01 tháng 11, 2007

Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân Gặp Gỡ Chính Giới Tại Ba Lan

* VNN

Trong chuyến công tác tại một số quốc gia vùng Trung Âu vào thượng tuần tháng 10 vừa qua, ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư đảng Việt Tân và các ông Nguyễn Thanh Văn, Bí Thư Cơ sở đảng Việt Tân tại Trung Âu và ông Phùng Nhĩ Lợi, Giám Đốc Radio Berlin đã đến viếng thăm Ba Lan, gặp gỡ chính giới và một số đồng hương tại Thủ đô Warsaw, từ ngày 8 đến 10 tháng 10 năm 2007. Phái đoàn đã được sự hướng dẫn của Ký giả Robert Krzyston, một thành viên trong ban lãnh đạo của Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan, một tổ chức đấu tranh quy tụ các trí thức và ký giả Ba Lan, chống lại chế độ cộng sản Ba Lan từ thập niên 70 của thế kỷ trước.

Ngày 8 tháng 10, ông Lý Thái Hùng và phái đoàn đảng Việt Tân đã thăm viếng thành phố Gdansk, nơi xuất phát những cuộc đấu tranh đẫm máu của lực lượng công nhân chống lại chế độ cộng sản Ba Lan trong hai thập niên 1970 và 1980 với sự ra đời của Công Đoàn Đoàn Kết vào năm 1980. Tại đây, ông Lý Thái Hùng đã được hướng dẫn thăm viếng trụ sở Công Đoàn Đoàn Kết và đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm những người đã hy sinh trong hai cuộc biểu tình vào năm 1970 và năm 1982. Sau đó, phái đoàn đã đến viếng thăm xưởng đóng tàu Lênin cách đó vài phút đi bộ. Ông Lý Thái Hùng cho biết là ông rất xúc động khi đứng trước cổng ra vào của xưởng đóng tàu Lênin, vì nơi đây đã là địa điểm lịch sử: 1/ Nơi công bố 21 yêu sách của ủy ban đình công của công nhân xưởng đóng tàu Lê nin vào tháng 4 năm 1980 để đòi đảng Cộng sản Ba Lan tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân và đòi thành lập công đoàn độc lập; 2/ Nơi ông Lech Walesa, đã công bố đổi tên "Ủy ban đình công" thành "Công Đoàn Đoàn Kết" vào đầu tháng 9 năm 1980, trước sự tham dự của hàng chục ngàn công nhân, trí thức và thanh niên sinh viên. Để bày tỏ sự ngưỡng phục về tinh thần đấu tranh của công nhân xưởng đóng tàu Lê nin, phái đoàn đảng Việt Tân cũng đã đặt vòng hoa tưởng niệm tại đây.


Sau đó ông Lý Thái Hùng và phái đoàn đã đến viếng thăm hai nhân vật lịch sử của Công Đoàn Đoàn Kết. Người thứ nhất là dân biểu Akadiusz Rybicki, là một trong hai người đã soạn thảo 21 yêu sách cho Ủy ban đình công, khởi động cho sự ra đời của Công Đoàn Đoàn Kết. Bản yêu sách 21 điểm này hiện được Liên Hiệp Quốc (UNESCO) coi là văn kiện lịch sử của nhân loại. Dân biểu Akadiusz Rybicki sinh năm 1953, tham gia vào công cuộc đấu tranh từ lúc 17 tuổi, và là một trong 7 thành viên lãnh đạo Phong Trào Trẻ Ba Lan, được thành lập bí mật năm 1975. Trong cuộc gặp gỡ, ông đã bày tỏ sự đồng tình với nỗ lực đấu tranh hiện nay của đảng Việt Tân và của phong trào dân chủ tại Việt Nam. Ông cho rằng, sớm muộn gì đảng Cộng sản Việt Nam cũng tan rã vì nó đã đi ngược lại các quy luật phát triển của con người. Nhân dịp này, ông Lý Thái Hùng đã ký tặng dân biểu Akadiusz Rybicki tập sách Đông Âu tại Việt Nam và bộ tài liệu của đảng Việt Tân. Người thứ hai mà ông Lý Thái Hùng được sắp xếp gặp là cựu Tổng thống Lech Walesa, chủ tịch Công Đoàn Đoàn Kết vào lúc 7 giờ tối; nhưng vào giờ phút cuối, do cơn đau tim tái phát phải nhập viện nên văn phòng cựu Tổng thống Lech Walesa đã phải hoãn cuộc gặp gỡ sang một dịp khác.

Ngày 9 tháng 10, ông Lý Thái Hùng và phái đoàn đã đến viếng thăm trụ sở Radio Warsaw FM 106.1 và trả lời cuộc phỏng vấn dài 1 tiếng đồng hồ về tình hình đấu tranh của phong trào dân chủ tại Việt Nam và các nỗ lực tranh đấu của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Radio Warsaw do Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Ba Lan thành lập, và nó từng là một đài phát thanh bí mật trong thập niên 80 để ủng hộ cuộc đấu tranh của Công Đoàn Đoàn Kết chống lại chế độ cộng sản Ba Lan. Buổi tối ngày 9 tháng 10, ông Lý Thái Hùng đã được mời tham dự cuộc Hội thảo về tình hình nhân quyền Trung Quốc do Ủy ban pháp luật và nhân quyền Quốc hội Ba Lan tổ chức tại trụ sở quốc hội, nhằm thảo luận về việc vận động dư luận tẩy chay Olympic 2008 để tạo áp lực lên nhà cầm quyền Bắc Kinh. Buổi hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia luật pháp quốc tế đến từ Thụy Điển, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Trung Quốc tham dự.

Ngày 10 tháng 10, ông Lý Thái Hùng đã tiếp kiến Tiến sĩ Bogdan Borusewicz, Chủ Tịch Thượng Viện Ba Lan tại văn phòng Chủ tịch. Tiến sĩ Bogdan Borusewicz là một trong những nhân vật lãnh đạo Phong Trào Vì Công Lý và Vì Quyền Con Người được thành lập năm 1977 để chống lại chế độ cộng sản Ba Lan và ông đã bị đảng Cộng sản Ba Lan bắt vào tù nhiều năm. Tiến sĩ Bogdan Borusewicz rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền và chính ông là người đã đặt vấn đề nhân quyền với Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng vào tháng trước, nhân dịp ông Dũng công du Ba Lan. Trong cuộc tiếp xúc, ông Lý Thái Hùng cảm ơn Tiến sĩ Bogdan Borusewicz đã quan tâm đến tình hình nhân quyền, nhất là đề cập đến tình hình đàn áp các nhà dân chủ tại Việt Nam như Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Linh Mục Nguyễn Văn Lý đến lãnh đạo Hà Nội. Ông Lý Thái Hùng đã yêu cầu Tiến sĩ Bogdan Borusewicz tiếp tục đặt vấn đề nhân quyền lên đảng Cộng sản Việt Nam trong các quan hệ, và ông đã hứa là sẽ lên tiếng vấn đề nhân quyền Việt Nam khi có những điều kiện. Trước khi chia tay, ông Lý Thái Hùng cũng đã tặng Tiến sĩ Bogdan Borusewicz tập sách Đông Âu tại Việt Nam cùng tài liệu của đảng Việt Tân.

Tối ngày 10 tháng 10, qua sự giúp đỡ của ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, ông Lý Thái Hùng và phái đoàn đảng Việt Tân đã có một cuộc gặp gỡ với một số đồng bào Việt Nam tại trụ sở Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan. Tuy là buổi gặp gỡ riêng của người Việt nhưng cũng có một số nhà văn, nhà báo Ba Lan đến dự thính, đặc biệt có ông Wojciech Borowik, Tổng Thư Ký Hội Tự Do Ngôn Luận, thay mặt ông Chủ tịch đang đi công du tại Pháp, đã đến chào ông Lý Thái Hùng. Mở đầu cuộc gặp gỡ, ông Trần Ngọc Thành đã trình bày về lý do có cuộc gặp mặt và chia xẻ về tình hình sinh hoạt của người Việt tại Warsaw; cũng như giới thiệu các đồng hương tham dự, trong đó có đông anh chị em trong nhóm Đàn Chim Việt tham dự. Kế đến, ông Lý Thái Hùng đã trình bày về mục tiêu chuyến viếng thăm Ba Lan và tóm lược về động lực khiến ông bỏ ra 10 năm nghiên cứu về những diễn biến chính trị tại các quốc gia Đông Âu, để xuất bản tập sách Đông Âu tại Việt Nam. Sau đó là phần trao đổi đã diễn ra sôi nổi với những ý kiến đóng góp rất tích cực như nhận định về việc cải tổ kinh tế của Cộng sản Việt Nam đã ảnh hưởng lên cuộc đấu tranh như thế nào; những kinh nghiệm đấu tranh nào của Ba Lan có thể ứng dụng tại Việt Nam; vấn đề đoàn kết của người Việt; vị thế của từng tổ chức trong việc hỗ trợ phong trào công nhân lớn mạnh tại Việt Nam.... Cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa phái đoàn đảng Việt Tân với đồng hương tại Ba Lan được đánh giá là thân tình và cởi mở.

Đài Tưởng Niệm Những Nạn Nhân Bị Chế Độ Cộng sản Ba Lan sát hại
trong hai cuộc biểu tình năm 1970 và năm 1982, tại thành phố Gdansk.
Ông Lý Thái Hùng tưởng niệm các nạn nhân bị chế độ
Cộng sản Ba Lan sát hại tại đài Tưởng Niệm.
 

Ông Lý Thái Hùng đã đặt vòng hoa trước cổng ra vào
Xưởng đóng tàu Lênin tại Thành phố Gdansk,
nơi ông Lech Walesa tuyên bố sự ra đời
Công Đoàn Đoàn Kết vào năm 1980.
Dân Biểu Akadiusz Rybicki, tác giả 21 yêu sách
đòi thành lập Công Đoàn độc lập và ông Lý Thái Hùng,
Tổng bí thư đảng Việt Tân.
Tiến sĩ Bogdan Borusewicz, Chủ tịch Thượng Viện Ba Lan
và ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân
trong cuộc tiếp kiến tại văn phòng Chủ tịch.
Ông Lý Thái Hùng đã ký tặng sách và tài liệu
của đảng Việt Tân cho Tiến sĩ Bogdan Borusewicz
trong cuộc tiếp kiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét