14 tháng 4, 2007

Đọc sách “Đông Âu Tại Việt Nam”

* Bác Sĩ Phạm Viết Tú

Tôi còn nhớ nhà đại văn hào Nga Tolstoy đã có lần viết: "nếu không cảm thấy bắt buộc phải viết thì đừng viết", và các cụ ta ngày xưa cũng thường nói: "Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe". Tôi là một tay mơ về chính trị, thế mà hôm nay nhận giới thiệu đến quý vị sách chính trị "Đông Âu tại Việt Nam" của ông Lý Thái Hùng, thì thật là bạo phổi, đúng là "điếc không sợ súng". Do vậy, trong khi trình bày, nếu có điều gì sai sót, xin quý vị cùng tác giả lượng tình thông cảm.

Tôi cũng xin thưa là sự việc tôi nhận giới thiệu tác phẩm hoàn toàn không do yếu tố quen biết cá nhân, và càng không phải do tác giả là Tổng Bí Thư đảng Việt Tân, vì tôi không phải là đảng viên. Tôi biết ông Lý Thái Hùng qua các bài bình luận chính trị của ông đăng trên báo chí, tôi thấy ở ông, một nhà chính trị hiện đại đích thực, có tầm nhìn chiến lược, có lập trường chính trị vững chắc, lý luận sắc bén có chứng cớ, lối trình bày rõ ràng, giản dị, có sức lôi cuốn người đọc ngay cả những đề tài chính trị khô khan.

Nhân đây tôi cũng xin cám ơn tác giả đã cho tôi cơ hội để đọc kỹ tác phẩm, nhờ vậy tôi đã tiếp thu được một số kiến thức mới và một số tài liệu với chi tiết chính xác về sự sụp đổ của các chế độ công sản Đông Âu, mà trước đây tôi chỉ biết một cách đại cương.



Khi các biến cố xảy ra tại các nước cộng sản Đông Âu vào những năm cuối của thập niên 80 tôi còn ở Việt Nam, vì chính quyền cộng sản Việt Nam bưng bít thông tin, nên tôi chỉ biết một cách mơ hồ về sự biến động này qua các văn kiện của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ủng hộ các đảng cộng sản Đông Âu cũng như lên án các thế lực thù địch. Vào giữa năm 1990, tôi sang định cư tại Úc Đại Lợi, vài tháng sau đó, tôi được tham dự một cuộc họp kết hợp của các hội đoàn, đoàn thể tại thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, để sẵn sàng tham dự vào việc quang phục quê hương. Không khí thật là đoàn kết, phấn khởi, nhiều người lạc quan cho rằng, đảng cộng sản Việt Nam như rắn mất đầu, chân tay bị cưa cụt, cơn địa chấn Đông Âu giải thể hàng loạt các chế độ cộng sản nhất định sẽ xảy ra tại Việt Nam trong nay mai. Nhiều nhà chính trị hoạt đầu xuất hiện, mong tìm một chỗ đứng trong tương lai. Thế nhưng, chờ đợi hết tháng này qua năm khác, tại Việt Nam chỉ có những chuyển động nhẹ, không đủ mạnh để tạo thành cơn địa chấn, trong khi cộng sản đã có những sách lược né tránh và phòng chống. Vào thời điểm đó đã có nhiều câu hỏi được đặt ra, tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Tính từ đó đến nay đã trên 17 năm, biến cố Đông Âu đã đi vào dĩ vãng trong ký ức của nhiều người Việt Nam, chỉ có một số ít người còn quan tâm nghiên cứu những nguyên nhân sâu xa cùng những yếu tố tác động dẫn đến sự sụp đổ mau chóng ngoạn mục của hàng loạt các chế độ cộng sản Đông Âu, và của thành trì XHCN tưởng không có gì lay chuyển nổi Liên Xô. Trong số ít người đó có ông Lý Thái Hùng, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu các biến cố Đông Âu, và theo dõi tình hình chính trị tại Việt Nam trong những năm gần đây, ông mới nghiệm ra rằng, những gì xảy ra ờ các nước cộng sản Đông Âu trước khi các chế độ cộng sản bị sụp đổ 17 năm về trước, đang xảy ra ở Việt Nam. Nhận thức được như vậy, nên ông đã biên soạn và xuất bản sách ’Đông Âu tại Việt Nam’ vào thời điểm quan trọng này.

Sau mấy ngày đọc kỹ tác phẩm, tôi nhận thấy tác giả đã rất công phu tìm tòi nghiên cứu, phân tích, tổng hợp các tài liệu, rồi hệ thống hoá các dữ kiện, để có thể đi đến một kết luận. Từ một kết luận mang tính khoa học, tác giả đã hình thành một đường huớng đấu tranh thực tiễn, khả thi để giải thể chế độ cộng sản Việt Nam. Tác giả cũng không quên gói ghém tâm nguyện và viễn cảnh tươi sáng cho một Việt Nam tương lai.

Tôi rất tâm đắc với tác giả khi chọn tên tác phẩm "Đông Âu tại Việt Nam", vì chỉ với 5 chữ ngắn gọn, tôi đã hiểu ngay dụng ý của tác giả muốn chuyển gửi những suy nghĩ của mình đến người đọc là: những diễn biến đã xảy ra ở các nước Đông Âu, làm sụp đổ các chế độ cộng sản 17 năm trước đây, đang xảy ra tại Việt Nam, và khẳng định sự tranh đấu đòi dân chủ tự do của đại khối dân tộc đang ở giai đoạn gay gắt và ở bên bờ chiến thắng.

Về nội dung, sách "Đông Âu tại Việt Nam" bao gồm 10 chương, trong đó 8 chương nói về những diễn biến xảy ra tại các nước Đông Âu. Chương thứ 9 nói về tình hình Việt Nam trước cơn bão dân chủ Đông Âu, và chương cốt lõi thứ 10 soi rọi những biến cố ở Đông Âu vào tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, dẫn đến sự hình thành một đường hướng đấu tranh giải thể chế độ cộng sản, và tiên liệu một viễn cảnh cho đất nước.

Trong 8 chương nói về Đông Âu, chương I trình bày tổng quan các nước Đông Âu trước và sau thế chiến II. Bảy chương còn lại dành cho các nước Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bảo Gia Lợi, Lỗ Mã Ni và Nam Tư, mỗi nước một chương dài từ 25 đến 45 trang. Trong phần trình bày, tác giả đã đưa ra các chứng liệu bao gồm ngày tháng, văn thư, hình ảnh các diễn biến đấu tranh. Các dữ kiện được tác giả đánh giá, phân tích và hệ thống hoá, giúp người đọc dễ dàng thâu nhận và thích thú khi đọc. Sau mỗi chương đều có phần kết luận và so sánh sự khác biệt về nguyên nhân cũng như các diễn biến đấu tranh giữa các nước Đông Âu khác nhau. Sau cùng là bảng tóm tắt thời điểm những diễn biến chính trị đã xảy ra để người đọc dễ theo dõi. Lấy thí dụ một đoạn trong phần kết của chương nói về Ba Lan, tác giả viết: "Sự thắng thế của Công Đoàn Đoàn Kết phần lớn do ý chí đấu tranh của thành phần công nhân và trí thức, nhưng nếu không có áp lực quốc tế, qua sự ủng hộ mạnh mẽ của Vatican, kể cả thái độ làm ngơ của ông Gorbachev thì đã không xảy ra một cách nhanh chóng và ngoạn mục như vậy".

Trong phần kết luận của chương nói về cuộc cách mạng dân chủ tại Hung Gia Lợi, tác giả viết: "Cuộc cải cách chính trị ở Hung Gia Lợi đã diễn ra theo tiến trình tiệm tiến với sự phân rã từ bên trong của đảng cầm quyền, đưa đến sự thắng thế từng bước của các đảng phái chống chính quyền, hợp thành lực lương đối trọng với phe cộng sản giáo điều. Khác với Ba Lan, Hung Gia Lợi không có lực lượng lao động để châm ngòi các biến động chính trị, và thành phần trí thức cũng không đóng vai trò tiên phong để khởi động cuộc đấu tranh như ở Tiệp Khắc".

Đọc xong 8 chương về những diễn biến tại Đông Âu, tôi có một cảm giác như vừa được xem cuốn phim thời sự, trong đó người đạo diễn đã sắp xếp thế nào để bên cạnh những biến chuyển lớn, vẫn có những chi tiết nhỏ nhặt khiến người xem nắm vững những vấn đề xảy ra, và thích thú khi thấy vấn đề được kết thúc như ý mong muốn.

Tiếp đến chương 9, tác giả đề cập đến tình hình Việt Nam trước cơn bão dân chủ tại Đông Âu. Phải công nhận rằng, trong phần này tác giả đã có công nghiên cứu, sưu tầm mới có được những thông tin đầy đủ về sự đấu tranh đòi dân chủ, công bằng xã hội của những thành phần dân chúng Việt Nam, những phong trào đối kháng, và những phản ứng của nhà cầm quyền cộng sản từ năm 1986 đến năm 1995, trong đó có nhiều tin tức mà tôi nghĩ rằng có nhiều người không biết.

Đã có sự phân liệt nội bộ rõ rệt của đảng cộng sản Việt Nam giữa hai phe cải cách và giáo điều về sách lược đối phó với tình hình, và tranh dành quyền lực. Đã có những lực lượng đối kháng xuất hiện từ ngay sau khi cộng sản chiếm miền Nam năm 1975. Đã có những chống đối đa diện của quần chúng chống bất công xã hội, tố cáo tham ô, khiếu kiện vì bị chính quyền cướp đất cướp nhà, đòi tự do tôn giáo. Sự thành lập câu lạc bộ những người kháng chiến cũ đòi tự do dân chủ. Phật giáo Thừa Thiên Huế biểu tình đòi tự do tôn giáo. Phong trào nổi dậy của nông dân tỉnh Thái Bình. Sự nổi dậy của đồng bào sắc tộc Tây Nguyên. Phong trào đình công tự phát hàng loạt của các công nhân các xí nghiệp do nước ngoài đầu tư, chống lại sự bóc lột và đàn áp công nhân. Cung cách đối phó nửa vời của nhà cầm quyền cộng sản. Những áp lực quốc tế đòi hỏi tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo, ...Tất cả đã được tác giả mô tả rất có hệ thống và đầy đủ chi tiết.

Trong phần kết luận của chương 9 tác giả viết: "Mọi hành xử của đảng cộng sản Việt Nam trước đây đều được đế quốc Liên Xô chỉ đạo và yểm trợ một cách toàn diện. Khi Liên Xô gặp khủng hoảng và toàn bộ các nước trong khối cộng sản bị rúng động vì cơn bão dân chủ thổi đến, Hà Nội phản ứng theo lối phản xạ hơn là cân nhắc, tính toán như trước đây. Chính vì vậy mà trong một loạt những diễn tiến của tình hình, đảng cộng sản đã không có một tầm nhìn chiến lược, mà chỉ chú tâm vào việc giữ đảng bằng mọi giá, không chú ý gì đến hạnh phúc và sự thịnh vượng của nhân dân".

Trong chương cuối nói về "Đông Âu tại Việt Nam", tác giả đề cập đến tính chất khác nhau của các chế độ cộng sản Đông Âu và Việt Nam ở vào thời điểm khi có biến cố Đông Âu. Sau khi đọc chương này, câu hỏi đặt ra trước đây 17 năm, tại sao cơn địa chấn xảy ra ở Đông Âu làm sụp đổ các chế độ cộng sản, lại không xảy ra ở Việt Nam, trong khi các chế độ cộng sản cùng nằm trong sự khống chế và chỉ đạo của Liên Xô, đã tìm được lời giải đáp đầy đủ nhất:

1- Tính chất của các đảng cộng sản Đông Âu và Việt Nam rất khác nhau. Tại Đông Âu, vai trò của Liên Xô có tính chất chiến lược và quyết định. Sau thế chiến II, Liên Xô đã áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên các nước Đông Âu. Trong khi tại Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản ngoại lai do một nhóm người mê muội, cuồng tín, giáo điều, nô lệ ý thức du nhập vào, núp dưới danh nghĩa giải phóng dân tộc để đánh lừa nhân dân. Thêm nữa, vai trò của Liên Xô không có tính quyết định tại Việt Nam, vì ngoài Liên Xô, cộng sản Việt Nam đã khấu đầu Trung Cộng nằm kế bên.

2- Các nước Đông Âu đã phần nào được kỹ nghệ hoá, có lực lượng công nhân hùng hậu, biết đấu tranh đòi quyền lợi, được dẫn dắt bởi những trí thức yêu nước nhiều kinh nghiệm. Trái lại, Việt Nam là một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, qua nhiều thế hệ bị nô lệ, nên người dân thụ động chấp nhận, không có phản ứng hay phản ứng rời rạc, chậm chạp khi bị cộng sản đàn áp bóc lột một cách tinh vi.

3- Từ sau thế chiến II, mặc dù bị cộng sản cai trị một cách khắc nghiệt, nhưng người dân Đông Âu cũng được hưởng hoà bình, họ đặt trọng tâm vào cuộc đấu tranh đòi quyền sống bình đẳng, tự do thoát khỏi sự kìm kẹp của Liên Xô. Còn ở Việt Nam, cộng sản áp dụng sách lược đấu tranh giai cấp rất gay gắt, gây chia rẽ giữa các giai tầng xã hội, và mở ra các cuộc chiến tranh triền miên trong suốt 30 năm, khiến dân chúng quá mệt mỏi, chỉ còn đủ sức bương chải để kiếm sống qua ngày, đâu còn hơi sức để nghĩ đến đòi dân chủ tự do. Thêm nữa, ở vào thời kỳ này, lực lượng tranh đấu đối kháng còn rất yếu kém, vì bị cộng sản đàn áp không nương tay.

4- Lãnh đạo đảng CSVN bao gồm những thành phần giáo điều, gian manh, xảo trá, bịp bợm và vô cùng dã man, sẵn sàng dùng công an, bộ đội đàn áp tận tình những người mà chúng nghi là chống đối, với khẩu hiệu ’giết nhầm còn hơn bỏ sót’, khiến dân chúng hoảng sợ, và các nhà đối kháng rất khó tìm được sự hậu thuẫn của dân chúng cũng như truyền đạt các tư tưởng về tự do, dân chủ và nhân quyền.

5- Cộng sản Việt Nam rút được kinh nghiệm ở Đông Âu nên sớm bày ra cảnh tưĩ sửa đổi bề mặt trá hình, tuyên truyền bịp bợm để đánh lừa và ru ngủ dân chúng, các thành phần tiến bộ cùng dư luận quốc tế, trong khi tiếp tục xiết chặt độc tài chính trị.

Trước đây tôi rất tâm đắc câu nói của sử gia kiêm chính trị gia Pháp Tocqueville: ’Khi các chế độ độc tài bắt đầu sửa đổi cũng là lúc nó bắt đầu bị tiêu diệt’. Sau khi đối chiếu tình hình Đông Âu và Việt Nam, tôi xin mạn phép Tocqueville tiên sinh để được thêm vào như sau: "Khi các chế độ độc tài bó buộc phải sửa đổi, vì bị áp lực gắt gao của quần chúng cũng là lúc nó bắt đầu bị tiêu diệt".

Trong chương này, tác giả cũng đã nêu ra 4 yếu tố chính dẫn đến sự tan rã của các chế độ cộng sản Đông Âu, rồi dùng các yếu tố đó soi rọi vào hiện tình Việt Nam:

1- Những bất đồng quan điểm trong các chính sách cải tổ đã dẫn đến sự phân liệt trong hàng ngũ lãnh đạo, khiến đảng cộng sản lúng túng trong sự đối phó trước những đòi hỏi cải cách chính đáng của quần chúng và của các khuynh hướng đối lập, như trường hợp Ba Lan, Hung Gia Lợi và Bảo Gia Lợi.

2- Sự bất mãn của dân chúng đã biểu hiện thành những phản kháng dẫn đến sự bất phục tùng dân sự, với sự xuất hiện nhiều tổ chức ngoài luồng, những tổ chức đối lập, đã khiến cho các cơ quan đoàn thể của chế độ không còn khả năng kiểm soát người dân như trường hợp Hung Gia Lợi, Đông Đức.

3- Tình trạng cải cách nửa vời đã tạo ra những bất ổn xã hội, phân cực giàu nghèo nghiêm trọng, tham nhũng, dẫn đến những biến động chính trị, với sự bùng phát những phong trào đấu tranh quần chúng một cách rộng lớn và đa diện trên toàn quốc, vượt ra ngoài khả năng ứng phó của các lực lượng bảo vệ chế độ, từng bước làm tê liệt mọi sinh hoạt quốc gia như ở Ba Lan, Bảo Gia Lợi.

4- Áp lực quốc tế trên các mặt nhân quyền, tự do dân chủ lên các chính quyền cộng sản, trong tiến trình mở rộng giao thương buôn bán, đã phần nào làm lùi bước những đòn khủng bố của đảng cầm quyền, đồng thời gián tiếp hỗ trợ sức đấu tranh của các cá nhân và tổ chức đối kháng như ở Ba Lan, Nam Tư.

Còn một nguyên nhân sâu xa nữa mà tôi muốn nêu lên là, ngoài chính sách cai trị hà khắc của các chế độ độc tài cộng sản, còn có sự phá sản của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, cuộc chay đua võ trang với Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh, cấm vận về kinh tế của tây phương, dẫn đến sự sụp đổ của tổ chức tương trợ phát triển kinh tế COMECOM, khiến Liên Xô bị kiệt quệ phải bỏ rơi các chế độ cộng sản chư hầu.

Đối chiếu các yếu tố trên vào hiện tình chính trị tại Việt Nam, chúng ta thấy Việt Nam hiện nay, khác với Việt Nam 17 năm về trước, đã hội đủ các yếu tố cần thiết để gây các biến động chính trị, với sự ra đời của hàng loạt các tổ chức đối kháng, những sự bất phục tùng dân sự mỗi ngày một lan rộng, công dụng của cuộc cách mạng tin học mở mang dân trí về tự do dân chủ nhân quyền, áp lực của các tổ chức quốc tế lên nnhà cầm quyền, và cung cách đối phó trá hình của đảng cộng sản mất dần hiệu lực. Tình hình đang tiến dần đến tình trạng chín mùi để có thể bùng nổ.

Theo tác giả, trong tương lai Việt Nam sẽ rơi vào một trong 3 viễn cảnh:

1- Đảng CSVN còn khả năng giữ nguyên trạng, tiếp tục khống chế xã hội về mọi mặt, tiếp tục đu giây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

2- Đảng CSVN dần dần biến thái thành một đảng độc tài, không cò màu sắc cộng sản, như thay đổi tên đảng, tên nước, không còn nói đến xã hội chủ nghĩa, và chấp nhận một số cải tổ biểu kiến về chính trị như cho một số người ngoài đảng tham gia ứng cử quốc hội bù nhìn hay các ủy ban địa phương, nhưng vẫn nắm chặt kiểm soát toàn xã hội.

3- Đảng cộng sản bị áp lực mạnh mẽ của các phong trào quần chúng và các lực lượng đối kháng, cùng những xung đột quan điểm đổi mới càng ngày càng gia tăng trong thành phần lãnh đạo, khiến các cột trụ chống đỡ cho chế độ theo nhau sụp đổ, đưa đến sự thay đổi thể chế như trường hợp các chế độ cộng sản tại Đông Âu trước đây.

Tác giả vững tin là viễn cảnh 3 sẽ xảy ra, vì đó là ý muốn và khát vọng của toàn dân tộc, và theo tôi đó cũng là lý do mà tác giả biên soạn sách ’Đông Âu tại Việt Nam’.

Sau cùng tác giả đã đưa ra những giải pháp để xây dựng dân chủ tại Việt Nam, chủ trương giải quyết vấn đề bằng một cuộc đấu tranh giải phóng, một cuộc đấu tranh toàn diện, bằng mọi phương tiện, mọi phương pháp, mọi lề lối, một cuộc đấu tranh không có quy ước để loại bỏ chế độ cộng sản, nhưng tác giả chủ trương không dùng bạo lực để tiêu diệt kẻ thù, mà chủ trương lấy "chính nghĩa để vận động toàn dân, lấy chính nghĩa để tranh thủ quốc tế và lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù".

Tác giả cũng khẳng định ( tôi xin phép tác giả dùng chữ 4 không) là: 1- Không nên trông chờ thiện chí tự sửa đổi của lãnh đạo Hà Nội, chờ đợi thiện chí của cộng sản là không hiểu gì về bản chất của đảng cộng sản Việt Nam, và hoàn toàn không học được gì về bài học Đông Âu và Liên Xô, và chẳng khác gì mò trăng đáy nước. 2- Cũng không nên có những ảo vọng sẽ đối thoại với lãnh đạo cộng sản, để bàn thảo về con đường hợp tác hay chia sẻ trách nhiệm nào đó với họ để phát triển đất nước, cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ chia quyền với bất cứ ai ngoài họ, do đó theo tác giả những chờ đợi chia phần chia ghế, hay dùng những điều tưởng tượng này để chụp lên đầu những đảng phái hay đoàn thể người việt chống cộng, chỉ là hành động đánh phá, rơi vào bẫy phân hoá hàng ngũ đối kháng của cộng sản. 3- Cũng không nên có ảo vọng là một phe nhóm nào đó trong đảng CSVN sẽ đứng ra làm cuộc đảo chính, hay tạo ra một cuộc chính biến nào đó hầu làm cho tình hình đất nước tốt đẹp hơn. 4- Cũng không nên mong những thế lực ngoại quốc can thiệp giúp ta có tự do dân chủ.

Sau cùng, tác giả kết luận, chúng ta chỉ có một giải pháp có phần chông gai, đòi hỏi sự kiên trì của toàn thể dân tộc, đó là dựa trên sức mạnh của đại khối dân tộc, nội cũng như ngoại để vận động toàn dân tham gia đấu tranh cho đến khi nào chấm dứt ách độc tài cộng sản, dựa trên 4 tiềm lực chính:

1- Đại khối quần chúng Việt Nam.

2- Những đảng viên cộng sản phản tỉnh.

3- Các lực lượng đảng phái đấu tranh.

4- Cộng đồng người việt hải ngoại.

Đọc xong chương cuối, tôi gấp sách lại và suy nghĩ, chắc chắn là những giải pháp loại bỏ chế độ cộng sản và xây dựng dân chủ tại Việt Nam, cũng như viễn cảnh của đất nước, sẽ gây nhiều tranh cãi. Tôi thật sự có nhiều điểm tương đồng với tác giả về chủ trương 4 không của ông, tuy nhiên khi đi vào thực tế thì thiết tưởng cần phải làm sáng tỏ hơn nữa. Tôi đồng ý với tác giả là đấu tranh bất bạo động là phương thức tốt nhất trong hoàn cảnh đất nước và toàn cầu hiện nay, tuy nhiên theo tôi phương thức này chỉ hữu hiệu trong trường hợp đối phương có tinh thần mã thượng, không gian dối, biết giữ lời cam kết, chấp nhận đấu tranh chính đại quang minh. Đối với một đối phương gian hiểm lọc lừa, mang đầu óc của con cáo già, miệng lưỡi của loài rắn độc, lại ngoan cố lì lợm, phương thức đấu tranh không nhất thiết luôn luôn là phương thức hoà bình bất bạo động. Ngược lại, tùy thời cơ, tùy hoàn cảnh, tùy tương quan lực lượng, tùy phản ứng của đối phương, phe đối kháng trong những trường hợp cần thiết sẽ phải nghĩ đến sử dụng bạo lực cách mạng. Theo tôi, phương thức tối ưu là vận động và phát dộng các phong trào quần chúng để làm áp lực đấu tranh chính trị, đòi hỏi cải tiến dân sinh dân chủ, tự do tôn giáo, tới khi tình thế chín mùi, mâu thuẫn xã hội gay gắt mà nhà cầm quyền cộng sản vẫn ù lì ngoan cố, tìm cách tránh né, thì chính các lực lượng quần chúng này sẽ là thành phần xung kích, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ chế độ cộng sản, như nhân dân Lỗ Mã Ni đã làm. Nói ra điều này, có thể có người cho là cường điệu và không tưởng, nhưng quá khứ đã cho ta thấy việc gì cũng có thể xảy ra theo đúng quy luật của nó. Trước đây hai thập niên, có ai trong chúng ta nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản lại có thể sụp đổ trong một sớm một chiều như vậy.

Tình trạng nước ta hiện nay nhìn bề ngoài về kinh tế có vẻ phát triển, nhưng thật sự chỉ là sự phồn vinh giả tạo tại các thị thành. Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, một quái thai của thời đại đã đem lại đầy đủ những tác hại của một nền kinh tế què quặt, nóng vội, không bền vững khiến tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, xã hội băng hoại, phân cực giàu nghèo nghiêm trọng, giáo dục suy đồi, sức khoẻ của dân chúng không được chăm sóc, trong khi quyền tự do dân chủ của người dân bị bóp nghẹt. Những năm gần đây CSVN lăng xăng mở cửa giao liên với nhiều quốc gia, gia nhập vào các tổ chức quốc tế, tăng cường uy tín trên thế giới, nhưng mục tiêu của họ vẫn là củng cố đảng để trục lợi, chứ không lo cho dân sinh, dân quyền xã hội. Ký giả Amy Kazinin của báo Financial Time nhận xét:’ VN vẫn chưa bỏ được thói hư tật xấu từ thời kỳ bao cấp’. Kinh tế trưởng của LHQ tại Hà Nội Jonathan Pincus nói: ’Tôi nghĩ rằng khuôn mẫu mà VN theo đuổi hiện nay, sẽ dẫn đến một nước có mức thu nhập trung bình, hoặc họ sẽ phải thay đổi, hoặc họ sẽ đi đến chỗ đình đốn’. Tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay giống y hệt như tình trạng các quốc gia Đông Âu 17 năm về trước, với những mâu thuẫn xã hội trầm trọng ở giai đoạn tiền hỗn loạn hay tiền cách mạng, chỉ chờ cơ hội để bùng nổ. Nguyên nhân chủ yếu phát sinh những mâu thuẫn càng ngày càng thêm gay gắt do sự kiện đảng cộng sản Việt Nam đã như bộ da con tắc kè, luôn đổi màu theo từng giai đoạn để lừa bịp mọi người, mọi giới, mọi tổ chức, mọi giai tầng của xã hội Việt Nam, kể cả các tổ chức quốc tế, để bòn rút công sức lao động, trí tuệ, máu xương trong mục đích củng cố quyền lực, làm giàu bất chính, và phục vụ lợi ích riêng cho phe nhóm. Một điều chắc là đảng cộng sản VN dù bị áp lực cũng sẽ không thay đổi một cách rốt ráo, cộng sản sẽ không bao giờ bỏ độc tài đảng trị, và không bao giờ gột rửa được não trạng thâm căn cố đế cực kỳ phản động, lọc lừa gian trá, lạc hậu, quen ăn trên ngồi trốc, đàn áp bóc lột dân lành. Bản thân tôi cũng như nhiều triệu dân Việt Nam đã bị cộng sản lừa bịp không phải một lần mà rất nhiều lần, đã sống sót trong cơn bão táp lịch sử trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, nhục nhiều, vinh ít, đến mức một sử gia Mỹ đã nói: "Lịch sử Việt Nam cận đại là một chuỗi phản bội". Thế nhưng thật ra, cả thế giới đã bị cộng sản lừa chứ không riêng gì người Việt Nam mình, ngay như nhà trí thức xuất chúng Pháp Jean Paul Sartre cũng còn bị cộng sản lừa. Rút kinh nghiệm máu xương, chúng ta nên cảnh giác trước mọi sự thay đổi hay giải pháp của cộng sản, đừng để cộng sản lừa thêm nữa. Chế độ CSVN nhất định sẽ bị nhân dân giật sập, nhưng không nên chủ quan quyết đoán cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ mau chóng như các chế độ cộng sản ở Đông Âu trước kia, mặc dù giữa ta với họ có những hiện tượng giống nhau, nhưng về bản chất, đặc biệt là con người, ta với họ khác nhau nhiều lắm. Thêm nữa, tình hình chính trị thế giới đã đổi thay từ chiến tranh lạnh, lưỡng cực đến kinh tế thị trường toàn cầu hoá.

CSVN hiện đang có những hành động điên cuồng đối với những nhà yêu nước đấu tranh cho tự do dân chủ, chứng tỏ họ đang hết sức bối rối trước sự lớn mạnh và sự liên minh của các lực lượng đối kháng. Lực lượng đối kháng chắc còn phải chịu nhiều khó khăn và nhiều hy sinh trong thời gian tới. Ở thời điểm quan trọng này, cộng đồng người Việt hải ngoại cần phải tích cực hơn nữa để hỗ trợ và là chỗ dựa vững chắc của các lực lượng đấu tranh trong nước. Một lần nữa, tôi đồng ý với tác giả sách "Đông Âu tại Việt Nam" là phải đấu tranh cho đến khi nào chấm dứt chế độ cộng sản, không có sự lựa chọn nào khác.

Để kết luận tôi xin tóm tắt những nhận định của tôi sau khi đọc sách ’Đông Âu tại Việt Nam’:

1- Sách là một tác phẩm rất quý báu, một công trình biên khảo rất giá trị làm nền tảng cho việc hoạch định các sách lược đấu tranh nhằm giải thể chế độ cộng sản tại VN, xây dựng dân chủ, viết bởi một chính trị gia hiện đại có kinh nghiệm đấu tranh chống cộng sản.

2- Sách được viết theo một văn phong giản dị, rõ ràng, lôi cuốn người đọc, ít được thấy ở các sách viết về chính trị.

3- Sách chứa đựng nhiều chứng tích lịch sử, và kinh nghiệm đấu tranh bất khuất, bền bỉ của nhân dân các nước Đông Âu, quyết tâm loại bỏ chế độ cộng sản.

4- Sách là một công trình sưu tầm và sắp xếp hiếm có những biến chuyển lịch sử tại Việt Nam từ 1986 đến 1995, ghi lại tinh thần bất khuất của những người đấu tranh đòi dân chủ và công bằng xã hội, trước sự tráo trở và đàn áp dã man của cộng sản.

5- Sách giúp người đọc suy gẫm về tình hình đất nước, trông người lại nghĩ đến ta, học hỏi kinh nghiệm, biết ta biết địch, rèn đúc ý chí đấu tranh, xây dựng dân chủ.

6- Sách đem lại niềm tin tất thắng của lực lượng đấu tranh chống cộng sản, như đã xảy ra tại các nước Đông Âu, và một nước Việt Nam tươi đẹp không cộng sản trong tương lai.

7- Và sau cùng, đọc sách để cùng tác giả bàn thảo về những giải pháp xây dựng dân chủ, phương pháp đấu tranh sao cho hiệu quả, sớm đưa đất nước thoát khỏi sự thống trị của cộng sản.

Với những nhận định trên , tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm "Đông Âu tại Việt Nam" tới tất cả quý vị. Xin thành thật cám ơn quý vị và tác giả.

Bác Sĩ Phạm Viết Tú
Brisbane 17 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét