông Hà Sĩ Phu là người mà đảng Cộng sản Việt Nam căm thù nhất vì lối viết sắc bén và tấn công thẳng vào nền tảng lý luận của chủ thuyết Mác - Lênin, qua ba bài viết "Dắt tay nhau đi dưới những tấm bảng chỉ đường của trí tuệ" (tháng 8 năm 1988), "Đôi điều suy nghĩ của một công dân (tháng 5 năm 1993)" và "Chia tay ý thức hệ (tháng 8 năm 1995)". Chính ba bài viết này, đặc biệt là bài tiểu luận Chia tay ý thức hệ đã khiến cho Hà Sĩ Phu bị đảng Cộng sản Việt Nam quản thúc liên tục từ năm 1997 cho đến nay, sau khi hứng chịu hàng loạt những bài công kích, phê phán và đả kích một chiều của guồng máy tuyên truyền Hà Nội từ trung ương cho đến địa phương.
Nói chung, những lý luận và những quan điểm của các nhà trí thức đối kháng đã làm cho các cán bộ phụ trách công tác lý luận của đảng Cộng sản Việt Nam vô cùng bối rối và lúng túng trong cách phản luận. Họ chỉ được học như con vẹt để tuyên truyền một chiều, nên khi đối diện với những lý luận khoa học và thực tiễn của thời đại, giới công an tư tưởng của Hà Nội đã phải dùng đến bạo lực và gán ghép những luận điệu ‘phản bội’, ‘chống đảng’ hầu triệt hạ uy tín và đời sống của những nhà trí thức có tâm huyết vì dân tộc. Điều cần quan tâm là những nhà trí thức đối kháng lên tiếng trong thời kỳ này đã bị Hà Nội cô lập rất nặng nề và thiếu phương tiện phổ biến nên đã không tạo được sự chú ý và hưởng ứng trong quần chúng.
Du Sinh và Công Nhân Hợp Tác Đã Đứng Lên Trong Lòng Quốc Tế Vô Sản
Từ cuối thập niên 80, cuộc cách mạng dân chủ ở các nước xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu bùng nổ đã mang một làn gió dân chủ, tự do đến với khối người Việt và làm cho tư duy của họ có sự chuyển biến rõ rệt. Những chính sách mới của các chính phủ dân chủ tại đây cho phép người Việt được tạm thời ở lại dù đã hết thời hạn lao động hay du học với điều kiện tự túc nên đã giúp cho đa số buông ra khỏi tầm kiềm chế của sứ quán. Những yếu tố này đã làm tan rã hệ thống quản lý của sứ quán. Phong trào đòi dân quyền của người Việt nổi lên, cũng từ đó các khuynh hướng dân chủ bắt đầu hình thành và tìm cách liên lạc, phối hợp với những phong trào dân chủ bên Tây Âu. Khi các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức thoát khỏi gọng kềm của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô ở trong tình trạng rối loạn vào khoảng năm 1990 thì người Việt tại đây chủ yếu là các du sinh, nghiên cứu sinh đã chủ động đứng ra phát hành những tờ báo phổ biến các tin tức liện quan đến những thay đổi ở Đông Âu. Có người còn tập hợp một số anh chị em thiện chí lập ra tổ chức, phong trào đấu tranh. Vào giai đoạn này, đáng kể nhất là phong trào dân chủ hình thành tại Liên Xô và Tiệp Khắc, Đông Đức, Bulgaria.
Việt Kiều Yêu Nước Ra Kiến Nghị Đòi Hỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam Thay Đổi
Đến năm 1988, Nguyễn Văn Linh ra lệnh xiết lại và phê phán gay gắt những ai đòi dân chủ đa nguyên, đã làm cho phong trào ủng hộ đổi mới của Việt Kiều xẹp xuống và tạo ra một sự phẫn nộ trong một số Việt Kiều về thái độ cực quyền của đảng Cộng sản. Tờ Đất Việt, vốn là tờ báo của Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Gia Nã Đại, đã từng thay mặt toà đại sứ Hà Nội một thời gian khi Hà Nội không đủ tiền cử đại sứ ở nước này, đã lên tiếng công kích đầu tiên về chính sách xiết lại của Nguyển Văn Linh. Nhiều bài viết của những thành viên đã từng hoạt động tích cực trong phong trào Việt Kiều yêu nước phê phán đảng Cộng sản được phổ biến khắp nơi, khiến cho Hà Nội lo ngại và ra lệnh cho các ban chấp hành Hội kiểm thảo. Tình hình này đã dẫn đến nhữrng xung đột dữ dội giữa những thành viên ủng hộ và chống lại lệnh ‘kiểm thảo’ của đảng, khiến cho các Hội Việt Kiều Yêu nước bị phân hoá trầm trọng. Các hội bị bể ra làm nhiều nhóm nhỏ, mất dần sinh khí hoạt động.
Tháng 5-1989, tại hội nghị Việt Kiều tổ chức ở Tây Đức, một lần nữa Hội Việt Kiều yêu nước đã khẳng định khoảng cách giữa các hội, các tờ báo với chế độ ở Việt Nam. Tại đây, các đại diện của những Hội Việt Kiều yêu nước phê phán tính cách độc đoán của đảng Cộng sản Việt Nam, và kiến nghị ban lãnh đạo chấp nhận chế độ đa đảng. Tờ Diễn Đàn Mới ở Bỉ đã công khai chống lại chuyên chính ở Việt Nam. Tờ Đất Việt ở Gia Nã Đại, Tờ Đoàn Kết ở Pháp, Đất Nước ở Úc, Nước Việt tại Thuỵ Sĩ, Đất Nước ở Đức... đã liên kết với nhau tạo thành một diễn đàn chống lại thể chế chuyên chính tại Việt Nam. Cuối năm 1989 sang đầu năm 1990, hàng loạt kiến nghị, tâm thư và tuyên bố của các Hội Việt Kiều yêu nước tung ra đã tạo thành một phong trào khá rầm rộ đòi hỏi chế độ phải thay đổi. Đặc biệt, ngày 22-1-1990, một Tâm Thư gửi lãnh đạo Hà Nội về việc cải tổ hệ thống chính trị tại Việt Nam, đã được truyền nhau trong giới lãnh đạo của các Hội Việt Kiều Yêu Nước, thu hút khoảng 600 người ký tên. Bản Tâm Thư đã không chỉ bị đảng Cộng sản Việt Nam liệt vào loại "phản động" mà còn tố cáo những người ký tên là có âm mưu chống lại đảng và nước Cộng sản Việt Nam.
Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Tại Hải Ngoại Với Phong Trào Đấu Tranh Giành Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam
Nhờ sống trong môi trường tự do dân chủ và nhờ được thừa hưởng trực tiếp những thành quả của cuộc cách mạng tin học ngay vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã theo dõi rất kỹ và rất sát về mọi biến động xảy ra tại các quốc gia cộng sản vào thời gian này, bắt đầu từ biến cố Thiên An Môn (6/1989) ở Trung Quốc, sang đến cuộc đấu tranh ngoạn mục của Công Đoàn Đoàn Kết tại Ba Lan rồi đến các cuộc biểu tình rầm rộ tại Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Bulgaria, Romania... cho đến cuộc đảo chánh bất thành của nhóm giáo điều, đưa đến sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô vào cuối năm 1991. Những tin tức nóng bỏng và dồn dập này đã tác động lên lòng nhiệt thành đấu tranh của người Việt tỵ nạn nên có thể nói là ở khắp nơi, người Việt tỵ nạn và các đoàn thể, tổ chức đấu tranh đã cùng nhau hợp tác hình thành những phong trào đấu tranh với hai nỗ lực: 1/Hỗ trợ các cá nhân, đoàn thể đấu tranh tại quốc nội để đẩy mạnh sự ra đời của các phong trào đấu tranh quần chúng như các quốc gia Đông Âu; 2/Vận động áp lực quốc tế can thiệp, bảo vệ sự lên tiếng đòi đa nguyên đa đảng của các nhà đối kháng, các văn nghệ sĩ tại Việt Nam.
Để thực hiện hai mục tiêu đấu tranh này, các đoàn thể, đảng phái và Cộng đồng người Việt Nam đã tiến hành nhiều loại công tác và sinh hoạt khác nhau, từ tháng 6-1989 kéo dài cho đến cuối năm 1993, với ba thời kỳ đáng chú ý.
Thời kỳ thứ nhất bắt đầu từ tháng 6-1989 đến tháng 9-1990. Đây là giai đoạn ’trăm hoa đua nở’ với sự xuất hiện của hàng trăm bản tuyên ngôn, tuyên cáo ký tên bởi các cá nhân, đoàn thể, đảng phái, tổ chức đấu tranh, Cộng đồng, các Hội thanh niên sinh viên... trên toàn thế giới, kêu gọi thành lập các phong trào đấu tranh giành tự do dân chủ cho Việt Nam.
Thời kỳ thứ hai từ tháng 9-1990 đến năm cuối năm 1991. Đây là thời kỳ các Phong trào đấu tranh giành tự do dân chủ cho Việt Nam đã phối hợp với các đảng phái, Cộng đồng mở những chiến dịch chuyển tin tức về sự tan rã của các chế độ Cộng sản tại Đông Âu và nhất là sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết về Việt Nam, đồng thời mở các cuộc vận động chính giới các quốc gia lên tiếng ủng hộ những tiếng nói đối kháng của một số văn nghệ sĩ tại Việt Nam.
Thời kỳ thứ ba từ đầu năm 1992 đến năm 1993. Đây là thời kỳ Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng khi họ bị chính giới quốc tế và cả cộng đồng người Việt hải ngoại đả kích về những đàn áp chính trị tại Việt Nam. Chiến dịch đấu tranh cho các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đã được các phong trào, đảng phái cùng đồng loạt phát động với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các đoàn thể trong Cộng đồng. Chiến dịch đấu tranh cho tù nhân chính trị còn giúp cho các nhà đối kháng tại quốc nội mạnh dạn hơn trong những lên tiếng đòi dân chủ đa nguyên và nhất là phê phán tình trạng cai trị kiểu gia trưởng của guồng máy đảng.
*
Trong ba năm, từ năm 1989 khi biến cố Đông Âu bắt đầu bộc phát từ Ba Lan đến cuối năm 1991 với sự sụp đổ toàn diện của khối Cộng sản Quốc tế tại Liên Xô cũ, đảng Cộng sản Việt Nam bỗng chốc rơi vào hoàn cảnh mồ côi giữa chợ. Thật vậy, mọi hành xử của đảng Cộng sản Việt Nam trước đây đều được đế quốc Liên Xô chỉ đạo và yểm trợ một cách toàn diện; khi Liên Xô gặp khủng hoảng và toàn thể các nước trong khối Cộng sản bị rúng động vì cơn bão dân chủ thổi đến, Hà Nội đã phản ứng theo lối phản xạ hơn là tính toán, cân nhắc như trước đây. Chính vì vậy mà trong một loạt những diễn tiến của tình hình như đề cập bên trên, đảng Cộng sản Việt Nam đã không có một tầm nhìn chiến lược, mà chỉ chú tâm vào việc giữ đảng bằng mọi giá, không chú ý gì đến hạnh phúc và sự thịnh vượng của toàn dân. Hậu quả của tầm suy nghĩ như vậy đã biểu hiệu rõ rệt trong 20 năm (1986- 2006) mà Hà Nội áp dụng đường lối mở cửa, đổi mới. Đó là một Việt Nam vẫn chưa chấm dứt mối lo cho miếng ăn hàng ngày thì làm sao dân có đủ điều kiện chăm lo công nghiệp hóa hầu theo kịp các nước trong vùng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét