07 tháng 2, 2007

Chương V - Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Tiệp Khắc

(Trích một phần từ: Chương V - Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Tiệp Khắc trong tập sách "Đông Âu tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng.)

Sơ Lược Bối Cảnh Lịch Sử

Bản đồ Tiệp Khắc trước khi phân chia vào năm 1991.
Cộng hòa Tiệp Khắc được chính thức thành lập vào ngày 14-11-1918, và trở thành trung tâm kinh tế và chính trị mẫu mực cho toàn vùng Trung Âu. Vào những năm gần cuối Thế Chiến Thứ Hai, Liên Xô bắt tay với Đồng Minh tổng phản công quân Phát xít Đức ở mặt trận phía Đông Âu Châu, Tổng thống Benes nhận định rằng Liên Xô sẽ chi phối quyền lực tại Đông Âu sau Thế Chiến, nên đã tìm cách liên lạc với Liên Xô và móc nối với những người lãnh đạo đảng Cộng sản Tiệp. Tháng 12-1943, chính quyền Benes ký một hiệp ước hữu nghị với Liên Xô, và qua sự "đề nghị" của Stalin, các thế lực chống Phát xít Đức của Tiệp Khắc đã thành lập Mặt Trận Quốc Dân bao gồm nhiều đảng phái kể cả đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Dưới sự chiếm đóng của Hồng quân Liên Xô, Mặt Trận Quốc Dân tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5-1946, đảng Cộng sản Tiệp Khắc chiếm 37,9% số ghế, trở thành đảng mạnh nhất. Tổng thống Benes chỉ định Klement Gottwalt, một cán bộ của đảng Cộng sản làm Thủ tướng, thành lập chính quyền liên hiệp.


Kể từ năm 1947, khi sự xung đột giữa Hoa Kỳ và Liên Xô lên cao điểm đưa đến cuộc chiến tranh lạnh, thì sự xung đột ngấm ngầm từ lâu giữa phe không cộng sản và phe cộng sản trong chính quyền liên hiệp Tiệp Khắc bùng nổ lớn. Đến tháng 2-1948, những thành viên không cộng sản trong chính phủ liên hiệp tổng từ chức, thừa dịp này, đảng Cộng sản Tiệp Khắc vận động những người lao động ủng hộ đảng cộng sản tổ chức biểu tình áp lực Tổng thống Benes phải để cho đảng cộng sản thành lập chính quyền đơn độc. Cuối cùng Tổng thống Benes đã phải nhượng bộ. Tháng 5-1948, quốc hội Cộng sản thông qua bản hiến pháp mới, nhưng Tổng thống Benes không đồng ý ký lệnh ban hành. Chính quyền Klement Gottwalt tổ chức trưng cầu dân ý bản hiến pháp, đa số cử tri bỏ phiếu ủng hộ nên Tổng thống Benes phải từ chức vào ngày 7-6-1948. Thủ tướng Klement Gottwalt được đề cử lên thay thế. Kể từ đó đảng Cộng sản Tiệp Khắc độc chiếm quyền lực cai trị.

Thủ Tướng Alexander Dubcek
kêu gọi dân chúng chống Liên Xô năm 1968.
Sau khi nắm quyền trong tay, đảng Cộng sản Tiệp Khắc bắt đầu áp dụng chính sách cải tạo theo khuôn mẫu Stalin. Tình trạng suy thoái kinh tế cùng với chính sách cai trị rập khuôn theo đường lối độc tài của Stalin đã làm cho nội bộ đảng Cộng sản Tiệp Khắc phân hóa. Một số lớn đảng viên nhìn thấy là con đường cải tổ của Stalin quá cực đoan và chỉ đưa đến bế tắc, nhưng sự nhận thức này khá trễ so với Ba Lan và Hung Gia Lợi. Vì vậy mà mãi đến hơn 10 năm sau, Tiệp Khắc mới có phong trào chống đường lối Stalin vào năm 1968, trong khi Ba Lan và Hung Gia Lợi đã nổi dậy từ năm 1956. Tháng 1-1968, làn sóng cải cách bắt đầu lớn mạnh khi Tổng bí thư Antoni Novotny (theo đường lối cực đoan của Stalin) bị giải nhiệm, phía cải cách đề cử Alexander Dubcek, một người Tiệp Khắc gốc Slovak lên làm Tổng bí thư. Dubcek tuyên bố bãi bỏ đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa theo kiểu Stalin, chủ xướng đường lối "xã hội chủ nghĩa nhân bản". Biến cố này được gọi là "Mùa Xuân Prague" (1968).

Lo sợ những chương trình cải cách của Tiệp Khắc có thể ảnh hưởng đến các nước Đông Âu và nhất là gây nguy hiểm cho quyền lãnh đạo khối cộng sản của mình, Liên Xô quyết định dùng quân sự để lật đổ chế độ Alexander Dubcek. Đêm 20-8-1968, hơn 500 ngàn Hồng quân Nga và quân đội của bốn nước Đông Âu "anh em" trong khối Warsaw gồm Đông Đức, Ba Lan, Hung Gia Lợi và Bảo Gia Lợi (Romania tuyên bố không tham gia) đã tiến vào chiếm đóng Tiệp Khắc. Mặc dù đạo quân Liên Xô khống chế toàn lãnh thổ, nhưng nhiều nhóm chống đối vẫn tiếp tục chống trả ở một số địa phương, nhất là các đài phát thanh bí mật tiếp tục hoạt động và kêu gọi dân chúng Tiệp bất hợp tác với Hồng quân Liên Xô. Tuy vậy, chỉ một vài tuần lễ sau, các lực lượng chống đối của quần chúng đều bị dẹp tan, Tổng bí thư Alexander Dubcek và toàn bộ cán bộ đảng của phe cải cách bị giải nhiệm. Tiệp Khắc bị đặt dưới sự chiếm đóng của 75 ngàn Hồng quân Liên Xô kể từ đó.

Tháng 4-1969, Gustav Husak lên làm Tổng bí thư, bắt đầu áp dụng chế độ Liên bang, nhưng bãi bỏ toàn bộ chương trình cải tổ do cựu Tổng bí thư Alexander Dubcek đưa ra trước đây. Những người nào không đồng ý với chính sách của Gustav Husak đều bị loại ra khỏi đảng và bị bắt đi tẩy não. Sau khi lên làm Tổng bí thư, Gustav Husak đã loại gần 500 ngàn người ra khỏi đảng, trong khi đó, lại ban đặc quyền đặc lợi cho những đảng viên giáo điều để bảo vệ quyền lực tuyệt đối cho Gustav Husak. Tổng bí thư Gustav Husak hoàn toàn lệ thuộc hẳn vào Liên Xô, ở trong nước thì triệt để đàn áp và khủng bố, đối ngoại thì chỉ giao thiệp với Liên Xô và các nước Cộng sản trong khối Comecon mà thôi.

Mặc dù Hồng quân Liên Xô dập tắt công cuộc thay đổi của những người Cộng sản cải cách Tiệp Khắc, nhưng trong lòng dân Tiệp Khắc vẫn duy trì ngọn lửa cách mạng. Nhiều người sau khi bị loại ra khỏi guồng máy đảng và chính quyền đã trở về đời sống công nhân tiếp tục lên tiếng chống đối những chính sách cai trị độc tài của Gustav Husak và thành lập những tổ chức bí mật để chống lại. Đặc biệt là vào năm 1977, gần 700 trí thức và cựu đảng viên thuộc phe cải cách của đảng Cộng sản Tiệp đã ký tên vào bản Hiến Chương Nhân Quyền, gọi tắt là nhóm Hiến Chương 77, vạch trần bản chất cai trị độc tài bất hợp hiến và vi phạm bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của đảng Cộng sản. Sự xuất hiện của nhóm Hiến Chương 77 tạo sự chú ý của dư luận thế giới, do đó, chính quyền Cộng sản Tiệp Khắc đã thẳng tay khủng bố các thành viên ký tên và quản thúc những người lãnh đạo của phong trào. Đại diện cho nhóm này là Kịch tác gia Vaclav Havel, bị chế độ khủng bố giam giữ nhiều lần tổng cộng 5 năm.

Những Diễn Biến Chính Trị

Những Chống Đối Của Quần Chúng Bùng Nổ

Tháng 10-1989, tin tức về việc Honecker từ chức Chủ tịch đảng Cộng sản Đông Đức đã làm cho nội bộ đảng Cộng sản Tiệp bị rúng động, nhưng ngoài mặt, Milos Jakes vẫn ngoan cố không chịu thay đổi. Trong khi đó, Thủ tướng Tiệp Khắc Ladislav Adamec, nhân chuyến thăm viếng nước Áo vào ngày 20-10-1989, tuyên bố ca ngợi biến cố "Mùa Xuân Prague" và sẵn sàng đối thoại với nhóm trí thức chống đối. Sau khi bức tường Bá Linh bị phá bỏ, trong một đại hội của Liên Minh Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa Tiệp Khắc tổ chức vào ngày 11-11-1989, trước sự tham dự đông đảo của nhiều nhân vật cao cấp trong đảng Cộng sản Tiệp Khắc và trước mặt Tổng bí thư Milos Jakes, Ủy viên trung ương đảng Vasil Mohorita tuyên bố là đảng Cộng sản Tiệp Khắc muốn sống còn thì phải thay đổi và chấp nhận thể chế đa đảng. Lời tuyên bố này không những chỉ gây phân hóa trong nội bộ đảng Cộng sản Tiệp, trước các biến cố ở Ba Lan, Đông Đức mà còn "bật đèn xanh" cho những tổ chức quần chúng bắt đầu phát động các chủ điểm chống chính quyền.

Kịch Tác Gia Vaclav Havel (Trái)
đón tiếp cựu Thủ Tướng Alexander
Dubcek (Phải) trở về Thủ Đô Prague
từ nơi bị lưu đày.
Từ ngày 11 đến ngày 13-11-1989, một tổ chức quần chúng bảo vệ môi sinh đã liên tiếp tổ chức các cuộc biểu tình ở thành phố kỹ nghệ Teprins, giáp biên giới Đông Đức, đòi hỏi chính quyền Cộng sản Tiệp Khắc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong thành phố. Mặc dù các cuộc biểu tình bị công an Tiệp Khắc đàn áp và ém nhẹm, nhưng những người chống đối đã tìm cách vượt qua biên giới Đông Đức, chuyền các tin này cho ký giả Tây Âu để phổ biến ngược lại vào Tiệp Khắc. Ngày 16-11-1989, đoàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới của Tiệp Khắc là Czech Fill, trong một buổi trình diễn tại thủ đô Prague, đã công bố một bản văn có chữ ký của toàn thể thành viên trong đoàn, gửi cho chính quyền Tiệp Khắc đòi hỏi phải tôn trọng nhân quyền, chấp nhận tự do dân chủ. Đoàn nhạc giao hưởng này còn tuyên bố bãi bỏ tất cả những khế ước trình diễn cho các đài của chính quyền cho đến khi nào những yêu cầu trên được đáp ứng.

Trong khi đó, chiều ngày 17-11-1989, Hội sinh viên tại Prague đã tổ chức buổi hội thảo tại trường đại học y khoa Kalr để tưởng niệm Jan Opletal, một sinh viên anh hùng bị Phát xít Đức giết vào năm 1939. Số người tham dự cuộc hội thảo tăng dần và tiếng la hét cũng từ từ chuyển về chiều hướng chống đối các giới lãnh đạo đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Lúc đầu cảnh sát cho sinh viên diễn hành với điều kiện không được vào trung tâm thành phố, nhưng khi đến gần Kịch Trường Berlin, đoàn tuần hành đã hô to khẩu hiệu "Đả đảo Jakes", "Jakes phải từ chức", một số sinh viên đã tách đoàn tuần hành tiến thẳng vào thành phố. Nhóm tuần hành này đụng độ với lực lượng công an ngay trên đại lộ National, khởi đầu cho mọi xáo trộn.

Lực lượng công an chận đầu đoàn biểu tình, nhưng phía sau đoàn biểu tình không hề biết nên vẫn đẩy tới, và dân chúng thấy lạ nên từ mọi hướng cùng đổ về làm khúc nghẽn này mỗi lúc một đông. Khi ấy từ trong đám đông, một sinh viên nhảy ra tấn công vào hàng rào công an ở phía trước, mở đầu cho việc công an ra tay đàn áp đoàn biểu tình, đánh một số người bị thương. Trong sự hỗn loạn đó, một sinh viên bị công an đánh vào đầu đến bất tỉnh, các sinh viên khác nhào lên kéo sinh viên bị đánh ra khỏi vòng vây của công an và thi thể của anh được gói vào một lá cờ Tiệp Khắc dính đầy máu. Tức thì người xung quanh loan tin có một sinh viên bị đánh chết để kích động thêm sự phẫn nộ trong đoàn biểu tình. Hai hôm sau một đài phát thanh Tây phương cho biết nạn nhân tên là Martin Smid, sinh viên ban Toán tại Đại học Prague, bị công an đánh chết trên đường phố và mang đi biệt tích. Bản tin này càng làm cho sự phẫn nộ của quần chúng bộc phát mạnh. Nhưng trong thực tế thì không có sinh viên nào chết trong cuộc đàn áp này.

Diễn Đàn Dân Sự (Civic Forum) Ra Đời

Tin tức về việc công an đàn áp và gây tử thương cho một sinh viên vào đêm 17-11-1989 đã được truyền đi một cách nhanh chóng trong Thủ đô Prague và một số thành phố lớn lân cận. Sáng ngày hôm sau, 18-11-1989, toàn thể sinh viên đã bãi khoá, thực hiện biểu ngữ, truyền đơn kêu gọi dân chúng chống lại hành động đàn áp của chính quyền và kêu gọi toàn quốc tổng đình công vào ngày 27-11-1989. Hậu thuẫn cho lời kêu gọi của sinh viên, nhóm Hiến Chương 77 ra một thông cáo phản đối hành động đàn áp sinh viên của chính quyền cộng sản và ủng hộ cuộc tổng đình công. Nhóm nghệ sĩ của Kịch Trường Berlin đã tuyên bố ngưng trình diễn 1 tuần lễ để phản đối sự đàn áp này. Song song, nhóm quản trị Kịch Trường Prague đã cho các tổ chức sinh viên, Hiến Chương 77 sử dụng địa điểm này làm nơi tổ chức các cuộc hội họp chống chính quyền. Từ chiều ngày 18-11-1989, học sinh, sinh viên và thanh niên từ các nơi đã đổ về công trường Wenceslas tổ chức mít tinh chống chính quyền. Mặc dù trời rất lạnh với những cơn gió buốt người, nhưng sinh viên và thanh niên cứ mỗi chiều lại tụ tập tại đây để biểu tình đòi Tổng bí thư Milos Jakes từ chức.

Đêm ngày 19-11-1989, tại Kịch trường Prague, nhóm Hiến Chương 77, Ủy ban Helsinki, Phong trào đấu tranh cho tự do và quyền lợi quốc gia, Câu lạc bộ tái sinh Xã hội chủ nghĩa và một số tổ chức chống chính quyền khác đã tham dự một cuộc hội thảo chính trị, chính thức công bố thành lập Diễn Đàn Dân Sự (Civic Forum) để lãnh đạo phong trào vận động "dân chủ hóa" Tiệp Khắc. Diễn Đàn Dân Sự đã bầu ra một hội đồng đại biểu gồm có 18 người, đa số là của nhóm Hiến Chương 77, do Kịch Tác Gia Vaclav Havel làm đại diện. Nhóm Diễn Đàn Dân Sự đã công bố một bản kiến nghị đối với đảng Cộng sản Tiệp Khắc gồm ba điểm: 1) Toàn thể lãnh đạo đảng phải từ chức; 2) Thành lập uỷ ban điều tra vụ đàn áp sinh viên vào tối ngày 17-11-1989; 3) Phóng thích toàn bộ tù chính trị. Nếu chính quyền không thực thi ba điều này, nhóm Diễn Đàn Dân Sự sẽ ủng hộ sinh viên để thực hiện cuộc đình công trên toàn quốc vào ngày 27-11-1989. Nhằm biểu dương lực lượng và áp lực đảng Cộng sản phải thỏa mãn ba yêu cầu đưa ra, nhóm Diễn Đàn Dân Sự đã tổ chức một cuộc mít tinh với hơn 200 ngàn người tham gia vào ngày 21-11-1989. Để đối phó với những chống đối của Diễn Đàn Dân Sự, ban lãnh đạo đảng Cộng sản đã liên tục tổ chức các cuộc họp, nhưng vì ý kiến xung đột một cách gay gắt nên không thống nhất được phương thức giải quyết.

Tổng Bí Thư Milos Jakes Từ Nhiệm

Ngày 23-11-1989, hơn 300 ngàn người đã tham gia một cuộc biểu tình tại công trường Wenceslas, những người không vào được công trường thì đứng dọc theo hai đường phố. Phe giáo điều trong đảng đã cấm tất cả công nhân ở trong những công đoàn có liên hệ đến đảng Cộng sản tham gia biểu tình, nhưng hoàn toàn vô hiệu quả, chính những người này lại tham gia hăng hái nhất. Cuộc chỉnh lý nội bộ đảng Cộng sản Tiệp Khắc bắt đầu vào 8 giờ sáng ngày 24-11-1989 với quyết định thay thế một số nhân vật trong ban lãnh đạo. Bảy người trong số 13 nhân vật thuộc Hội đồng lãnh đạo đảng bị giải nhiệm, trong đó có Tổng bí thư Milos Jakes, và đương kim Tổng thống Gustav Husak. Trung ương đảng bầu Karel Urbanek, một nhân vật thuộc phe cải cách đã bị thất sủng một thời gian sau cuộc nổi dậy vào năm 1968, lên làm Tổng bí thư. Nhưng Hội nghị lại cho lưu nhiệm một số nhân vật giáo điều như Lenalto, Miroslav Stepan, trong Hội đồng lãnh đạo; tuy nhiên, Thủ tướng Ladislav Adamec, người chủ trương đối thoại với nhóm Diễn Đàn Dân Sự thì bị loại ra khỏi Hội đồng lãnh đạo vì lý do "kỷ luật". Điều này cho thấy là tuy Milos Jakes bị áp lực phải từ chức, nhưng phe giáo điều vẫn còn chiếm ưu thế trong đảng. Vì vậy, sau khi hay tin Milos Jakes từ chức được loan truyền vào 4 giờ chiều, hơn 100 ngàn người đã tụ họp tại công trường Wenceslas, Vaclav Havel xuất hiện trong đoàn biểu tình, lên tiếng kêu gọi mọi người phải tiếp tục đấu tranh.

Để tiếp tục tạo áp lực đòi hỏi thành phần giáo điều từ chức, Diễn Đàn Dân Sự đã tổ chức một cuộc biểu tình vào chiều 25-11-1989. Mặc dù cuộc biểu tình chính thức khai mạc lúc 2 giờ chiều, nhưng từ sáng sớm, dưới trời mưa tuyết, đã có hàng trăm ngàn người từ các thành phố lân cận đổ về để tìm chỗ đứng tại vận động trường Letha. Khi cuộc biểu tình khai mạc, đã có đến hơn nửa triệu người tham dự, bằng 1/3 dân số thành phố Prague. Trong buổi mít tinh này có sự hiện của đầy đủ các khuôn mặt đang chống lại nhóm giáo điều của đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Trong cuộc biểu tình này, Vaclav Havel, đại diện cho Diễn Đàn Dân Sự cực lực công kích thành phần lãnh đạo giáo điều của đảng Cộng sản Tiệp Khắc và ca ngợi sự sáng suốt của Thủ tướng Adamec. Ông Havel đã lập lại 3 yêu cầu đưa ra trước đây, và đòi hỏi chính quyền Cộng sản phải mở rộng truyền thông quốc doanh để có sự tham gia của người ngoài đảng, đồng thời xác nhận ngày 27-11-1989 là ngày tổng đình công toàn quốc.

Buổi tối ngày 25-11-1989, ban chấp hành Trung ương đảng mở cuộc họp khẩn cấp, kéo dài đến sáng để giải quỵết những yêu sách của Diễn Đàn Dân Sự. Khi phiên họp bắt đầu, nhóm lãnh đạo giáo điều tiếp tục chủ trương không nói chuyện và cực lực công kích Diễn Đàn Dân Sự là tổ chức phản động. Nhưng sau đó, nhóm cải cách đã phản công và đòi hỏi những cán bộ giáo điều như Lenalto, Miroslav Stepan phải từ chức, nếu không đảng sẽ tan rã. Sự hăm dọa của phe cải cách đã khiến cho Trung ương đảng phải nhượng bộ, và Hội nghị đã đề cử một số cán bộ có khuynh hướng cải cách vào thay thế, trong đó có Vasil Mohorita, một nhân vật thân cận với Thủ tướng Ladislav Adamec, chủ trương tích cực đối thoại với Diễn Đàn Dân Sự. Đây có thể coi là thắng lợi đầu tiên của nhóm cải cách, vì những nhân vật giáo điều lần lượt bị mất chức.

Đối Thoại Giữa Chính Quyền Với Diễn Đàn Dân Sự

Ngay từ đầu, nhóm Diễn Đàn Dân Sự không chủ trương đối thoại với lãnh đạo đảng Cộng sản Tiệp Khắc, vì biết là không giải quyết được vấn đề. Nhưng nhóm Diễn Đàn Dân Sự lại chủ trương đối thoại với chính quyền Tiệp Khắc, đứng đầu là Thủ tướng Ladislav Adamec, với mục tiêu từng bước lôi kéo hàng ngũ cán bộ muốn thay đổi về phía quần chúng, tạo phân hóa trong nội bộ đảng. Đó là chiến lược làm suy yếu tiềm lực đảng Cộng sản từ bên trên cùng với các đòi hỏi thay đổi của quần chúng từ bên dưới.

Từ ngày 21-11-1989, nhóm Diễn Đàn Dân Sự đã có những cuộc thảo luận với Thủ tướng Ladislav Amadec, nhưng tại những lần thảo luận sơ bộ này, ông Vaclav Havel chưa tham dự chính thức. Cuộc đối thoại giữa Diễn Dàn Dân Sự và chính quyền cộng sản Tiệp Khắc chính thức bắt đầu từ 11 giờ sáng ngày 26-11-1989. Phía Diễn Đàn Dân Sự có 9 người gồm Kịch tác gia Vaclav Havel, Luật sư Jan Carnogursky, Kinh tế gia Vaclav Klaus.... Phía chính quyền cũng có 9 người gồm Thủ tướng Ladislav Adamec, Phó Chủ tịch Mặt Trận Quốc Dân kiêm Chủ tịch đảng Xã Hội là Kzela... Bàn hội nghị là hình chữ nhật. Trong khi cuộc đối thoại tiến hành, buổi trưa ngày 27-11-1989, tất cả các gác chuông nhà thờ và còi hụ của hầu hết các công trường đều đồng loạt kêu vang, chính thức báo hiệu cuộc tổng đình công hai tiếng đồng hồ bắt đầu. Diễn Dàn Dân Sự đã coi cuộc đình công như là một hình thức trưng cầu dân ý, về việc có chấp nhận sự độc tài của đảng Cộng sản hay không.

Chính Quyền Mới Ra Đời

Từ ngày 28-11-1989, chính quyền Adamec và Diễn Đàn Dân Sự bắt đầu thảo luận về giải pháp chính trị. Phía Diễn Đàn Dân Sự đòi hỏi phía chính phủ phải thực hiện một số điều: Một là cải tổ nội các, mời những trí thức có khả năng chuyên môn không phải là đảng viên Cộng sản tham gia chính quyền. Hai là xóa bỏ điều quy định vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản đối với xã hội và quốc gia trong Hiến pháp. Chính quyền Adamec đã đồng ý về sự đòi hỏi này. Căn cứ vào những thoả thuận với Diễn Đàn Dân Sự, ngày 29-11-1989, Thủ tướng Ladislav Adamec đề nghị Quốc hội Liên bang thảo luận việc tu chính Hiến Pháp. Trong khi đó Tổng bí thư đảng Karel Urbanek lên đài truyền hình với giọng đanh thép kêu gọi đảng viên và quần chúng cương quyết chống lại sự thỏa hiệp của Thủ tướng Adamec với Diễn Đàn Dân Sự. Nhưng những lời kêu gọi của Karel Urbanek không còn được ai quan tâm. Quốc hội Liên bang đã chính thức biểu quyết bãi bỏ ba điều khoản trong Hiến pháp Tiệp Khắc như:

  • Điều 4, quy định vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản.
  • Điều 6, quy định vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản đối với Mặt trận quốc dân.
  • Điều 16, quy định vai trò nền giáo dục giảng dây theo chủ thuyết Mác Lênin

Nhưng vấn đề thành lập tân chính quyền đã gặp một số trở ngại. Phía Diễn Đàn Dân Sự đòi hỏi nội các phải mời những trí thức có khả năng chuyên môn tham gia, riêng Bộ trưởng Nội vụ phải là nhân vật không cộng sản, còn Bộ trưởng Quốc phòng có thể là một đảng viên Cộng sản nhưng không hiện dịch. Ngày 3-12-1989, Thủ tướng Adamec đề nghị danh sách tân nội các, trong đó ông lưu nhiệm 16 bộ trưởng thuộc đảng Cộng sản Tiệp Khắc, nhường 5 ghế bộ trưởng không quan trọng cho đảng Xã Hội (1 người), đảng Nhân Dân (1 người) và các nhóm đối lập (3 người). Nhóm Diễn Đàn Dân Sự tuyên bố không chấp nhận thành phần nội các này và đòi hỏi trong vòng 1 tuần lễ phải thành lập lại nội các, đồng thời yêu cầu chính quyền Adamec phải chuẩn bị tổ chức Tổng Tuyển Cử tự do trong vòng 6 tháng tới. Để tạo thêm áp lực, Diễn Đàn Dân Sự tổ chức một cuộc biểu tình tuần hành vào ngày 4-12-1989 với hơn 300 ngàn người tham dự. Trong cuộc biểu tình này, Vaclav Havel tuyên bố nếu đến ngày 11-12-1989 mà Thủ tướng Ladislav Adamec không tổ chức lại nội các mới, thì ông sẽ thực hiện cuộc tổng đình công lần thứ hai. Nội dung yêu cầu này đã được đại diện của Diễn Đàn Dân Sự trao cho chính quyền trong cuộc đối thoại vào sáng ngày 5-12-1989.

Kịch Tác Gia Vaclav Havel Được Bầu Làm Tổng thống

Thủ tướng Marian Calfa tuyên bố rằng nội các của ông chỉ là chính quyền chuyển tiếp cho đến khi tổ chức xong tổng tuyển cử tự do. Nội các này sẽ giải quyết ba vấn đề: Một là chọn người làm Tổng thống thay thế Gustav Husak đã từ chức; Hai là chọn thời điểm và phương pháp tổ chức cuộc Tuyển cử; Ba là giải quyết việc Hồng quân Liên Xô đang trú đóng tại Tiệp Khắc. Ngày 12-12-1989, đệ nhất Bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc là Vasil Mohorita đề nghị dời lại cuộc tuyển cử để cùng tổ chức bầu cử Tổng thống trực tiếp. Mục tiêu của Vasil Mohorita khi đưa ra đề nghị này là muốn mua thời gian để tìm một nhân vật tương đối sáng giá, thân cộng để loại trừ đối thủ Vaclav Havel. Tuy nhiên Hội Nghị Bàn Tròn vào ngày 14-12-1989 đã bác bỏ đề nghị của Mohorita, chủ trương tiếp tục áp dụng nguyên tắc Quốc hội Liên Bang bầu Tổng thống, và nhiệm kỳ Tổng thống này chỉ có tính cách chuyển tiếp. Ngày 22-12-1989, Hội Nghị Bàn Tròn chính thức đồng ý đề cử Vaclav Havel làm ứng cử viên Tổng thống. Trong khi đó, để dung hòa vấn đề sắc tộc, Hội nghị đã để cử cựu Tổng thống Alexander Dubcek thuộc sắc tộc Slovak ra làm Chủ tịch Quốc hội Liên bang (gồm có hai viện Viện Nhân Dân và Viện Dân Tộc).

Ngày 28-12-1989, Quốc hội Liên bang thông qua luật bầu bổ khuyết dân biểu, và bầu Alexander Dubcek làm dân biểu của Viện Dân Tộc. Với tư thế đó, cựu Tổng thống Dubcek được sắp xếp ra làm chủ tịch Quốc hội Liên bang. Ngày 29-12-1989, dưới sự chủ tọa của tân Chủ tịch Quốc hội Liên bang Alexander Dubcek, Thủ tướng Marian Calfa đã đề cử Vaclav Havel vào chức vụ Tổng thống. Được quốc hội liên bang bỏ phiếu tín nhiệm với đa số quá bán, Vaclav Havel chính thức trở thành Tổng thống không cộng sản sau hơn 40 năm độc chiếm của đảng Cộng sản, kể từ khi cố Tổng thống Benes bị cưỡng bách từ chức vào tháng 6-1948.

Tổng Tuyển Cử Tự Do

Cuộc tuyển cử tự do được tổ chức vào ngày 10-6-1990. Diễn Đàn Dân Sự (của Cộng hòa Czech) và Phong Trào Công Chúng Chống Bạo Động (của Cộng hòa Slovak) chiếm 170 ghế trong số 350 ghế của Quốc hội Liên bang. Quốc hội Liên bang có 2 viện gồm Viện Nhân Dân có 200 ghế và Viện Dân Tộc có 150 ghế (chia đều cho hai sắc dân Czech và Slovak, mỗi bên 75 ghế). Trong Viện Nhân Dân, Diễn Đàn Dân Sự và Phong Trào Công Chúng Chống Bạo Động chiếm được 87 ghế, đảng Cộng sản Tiệp Khắc chỉ chiếm được 27 ghế. Số ghế còn lại chia cho các đảng nhỏ như Xanh Lục, Phong Trào Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Slovak, đảng Nhân Dân, Liên Minh Xã Hội Tự Do... Trong Viện Dân Tộc, Diễn Đàn Dân Sự chỉ chiếm được 50 ghế trong cánh sắc dân Czech, còn Phong Trào Công Chúng Chống Bạo Động chiếm được 33 ghế trong cánh sắc dân Slovak.

Mặc dù Diễn Đàn Dân Sự và Phong Trào Công Chúng Chống Bạo Động chiếm ưu thế, nhưng 2 tổ chức này không thể thành lập chính quyền riêng mà phải liên hiệp với một số đảng phái khác, trừ đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Thủ tướng Marian Calfa đã bỏ đảng Cộng sản ra tranh cử với tư thế của Phong Trào Công Chúng Chống Bạo Động nên được tiếp tục tín nhiệm vào vai trò Thủ tướng. Nội các mới của Thủ tướng Marian Calfa đã loại bỏ các đảng viên cộng sản, thay thế bởi 2 người của Phong Trào Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Slovak và 6 thành viên độc lập. Trong chính phủ mới này, kinh tế gia Valtr Komarek bị loại ra khỏi nội các, người thay thế là Vaclav Vales, một chuyên gia kinh tế độc lập, trong chức vụ Phó Thủ tướng đặc trách cải cách kinh tế. Vladimir Dlouhy được tái chỉ định làm Bộ trưởng Kinh tế và ông Vaclav Klaus tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Tài chánh, cả hai là thành viên của Diễn Đàn Dân Sự. Điều này cho thấy là nội các bắt đầu ngả theo hướng cải cách kinh tế thị trường nhanh chóng. Ngoài ra, Thủ tướng Marian Calfa còn phải cân bằng số thành viên sắc tộc Slovak và Czech trong chính quyền, với kết quả là phía Cộng hòa Czech chiếm 10 ghế, Slovak chiếm 6 ghế.

Quá Trình Phân Ly

Bước vào năm 1991, tình hình chính trị ở Tiệp Khắc rất hỗn loạn. Các đảng phái trong Cộng hòa Slovakia tổ chức biểu tình đòi tự trị. Không giống như các Cộng hòa Slovenia và Croatia của Liên bang Nam Tư cũ, Cộng hòa Slovakia của Tiệp Khắc rất nghèo và là vùng đất thí nghiệm kế hoạch công nghiệp nặng của cựu Tổng bí thư Gusatac Husak nên bị ô nhiễm về môi trường rất nặng nề. Cộng hòa Slovakia không đồng ý chủ trương đẩy nhanh tốc độ cải tổ kinh tế thị trường của chính quyền Liên bang. Họ chủ trương phải cải cách từng bước và giải quyết cấp thời công ăn việc làm cho công nhân. Sự xung đột giữa sắc dân Slovak với chính quyền Liên bang bùng nổ lớn khi Thủ tướng Cộng hòa Slovakia là Vladimir Meciar cùng 7 bộ trưởng khác bị áp lực của chính quyền Liên bang phải từ chức vào đầu tháng 5-1991, vì không chấp nhận đường lối cải tổ của Liên bang. Ngày 19-5-1991, hơn 50 ngàn người đã tụ tập biểu tình tại thủ phủ Bratislava của Slovakia đòi tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử. Trong khi đó, Tổng thống Vaclav Havel muốn đem vấn đề đòi tự trị của sắc dân Slovak ra trưng cầu dân ý. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Liên bang và được quốc hội đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 1-1992, năm tháng trước khi tổ chức lại cuộc tổng tuyển vào tháng 6-1992.

Những người lãnh đạo của Slovakia sợ bị thua trong cuộc trưng cầu dân ý nên đòi dời ngày tổ chức trưng cầu dân ý. Trong khi đó, các đảng phái Slovak tổ chức các cuộc vận động và biểu tình làm áp lực để đòi hỏi chính quyền Liên bang cho họ có hiến pháp riêng, cũng như Tổng thống và quân đội riêng. Mục tiêu của sắc dân Slovak là nếu thua trong cuộc trưng cầu dân ý, họ vẫn có nhiều quyền hơn. Sự đòi hỏi này đã bị chính quyền Liên bang chống đối mạnh mẽ. Đầu tháng 11-1991, tân Thủ tướng Cộng hòa Slovakia là Jan Carnogursky, một nhà lãnh đạo của Phong Trào Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, tuyên bố ủng hộ việc soạn thảo hiến pháp độc lập cho sắc dân Slovak, và sẽ tổ chức tổng tuyển cử sớm hơn để trưng cầu về bản hiến pháp độc lập này. Tháng 6-1992, Tiệp Khắc tổ chức cuộc bầu cử quốc hội Cộng hòa Slovakia và Liên bang. Kết quả cuộc bỏ phiếu này có thể coi như là kết quả trưng cầu dân ý của sắc dân Slovak về vấn đề tự trị. Ngày 22-7-1992, tân quốc hội Cộng hòa Slovakia nhóm họp, đảng Dân Chủ Slovak đề nghị quốc hội thông qua tuyên ngôn chủ quyền về lãnh thổ với kết quả 100% phiếu ủng hộ, tạo chấn động mạnh mẽ đến chính quyền Liên bang. Tân quốc hội Slovakia cũng bầu Vladimir Meciar làm Thủ tướng để thực hiện các cuộc điều đình đòi độc lập với Liên bang.

Từ đầu tháng 8-1992, Thủ tướng Vladimir Meciar của Cộng hòa Slovakia và Thủ tướng Vackav Klaus mở các cuộc hội nghị thảo luận về tiến trình độc lập của Cộng hòa Slovakia. Ngày 23-8-1992, hai bên đã công bố bản thông cáo chung, đồng ý tách Slovakia và Czech thành hai quốc gia độc lập. Ngày 26-8-1992, Quốc hội Cộng hòa Slovak và Liên bang thông qua bản quyết định này và chọn ngày 1-1-1993 làm ngày phân chia chính thức hai nước sau gần 74 năm "chung sống". Trong tiến trình độc lập, hai bên cũng đồng ý một số chính sách như sau: 1) Thành lập một liên minh về tài chánh và quan thuế; 2) Cùng duy trì một loại tiền tệ cho đến tháng 6-1993; 3) Việc phân chia quân đội và tài sản tính theo tỷ lệ dân số.

Kết Luận

Chỉ trong vòng hai tháng từ cuộc biểu tình ngày 17-11-1989 của sinh viên tại Prague, đến sự hình thành Diễn Đàn Dân Sự mười ngày sau đó, ách độc tài của đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã bị giật sập vào ngày 29-12-1989, khi Quốc hội liên bang bỏ phiếu đề cử cựu tù nhân chính trị của chế độ là Kịch tác gia Vaclav Havel lên làm Tổng thống. Cuộc cách mạng dân chủ ở Tiệp Khắc xảy ra quá nhanh và không có một nhân mạng nào phải hy sinh nên người ta gọi đây là cuộc cách mạng Nhung lụa, nhờ hai nguyên do chính:

Thứ nhất, thành phần trí thức lãnh đạo phong trào chống đảng Cộng sản không phải là những nhân vật xa lạ với thành phần đảng viên muốn cải cách trong đảng Cộng sản, vì họ đã từng tham gia phong trào Mùa Xuân Prague năm 1968. Do đó khi Diễn Đàn Dân Sự được thành lập, những đảng viên muốn cải cách đã ủng hộ và kéo theo sự tham gia đông đảo của các nghiệp đoàn công nhân nằm trong sự chi phối của đảng Cộng sản trước đó. Ngoài ra, điều may mắn cho Tiệp Khắc là chính Thủ tướng đương nhiệm trong giai đoạn đó là Ladislav Adamec, tuy là một cán bộ lãnh đạo của đảng Cộng sản, nhưng đã có chủ trương đối thoại với nhóm Diễn Đàn Dân Sự để thay đổi tình hình.

Thứ hai, sự xuất hiện của Diễn Đàn Dân Sự và sự khởi động phong trào đòi chấm dứt vai trò cai trị độc quyền của đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã xảy ra vào đúng thời điểm các đảng Cộng sản ở Ba Lan, Hung Gia Lợi và Đông Đức phải chấp nhận bầu cử tự do trước áp lực đấu tranh của quần chúng. Ngoài ra, quyết định của Hung Gia Lợi tháo bỏ biên giới để cho người dân Đông Đức chạy qua Tây Đức tỵ nạn, việc chấp nhận cho Công Đoàn Đoàn Kết thành lập chính quyền không cộng sản của Ba Lan, và sự sụp đổ bức tường Bá Linh vào đầu tháng 11-1989 ở Đông Đức, đã là những cơn địa chấn mãnh liệt, khiến cho thành phần lãnh đạo đảng Cộng sản Tiệp Khắc phải lùi bước.

Cuộc cách mạng dân chủ ở Tiệp Khắc là kết quả của hai nỗ lực: sự nổi dậy của quần chúng, và sự phân hóa đưa đến tình trạng soi mòn guồng máy lãnh đạo đảng Cộng sản Tiệp Khắc ở thượng tầng. Tóm lại, cuộc cách mạng nhung ở Tiệp Khắc, nói đúng hơn chính là cuộc chuyển đổi quyền lực từ độc tài Cộng sản sang đa đảng dân chủ một cách êm thấm. Hình thức chuyển đổi này cũng đã tái diễn tại một số quốc gia trong thế kỷ 21 như tại Cộng Hòa Tân Nam Tư (2000), Ukraine (2004), Kyrgyzstan (2005).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét