"Lấy chí nhân mà thay cường bạo
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn"
Kính thưa toàn thể quý vị, những lời của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo trên đây là để nói lên cái sự tất thắng của của chính nghĩa, của chân lý. Vì dù cái sự thật có bị bạo lực cấm đóan thì chúng vẫn sẽ mãi còn đó. Chân lý không phải vì thế mà mất đi cái sức mạnh của mình. Nếu như loài người không thể tự tiện ban ra những đạo luật có khả năng làm thay đổi những định luật thiên nhiên thì con người cũng sẽ không có được cái khả năng chận đứng được những định luật xã hội, những định luậ chính trị với cái hảo vọng là có thể chặn đứng được vòng quay của bánh xe lịch sử.
Chính cá nhân tôi đã sống ở ngay Âu Châu vào những năm 1989 - 1991, ngay vào lúc các chế độ CS bị cáo chung ở đây. Tôi cũng như bao người VN khác bị cuốn hút vào cái không khí sôi nỗi, và rồi cái hy vọng lạc quan cho đất nước VN sẽ sớm không còn CS. Nhưng cho mãi đến nay, 17 năm về sau, niềm hy vọng đó vẫn chưa thành sự thật. Tại sao? Cái gì đã đình trệ những bước tiến lịch sử không thể tránh được này? Cá nhân tôi lại thêm nhiều băn khoăn và suy nghĩ với những so sánh giữa Âu và Á; lại thao thức vì câu nhận định: "Cái nhục nghèo khó đâu có thua gì cái nhục mất nước" trong bộ phim Chuyện Tử Tế. Lại lo lắng về cái nền tảng đạo đức của VN nếu bị tiếp tục suy đồi quá lâu thì e khó hồi phục lại được, vì đồng tiền còn có thể đi ăn xin người ngoài được chứ cái văn hóa, đạo đức và bản chất của chúng ta thì chỉ có thể được gầy dựng qua một thời gian rất dài, và chỉ có thể gầy dựng bởi chính chúng ta.
Vì thế khi nhận được cuốn sách với tựa đề Đông Âu tại Việt Nam của ông Lý Thái Hùng, tôi cố gắng dành thì giờ, dù rất bận rộn, để đọc, học hỏi và tìm hiểu, và đã nhận lời để có một vài nhận định thô thiển về cuốn sách này ngày hôm nay.
Quyển sách của ông Lý Thái Hùng với tựa đề Đông Âu tại Việt Nam là một công trình biên khảo, một tổng hợp tài liệu lịch sử rất có giá trị. Tác giả đã bỏ hơn 10 năm để thu thập tài liệu, và chắc chắn nhiều năm hơn thế nữa để có thể đi đến những nhận định về tình hình VN trong quá khứ cận đại, trong hiện tại và đưa ra những dự đóan tương lai cho đất nước. Cách viết không phải là phương cách hàn lâm nghiên cứu vì mặc dù các tài liệu tham khảo được nêu ra ở cuối sách, những dữ kiện trích đoạn trong thân sách không được dẫn chứng là được trích trong tài liêu nào một cách tỷ mỉ. Nhưng bù lại cách viết của ông lại thích hợp với quần chúng không phải là những người nghiên cứu về khoa học xã hội hay chính trị mà chỉ là những độc gỉa muốn tìm hiểu về hiện tình VN trong bối cảnh toàn cầu hiện tại.
Ông Lý Thái Hùng là người sinh hoạt chính trị, và đang là Tổng Bí Thư đảng Việt Tân từ năm 2001 đến nay. Tôi không được biết nhiều về các sinh hoạt của Việt Tân, ngoại trừ một vài hiểu biết về đường hướng chung của đảng cũng như phần lớn các đảng phái và tổ chức đấu tranh cho dân chủ và cho nhân quyền cho VN. Tuy nhiên, đọc qua bộ sách này tôi cảm nhận được cái nỗi lòng của một cá nhân đối với đất nước VN hơn là một cương lĩnh hay một luận thuyết được nêu lên bởi một người với tư cách là một Tổng Bí Thư của một đảng phái. Nếu 8 chương đầu mang những giá trị về những dữ kiện, những phân tích, tổng hợp và rồi nhận xét của tác giả về các diễn tiến ở Đông Âu khi chủ nghĩa CS bị sụp đổ ở đấy, thì hai chương sau cùng lại mang nhiều giá trị quan trọng qua những nhận định sắc bén của tác giả về VN. Tuy chỉ là hai chương nhưng lại chiếm hết trên 218 trang trên tổng số 608 trang của cuốn sách.
Theo thiển ý của riêng tôi chúng ta phải đọc Lý Thái Hùng để tìm hiểu và học hỏi về:
Cuốn sách được ra đời thật đúng lúc vào thời điểm hiện tại với những biến chuyển mấu chốt tại VN. Có lẽ bộ sách này hay ít nhất là hai chương cuối liên quan đến VN nên được phát hành dưới đạng e-print để có thể phổ biến rộng rãi hơn, nhất là có thể được phổ biến đến dễ dàng tới được tay đồng bào và cả cán bộ CS trong nước qua mạng internet hay điện thư email.
Đọc Lý Thái Hùng tôi đã học hỏi được nhiều điều và cũng có rất nhiều điểm đồng ý với tác giả. Cũng như tác gỉa tôi tin rằng CSVN sẽ phải thay đổi trong nay mai. Nhất là khi:
1- Nội bộ đảng CS đã có những rạn nứt, tranh chấp, chia quyền
2- Đảng CSVN nay phải chấp nhận giao lưu với kinh tế thị trường để mong sống còn, dù chỉ là tạm thời
3- Đảng CSVN nay phải đương đầu với bài toán tham nhũng nan giải: không giải quyết tham nhũng thì sẽ phá sản đất nước, mà giải quyết tham nhũng thì sẽ tự tiêu diệt chính đảng CS
4- Sự đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền không phải chỉ do một số trí thức khởi xướng hô hào, mà nay đã lan rộng qua tầng lớp công nhân bị các chủ nhân đa quốc bóc lột, và người nông dân với mức sống ngày càng thua xa mức sống của người dân ở thành thị
5- Có sự liên kết giữa các tổ chức đấu tranh
6- Và có nhiều áp lực của thế giới trong một xã hội toàn cầu hóa hiện nay; nhất là khi đảng CSVN đã phải chấp nhận một số điều kiện, trong việc gia nhập cuộc chơi vào WTO, từ đó giảm thiểu những quyền bính tuyệt đối của mình trên người dân VN.
Ngay từ đầu năm nay khi CSVN được gia nhập vào Tổ Chức Thương Mãi Thế Giới (WTO) thì cũng là lúc nhà cầm quyền đã ráo riết đàn áp các tiếng nói và phong trào dân chủ trong nước. Bắt giam Linh mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân. Sách nhiểu nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, thành viên nghiệp đoàn Cao Văn Nhuận, và các thành viên những tổ chức dân chủ và nhân quyền khác như anh Đỗ Nam Hải, Trần Văn Hòa, Phạm Văn Trội. Họ cũng không quên bắt giam Mục sư Chính, phá nhà Thượng Tọa Thiện Minh.
Những việc làm này đã khiến cho 33 nước, trong đó có Úc, lên tiếng bầy tỏ quan ngại của mình và nhắc nhở Hà Nội về những ký kết của CSVN khi xin gia nhập WTO.
Đây có lẽ là lúc Hà Nội phải nhớ rằng khi mình đã gia nhập WTO thì cũng là lúc những sinh hoạt được coi là nội bộ trước đây nay sẽ được thế giới chú ý quan tâm đến, và sẽ lên tiếng mạnh mẽ, nhất là những đàn áp các sinh hoạt đòi hỏi của người dân về mặt dân chủ và nhân quyền. Đó là cái gía phải trả, là con dao hai lưỡi của việc mở cửa kinh tế, gia nhập vào đại gia đình thương mãi toàn cầu. Và dù các nhân vật này có thể bị giam cầm bắt bớ thì các tư tưởng, nguyện vọng của họ một khi đã nêu ra thì chính chúng sẽ khó mà bị bịt miệng được. Nhất là khi chúng cũng là nguyện vọng của nhiều người dân trong xã hội. Và đó cũng là lý do tại sao các tư tưởng chính đáng tự chúng sẽ có được một cái đời sống riêng của mình và tự trưởng thành dù cho người đem chúng ra ánh sáng có bị bịt miệng đi nữa. Và vì vậy chúng sẽ được lan truyền rộng rãi trong quần chúng. Sau đó sự im lặng (tạm thời) của đại đa số quần chúng thầm lặng cũng sẽ chính là một cách phát biểu các tư tưởng này dưới một hình thức khác mà thôi.
Đồng ý với tác gỉa ở nhiều điểm nhưng tôi cũng có một vài suy nghĩ riêng. Mỗi quốc gia có một lịch sử và những đặc điểm riêng biệt. Sự sụp đổ nhanh chóng của các chế độ CS ở Đông Âu vào những năm 80 - 91có lẽ một phần cũng do trình độ dân trí ở đấy, và phần lớn khác là ở cái dữ kiện lịch sử là chế độ CS được áp đặt lên các nước này từ bên ngoài ngay sau Đệ II Thế Chiến do sự chia xẻ giữa Liên Sô và Đồng Minh vào thời bấy giờ. Trái lại ở VN, chế độ CS là hậu quả của một đảng phái đã trãi qua nhiều mất mát của chính mình để mới có thể có được quyền lực ngày hôm nay thì dề gì họ chịu từ bỏ địa vị một cách tình nguyện?
Hơn nữa, một ẩn số quan trọng nữa trong bài toán VN là ẩn số Trung Cộng. Trung Cộng sẽ không bao giờ để Bắc Hàn và VN rời khỏi quỹ đạo chư hầu của mình một cách dễ dàng. Trái lại họ sẽ lũng đoạn và gây nhiều ảnh hưởng lên các tiểu quốc lân bang này. Điển hình là CSVN đă cong lưng cuối đầu dâng hiến một phần lãnh thổ và lãnh hải cho Bắc Kinh, bất chấp mọi trách nhiệm đối với dân tộc, với cha ông, với lịch sử.
Chắc chắn là ngôi vị độc tôn của đảng CSVN sẽ không còn có được nếu cái thể chế CS ở Trung Quốc, điểm tựa cuối cùng và duy nhất trên toàn cầu cho cái gọi là chủ nghĩa CS (mặc dù chỉ là trên danh gọi chứ không còn ở tại bản chất) còn xót lại ngày hôm nay, bị sụp đổ. Vấn đề là VN có thể thay đổi trước Trung Cộng được hay không? Đề tài Trung Cộng và VN là một đề tài rộng lớn và rất quan trọng, cần phải được phân tích và bàn luận ở nhiều diễn đàn khác.
Tuy nhiên tôi cũng xin nhận định nơi đây là mặc dù cái bề ngoài biểu kiến của TC có vẽ hình như là thành công rực rỡ ở mọi khía cạnh từ khoa học, quân sự cho đến kinh tế, nhưng đảng CS TQ cũng như đảng CSVN trong nội bộ cũng đang có nhiều rạn nứt, tranh chấp; còn bên ngoài cũng lại phải đương đầu với nhiều áp lực từ mọi phía của người dân và của thế giới. Những con số phát triển kinh tế vượt bực, thặng dư từ năm này sang năm khác không nói rõ lên được những thua lỗ qua các chi tiêu khổng lồ nhưng không được công bố của CS TQ cũng chỉ nhằm cố gắng cứu vớt cho cái gọi là chủ nghĩa XH, và cho chính cái địa vị quyền hành của đảng. Nhưng rồi họ cũng phải dần dần chấp nhận các sai lầm của chủ nghĩa như khi phải thông qua gần đây một điều luật công nhận quyền sở hữu đất đai của cá nhân. Và chính ở những cái nhượng bộ này hay những cái nhượng bộ khác sẽ là những cái đinh đóng quan tài cho chính mình: vì một mặt nó công khai phủ nhận và vạch ra những sai lầm của chủ thuyết CS; mặt khác nó càng làm cho người dân căm phẩn hơn lên một khi những đạo luật này chẳng qua cũng chỉ là một hình thức để chính thức hóa việc chiếm hữu ruộng vườn đất đai bởi bọn cán bộ. Và rồi những căm phẩn kia sẽ dồn lại thành một biển đầu chờ đợi một tia lửa, dù là nhỏ nhoi, để bùng cháy. Và khi đó thì sẽ không có gì dập tắt nỗi.
Đó cũng là hiện tình ở VN. Và tia lửa kia ở VN có thể đến bất cứ lúc nào, bất cứ từ đâu, từ một cuộc lãng công, hay từ một biến chuyển của thị trường chứng khoán đang ở vào mức quá cao, cao hơn giá trị cơ bản của mình.
Thể chế nào rồi cũng phải chịu chung cái quy luật điều hành của các sinh thể: lúc sinh thể hay thể chế nào đó không còn có thể tự biến đổi từ bên trong để thích ứng được với cái chọn lọc tự nhiên đến từ bên ngoài thì chúng sẽ không còn cái lý do, sẽ không còn cái khả năng tồn tại.
Do đó, VN sẽ phải thức tỉnh và thay đổi, ngay trong bản chất, ngay ngoài tên gọi, ngay trên thể chế. Đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Và thời gian là cái mà CSVN thiếu thốn hơn bao giờ hết. Chúng ta có quyền hy vọng vào dân tộc. Nhưng chúng ta cũng không được quên cái trách nhiệm phải đóng góp của chính mình.
Trở về cuốn sách Đông Âu tại VN, đây là một bộ sách gía trị về mặt tài liệu lịch sử, về mặt phân tích tổng hợp các liên hệ ràng buộc của những dữ kiện xuyên suốt thời gian (từ những năm đầu thập niên 80 đến 2006) và xuyên suốt cả không gian (từ Âu sang Á) để đưa tới một cái nhìn có tầm vóc, có chiều sâu. Nó cũng còn mang những giá trị tuy gián tiếp nhưng sâu xa và quan trọng khác: một là gợi ý để cho người đọc phải suy nghĩ về hiện tình và tương lai của đất nước; hai là, nó đã chuyển tải được niềm tin tất thắng của dân tộc có, và biết xử dụng cái chính nghĩa:
"Lấy chính nghĩa để vận động toàn dân, lấy chính nghĩa để tranh thủ quốc tế, lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù."
Với lời trích đoạn đó, tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến tất cả những ai dù có thuộc đảng phái chính trị nào, cộng sản hay không cộng sản, hay chỉ là người không đảng phái nhưng vần còn đang tha thiết đến cái tiền đồ của dân tộc.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị.
Ts Kiều Tiến Dũng
Ngày 19 tháng Ba, 2007
Melbourne, Úc châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét