(Trích một phần từ: Chương IV - Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Đông Đức trong tập sách "Đông Âu tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng.)
Sơ Lược Bối Cảnh Lịch Sử
Ngày 30-4-1945, Hitler tự sát, bộ chỉ huy Đức Quốc Xã tan rã, ngày 7-5, quân đội Liên Xô, Anh, Pháp và Hoa Kỳ tiến chiếm thành phố Bá Linh. Đức Quốc Xã đầu hàng vô điều kiện, toàn bộ nước Đức đặt dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô. Ngày 17-7, Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh họp thượng định ở Potsdam để quyết định về việc phân chia nước Đức như sau:
a/ Nửa phía Bắc vùng cựu Đông Pomerania dành cho Liên Xô chiếm đóng, và cho đến khi hiệp ước về nước Đức được ký kết thì vùng lãnh thổ phía Đông của hai con sông Oder và Neisse được trả lại cho Ba Lan, vì đây là vùng đất của Ba Lan bị Đức chiếm từ trước. Năm 1950, Đông Đức đồng ý sự phân ranh này và chọn hai con sông Oder và Neisse làm biên giới giữa Đông Đức và Ba Lan.
b/ Những vùng lãnh thổ còn lại được đặt dưới sự chiếm đóng của bốn nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô, chia nước Đức thành hai vùng Đông và Tây. Thành phố Bá Linh nằm trong vùng Đông Đức, dưới sự kiểm soát của Liên Xô, nhưng cũng bị chia làm hai, Đông Bá Linh do Liên Xô kiểm soát, Tây Bá Linh do ba nước Hoa Kỳ, Anh và Pháp chiếm đóng.
Từ năm 1948, lãnh thổ Đức (Tây Đức) đặt dưới sự quản lý của ba nước Anh, Pháp và Hoa Kỳ đã thành lập Hội Đồng Nghị Viện nhóm họp ở Bonn để soạn thảo bản hiến pháp mới. Bản hiến pháp này được thông qua vào tháng 4-1949 và ngày 23-5-1949, Tây Đức chính thức thành lập nước Cộng Hòa Liên Bang và tổ chức cuộc tuyển cử đầu tiên sau Đệ Nhị Thế Chiến vào tháng 8. Ngày 15-9, Tiến sĩ Konrald Adenauer của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) được bầu làm Thủ tướng đầu tiên của Tây Đức, và liên tục tái đắc cử cho đến năm 1969. Trong khi đó, phần lãnh thổ do Liên Xô chiếm đóng (Đông Đức) cũng thành lập nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức (DDR) vào ngày 7-10-1949, dưới sự lãnh đạo của Walter Ulbricht, Tổng bí thư đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức.
Lúc đầu, thành phố Bá Linh tuy ở dưới hai thể chế khác nhau nhưng dân Đức vẫn có thể qua lại làm việc, mua bán... nhờ vậy mà thành phần bác sĩ, kỹ sư và ngay cả những người thợ chuyên môn ở bên Đông vẫn tìm được cơ hội để trốn qua sống bên Tây. Mặt khác lúc đó, nhà cửa và hàng tiêu dùng bên Đông rẻ hơn bên Tây nên người dân chọn nhà ở bên Đông, nhưng lại đi qua bên Tây làm việc. Đồng Đức mã bên Đông có giá trị gấp 4 đến 5 lần bên Tây khiến mọi người thích qua bên Tây mua sắm, việc này làm cho nền kinh tế bên Đông xuống dốc. Đến đầu năm 1960 số người bên Đông trốn qua Tây Đức càng lúc càng nhiều, khiến chính quyền Đông Đức vào ngày 13-8-1961 phải quyết định xây bức tường để ngăn chận làn sóng tỵ nạn. Bức tường Bá Linh, thường được thế giới gọi là "Bức tường ô nhục", cao từ 4 đến 5 mét, dài 45 cây số cắt ngang gần 200 con đường trong thành phố, và 120 cây số bao quanh phần thành phố Tây Bá Linh tiếp giáp với Đông Đức. Để kiểm soát bức tường này, công an Đông Đức đã xây 285 chòi canh ở những khu vực trọng yếu. Trong 28 năm bức tường Bá Linh tồn tại (1961-1989) có khoảng 5 ngàn người thành công trong việc vượt bức tường trốn thoát qua phiá Tây, nhưng có đến gần 200 người bị bắn chết ngay trên bờ tường hoặc khi vừa vượt qua được phía chân tường bên thành phố Tây Bá Linh.
Đông Đức luôn luôn cố cạnh tranh với Tây Đức, nhưng Tổng bí thư Ulbricht phải thú nhận là năng suất của người thợ Đông Đức chỉ bằng ¼ người thợ bên Tây Đức. Vì vậy, trong đại hội đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức lần thứ 6 vào năm 1963, Trung ương đảng đưa ra kế hoạch tân kinh tế: "Hệ Thống Mới Hoạch Định và Hướng Dẫn Nền Kinh Tế Quốc Dân". Với chính sách này Đông Đức chấp nhận nguyên lý tiền lời, cho người dân có quyền sở hữu xí nghiệp và tự quyết định vấn đề sản xuất. Đông Đức chấp nhận để cho vật giá thay đổi theo giá cả thị trường, công nhân viên ngoài tiền lương còn được tiền thưởng nếu sản xuất có lời, điều này đã kích thích sự sản xuất của người lao động nên nền kinh tế của Đông Đức tiến hơn các nước xã hội chủ nghĩa khác vào thời đó.
Ngoài ra, Đông Đức cho các xí nghiệp được tự vay mượn vốn ngân hàng trung ương để đầu tư, nhưng nếu hàng tồn kho vượt quá quy định của kế hoạch, xí nghiệp phải trả thêm một số phân lời nhiều hơn lãi suất bình thường. Biện pháp này nhằm buộc các ban quản trị xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về vấn đề lời lỗ của xí nghiệp khi vay vốn. Nhờ những chính sách này nên từ thập niên 60 đến 70, nền kinh tế Đông Đức khá ổn định so với các nước trong vùng và nổi bật về lãnh vực thể dục đối với thế giới. Nhưng đến tháng 5-1971, khi Erich Honecker lên thay thế Walter Ulbricht trong vai trò Tổng bí thư đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức, kiêm luôn chức Chủ tịch nhà nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức, ông ta đã áp dụng trở lại nguyên tắc trung ương tập quyền, hủy bỏ tất cả những kế hoạch cải tổ của Ulbricht.
Mặt khác, để cạnh tranh kinh tế với Tây Đức, từ đầu thập niên 80, sau Đại hội đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức lần thứ 10 (1981), Honecker ban hành chính sách "phát triển kinh tế theo chiều sâu xã hội chủ nghĩa" (Sozialistiche Intensivierung) mà mục tiêu nhắm tới là tăng cường đầu tư kỹ thuật để gia tăng năng suất của các xí nghiệp. Theo chính sách này, Honecker cho sát nhập nhiều xí nghiệp quốc doanh để thành lập gần 200 đại tổ hợp công ty đa ngành, cho ban giám đốc của các đại tổ hợp được nhiều quyền tự trị về ngoại thương cũng như đầu tư vào nghiên cứu, phát minh. Mặc dù trên lý thuyết, Đông Đức cho các đại tổ hợp công ty được quyền tự quản, nhưng các chính sách kinh doanh sản xuất vẫn do trung ương chỉ đạo, vì vậy mà giá cả và các mặt hàng sản xuất đã không đủ linh động thích ứng theo các điều kiện thị trường nên luôn luôn bị thua lỗ.
Ngoài ra, chính sách trung ương tập quyền đã khiến người dân không còn ham muốn làm việc, nạn tham nhũng cửa quyền phổ biến ở mọi cấp, khiến cho nền kinh tế liên tục phá sản, tạo ra tình trạng bất mãn trong quần chúng. Trên lý thuyết, hiến pháp Đông Đức quy định người dân làm chủ đất nước, nhưng trên thực tế mọi quyền lực đều nằm trong tay một thiểu số trong Bộ chính trị của đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa. Cùng lúc, những cải cách chính trị bùng nổ ở Ba Lan và Hung Gia Lợi đã làm cho ngọn gió dân chủ thổi ngược lại Đông Đức, khiến cho người dân bắt đầu có những nỗ lực phản kháng từ hình thức phủ nhận một số chính sách do chính quyền đưa ra cho đến việc đình công, lãn công, đòi hỏi cải cách lan rộng ở nhiều nơi.
Trước tình hình như trên, Honecker và Bộ chính trị đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức vẫn ngoan cố, tiếp tục duy trì chính sách bế quan, thụ động không chịu "đổi mới", mặc dù Gorbachev có đưa ra lời khuyến cáo mạnh mẽ. Thực ra, Honecker và Bộ chính trị theo dõi rất kỹ các biến cố ở Ba Lan và Hung Gia Lợi, nhưng tự ái, cho là nếu thay đổi thì hóa ra Đông Đức đi theo con đường dân chủ hóa như Tây Đức, mất bản chất xã hội chủ nghĩa của Đông Đức, vì vậy Honecker chủ trương không làm theo Gorbachev, cho rằng Đông Đức đã cải cách xong không cần phải làm việc này. Sự ngoan cố và cố chấp của Honecker trước làn sóng đòi dân chủ ở các nước lân cận dâng cao đã làm cho cục diện chính trị tại Đông Đức thay đổi.
Những Diễn Biến Chính Trị
Dân Đông Đức Vưọt Biên Giới Xin Tỵ Nạn
Ngày 2-5-1989, Hung Gia Lợi mở cửa biên giới với nước Áo. Hung là quốc gia đầu tiên trong khối Cộng sản Đông Âu cũ mở cửa biên giới cho người dân qua lại với khối Tây Âu. Lợi dụng sự kiện này, từ tháng 6 đến tháng 8, hàng trăm gia đình ở Đông Đức lấy cớ đi nghỉ hè đã tràn ngập tại các cửa biên giới với Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc, xin vượt tuyến qua nước Áo để tỵ nạn chính trị tại Tây Đức. Trước sự kiện này, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc mở các cuộc hội nghị với Đông Đức nhằm tìm biện pháp giải quyết, nhưng trong khi hai bên chưa có chính sách cụ thể thì chính quyền Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc đã ngầm cho người Đông Đức chạy vào sứ quán Tây Đức tại Budapest và Prague. Tin tức này được nhanh chóng loan tải ngược lại Đông Đức khiến cho mỗi ngày có hàng ngàn người Đông Đức chạy qua Hung để xin tỵ nạn tại Tây Đức. Cho đến tháng 9, chính quyền Honecker vẫn chưa có một đối sách cụ thể, nên Hung Gia Lợi quyết định cho người tỵ nạn Đông Đức di chuyển sang Tây Đức, qua ngả nước Áo. Từ ngày 30-9 đến 4-10, hơn 17 ngàn người Đông Đức di chuyển sang Tây Đức bằng xe lửa băng qua hai nước Ba Lan và Tiệp Khắc. Đặc biệt là đêm mồng 4 tháng 10, 6 chuyến xe lửa chở 11 ngàn người tỵ nạn Đông Đức đã rời thủ đô Prague, Tiệp Khắc, thực hiện cuộc hành trình băng ngang qua lãnh thổ Đông Đức để vào Tây Đức.
Việc băng ngang lãnh thổ Đông Đức là một thoả thuận ngầm giữa các quốc gia liên hệ, nhằm đỡ làm mất mặt chính quyền Đông Đức. Nó cho người ta hiểu rằng, những người tỵ nạn đã được trao trả cho Đông Đức, rồi sau đó, Đông Đức cho họ sang Tây Đức vì lý do nhân đạo. Trong đêm này, công an Đông Đức bố trí đầy khắp các ga xe lửa nơi đoàn xe đi qua để ngăn chận những người dân Đông Đức bất chấp nguy hiểm, tìm cách nhảy bám vào các toa xe. Trong khi đó, sứ quán Tây Đức tại Tiệp Khắc, Ba Lan, Bulgaria và Hung Gia Lợi, đã phải báo động vì không còn chỗ chứa những người Đông Đức tìm cách leo rào vào sứ quán để xin tỵ nạn chính trị. Để ngăn chận làn sóng tỵ nạn, chính quyền Đông Đức cho đóng cửa biên giới phía Tiệp Khắc; nhưng dân chúng bất chấp, tiếp tục đổ dồn về phía biên giới Hung. Tình trạng trên đã đặt Đông Đức ở vào tình thế vô cùng khó khăn: Hoặc để ngăn chận đoàn người tỵ nạn thì phải ra lệnh cấm tất cả dân chúng Đông Đức không được đi du lịch sang các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Hoặc là nhắm mắt làm ngơ để cho dân ào ạt trốn ra nước ngoài. Đến ngày 4 tháng 11, Đông Đức quyết định mở cửa biên giới Hung, cho dân Đông Đức "tự do" tỵ nạn sang Tây Đức, và ngày 9-11, quyết định mở cửa biên giới phía Tây Đức.
Thành Phố Leipzig Khởi Động Cuộc Đấu Tranh
Leipzig là thành phố công nghiệp hóa học nổi tiếng của Đông Đức, nhưng rất cũ, trang thiết bị quá lạc hậu. Ngoài ra, thành phố Leipzig bị ô nhiễm môi sinh rất nặng nên đã phát sinh ra nhiều chứng bệnh hiểm nghèo. Khi làn sóng người Đông Đức chạy sang các nước Hung Gia Lợi, Tiệp để xin tỵ nạn tại Tây Đức, việc này đã tạo sức bật cho quần chúng nổi dậy mạnh mẽ hơn. Tối thứ hai 27- 9, trí thức, sinh viên và công nhân tại thành phố Leipzig bắt đầu cuộc biểu tình đòi chính quyền trả lại quyền lực đúng nghĩa cho nhân dân. Họ đã chọn tối thứ hai hàng tuần, sau thánh lễ ở nhà thờ sẽ tụ tập biểu tình tại công trường Karl Marx. Ngày 9-10, hơn 80 ngàn người đã tràn ra khắp các trục lộ giao thông ở Leipzig để tham gia cuộc biểu tình tuần hành. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên và lớn nhất, kể từ khi đảng Cộng sản Đông Đức đàn áp cuộc nổi dậy của giai cấp công nhân vào tháng 6 năm 1953.
Các đơn vị công an phối hợp với lực lượng mật vụ của Bộ nội vụ đã đàn áp để giải tán đoàn biểu tình. Việc đàn áp xảy ra ở nhiều nơi như trong khuôn viên thánh đường Gethsemane, St. Nikolai... song vẫn không ngăn cản được làn sóng người xuống đường. Để tránh tin tức về cuộc đàn áp có thể bị tiết lộ ra thế giới bên ngoài, công an Đông Đức ngăn cấm phóng viên và ký giả ngoại quốc di chuyển đến những nơi có biểu tình. Nhưng cuộc biểu tình của 80 ngàn người tại Leipzig vẫn được loan tải rộng rãi trên thế giới tạo một chấn động lớn trong dư luận. Một tuần sau, vào tối thứ hai 16-10, số người xuống đường lên đến 150 ngàn người. Đến ngày 23-10 sau khi Honecker tuyên bố từ chức số người biểu tình lên đến 200 ngàn người, rồi nửa triệu người vào ngày 6-11. Khí thế của cuộc biểu tình tại Leipzig đã lan rộng một cách nhanh chóng đến những thành phố lớn như Dresden, Berlin, Potsdam...
Các Tổ Chức Chống Chính Quyền Xuất Hiện
Trong khi quần chúng Đông Bá Linh biểu tình chống bầu cử gian lận, thì ngày 10-9-1989, Nữ sĩ Barbel Bohley cùng với 29 trí thức, văn nghệ sĩ thành lập "Diễn Đàn Mới" (Neues Forum) đòi tự do sinh hoạt chính trị và tự do ngôn luận. Sau khi cuộc biểu tình ở Leipzig bùng nổ thì có thêm hai tổ chức đấu tranh khác ra đời gồm nhóm Dân Chủ Thức Tỉnh (Democratic Awakening) và nhóm Sáng Kiến Cho Hòa Bình và Nhân Quyền (Initiative For Peace and Human Rights), dưới sự hậu thuẫn tích cực của Giáo hội Tin Lành. Trong ba nhóm kể trên, nhóm Diễn Đàn Mới mạnh nhất, quy tụ 25 ngàn thành viên tại 14 thành phố lớn ở Đông Đức. Lúc đầu, nhóm "Diễn Đàn Mới" được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của dân chúng, sinh viên, trí thức, như một lực lượng chính trị quần chúng để đối kháng với nhà nước Cộng sản Đông Đức, nhưng Barbel Bohley đã phủ nhận chức năng này mà chỉ muốn duy trì Diễn Đàn Mới như một diễn đàn tư tưởng.
Các nhóm chống chính quyền tuy có mục tiêu chung là đòi tự do dân chủ, nhưng lại có quá nhiều dị biệt về đường lối đấu tranh. Những nhóm dựa vào hệ thống Giáo Hội Tin Lành không dám đi quá xa, họ rất thận trọng trong việc chống đối chế độ, với chủ trương đạt một thỏa hiệp để chính quyền Cộng sản Đông Đức cho phép một số người chống chế độ được phép hoạt động. Trong khi đó Giáo Hội Tin Lành tuy hậu thuẫn tích cực cho các nhóm nhưng lại không có điều kiện quy tụ các nhóm để tạo một lực đối đầu mạnh mẽ với chế độ. Nhóm Diễn Đàn Mới thì không chủ trương lật đổ chế độ, gồm những người tranh đấu được kết hợp lại một cách lỏng lẻo, chỉ đưa ra đường lối chung chung, đòi hỏi đối thoại thực sự giữa chính quyền và nhân dân, nhưng lại không trình bày được một sáng kiến nào về cải cách để buộc chính quyền thực hiện.
Tổng Bí Thư Honecker Từ Chức
Ngày 7-10-1989, Đông Đức tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Erich Honecker tổ chức ăn mừng rất quy mô tại Đông Bá Linh, và mời rất nhiều lãnh tụ đảng Cộng sản các nước đến tham dự như để biểu dương sức mạnh của ông ta và đảng Cộng sản Đông Đức trước sự thoái trào của các đảng Cộng sản ở Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc vào lúc đó. Lợi dụng dịp tổ chức này, công nhân, sinh viên và giới trí thức đã xuống đường cầm biểu ngữ đòi Honecker từ chức. Mật vụ Đông Bá Linh được lệnh đàn áp thẳng tay, khiến hàng chục người bị thiệt mạng và hàng trăm người bị bắt. Cuộc đàn áp này đã gây chấn động dư luận, chính Gorbachev đã can thiệp và yêu cầu Honecker phải "đổi mới" thể chế.
Ngày 16-10, hơn 150 ngàn người biểu tình rầm rộ tại thành phố Leipzig để chống đối hành động đàn áp của công an ở Đông Bá Linh. Ngày 18-10, Bộ chính trị đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức nhóm họp chấp thuận cho Honecker từ chức chủ tịch Nhà Nước vì lý do sức khỏe. Nhưng do một số áp lực trong nội bộ Đảng, Bộ chính trị đã thu hồi tất cả những chức vụ khác trong đảng của Honecker. Tuy vậy, dân chúng Đông Đức vẫn chưa hài lòng. Công nhân và giới trí thức vẫn tiếp tục biểu tình đòi đem Honecker ra tòa xét xử về tội đã ra lệnh bắn vào những người Đông Đức vượt bức tường Bá Linh tỵ nạn và tội biển thủ công quỹ của gia đình Honecker. Để xoa dịu những phẫn hận của quần chúng, ngày 23-11-1989, Trung ương đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ thị cho Ban kiểm tra trung ương đảng mở cuộc điều tra về gia đình Honecker. Đến ngày 3-12, Trung ương đảng quyết định khai trừ Erich Honecker ra khỏi đảng. Ngày 29-1-1990, Honecker bị bắt để điều tra, nhưng được phóng thích sau đó.
Cuối năm 1990, Erich Honecker bí mật chạy sang Liên Xô và lẩn trốn trong sứ quán Chí Lợi ở Mạc Tư Khoa. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào tháng 12-1991, Honecker quyết định xin tỵ nạn chính trị, nhưng bị chính quyền thống nhất Đức đòi dẫn độ về Bá Linh để chịu cuộc xét xử về những tội ác đã gây ra trong thời gian cầm quyền. Một hồ sơ khởi tố dày 800 trang của toà án liên bang cáo buộc Honecker 49 tội trạng liên quan đến các vụ khủng bố ám sát các nhân vật đối lập, ra lệnh xây cất và gài chất nổ dọc theo bức tường Bá Linh, gây thiệt mạng cho 350 người tìm tự do, cướp đoạt của công gần 9 triệu Mỹ kim để phục vụ cho nhu cầu cá nhân...
Bức Tường Bá Linh Sụp Đổ
Ngay sau khi Honecker từ chức Tổng bí thư, Hội Nghị Lần Thứ 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức nhóm họp đã đề cử Egon Krenz lên thay thế. Egon Krenz đã từng làm Bí thư Đoàn Thanh Niên Tự Do Đức trong nhiều năm giống như Honecker, thuộc phe giáo điều. Egon Krenz tiếp tục đường lối của Honecker và ra lệnh cho mật vụ khủng bố và đàn áp những người lãnh đạo các phong trào biểu tình. Egon Krenz còn loại những đảng viên đòi hỏi cải cách ra khỏi đảng, khiến cho nội bộ đảng bắt đầu phân hóa. Các cơ sở đảng đã ra kiến nghị phê phán sự bảo thủ và ngoan cố của Bộ chính trị, nhiều đảng viên bỏ sinh hoạt khiến cho cơ sở đảng lúc này rơi vào tình trạng tê liệt. Vì vậy, tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa nhóm họp vào ngày 8-11-1989, những cán bộ lãnh đạo trong Bộ chính trị từ chức. Egon Krenz miễn cưỡng chấp nhận đối thoại với các lực lượng quần chúng chống đảng để cải thiện tình hình.
Phần lớn những đòi hỏi của phong trào chống đối vào giai đoạn đó là yêu cầu chính quyền Egon Krenz phải giải quyết nạn tham nhũng và đưa những cựu viên chức nhà nước đảng viên tham ô ra tòa, đòi giải tán lực lượng mật vụ và tách rời đảng ra khỏi các cơ chế quốc gia. Đặc biệt vào thời điểm đó, hầu hết các cơ quan truyền thông của Đông Đức bắt đầu ngả về phía quần chúng, loan tải các cuộc biểu tình nhiều hơn và vạch trần những câu chuyện tham nhũng, hối lộ của các viên chức nhà nước và phê phán cán bộ nhà nước cũng như đòi hỏi sự đối thoại nghiêm chỉnh giữa nhà nước với các lực lượng quần chúng đấu tranh. Áp lực đấu tranh của quần chúng được sự hậu thuẫn của các cơ quan truyền thông đã đẩy chế độ Egon Krenz rơi vào sự lúng túng và phải lần lượt nhượng bộ những đòi hỏi của các nhóm biểu tình.
Nương theo sự lúng túng này, các phong trào quần chúng đưa ra yêu sách là ngày nào chính quyền Đông Đức chưa gỡ bỏ bức tường Bá Linh, ngày đó chưa chứng tỏ thực tâm đối thoại để xây dựng nền chính trị dân chủ. Những áp lực này cộng với tình trạng hàng ngàn dân chúng vượt biên giới chạy sang Tây Đức tỵ nạn đã làm cho bộ phận lãnh đạo đảng rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, sau cuộc họp ngắn, Trung ương đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức cho phổ biến một bản thông cáo đọc trên đài truyền hình vào lúc 6 giờ 57 phút tối ngày mồng 9-11-1989. Nội dung tuyên cáo rất ngắn gọn nhưng tạo sự phấn khởi không chỉ cho người dân Đức mà cho cả thế giới, là chính quyền Đông Đức chấp thuận cho người dân được tự do qua Tây Đức một cách vô điều kiện. Sự kiện này mang ý nghĩa là bức tường Bá Linh sụp đổ.
Ngay hôm sau ngày bức tường Bá Linh được mở cửa, vào ngày 10-11, tại thành phố Leipzig, hơn 500 ngàn công nhân, dân chúng, trí thức và cả một số đảng viên chủ trương cải cách trong đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức tham gia cuộc biểu tình quy mô đòi Tổng bí thư Egon Krenz từ chức chủ tịch Nhà nước. Cũng từ cuộc biểu tình này, khẩu hiệu được đưa ra và sử dụng thống nhất trên cả nước là "thống nhất nước Đức". Ngày 13-11-1989, chính quyền Cộng sản Đông Đức đã đưa một nhân vật tương đối ôn hòa là Hans Modrow lên làm Thủ tướng. Nhưng vào thời gian đó, tình hình Đông Đức như đàn ong vỡ tổ, mọi sinh hoạt ở trong tình trạng vô chính phủ. Nhân viên nhà nước lo thủ thân, không dám lấy bất cứ quyết định gì, trong khi đó mọi sinh hoạt bị dừng lại, và người ta chỉ còn bàn tính chuyện đi biểu tình mà thôi. Hầu hết các nhà máy, công trường ngưng hoạt động, công nhân viên, quần chúng, sinh viên tụ tập chế diễu chế độ và hô khẩu hiệu đòi thống nhất nước đất nước.
Đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức Phân Rã
Ngày 1-12-1989, Quốc hội Đông Đức biểu quyết với đa số phiếu, hủy bỏ điều khoản áp đặt vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức. Trong khi đó, từ khi Honecker từ chức vào tháng 10-1989, đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức có đến 2 triệu 300 ngàn đảng viên, vậy mà chỉ hai tháng sau, khi những cuộc biểu tình của quần chúng bộc phát ở khắp nơi, số đảng viên bỏ đảng đã lên đến hơn 1 triệu người. Cho đến tháng 11-1989, số đảng viên còn lại khoảng 1 triệu 200 ngàn người, nhưng rất ít tham gia sinh hoạt. Trước tình trạng bi thảm này, trong Hội nghị bất thường của Trung ương đảng vào ngày 3-12, Tổng bí thư Egon Krenz, Bộ chính trị và Trung ương đảng tuyên bố từ chức và quyết định triệu tập đại hội đại biểu khẩn cấp để giải quyết nhu cầu chấn chỉnh nội bộ nhằm duy trì sự tồn tại của đảng. Đại hội đảng bất thường khai mạc vào ngày 8-12-1989 đã biểu quyết thay đổi cơ cấu tổ chức bằng cách bãi bỏ cơ chế Trung ương đảng, Bộ chính trị, chỉ giữ lại hai trách vụ Chủ tịch và Tổng bí thư đảng. Quyết định này nhằm loại bỏ hình thức dân chủ tập trung cũng như mô hình tổ chức đảng của thời Stalin, với mục tiêu mở rộng sinh hoạt dân chủ trong đảng. Đại hội đã bầu Gregor Gysi, 41 tuổi, lên làm Chủ tịch đảng thay thế Egon Krenz. Gregor Gysi nguyên là thủ lãnh Luật sư đoàn dưới thời Honecker, có nhiệm vụ (trên nguyên tắc) chấn chỉnh lại nội bộ đảng.
Đại hội cũng bàn đến vấn đề thay đổi tên đảng sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới, nhưng nội bộ đã phân làm hai nhóm chủ trương hai tên khác nhau. Một nhóm thì chủ trương sử dụng tên cũ là đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa (SED), nhóm khác thì đề nghị thay thế chữ Thống Nhất thành Dân Chủ, gọi là đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Đức (PDS), nhưng không có kết luận chung cuộc. Vì không muốn làm phân rã đảng, nên đại hội đã không biểu quyết tên đảng mà để cho hai nhóm tùy nghi sử dụng. Đây là dấu hiệu cuối cùng của sự hợp nhất. Đại hội đảng được tổ chức vào ba ngày cuối tháng 2-1990, quyết định không thể tiếp tục dùng hai tên đảng trong một đảng mà đồng ý đổi tên đảng là Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa (PDS). Sau đó, một nhóm khuynh tả trong đảng PDS đã tách ra cùng với một thành phần tả khuynh ngoài đảng, liên kết thành lập đảng Xã Hội Dân Chủ Đức (SPD), cùng tên với một đảng tả khuynh bên Tây Đức. Mục tiêu của nhóm này là muốn tìm sự hậu thuẫn của đảng Xã Hội Dân Chủ bên Tây Đức để có phương tiện hoạt động.
Tổng Tuyển Cử Tự Do
Theo dự định lúc đầu, Đông Đức sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 9-1990, nhưng vì tình hình ngày một khó khăn, chính trị bất ổn, kinh tế phá sản, và áp lực quần chúng ngày một lên cao, nên đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Đức và chính quyền Hans Modrow phải gấp rút xúc tiến cuộc bầu cử tự do vào ngày 18-3-1990. Đây có thể coi như một cảnh làm đám cưới để chạy tang. Cuộc tuyển cử này bầu ra 400 ghế quốc hội (gọi là Nghị Hội Nhân Dân). Phương thức tái thống nhất hai nước là đề tài tranh luận của các đảng phái trong cuộc bầu cử này. Ngoài ra, bên Tây Đức cũng đã móc nối những thành phần ở phía Đông đứng ra lập một số tổ chức có liên hệ với Tây Đức, để ra ứng cử. Đặc biệt là Liên Minh của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và Xã Hội Thiên Chúa Giáo (CDU-CSU) bên Tây đã cung cấp tiền bạc và phương tiện giúp cho đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo bên Đông ra tranh cử với một lực lượng rất hùng hậu.
Dĩ nhiên cuộc bầu cử đã đưa đến kết quả như tại nhiều nước Cộng sản ở trong khối Đông Âu cũ là các đảng chống chính quyền Đông Đức như đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đảng Xanh, Đảng Dân Chủ Tỉnh Thức, Liên Minh Dân Chủ Tự Do, Liên Đoàn Xã Hội Đức chiếm quá bán trong Quốc hội. Trong khi đó, đảng Dân Chủ Xã Hội, thuộc nhóm cực tả của cựu đảng Cộng sản Đông Đức nhờ được sự hậu thuẫn của đảng SPD bên Tây Đức nên chiếm được 21% số phiếu, còn đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Đức của phe chủ trương cải cách trong cựu đảng Cộng sản Đông Đức, chỉ chiếm được 16% số phiếu. Lothar De Maizière, Chủ tịch đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đông Đức được Quốc hội đề cử làm Thủ tướng không cộng sản đầu tiên sau 40 năm thống trị của đảng Cộng sản Đông Đức, để thành lập chính phủ liên hiệp với đảng Dân Chủ Xã Hội.
Ngày 9-4-1990, Thủ tướng Lothar De Maizière công bố danh sách tân nội các liên hiệp. Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo chiếm 11 ghế trong số 24 ghế Bộ trưởng, đảng Dân Chủ Xã Hội chiếm 7 ghế. Sáu ghế còn lại chia ra như sau: ba ghế cho Liên Minh Dân Chủ Tự Do, 2 ghế cho Liên Đoàn Xã Hội Đức và 1 ghế cho đảng Dân Chủ Tỉnh Thức. Điều làm nhiều người ngạc nhiên vào lúc đó là Thủ tướng Lothar De Maizière đã đề cử Markus Meckel (Chủ tịch đảng Dân Chủ Xã Hội, vừa mới thay thế Ibrabhin Boehme phải từ chức vì dính líu vào các vụ đàn áp biểu tình trong năm 1989) làm Bộ trưởng Ngoại giao. Sáu chức Bộ trưởng còn lại mà đảng Dân Chủ Xã Hội nắm giữ là Thương mại, Tài chánh, Lao động và Xã hội, Truyền thông, Canh nông, Nghiên cứu và Kỹ thuật. Peter Michel Diestal, Tổng thư ký Liên Đoàn Xã Hội Đức giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Mục sư Rainer Eppelmann, chủ tịch đảng Dân Chủ Tỉnh Thức được chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng và Giải trừ quân bị.
Thống Nhất Nước Đức
Đúng ngày 3-10-1990, căn cứ theo điều 23 của hiến pháp Cộng Hòa Liên Bang Đức (Tây Đức) 5 tiểu bang của Đông Đức tự động sát nhập vào Tây Đức nâng số tiểu bang của Cộng Hòa Liên Bang Đức lên thành 16 tiểu bang, có diện tích 356.910 cây số vuông, dân số gần 81 triệu người (1992), thủ đô đặt tại Bá Linh (cho đến năm 1993 Thủ đô vẫn đặt ở Bonn). Hiện nay Cộng Hòa Liên Bang Đức áp dụng hiến pháp của Tây Đức ban hành ngày 23-5-1949, theo chế độ cộng hòa, quốc hội gồm hai viện: Hạ Viện Liên Bang (Bundestag) gồm 662 ghế, nhiệm kỳ 4 năm, và Thượng Viện Liên Bang (Bundesrat) có 68 ghế, gồm đại biểu chính thức của các Tiểu bang. Mỗi tiểu bang được quyền đề cử từ 3 đến 6 đại biểu tùy theo tiểu bang lớn hay nhỏ.
Vào ngày đó, cả nước Đức vui mừng được thống nhất, hầu hết các nơi đều tổ chức những buổi lễ lớn nhỏ để mừng ngày thống nhất. Ngày hôm sau mồng 4-10, Quốc hội Liên bang Đức nhóm họp tại trụ sở Quốc hội cũ thời Đức Quốc Xã ở Thủ đô Bá Linh, các đảng bắt đầu cuộc tranh luận về ngân sách dành cho công cuộc tái thống nhất quốc gia. Chủ tịch đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD) phê phán chính quyền của Thủ tướng Helmut Kohn đã không thành thực cho biết toàn bộ ngân sách phải chi cho kế hoạch tái thiết Đông Đức, mà chỉ nói từng phần để thu hút phiếu mà thôi. Để phản luận lại, Thủ Tướng Kohn đã kêu gọi dân Đức không chỉ nghĩ đến những số tiền dành cho vấn đề tái thiết Đông Đức mà còn cả những ngân khoản phải chi cho vấn đề thống nhất nước Đức, tức là những khoản nợ khác mà Tây Đức phải trả cho Đông Đức đã vay mượn trước đó. Lần đầu tiên sau khi thống nhất không đầy một tuần, Thủ tướng Helmut Kohn cho biết chính quyền Tây Đức đã phải chi khoảng 1.000 tỷ Đức mã cho việc tái thống nhất Đông Đức.
Ngày 14-10-1990, Cộng Hòa Liên Bang Đức tổ chức bầu cử quốc hội cấp tiểu bang cho các vùng thuộc cựu Đông Đức. Liên minh của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và đảng Xã Hội Thiên Chúa Giáo của Thủ tướng Helmut Kohn chiếm số phiếu cử tri cao nhất ở 4 trong 5 tiểu bang tổ chức bầu cử. Trong khi đó những ứng viên của các đảng tả khuynh hay cựu cộng sản thất bại nặng nề, kể cả đảng Dân Chủ Xã Hội. Điều này cho thấy là quần chúng Đông Đức kỳ vọng rất nhiều vào chính sách phục hưng kinh tế sau thống nhất của chính quyền Thủ tướng Kohn và đây là điều tốt giúp cho đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo chiến thắng trong kỳ bầu cử thống nhất tới.
Ngày 2-12-1990, nước Đức thống nhất đã tổ chức bầu cử Quốc hội Liên bang đầu tiên sau hơn 30 năm chia cắt. Kết quả cuộc bầu cử thống nhất như sau: Liên minh Dân chủ Thiên Chúa Giáo và đảng Xẫ hội Thiên Chúa Giáo, chiếm 319 ghế đạt tỷ lệ 43,8% phiếu; đảng Dân Chủ Tự Do (FDP) được 79 ghế, chiếm tỷ lệ 11% phiếu. Hai đảng này đã liên hiệp thành lập chính quyền và chiếm quá bán trong quốc hội với 398 ghế. Trong khi đó, đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD) được 239 ghế, chiếm 33,5%; đảng Xanh thất bại từ 49 ghế xuống còn có 8 ghế, chiếm tỷ lệ 5,1%; đảng Dân Chủ Xã Hội PDS (cựu cộng sản) chỉ được 17 ghế, chiếm 2,4%.
Kết Luận
Khác với Hung Gia Lợi hay Tiệp Khắc, tại Đông Đức không có một tổ chức chính trị nào được hình thành một cách quy mô để hướng dẫn quần chúng đấu tranh mà chỉ là sự kết hợp giữa nhiều khuynh hướng chính trị, vận động người dân qua các cuộc biểu tình để tạo rối loạn chính trị, từng bước đẩy nhà cầm quyền Đông Đức rơi vào thế thoái lui, nhượng bộ. Có thể nói cuộc cách mạng tại Đông Đức là cuộc cách mạng quần chúng, không có lực lượng chính trị lãnh đạo, mặc dù có một số tổ chức chống chính quyền ra đời vào lúc đó. Sự ngoan cố của Honecker và Bộ chính trị của đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức, trong bối cảnh nhượng bộ và thoái lui của các đảng Cộng Sản Ba Lan, Hung Gia Lợi đã là hành động khiêu khích sự căm phẫn của thành phần công nhân, trí thức tại một số thành phố, trong đó thành phố Leipzig được coi là cái nôi khởi động chống đối nhà nước một cách mạnh mẽ và liên tục nhất.
Giống như Ba Lan, tuy Giáo hội Tin Lành tại Đức không chủ động quy tụ các lực lượng đấu tranh nhưng đã góp phần đáng kể trong việc khuyến khích các tín hữu tham gia những cuộc biểu tình mỗi tối thứ hai hàng tuần sau thánh lễ. Ngoài ra, Giáo Hội cũng đã giúp đỡ che giấu thành phần chủ chốt trong các cuộc biểu tình khi bị công an, mật vụ Đông Đức truy lùng. Nhưng Đông Đức mau chóng tan rã và tiến đến việc thống nhất trong một thời gian kỷ lục, một phần nhờ vào những hỗ trợ từ Tây Đức trên hai lãnh vực. Thứ nhất là trong thời gian xảy ra các cuộc biểu tình và đình công từ giữa năm 1989 đến đầu năm 1990, các đảng phái và truyền thông Tây Đức đã thực hiện rất nhiều chương trình "tuyên truyền", vừa kích thích khí thế đấu tranh của quần chúng, vừa tác động làm soi mòn hàng ngũ đảng viên cán bộ trong đảng Thống Nhất Xã Hội Chủ Nghĩa Đức. Thứ hai là chính quyền Helmut Kohn đã có những nỗ lực đưa nhiều phái đoàn theo kiểu sứ giả đi vận động các quốc gia Tây phương và Liên Xô về kế hoạch thống nhất của mình, cũng như cam kết gìn giữ hòa bình cho toàn vùng Âu Châu sau khi thống nhất. Đặc biệt là Tây Đức đã phải đồng ý chi một số tiền lớn cho Liên Xô để nước này không gây khó khăn cho các nỗ lực thống nhất đất nước của Tây Đức vào thời đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét