03 tháng 4, 2007

Buổi ra mắt sách Đông Âu tại Việt Nam và chuyến viếng thăm của ông Lý Thái Hùng tại Brisbane

Quan khách tham dự buổi ra mắt sách tại Brisbane.
Buổi ra mắt sách “Đông Âu Tại Việt Nam” được phối hợp tổ chức bởi báo Người Việt và Cơ Sở Việt Tân tại Qld đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và ấm cúng tại Brisbane vào ngày 17/03/2007.

Bắt đầu vào lúc 3:00 giờ chiều, buổi ra mắt sách đã bắt đầu bằng nghi thức chào quốc kỳ VN và một phút mặc niệm. Sau phần giới thiệu quan khách, BTC đã trình chiếu một đoạn slide show/phim ngắn giới thiệu về các biến cố Đông Âu vào cuối thập niên 1980 và những năm đầu tiên của thập niên 1990. Những biến cố này đã là động lực khiến tác giả đã bỏ ra 10 năm nghiên cứu để tìm hiểu, rút tỉa kinh nghiệm đấu tranh chống Chủ Nghĩa Cộng Sản, dành lại tự do dân chủ của Đông Âu và đúc kết trong biên khảo giá trị “Đông Âu Tại Việt Nam”.


Sau phần chiếu slide show giới thiệu, ông Vũ Trung Hiếu - Chủ Nhiệm Bán Nguyệt San Người Việt tại Queensland đã đại diện Ban Tổ Chức gởi lời chào mừng và cám ơn các quan khách tới tham dự. Ông cho biết là khi được mời để tổ chức buổi ra mắt sách này, tuy không có liên hệ tới ông Lý Thái Hùng và Đảng Việt Tân nhưng vì nhận thấy cuốn sách là một tác phẩm giá trị cho công cuộc đấu tranh chung của toàn thể người Việt nên ông đã hoan hỷ nhận lời. Kế tới BS Bùi Trọng Cường đã đại diện BCH Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu/Qld lên chúc mừng tác giả và đưa ra một số nhận xét về tác phẩm. Ông cho biết tác phẩm là một công trình nghiên cứu công phu. Ông đặc biệt nghiền ngẫm nhiều về biến cố tại Ba Lan vì năm ngoái đã có cơ hội viếng thăm quốc gia Đông Âu đầu tiên đã giật sập chế độ Cộng Sản. Ông cho rằng cuốn sách với các phân tích cặn kẽ sẽ giúp cho các nhà đấu tranh dân chủ và dân chúng hiểu rõ hơn về các kỹ thuật để làm sụp đổ một chế độ độc tài Cộng Sản, và vì thế là một tác phẩm quý mà tất cả mọi người yêu chuộng quê hương Việt Nam cần nên có.

Chụp hình lưu niệm của các đại diện Cộng Đồng
và các đoàn thể tham dự buổi ra mắt sách.
Qua phần giới thiệu tác phẩm, BS Phạm Viết Tú cho biết cuốn sách dầy 600 trang đã được chia ra thành 10 Chương. Trong 8 chương đầu, tác giả đã phân tích rỏ ràng các cuộc cách mạng dân chủ tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Romania và tại Nam Tư. Trong hai chương còn lại tác giả đã trình bày các ảnh hưởng biến cố Đông Âu tại Việt Nam và rút tỉa ra những bài học cho Việt Nam, qua đó, BS Phạm Viết Tú kết luận ông rất đồng ý với quan điểm Bốn Không của tác giả:

1. Không nên chờ đợi thiện chí cải sửa hay tự thay đổi của lãnh đạo Hà Nội;

2. Không nên có ảo vọng sẽ đối thoại với lãnh đạo đảng Cộng Sản để bàn thảo về con đường hợp tác, hòa hợp hòa giải;

3. Không nên có ảo vọng là một phe nhóm nào đó trong đảng Cộng Sản sẽ đứng ra làm cuộc đảo chánh;

4. Không nên chờ đợi những thế lực ngoại quốc “can thiệp” giùm để cho ta có tự do dân chủ tại Việt Nam.

Đồng hương đón nhận tác phẩm tại Brisbane.
Kế đến ông Trần Hùng, nguyên là Giám Đốc hãng thông tấn Vietnam News Network đã giới thiệu tác giả lên tâm tình về tác phẩm của mình. Tác giả Lý Thái Hùng chia xẻ khởi đầu ông chỉ thu thập các tài liệu, tin tức về các diễn tiến chính trị tại Đông Âu để viết các bài bình luận. Nhưng từ năm 1995, khi các phe cựu Cộng Sản thắng thế trở lại trong các cuộc tổng tuyển cử ở Ba Lan và Hung Gia Lợi thì ông đã quan tâm và nghiên cứu kỹ hơn về tình hình Đông Âu. Ông đặc biệt quan tâm tìm hiểu về nguy cơ phục hồi guồng máy chính trị của đảng Cộng Sản, và làm sao tìm cách khai dụng những kinh nghiệm ở Đông Âu để dấy lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ chấm dứt chế độ độc tài Cộng Sản tại Việt Nam. Những chia xẻ chân tình của tác gỉa đã gây được sự chú ý và tán thưởng nhiệt liệt của cử tọa.

Cô Nguyễn Hiền My, một người trẻ trong cộng đồng người Việt tại Queensland đã chia xẻ cùng cử tọa là sau khi đọc cuốn sách, cô đã cảm nhận được niềm tin mãnh liệt rằng tình hình đất nước Việt Nam sẽ sớm được thay đổi. Cô đã nhận biết ra rõ hơn nỗ lực đấu tranh của các nhà dân chủ trong nước nói riêng và của cả ở hải ngoại nói chung trong nhiều năm qua. Cô mong ước rằng đất nước Việt Nam sớm được dân chủ để các em thiếu nhi có cơ hội được cắp sách đến trường, phụ nữ Việt Nam sẽ không phải bị bán đi làm nô lệ tình dục cho tài phiệt ngoại quốc. Phần phát biểu của cô vừa dí dỏm, vừa cảm động đã đem đến nhiều cảm xúc vui buồn trong cử tọa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét