02 tháng 11, 2007

Điểm đặc sắc của tác phẩm “Đông Âu Tại Việt Nam” là các ý tưởng đầy tính chất “think-tank”

* Tiến Sĩ Tôn Thất Tuấn

Tôi không phải là nhà phê bình văn học nên cảm thấy việc phê bình sách ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM là một thử thách tương đối khó khăn. Tuy nhiên, chấp nhận thử thách để có thể góp phần làm phong phú cho một tác phẩm cũng là một điều hay. Do đó tôi đã nhận lời mời của Ban Tổ Chức để đóng góp một số ý kiến góp nhặt suy tư của chính mình, từ khi tác phẩm nầy ra mắt độc giả tại Hoa Kỳ, Úc Châu, Âu Châu và Canada.

Theo các học giả Việt Nam ở hải ngoại thì tác phẩm ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM là một tác phẩm biên khảo có tính chất nghiên cứu hàn lâm (academic research), nhưng cũng chuyên chở các ý niệm thực dụng, và đặc biệt cho môi trường văn hóa chính trị của Việt Nam. Tại sao gọi là thực dụng ? Bởi vì từ khi biến cố Đông Ấu xãy ra vào cuối thập niên 80 đến đầu thập niên 90 làm sụp đổ các chế độ cộng sản mạnh nhất trên thế giới thì đã có không ít sách vở ngoại ngữ viết về biến cố nầy, nhất là đã có trên 200 tác phẩm viết bằng tiếng Anh. Nhưng tác phẩm tiếng Việt nói về biến cố nầy thì thật là hiếm hoi: cho đến giờ phút nầy mới chỉ có 2 tác phẩm ra đời. Tác phẩm tiếng Việt đầu tiên là sách “Biến Cố Đông Âu” của tác giả Đằng Sơn, dày 120 trang ấn hành vào năm 1990, mô tả tóm tắt các sự kiện chính trong suốt thời gian sôi động đưa đến sự cáo chung nhanh chóng các chế độ cộng sản tại các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Rumanie, Bulgarie, Đông Đức và Nga Sô. Tác phẩm tiếng Việt thứ hai là sách ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM của tác giả Lý Thái Hùng ra mắt độc giả vào năm nay – 2007, sau biến cố Đông Ấu đến 18 năm. Mười tám năm là thời gian đủ cho một thế hệ trưởng thành và đủ dài cho tác giả Lý Thái Hùng chọn lọc các sự thật của lịch sử chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội để biên khảo thành một tác phẩm đồ sộ hơn 600 trang, vừa là tài liệu nghiên cứu lịch sử vừa là cẩm nang thực dụng cho một biến cố tương tự sẽ xãy ra tại Việt Nam trong một tương lai không xa.



Gọi là đồ sộ bởi vì gần 200 tấm hình biểu tượng tốt cũng như xấu của lịch sử cân đại được in trên hơn 50 trang giấy polymer thượng hang trong sách ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM. Và nếu chúng ta thừa nhận mỗi một tấm hình diễn tả một sự kiện dài bằng 1000 chữ thì quả thật tác phẩm nầy có kích thước gần bằng 3000 trang sách. Đặc biệt nhất là tấm hình nhân dân Đông Đức giật sập bức tường ô nhục Bá Linh của cộng sản Đông Đức và tấm hình đoàn xe tăng Trung Cộng chùn bước trước một thanh niên dũng cảm của biến cố Thiên An Môn. Theo tôi thì tác phẩm nầy còn thiếu một tấm hình rất có ấn tượng, đó là tấm hình tượng Lê-Nin bị giựt sập để chấm dứt cái tên cưỡng đặt Leningrad và trả lại tên nguyên thuỷ Saint Peterburg cho thành phố cổ kính đứng thứ 2 tại nước cộng hòa Nga hiện nay. Cái gọi là thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ không còn bao lâu nữa.

Điểm đặc sắc của tác phẩm ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM là các ý tưởng đầy tính chất “think-tank” mà tôi tạm dịch là “ý kiến trên tầm vóc quốc gia”, vì Việt Ngữ của chúng ta chưa có từ ngữ kỷ thuật để dịch chữ Think-tank trong tiếng Anh. Thật vậy, xuyên qua Chương Chín và Chương Mười chúng tôi lượm lặt hơn 25 tiên đoán thời sự theo phương pháp của khoa chính trị học ngày nay và hơn 30 ý kiến về các diễn tiến tình hình thời sự, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội của Việt Nam trong hiện tại. Từ đó tác giả cũng như người đọc nhìn ra được một số viễn cãnh nhất định sẽ xãy ra đơn độc hoặc tròng tréo lên nhau trong tương lai gần đến. Theo tôi trong số các ý kiến mang tính chất think-tank trong tác phẩm, các điểm đề nghị cụ thể về khai phóng xã hội, phát triển giáo dục, ổn định kinh tế và xây dựng dân chủ tự do là những đề nghị có giá trị về mặt thực dụng cho quốc gia chúng ta từ nay cho đến hết 10 năm đầu của thời kỳ hậu cộng sản.

Phần tô điểm thêm cho giá trị hàn lâm của tác phẩm ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM chính là phần thư tịch (references) rất phong phú gồm trên 150 danh mục sách nghiên cứu và tài liệu tham khảo báo chí tiếng Việt và ngoại ngữ. Chính phần thư tịch tham khảo nầy giúp độc giả tin tưởng vào những nhận định và những giải đáp cho các thử thách tại Việt Nam, sau khi chế độ cộng sản cáo chung. Hơn nữa, một cuốn sách biên khảo lịch sử, chính trị và thời sự như tác phẩm ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM nếu muốn đạt tiêu chuẩn thực dụng, - nghĩa là đem áp dụng được vào thực tế - thì phải bao gồm ít nhất là 100 thư tịch giá trị. Tác phẩm ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM bao gồm hơn 150 thư mục tham khảo giá trị nên có thể xem như một tài liệu lịch sử đáng lưu giử trong các thư viện quốc gia.

“Trông người lại ngẫm đến ta” là một ý tưởng mà tôi tìm thấy bàng bạc khắp nơi trong tác phẩm ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM. Bởi vì cơn bão Đông Âu đã quét sạch các chế độ cộng sản bạo tàn trên 8 quốc gia Âu Châu đã hơn 20 năm qua, còn Việt Nam chúng ta thì sao đây? Vâng, câu trả lời về các tình huống có thể sẽ xãy ra chẳng những đã nằm sẵn trong tác phẩm, mà còn hiển lộ rầm rộ gần đây tại Việt Nam như những biến cố nền tảng cho một vận hội chấm dứt chế độ vừa Mác-Lê-Mao vừa mafia “tiền và quyền lực”. Ảnh hưởng của cơn bảo Đông Âu tuy tiềm tàng suốt 10 năm đầu, nhưng nay đã đủ chín mùi để đồng bào trong nước từng phần nổi dậy làm lung lay tận gốc một chế độ cai trị bạo tàn nhất trong lịch sử 5000 năm qua của Việt Nam. Đây chính là tư tưởng cốt lõi mà độc giả sẽ tìm thấy trong Chương thứ 10 và cũng là chương chính của tác phẩm.

Sau khi đọc tác phẩm ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM thật kỹ, chúng ta sẽ lấy làm thích thú nhận ra là những sự cố đang xãy ra tại Việt Nam từ đầu năm 2005 đến nay thật sự đã xãy ra bằng những hình thức khác nhau tại các nước Liên Xô và Đông Âu vào thời kỳ từ năm 1986 đến 1991. Tuy vậy, nội dung của các sự cố tại Liên Xô và Đông Ấu vào thời kỳ đó và nội dung của các hiện tượng vùng dậy của đồng bào Việt Nam trong nước từ vài năm nay thì thật là giống nhau: chống lại áp bức và bất công của chế độ cộng sản và đòi quyền tự do dân chủ cho con người.

Duyệt qua các sự cố trong sách ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM từ thời điểm của cơn lốc Đông Âu cho đến nay, chúng ta còn rút ra được một kết luận là tình hình Việt Nam diễn tiến theo những biến chuyển mà khoa chính trị học gọi là “the un-intended consequences”, xin tạm dịch là “những hệ quả khó lường trước được”. Thực vậy, không ai lường trước được sự sụp đổ nhanh chóng của cộng sản Liên Xô chỉ trong vòng hơn 2 tuần lễ tính từ ngày Tổng Thống Gobachov bị quản thúc và cô lập cũng như sự sụp đổ nhanh chóng của cộng sản Đông Đức trong cùng thời kỳ. Tình hình Việt nam cũng thế, không thể lường trước được hệ quả của những biện pháp đối phó do Việt Cộng tung ra nhằm vô hiệu hóa cao trào nổi dậy cho tự do dân chủ tại Việt Nam hiện nay. Một ví dụ cụ thể nhất trong hiện tại là việc trấn áp Linh mục Nguyễn Văn Lý bằng một phiên toà “đấu tố” đã đem lại một hệ quả chấn động lương tri nhân loại trước đặc tính vô luật lệ và công lý của chế độ. Gần đây nhất, những biện pháp đối phó của đảng Cộng Sản Việt Nam trước cao trào Dân Oan nổi dậy đòi công lý, đang đưa dần đến những hậu quả mà không ai trong chúng ta lường trước được là nó sẽ gây tác hại và gây náo loạn bên trong đảng Việt Cộng và bên ngoài xã hội đến mức độ lớn lao như thế nào. Bởi vì biện pháp vừa trấn áp Dân Oan nổi dậy, vừa tuyên truyền xám để vu cáo cho những thành phần lãnh đạo cuộc nổi dậy của Dân Oan - vốn xưa kia là đảng viên đảng Việt Cộng – đang gây căm phẫn từ trong ra đến ngoài nước và nhất là gây căm hờn cho một bộ phận rất lớn đảng viên Việt Cộng ở cấp cơ sở.

Sau cùng, chúng tôi xin đóng góp một đề nghị rất nhỏ cho tác phẩm ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM vào dịp tái bản kỳ sau, đó là việc dành riêng một chương riêng biệt viết về sự sụp đổ của chế độ cộng sản Liên Xô thì tác phẩm sẽ toàn bích hơn. Bởi vì Liên Xô là nguyên nhân của các chế độ cộng sản trên thế giới, nên không thể tách rời ra khỏi biến cố Đông Âu, nhất là một “Đông Âu Tại Việt Nam” thì lại càng liên hệ sâu xa với cộng sản Liên Xô trước kia và tàn dư của cộng sản Nga Sô ngày nay, dù cho cộng sản Nga Sô ngày nay đang núp dưới chiêu bài chế độ Putin.

Tóm lại, theo nhận định của chúng tôi, tác phẩm ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM đáp ứng được yêu cầu biên khảo lịch sử, nghiên cứu chính trị hàn lâm và thực dụng cho tình hình bấp bênh tại Việt Nam ngày nay. Nhất là các ý niệm cốt lỏi cho những giải pháp ổn định kinh tế, xây dựng xã hội, đầu tư giáo dục cho thời kỳ hậu cộng sản, không sớm mà cũng không muộn vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét