14 tháng 4, 2007

“Đông Âu Tại Việt Nam” dưới cái nhìn của một nữ giáo viên trong nước

* Kim Loan

Đây là bài viết của một người cô giáo dạy môn Văn trong lòng xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hà Nội. Cô giáo hiện đang tu nghiệp tại Âu Châu. Những cảm nghĩ của cô đã viết gửi đến tác giả Lý Thái Hùng sau khi đọc xong tập sách Đông Âu Tại Việt Nam trong ba ngày liền vào trung tuần tháng 2 năm 2007. Đây có thể coi là ý kiến của những người trẻ tại Việt Nam nhìn về tác phẩm Đông Âu tại Việt Nam.

Dù hiểu biết hạn hẹp, tôi cũng xin có vài ý kiến về quyển "Đông Âu tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng, một cách để nói lên lời cám ơn vụng về của tôi.

1. Về diễn tiến cách mạng dân chủ tại Đông Âu:

Đây là lần đầu tiên tôi được đọc những tường thuật chi tiết về diễn biến cách mạng dân chủ, về quá trình sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu. Khi đọc, tôi cứ liên tưởng đến một hình ảnh trong sách Daniel của Cựu Ước: một bức tượng khổng lồ bị đập tan bỡi một mảnh đá nhỏ, rồi tất cả những mảnh vỡ của nó bị thổi bay tứ tán, không còn dấu vết. Mẩu đá nhỏ lại trở thành ngọn núi cao (Dn 2, 29-45). Đâu là nguyên nhân khiến bức tượng khổng lồ, hung bạo bị tan nát trong phút chốt mà không phải vì từ một sức mạnh dữ dội nào ở bên ngoài, mỗi người đều có thể suy gẫm, trả lời. Tác giả đã đưa ra những câu trả lời xác đáng. Điều thú vị với tôi không chỉ là những sự kiện lần đầu tiên được nghe, được phân tích, giảng giải (tôi rời quê hương chỉ mới 2 năm, hoàn toàn không biết gì về những biến cố ở Đông Âu, kể cả việc Stalin bị người kế nhiệm tố cáo!); mà còn vì giọng văn của tác giả, giọng văn của sử gia: điềm đạm, khách quan, trình bày sự việc như nó vốn có, không hằn học, gay gắt, không la lối hoặc hả hê đắc thắng. Có lẽ tác giả thấy rõ sức mạnh tố cáo đã rất dồi dào trong từng sự việc, diễn tiến. Sau mỗi chương trình bày chi tiết về diễn biến cách mạng dân chủ ở từng quốc gia, phần "biên niên" đã làm tốt việc tóm tắt, khiến người đọc có thể ghi nhớ, khắc sâu một cách hệ thống. Tôi cũng rất thích cách tác giả so sánh đặc điểm riêng của cuộc cách mạng dân chủ ở từng nước, như một cách giúp đọc giả chiêm nghiệm và suy nghĩ về hoàn cảnh của VN, và vai trò của chính bản thân mình: góp gió cho một cơn bão đã bắt đầu.



2. Về phần diễn tiến cách mạng dân chủ tại VN

Buổi đầu "đổi mới" ở VN, tôi là giáo viên mới ra trường năm 1986. Hàng tuần, tôi phải săn đón mỗi thứ Tư để có thể mua được báo Văn Nghệ (Hà Nội). Những "Lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa" (Nguyễn Minh Châu), "Cái đêm hôm ấy ..." của Phùng Gia Lộc, "Người đàn bà quỳ", "Ký sự ông vua lốp" ... vừa làm người ta khóc vì uất hận, nhưng lại làm cho người ta hy vọng vào một sự thay đổi. Tôi cũng đã dự những buổi họp đầu tiên của "Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học", được nghe những lời phát biểu của ông Trần Độ, thầy Trần Khuê, và nao nức đón nhận những xuất bản mới của Hội, đó là những tác phẩm kinh điển của văn chương VN mà trước nay vẫn bị cấm đóan: "Thi nhân VN’, "Vũ Trung tùy bút". Giới trẻ còn xôn xao vì những tác phẩm của Dương Thu Hương. Giáo viên văn thì thoát gánh nặng phải tán tụng những bài diễn văn dài lê thê, những bài thơ con cóc của các lãnh tụ. Giáo viên môn "Đạo đức" thì không còn phải dạy cho các em bé về "VN hoá chiến tranh, chiến lược "thay màu da trên xác chết", "Xã hội miền Nam dưới thời Mỹ Ngụy là một xã hội phồn vinh giả tạo", mà bắt đầu dạy "Giáo dục công dân", tuy rằng vẫn phải bám theo "Nam điều Bác dạy".

Đúng là một làn gió mới. Nhưng không lâu sau đó, chúng tôi được biết Nguyên Ngọc bị cách chức Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ, sau một cuộc họp "phê bình" cuả Ban biên tập, và dù đa số biên tập viên không đồng ý, Tổng thư ký hội nhà văn VN Nguyễn Đình Thi vẫn đưa ra quyết định cách chức! Bản quyết định đã được đánh máy sẵn! Báo Văn Nghệ nhạt hẳn, và .. ế, chẳng ai săn đón nữa! Tôi cũng không còn nghe gì nữa về Trần Độ, trần Khuê. Nói như tác giả "NVL", tất cả đã rơi vào một "sự im lặng đáng sợ", kể cả những bài "Những việc cần làm ngay" của chính tác giả. Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học cũng yếu dần. Dương Thu Hương bị quản thúc ...

Trên đây là những điều tôi được biết, còn sau đó thì không biết gì hơn. Báo chí, xa xả chửi rủa "âm mưu diễn biến hoà bình" (tôi không hiểu đó là cái gì!) "sự kích động, phá hoại thâm độc của kẻ thù", "sự vi phạm trắng trợn chủ quyền, nội bộ đất nước", rồi ca ngợi sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, rằng với sự sáng suốt đó thì dân ta chỉ cần một đảng thôi ...! Nhờ những tường thuật của tác giả Lý Thái Hùng, lần đầu tiên tôi được biết rành mạch về diễn biến của các hoạt động nổi dậy, phản kháng trên toàn quốc (thật ra trong nước, chúng tôi chỉ biết rất lờ mờ, chỉ biết suy đóan. Người ta chỉ chiếu lướt qua 1 cảnh tu sĩ Phật giáo đốt xe - để nói họ là những kẻ quá khích; chiếu thoáng qua phiên toà xử cha Lý - kèm theo những lời kết án nặng nề về đạo đức nhà tu. Năm 1997, một người bạn tôi thường xuyên đi từ Đồng Nai về Saigon đã luôn bị yêu cầu chạy vòng đường khác, mà chị chỉ lờ mờ nghe tin rằng giáo dân Hố Nai nổi dậy, chặn đường quốc lộ. Bị bưng bít kỹ tư tưởng nên nhiều người khi nghe tin về cá cuộc chống đối có thể lập lại máy móc như "báo đài": "Bên ngoài họ cứ làm rối lên, chuyện bé xé ra to, chứ thật sự có gì đâu!" Cám ơn những tóm tắt, phân tích diễn biến rất rõ ràng, khách quan của tác giả.

Nhân đây, trong tư cách một người sống hoàn toàn trong "Xã hội chủ nghiã", vì năm 1975, tôi mới 9 tuổi "búp măng non lớn lên trong thời CM", từng là giáo viên Văn "góp phần xây dựng con người mới xhcn", tôi xin nói lên những suy nghĩ nhỏ:

- Tuổi trẻ chúng tôi không được giáo dục đầy đủ về giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc, tổ tiên, không hiểu biết đầy đủ về lịch sử oai hùng của dân tộc, cũng không được hiểu đúng tương quan giữa mình với các quốc gia, các nền văn hoá khác. Một thời gian rất lâu, môn "Công dân giáo dục" được thay bằng "chính trị", "triết học Mác - Lênin". Môn triết này không phải là dạu suy nghĩ, lập luận, mà chỉ cần nhai lại đúng những lời lẽ lãnh tụ nói, rồi ca tụng vung lên, chửi "kẻ thù" vung lên, thế là có điểm! Lịch sử các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần chỉ được giới thiệu bằng các cuộc nổi dậy của nông dân để chống "bọn vua quan phong kiến thối nát", và lịch sử dân tộc chỉ tập trung vào lịch sử đảng. Với Sử, Địa toàn cầu cũng được giới thiệu với cung cách bóp méo đó: sơ sài, chửi rủa các nước tư bản, tán dương các nước cộng sản. Dần dần nơi các thế hệ trẻ hình thành một phản ứng vừa hợp lý, vừa tai hại: chán học văn, sử, triết; chán các bộ môn khoa học nhân văn, rồi quay lưng, thờ ơ luôn với tất cả những gì thuộc về tư tưởng nhân văn, chính trị. Người ta đã nhận ra cái què quặt của nội dung chương trình giáo dục, muốn và đã cố gắng thay đổi, nhưng vẫn còn bị xiết chặt lắm. Là nhà giáo, tôi rất băn khoăn: làm sao giúp các em tập tìm đọc, tập suy nghĩ "độc lập", "ngoài luồng" và dám nói lênnhững suy nghĩ, thắc mắc riêng.

- Hỗ trợ với nền giáo dục trong nhà trường là hệ thống thông tin, tuyên truyền. Có thể tóm tắt 2 nội dung thông tin chính: giới thiệu hoạt động của các lãnh tụ chế độ, từ đó ca ngợi sự phát triển thành công mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao ... nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của đảng; giới thiệu những chống đối, biểu tình, hỗn loạn trong các nước tư bản. Thông tin một chiều, sơ sài, nhưng xa xả lập đi lập lại trên các báo đài, lải nhải suốt ngày trên các loa truyền thanh, dù không muốn nghe cũng trở thành một sự nhồi sọ vô ý thức. Một thời gian rất lâu không thể tìm ra những sách vở phương Tây để có thể hiểu nó "xấu xa ra làm sao"; ngày nay "mở cửa" một chút, người ta in lại những tác phẩm đã được dịch từ trước 1975, nhưng chúng vẫn còn xa lạ với phần đông giới trẻ. Nhưng cũng không dễ tìm hiểu tư tưởng CS. Trong thư viện, chỉ có sách giáo khoa cũ. Đại biểu quốc hội Trần Đăng Khoa từng than phiền: "Tôi không biết thật sự người ta dạy gì về tư tưởng Mác - Lenin. Tôi hỏi nhiều tiệm sách lớn, không có bộ sách nào ngoài một bộ chưng trong tủ kiến!" Vậy thì thực chất đâu là tư tưởng nền tảng trong đời sống tinh thần, văn hoá VN? Sự mơ hồ, trống vắng này có phải là nguyên nhân đưa đến những bại hoại về thuần phong mỹ tục, đến lối sống thờ ơ, sống chết mặc ai, làm giầu bằng mọi giá?

Vì thế:

- Người trong nước rất cần những thông tin, sách báo, với cách chuyển tải khách quan, điềm đạm, thấu tình đạt lý. Họ sẽ khựng lại trước những lời lẽ nóng nảy, gay gắt (bởi có khác gì hệ thống tuyên truyền họ vẫn phải nghe đâu!) ...

- Làm sao có được sự đồng thuận, thông cảm giữa hai khối dân trong và ngoài nước? Ở ngoài, chúng ta có thể quen sống trong tự do, dân chủ, trong sự phát triển về kinh tế. Ngược lại, trong nước lại chỉ quen với đè nén, xiềng trói, chụp mũ, nghèo đói, thiếu tha thứ, đến nỗi chỉ cần được ban phát một chút tự do đã cảm thấy là quá sung sướng, đầy đủ rồi! Phải đối diện, chịu đựng cái xấu, cái dối trá hàng ngày, trong khi nền tảng đạo đức bị phủ lấp, gạt bỏ, người ta dần dần chấp nhận, làm theo cái xấu, thậm chí còn coi đó là khôn ngoan, thức thời. "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt" là vậy! Lý tưởng cộng sản không đủ đẹp, đủ chân chính để nhuộm đỏ người trẻ (dù rằng vẫn có những người cộng sản tốt, tha thiết với dân với nước), nhưng đảng đã làm vấy bẩn, làm đen huyết thống Lạc Hồng. Còn phải có thời gian lâu dài để phục hồi, nhất là khi việc phục hồi lại liên lụy đến cuộc sống, đến an toàn bản thân, gia đình. Khi nghe kêu gọi phản kháng đấu tranh, người trong nước thường thở dài: "ở ngoài thì tha hồ nói. Có giỏi thì về đây mà đấu! Có biết gì đến cái kẹt của tụi tui đâu!", "tuyên truyền không công", "gián điệp", "phải làm câm họng nó", vì ai đó đã nói không giống mình, không "chửi" cs như mình. Kêu gọi đa nguyên mà lại không muốn nghe ai nói khác, làm khác? Làm sao để "người trong" bớt sợ hải , thụ động, có ý thức hơn, chủ động hơn? Làm sao để "người ngoài" thông cảm, hợp sức? Tất cả đòi hỏi một sự kiên nhẫn, tỉnh táo và rộng mở lắng nghe, đón nhận.

Có lẽ những điều tôi nói là thừa, là "tát nước theo mưa", bởi vì trong sách, tác giả đã đề ra những giải pháp, những chương trình hành động sâu sắc, lâu dài. Bởi vì tôi không biết gì về hoạt động chính trị xã hội. Tôi cũng không biết gì về tình hình sâu xa của thế giới để có thể góp ý. Tôi chỉ là một giáo viên bất lực chứng kiến sự sa sút trầm trọng của nền giáo dục VN, từ nhân sự (đạo đức, khả năng) đến chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy. Sự sa sút đó kéo theo những băng hoại về đạo đức, về nền tảng gia đình, xã hội. Hơn 50 năm ngoài Bắc và hơn 30 năm trong Nam, còn bao lâu nữa? Tôi đã thấy một lớp trẻ khát khao một lý tưởng, một "con đường sáng", nhưng không biết bám víu vào đâu, vào ai nên lại chạy theo những ngôi sao ca nhạc, thời trang, những triệu phú .. trong đua đòi, chụp giựt hoặc buông xuôi, ai sao tôi vậy. Mà công cuộc chấn hưng đất nước lại cần đến lớp trẻ, những con người của hôm nay, hiện tại!

Chính vì thế, rất cần, cần nhiều nữa những tác phẩm như "Đông Âu tại Việt Nam".

Kim Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét