25 tháng 1, 2007

Việt Cộng Hậu WTO

* Lý Thái Hùng

Ngày 11 tháng 1 năm 2007, Cộng sản Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Bốn ngày sau, Hội nghị lần thứ tư của ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam Khóa X đã khai mạc tại Hà Nội kéo dài non 10 ngày mà trọng tâm chính là bàn về hướng đi của Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Hà Nội chưa chính thức công bố chi tiết các chủ trương, chính sách hậu WTO nhưng qua bài phát biểu của Nông Đức Mạnh, đảng Cộng sản Việt Nam đang tập trung vào hai công việc chính như sau:


Thứ nhất là tính toán lại việc tổ chức một số đại hội liên quan đến nội bộ đảng và bầu cử quốc hội. Nông Đức Mạnh nói là do thực tế đòi hỏi và với điều kiện cho phép, trung ương đảng sẽ phải tính toán để tiến đến việc tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc của đảng, đại hội đảng bộ các cấp và việc tổ chức bầu cử quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp sao cho hợp lý về thời điểm, bảo đảm chất lượng, đồng thời tiết kiệm thời giờ, công sức và tiền bạc. Nông Đức Mạnh chỉ nói chung về nhu cầu rà soát mối quan hệ của việc tổ chức các loại hình đại hội đảng, bầu cử quốc hội sao cho hiệu quả và hợp lý nên người ta chưa xác định rõ chủ đích của Hà Nội muốn gì khi mang các điều này thảo luận trong hội nghị. Điều mà người ta dự kiến là có thể Mạnh nêu ra nhu cầu này để trì hoãn việc tổ chức bầu cử quốc hội khóa XII mà thông lệ sẽ diễn ra vào tháng 7 năm 2007. Bởi vì đây không phải là hội nghị để bàn thảo về các nhu cầu điều chỉnh những việc tổ chức các đại hội đảng hay bầu cử mà trọng tâm là vạch ra một số hướng lớn trong việc chuẩn bị bầu cử quốc hội khóa XII ví dụ như có cho ứng viên ngoài đảng Cộng sản tham gia ứng cử; có cho đại diện Việt kiều ứng cử bầu cử quốc hội, hay có cải thiện chức năng đại biểu để trở thành một người thường trực làm công tác lập pháp như các quốc gia phương Tây... Phải chăng lãnh đạo Hà Nội chưa tính xong màn kịch ‘đảng cử dân bầu’ sao cho vẻ dân chủ một chút trong bối cảnh hậu WTO nên muốn trì hoãn chăng?

Thứ hai là sắp xếp và điều chỉnh mối quan hệ giữa đảng và nhà nước. Nông Đức Mạnh nói rằng tại hội nghị này, trung ương phải thảo luận và quyết định một số vấn đề sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tổ chức các ban đảng và cơ quan nhà nước. Đây không phải là công việc dễ lấy quyết định cũng như dễ thảo luận, khi bản thân của cấp lãnh đạo đảng tiếp tục núp trong khẩu hiệu vô nghĩa ‘đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ’. Thật vậy, việc điều chỉnh mối quan hệ giữa đảng và nhà nước đã được Hà Nội nêu ra từ hai thập niên qua; nhưng mọi thảo luận đều thả nổi vì không một cấp nào chịu lấy quyết định hy sinh quyền lợi của phe nhóm mình ở trong đảng hay trong bộ máy nhà nước. Chính câu khẩu hiệu ‘đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý’ đã làm cho bộ máy hành chánh của cộng sản Việt Nam biến thành cỗ xe mà ở đó cấp bộ nào cũng có quyền xía vô nhưng không ai chịu trách nhiệm. Nông Đức Mạnh nêu ra tình trạng chồng chéo, trùng lập chức năng, quyền hạn, trách nhiệm giữa các bộ máy đảng và nhà nước để nói lên nhu cầu điều chỉnh nhưng trong thực tế sự ngán cẳng lẫn nhau giữa các phe nhóm ở mọi cấp, ở mọi cơ chế chính là nguyên nhân làm trì trệ mọi sự vận hành mà lãnh đạo Hà Nội không dám nói lên sự thật. Tuy nhiên, sự kiện Nông Đức Mạnh nêu lên và yêu cầu trung ương đảng một lần nữa ‘hạ quyết tâm’ giải quyết trong hội nghị lần thứ tư này phải chăng là để đáp ứng các đòi hỏi của WTO trong việc ‘thông suốt hóa’ bộ máy hành chánh?

Ngoài những bàn thảo mang các nội dung nói trên, hội nghị còn đề cập đến chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo cũng như thảo luận về một số chủ trương lớn về kinh tế hậu WTO. Như vậy, qua hội nghị trung ương lần này, đảng Cộng sản Việt Nam đặt trọng tâm rà soát lại các quan hệ về cơ chế, nhất là mối quan hệ giữa đảng và nhà nước. Những vấn đề này tuy cũ nhưng vô cùng phức tạp và chính các quốc gia cựu Cộng sản tại Đông Âu cũng đã từng trải qua những đợt tranh cải trong nội bộ nhiều khi rất gay gắt về mối quan hệ đảng và nhà nước, khi mở cửa tham gia vào các diễn đàn cũng như cơ chế quốc tế cách nay 17, 18 năm. Nói cách khác, vì bị sức ép của WTO nên Hà Nội đang phải ‘chỉnh đốn’ lại mối quan hệ đảng và nhà nước theo chiều hướng đảng phải tách khỏi sự chi phối lên trên các hoạt động của nhà nước. Đây là điều rất khó thi hành khi mà đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cố duy trì sự khống chế của đảng trên mọi mặt sinh hoạt xã hội cũng như trên các hướng đi của đất nước. Nếu trung ương đảng Cộng sản Việt Nam không có cái nhìn mới, nhất là không nhìn rõ quyền lợi tối thượng của quốc gia dân tộc với sự tham chính trong giai đoạn nhất định của một đảng chính trị, thì họ sẽ không bao giờ ra khỏi mê trận hiện nay trong đó tình trạng tham ô, nhũng lạm và lãng phí tài nguyên quốc gia phát sinh từ chính quan hệ chồng chéo đảng và nhà nước. Muốn giải quyết sự chồng chéo này, đảng Cộng sản Việt Nam phải tháo gỡ ít nhất ba vấn đề căn bản sau đây:

Thứ nhất là đảng Cộng sản Việt Nam phải trở về vị trí của một đảng chính trị theo đúng tinh thần tham chính của một xã hội dân chủ đa đảng, trong đó sự lãnh đạo đất nước của các đảng phái, phải nằm trong thẩm quyền quyết định của người dân qua lá phiếu bầu cử tự do. Đảng Cộng sản Việt Nam không có quyền quy định sự lãnh đạo của mình trong hiến pháp và cũng không được tự mình nắm lấy quyền tổ chức và quyết định mọi sự vận hành của bộ máy nhà nước, bộ máy lập pháp và bộ máy tư pháp. Lãnh đạo Hà Nội không thể nào đóng vai trò vừa làm cầu thủ đá banh vừa là trọng tài trong sân chơi đó.

Thứ hai là đảng Cộng sản Việt Nam phải trả lại cho người dân các quyền tự do căn bản trong đó quyền tự do báo chí, tự do thông tin là nhu cầu thiết thực nhất. Không có hai quyền căn bản này, dù có tung ra bao nhiêu lần cải cách hành chánh, cũng sẽ chỉ gọi trọn trong tay một thiểu số có những móc ngoặc riêng tư để tiếp tục chi phối các sinh hoạt quốc gia. Muốn trong sạch hóa guồng máy hành chánh và nhất là các cấp đảng ủy không xen vào sự vận hành và điều hướng của bộ máy nhà nước, phải có báo chí tư nhân, phải có tiếng nói độc lập của những tổ chức ngoài luồng thì họa chăng mới tránh những áp chế của cấp đảng uỷ lên trên sự vận hành của các ban ngành trong bộ máy nhà nước.

Thứ ba là đảng Cộng sản Việt Nam không có quyền đem chủ nghĩa Mác –Lênin hay cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh áp chế lên toàn thể tư duy dân tộc. Đảng Cộng sản có quyền tôn thờ chủ nghĩa Mác Lênin nhưng không được quyền cưỡng bức người dân Việt Nam phải học những tư duy lỗi thời và đã bị nhân loại vứt bỏ vào thùng rác lịch sử trong gần 2 thập niên qua. Thế kỷ 21 được mệnh danh là thế kỷ của thông tin thì nhà cầm quyền không thể nào o ép người dân theo lề thói thông tin một chiều, bưng bít và phong tỏa mọi luồng giao lưu của nguời dân ở trong và ngoài Việt Nam.

Nói tóm lại, đảng Cộng sản Việt Nam đã tháo gỡ cánh cửa ‘bế môn’ khi trở thành thành viên WTO. Nhưng muốn thành công trong cuộc cạnh tranh với 149 quốc gia khác trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ quyền lực độc tôn, chấp nhận bối cảnh sinh hoạt chính trị đa nguyên và đa đảng, thì lúc đó mới huy động trí tuệ của toàn thể dân tộc, góp phần hiệu quả vào công cuộc phát triển đất nước. Nếu không thì sớm muộn gì, chính sự chồng chéo mối quan hệ đảng và nhà nước hiện nay, sẽ biến thành những đợt sóng dân chủ như các quốc gia Đông Âu trước đây, đẩy xập ách độc tài trong thời gian trước mặt.

Lý Thái Hùng
Jan 25 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét