(Trích một phần từ: Chương I - Đông Âu trong tập sách "Đông Âu tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng.)
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, các đế quốc Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hòa Lan... đã phải từ bỏ tham vọng đế quốc và những thuộc địa của mình, chính thức thừa nhận nền độc lập của các dân tộc bị trị. Hơn 4 thập niên sau đó, đến lượt đế quốc Liên Xô phải hứng chịu định mệnh này, đầu tiên là tại Đông Âu rồi đến các Cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết.
Năm 1989, trận bão "Dân Chủ" đã thổi mạnh mẽ đến Đông Âu và Trung Âu, quét sạch "thành trì vô sản chuyên chính" do Stalin xây dựng vào những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt và các dân tộc của vùng đất này đang được hồi sinh, vươn mình đứng dậy sau hơn 40 năm dài sống trong gọng kềm Cộng sản.
Suốt 40 năm bị chi phối bởi khuynh hướng tả phái giáo điều, người dân sống trong các quốc gia Đông Âu vào thời đó không tin là mình được giải phóng hàng loạt. Cuộc cách mạng dân chủ đã xảy ra quá nhanh, quá ngoạn mục, đưa đến sự tan rã dồn dập của các chế độ Cộng sản tại đây, là một loạt những biến động nối kết không ai có thể ngờ, dù đã biết mọi sự trên đời không có gì bất biến.
Trước đây người ta thường đơn giản đánh giá sức mạnh của khối Cộng Sản Quốc Tế bằng thành kiến: "khó có thể lật đổ một chế độ cộng sản khi nó đã nắm chính quyền". Nhưng huyền thoại đó đã không còn nữa, nó lần lượt bị đánh ngã bởi áp lực đấu tranh của quần chúng vì khát vọng tự do, dân chủ và muốn có một đời sống cơm no, áo ấm với đầy đủ quyền làm người.
*
Từ năm 1917 đến năm 1936, trong vòng 20 năm đầu của cuộc cuộc cách mạng vô sản, Lênin chủ trương tiến hành cách mạng cải tạo xã hội, để tiến tới việc hình thành một cộng đồng thế giới theo chủ nghĩa xã hội. Kể từ năm 1936, Stalin (kế thừa Lênin từ năm 1924), minh định chủ trương của mình trong bản hiến pháp mới, rằng Liên Xô là một nước xã hội chủ nghĩa, tức Liên Xô là nơi cách mạng đã thành công, và là nơi đầu tiên bước qua chủ nghĩa xã hội.
Ngay sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, Hồng Quân Liên Xô đã nhuộn đỏ tám quốc gia tại Đông Âu gồm Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Bulgaria, Đông Đức, Romania, Nam Tư và Albania. Nhưng Liên Xô chưa trực tiếp chi phối chế độ kinh tế và chính trị của Đông Âu mà dùng phương pháp "thảo luận" để từng bước thiết lập ảnh hưởng, kéo dài cho đến năm 1948. Nhưng từ giữa năm 1947, để đối phó với kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ có mục tiêu giúp đỡ các nước Tây Âu tái thiết sau Thế Chiến, Stalin bắt đầu giới hạn chặt chẽ sự tiếp cận của Liên Xô cùng các nước Cộng sản tại Đông Âu đối với thế giới bên ngoài. Vì muốn giữ ảnh hưởng độc nhất lên các nước Đông Âu, Liên Xô ép buộc các nước này không được nhận viện trợ của Hoa Kỳ, thay thế vào đó, Stalin gom các nước cộng sản để thành lập tổ chức Comecon (Hội Nghị Tương Trợ Phát Triển Kinh Tế) vào đầu năm 1949, để bắt đầu chi phối về kinh tế, chính trị lên các nước Đông Âu.
Stalin khẳng định rằng xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô là mẫu mực cho các nước xã hội chủ nghĩa. Stalin chỉ thị các nước phải áp dụng khuôn mẫu của Liên Xô trong việc tổ chức đảng và nhà nước. Đảng cộng sản là đảng duy nhất độc chiếm quyền lực, lãnh đạo nhà nước và xã hội, cưỡng chế tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa công nghiệp. Ngoài ra, nền kinh tế áp dụng mô hình kế hoạch tập trung và ưu tiên cải tạo xã hội để xây dựng nền kinh tế công nghiệp theo hướng công nghiệp nặng. Về chính trị, Liên Xô chủ trương xóa bỏ tất cả những xu hướng chính trị ngoài chủ nghĩa Mác-Lê và triệt để cải tạo cũng như tẩy não những ai đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng "phản động" ngoài khuôn khổ của tư tưởng Mác-Lê. Có thể nói là từ thập niên 30, khi Stalin nắm quyền cai trị Liên Xô, mô hình chủ nghĩa xã hội của Stalin đã bao trùm lên mọi sinh hoạt của người dân các nước cộng sản. Đối nghịch với thể chế này, trong 8 nước Đông Âu chỉ có Nam Tư dưới sự lãnh đạo của Tito là muốn đi đường lối riêng và theo đuổi chính sách phi đồng minh (nhưng trong thực chất đối nội cũng áp dụng kỹ thuật cai trị kiểu Stalin).
Sự chống đối mô hình chủ nghĩa xã hội Stalin bắt đầu bộc phát mạnh từ năm 1956 ở Hung Gia Lợi và Ba Lan. Cuộc nổi dậy chống Liên Xô, đòi cải cách chính trị và kinh tế của nhân dân Ba Lan kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, nhưng bị dập tắt bởi Hồng quân Liên Xô tiến vào theo lời cầu cứu của nhóm lãnh đạo cộng sản Ba Lan thời đó. Sau đó, tháng 10 và 11, cuộc nổi dậy ở Hung Gia Lợi chống lại chính sách độc tài của đảng cộng sản, cũng đã bị Hồng quân Liên Xô dập tắt tương tự.
Tuy hai cuộc nổi dậy ở Ba Lan và Hung Gia Lợi bị Liên Xô trấn áp, nhưng mối căm thù Liên Xô và khát vọng tự do dân chủ vẫn tiềm ẩn trong lòng người dân nhất là trong thành phần trí thức, luôn chờ cơ hội bùng nổ. Sau hai biến cố Ba Lan và Hung Gia Lợi, một số nước Đông Âu điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, cho xí nghiệp tự quản trong khuôn khổ của nền kinh tế hoạch định và áp dụng nguyên tắc lợi nhuận. Trong đó, Tiệp Khắc là quốc gia đi đầu, đưa ra chủ trương "xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa nhân bản" và "hệ thống thị trường có qui hoạch", nhưng những nỗ lực này chưa thực hiện được thì đã bị 500 ngàn quân của 5 nước trong khối Warsaw, đứng đầu bởi Liên Xô, dập tắt vào mùa Thu năm 1968. Từ đó bức màn sắt đóng kín trở lại, chiến tranh lạnh chia hai khối Đông và Tây làm thành hai thế giới biệt lập, kéo dài đến thập niên 80.
*
Cho đến khi bùng nổ vụ khủng hoảng dầu hỏa (năm 1974 và năm 1979), sau đó Liên Xô xua quân xâm chiếm A Phú Hãn (12-1979), các nước Đông Âu vẫn bị trói buộc trong vòng kềm tỏa của Liên Xô. Tuy nhiên, vụ khủng hoảng dầu hỏa xảy ra vào thập niên 70 đã ảnh hưởng trầm trọng đến tiềm lực kinh tế của các nước Đông Âu. Mô hình cai trị của Liên Xô (người ta gọi là mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực) đã không theo kịp sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, và kinh tế luôn luôn ở trong tình trạng trì trệ, đặt cho các nước cộng sản ở Đông Âu ở trong tình thế là không cải tổ thì không thể sống còn.
Nhưng mọi nỗ lực cải tổ kinh tế vào thời đó đã dẫn đến thất bại vì những trở lực bắt nguồn từ sự độc quyền của các đảng cộng sản. Lý do là những chế độ này đã áp đặt các ràng buộc giáo điều của chủ nghĩa Mác-Lê lên việc khai triển mô thức cải tổ kinh tế, bằng thái độ khư khư duy trì sự kiểm soát của đảng Cộng sản trên mọi lãnh vực, đưa đến hậu quả là các hoạt động xã hội bị rối loạn.
Ngay cả những nước mà tầng lớp lãnh đạo sẵn lòng hy sinh một số quan điểm quan trọng trong ý thức hệ Cộng sản để cải tổ kinh tế như Hung Gia Lợi, Ba Lan... việc cải tổ vẫn không thực hiện được vì quán tính cưỡng chế của tầng lớp cán bộ quan liêu đã ăn sâu vào hệ thống quyền lực mà chính nó phải duy trì vì nhu cầu "cộng sinh". Hơn nữa, các chế độ này không được sự công nhận của người dân, vì vậy, luôn luôn phải đối đầu với sự nổi dậy của quần chúng có thể xảy ra trước những chấn động không thể tránh khỏi của những đòi hỏi cải tổ kinh tế trên đời sống hàng ngày.
Vào thập niên 80, các nước Đông Âu đều quảng bá mục tiêu cải tổ kinh tế của họ là: "tách rời kinh tế khỏi chính trị". Nghĩa là xây dựng lại hệ thống kinh tế vận hành theo các quy luật của thị trường, chứ không theo những áp đặt, thường là vô lý về kinh tế, của hệ thống qui hoạch tập trung. Sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế, vì thế phải được thay đổi bằng cách điều hướng thay vì trấn áp, bởi những quy luật kinh tế này. Sự can thiệp của chính quyền vào các hoạt động kinh tế bị giới hạn, chấp nhận cho dân chúng tự do tham gia vào hoạt động cạnh tranh kinh tế, trong khung của "nhà nước pháp quyền".
Mô thức mà các nước áp dụng là "hệ thống thị trường có quy hoạch" hay còn gọi là "cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước", và nhà nước vẫn làm chủ quản trên hầu hết đất đai cũng như tư liệu sản xuất. Mục tiêu của mô thức này là để gia tăng hiệu năng sản xuất, chứ không để loại bỏ hẳn lối qui hoạch tập quyền trung ương. Mô thức này trong thực tế vẫn là loại kinh tế qui hoạch tập quyền với một chút sửa đổi. Ngay trong việc cho các xí nghiệp tự quản, các giám đốc vẫn phải dựa vào những liên hệ bán chính thức vào các giới chức có thẩm quyền của đảng và nhà nước, vì những người này nắm quyền bổ nhiệm, thăng thưởng các giám đốc xí nghiệp. Những giám đốc này, hẳn nhiên phải chiều theo những đòi hỏi bán chính thức của các cán bộ đảng và nhà nước, ngay cả trong trường hợp những đòi hỏi này đi ngược lại quyền lợi kinh tế của xí nghiệp.
Một điểm nổi bật khác trong quá trình cải tổ kinh tế ở các nước Đông Âu vào thời đó là yếu tố chính trị vẫn chi phối nặng nề trên các quyết định kinh tế. Lý do là các đảng Cộng sản sợ bị vuột mất quyền lực. Ngoài ra, quyền lợi hỗ tương giữa các giám đốc xí nghiệp và tầng lớp thư lại nhà nước dẫn đến những rào cản làm hạn chế tầm hoạt động của kinh tế thị trường và phá ngầm trách nhiệm điều hành và quyền tự trị của các xí nghiệp. Quyền lợi đan chéo chằng chịt trong giới cán bộ quan liêu được cột chặt với cơ chế quyền lực của đảng Cộng sản, phát sinh ra nạn tham nhũng và sứ quân đầy dẫy ở mọi cơ chế từ trung ương đến địa phương. Đây là vấn nạn cốt lõi của mô thức cải tổ theo "cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước", hay còn gọi là "thị trường xã hội chủ nghĩa". Chính những cải tổ nửa vời này đã làm nặng nề thêm những vấn đề đã có sẵn, và tăng thêm những yếu tố tản lực trong xã hội, khiến cho chính quyền các nước Đông Âu lúng túng, phải nhượng bộ, thoái lui, rồi tan rã theo một chuỗi những áp lực đấu tranh của quần chúng và trong nội bộ đảng mà người ta đã chứng nghiệm ở các nước này trong thời gian qua.
Nhưng, sở dĩ biến cố Đông Âu xảy ra trong một thời gian kỷ lục, một phần là do Liên Xô tung ra chính sách tự cứu vào năm 1985, khi Gorbachev lên làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô. Khi mẫu mực cộng sản của mình bị phá sản, đến nỗi mất luôn khả năng bành trướng và phải quay sang cầu cạnh Tây phương để tìm cách cứu nguy kinh tế, Liên Xô không thể nào tiếp tục chi viện cả quân sự lẫn kinh tế và ép buộc các nước Đông Âu trôi theo đà phá sản đó nữa. Song song vào đó, vì không thể duy trì liên minh quân sự để trấn áp thế giới tự do, và vì không thể tiếp tục bao cấp cho các nước chư hầu trước tình trạng đói loạn ngay tại mẫu quốc, Liên Xô đã buông tay thả lỏng cho các nước chư hầu với chính sách "mạnh ai nấy lo" để mỗi chế độ phải xoay trở tự cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng chung của thế giới cộng sản.
Sự thay đổi nhanh chóng ở Đông Âu tự bản chất là một sự kết hợp của "phong trào quần chúng nổi dậy" với những xoay chuyển chính trị bất khả kháng của từng chế độ. Ngoài ra, khi Liên Xô thú nhận là từ nay các nước chư hầu muốn tự cứu ra sao cũng được thì các đảng cộng sản Đông Âu không chỉ mất điểm tựa quần chúng mà còn mất luôn đích đi tới. Cuối cùng mỗi đảng cộng sản giải quyết theo cách riêng, căn cứ trên những điều kiện thực tế của từng nước và căn cứ trên mối tương quan địa lý và lịch sử của mình với Liên Xô. Những thay đổi này không có tính chất dứt khoát quyết liệt, vì là kết quả của một tiến trình thoái lui từng bước của chính quyền cộng sản, và tiến trình tiến chiếm từng bước của phía quần chúng, trước sự làm ngơ của Điện Cẩm Linh. Do đó, sự thoái lui và tan rã của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đã diễn ra mỗi nơi một khác. Tuy nhiên, trên tổng thể, biến cố Đông Âu đã xảy ra vào hai thời kỳ, trong năm 1989 như sau.
Thời kỳ thứ nhất có thể tính từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1989
Trước tiên ở Ba Lan, Công Đoàn Đoàn Kết được công nhận là tổ chức hợp pháp, tham dự Hội Nghị Bàn Tròn với chính quyền Cộng sản tổ chức từ tháng 2 đến tháng 4-1989, để bàn về những cải cách kinh tế và chính trị. Căn cứ trên những đồng ý chung của Hội nghị, đảng Cộng sản Ba Lan đã tổ chức bầu cử tự do, và Công Đoàn Đoàn Kết đã thắng lợi một cách vẻ vang. Mặc dù Tổng thống là người của đảng cộng sản, nhưng Thủ tướng là người của Công Đoàn Đoàn Kết, chính quyền liên hiệp ra đời, trong đó phe cộng sản chỉ chiếm một số ghế tượng trưng.
Tại Hung Gia Lợi, lực lượng cải cách trong đảng cầm quyền càng lúc càng lớn mạnh, đòi hỏi phải tái thẩm định cuộc chính biến năm 1956. Tháng 2-1989, đảng cầm quyền thừa nhận chế độ chính trị đa đảng, tháng 6-1989 tổ chức Hội Nghị Hiệp Thương giống như hình thức hội nghị bàn tròn của Ba Lan. Cũng trong tháng 6-1989, đảng cộng sản Hung phế bỏ vai trò Tổng bí thư, coi như mô hình tổ chức đảng của Stalin bị dẹp bỏ.
Trong thời gian này tại Trung Quốc, hàng ngàn sinh viên và trí thức đã lấy cớ tưởng niệm cựu Tổng bí thư Hồ Diệu Bang (người được mô tả là có tinh thần xây dựng dân chủ nhưng bị thất sủng), tổ chức cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 16-4-1989. Sau đó, gần 1 triệu người đã biểu tình chống tham nhũng và đòi dân chủ hóa tại Thiên An Môn . Trước tình thế đó, Thủ tướng Lý Bằng ra lệnh thiết quân luật, nhưng khí thế đấu tranh mỗi lúc một lên cao. Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình cùng Dương Thượng Côn đưa lộ quân 27 tiến vào chiếm đóng quảng trường Thiên An Môn, với lực lượng gần 300 ngàn quân và xe thiết giáp. Cuộc đàn áp bắt đầu từ 3 giờ chiều ngày 3-6-1989 với lựu đạn cay và dùi cui, đến nửa đêm thì bắt đầu nổ súng: Quân đội được chỉ thị bắn thẳng vào những người đang biểu tình, tuyệt thực. Cuộc tấn công, ruồng bắt và tàn sát kéo dài cho đến gần 5 giờ sáng ngày 4-6-1989, khiến cho gần 3 ngàn người thiệt mạng, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc thông báo chỉ có 120 người.
Thời kỳ thứ hai tính từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1989.
Sau khi chấp nhận chế độ chính trị đa đảng, đảng Công Nhân Xã Hội Hung Gia Lợi đổi tên thành đảng Xã Hội, và thông qua Cương Lĩnh mới đề cao chủ nghĩa xã hội dân chủ. Quốc hội cải sửa hiến pháp, loại bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Công Nhân Xã Hội Hung, sửa tên nước từ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa thành Cộng Hòa Hung Gia Lợi, đồng thời công bố một số luật lệ công nhận quyền sinh hoạt chính trị tự do cũng như luật bầu cử tự do.
Tại Đông Đức, từ tháng 9-1989 có làn sóng người dân bỏ nước chạy qua Hung Gia Lợi và qua Áo để xin tỵ nạn tại Tây Đức, làm cho tình hình chính trị nước này bắt đầu chuyển động. Tháng 10-1989, Honecker từ chức Chủ tịch đảng cộng sản Đông Đức. Tháng 11-1989, bức tường Bá Linh sụp đổ. Cùng thời gian này, Tổng bí thư Todor Zhivkov của đảng Cộng sản Bulgaria và Tổng bí thư Milos Jakes của đảng Cộng sản Tiệp Khắc từ chức. Đương nhiên mỗi nước có một số hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm đặc biệt chung là thành phần trí thức đã đứng trên tuyến đầu, vận động quần chúng tham gia đấu tranh tạo áp lực lên thành phần lãnh đạo cộng sản.
Đến tháng 12-1989, cuộc cách mạng ở Romania bùng nổ, đưa đến cái chết của vợ chồng nhà độc tài Ceausescu, chấm dứt một triều đại "gia đình độc tài toàn trị". Trong khi đó, Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư tuyên bố chấp nhận chế độ đa đảng vào tháng 12-1989, giúp các Cộng hòa trong Liên bang Nam Tư nương theo đà này bắt đầu tìm cách thoát ra khỏi Liên bang, tiến tới độc lập.
Tóm lại, năm 1989 là năm định mệnh của các chế độ Cộng sản tại Đông Âu, rơi vào chu kỳ sụp đổ hàng loạt trong một thời gian kỷ lục nằm ngoài dự tưởng của thế giới.
*
Mười bảy năm trôi qua (1989-2006), các quốc gia Đông Âu hậu cộng sản đã không chỉ thành công trong việc cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường tự do mà còn tạo dựng được một nền tảng chính trị dân chủ đa đảng vững chắc, từ những khởi điểm khác nhau. Đông Đức và Nam Tư, Tiệp Khắc, nhờ sự cân bằng kinh tế trong nước và nợ ngoại trái ít hơn, nên được coi là nước có nhiều ưu thế hơn Ba Lan, Hung Gia Lợi, Romania và Bulgaria trong việc ổn định tình hình và trở thành một nước có nền kinh tế phát triển nhanh tại Đông Âu. Nhưng nếu không kể những khác biệt này, người ta thấy là những nan đề căn bản mà mỗi quốc gia phải đối đầu rất giống nhau, kể cả những thách đố về chính trị. Các nước đều áp dụng một số chương trình ổn định để đối đầu với nạn thâm thủng ngân sách và chỉnh đốn lại guồng máy, một việc đáng lẽ đã phải làm từ lâu.
Vì thừa hưởng một di sản kinh tế rã nát, chính trị hỗn loạn, cộng thêm quán tính trì trệ của chế độ Cộng sản cũ, các tân chính quyền dân chủ của những nước Đông Âu cũ khá vất vả trong việc ổn định tình hình. Trong vòng 5 năm đầu sau khi từ giã ách độc tài cộng sản, hầu hết các nước này tuy thoát ra khỏi những trì lực về kinh tế, nhưng lại đối diện với rất nhiều bất ổn về chính trị lẫn xã hội. Chính trong bối cảnh này, khi các quốc gia tái tổ chức bầu cử Quốc hội hay Tổng thống sau giai đoạn chuyển tiếp vào các năm 1994 và 1995, một số đảng tả phái cựu cộng sản đã trở lại vị trí cầm quyền như tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Romania. Nhưng sự hồi sinh của các đảng cựu cộng sản đã không còn có thể đảo ngược được tình hình để quay trở lại thể chế cai trị như trước năm 1989. Hơn nữa, dù những đảng cựu cộng sản như đảng Xã Hội ở Hung Gia Lợi, Liên Minh Dân Chủ Tả Khuynh ở Ba Lan... chiếm ưu thế so với các đảng khuynh hữu, nhưng vẫn không thể đơn độc cầm quyền mà phải liên hiệp với một hay nhiều đảng phái khác, và phải hành xử quân bình với các đảng đối lập.
Tóm lại, những biến cố chính trị xảy ra ở các nước cựu Cộng sản tại Đông Âu trong các năm cuối thập niên 80 đã để lại cho nhân loại những kinh nghiệm đáng ghi nhớ:
Một là những chế độ đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân sớm muộn gì cũng bị sụp đổ. Nguyễn Trãi đã nói rất rõ trong câu "Nước chở thuyền cũng có ngày nước lật thuyền".
Hai là sức mạnh toàn dân là sức mạnh vạn năng. Chính sức mạnh này khi được huy động đúng lúc và đúng hướng sẽ tạo nên lịch sử.
Hai yếu tố này sẽ xuất hiện bàng bạc trong các chương kế tiếp khi trình bày về những diễn biến của các cuộc cách mạng dân chủ tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Nam Tư,... Người ta có quyền tin tưởng rằng cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam cũng sẽ diễn ra trong thời gian tới, bởi khát vọng dân chủ và sức đối kháng mạnh mẽ của các thành phần dân tộc chống lại thiểu số lãnh đạo độc tài Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét