04 tháng 2, 2007

Tập Sách “Đông Âu Tại Việt Nam” Sẽ Giúp Tìm Lời Giải Cho Các Nan Đề Của Việt Nam

* Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt

Nhìn lại thế kỷ vừa qua, đối với thế giới, có lẽ cuộc "cách mạng nhung" (velvet revolution) tại các quốc gia Đông Âu đã là biến cố chính trị lớn nhất và quan trọng nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Qua cuộc cách mạng này, chủ nghĩa cộng sản đã chính thức cáo chung cùng với sự giải phóng hàng trăm triệu người khỏi ách nộ lệ, hận thù lầm than; chiến tranh lạnh với cuộc thi đua vũ trang trong thế đối đầu lưỡng cực đã chấm dứt; con người đã bước sang một kỷ nguyên mới trong niềm hy vọng của ổn định hợp tác, thịnh vượng và hòa bình.

Qua những choáng ngợp, kinh ngạc ban đầu khi các biến cố đã diễn ra thật bất ngờ, nhanh chóng, các nhà nghiên cứu sử, các nhà bình luận trên thế giới đã tìm hiểu, phân tích, đánh giá tầm quan trọng, ảnh hưởng và những hệ lụy của các cuộc cách mạng này qua rất nhiều bài viết, sách báo ấn hành. Tuy nhiên, vì tầm vóc của vấn đề với muôn vàn phức tạp trong phạm vi của từng quốc gia và những quan hệ giữa các quốc gia với nhau trong khối Cộng Sản Xô Viết với dẫy đầy những khuất tất gian trá, nên thời gian vẫn luôn là yếu tố cần thiết để các sự thật được sáng tỏ, những bí ẩn được khám phá giải mã giúp cho các nhận định, phân tích tổng hợp được cập nhật, đầy đủ và chính xác. Thiết tưởng sau 17 năm, khi lịch sử đã khai mở, việc nhìn lại những biến cố Đông Âu này cũng thật đúng lúc. Đặc biệt, việc nhìn lại này lại càng đúng lúc và cần thiết hơn nữa bởi lẽ chúng ta cũng đang hết sức nóng lòng cho những giải đáp trước những nan đề của Việt Nam hôm nay khi đất nước thân yêu một mặt vẫn đang phải hứng chịu sự cai trị của một chế độ hà khắc độc tài, phi dân tộc; mặt khác lại đang phải đối diện với nhiều thử thách khắc nghiệt trong bối cảnh toàn cầu hóa của thế giới. Vì vậy có lẽ đây cũng là thời điểm mà tác giả Lý Thái Hùng đã chọn để cho ra đời tác phẩm biên khảo giá trị này.



Mặc dầu tập biên khảo này đã chứa đựng vô số những dữ kiện lịch sử quan trọng, nhưng việc sưu khảo thu thập các dữ kiện để giới thiệu đến người đọc mới chỉ là phần khó khăn đầu tiên của một công trình nghiên cứu. Sau đó, việc sàng lọc, phân tích, tổng hợp các dữ kiện và đặt chúng vào với nhau trong một mối tương quan lịch sử nhất định để từ đó suy ra một ý nghĩa, tìm ra một giải thích cho các biến cố này mới là phần quan trọng kế tiếp mà tác giải đã phải mất nhiều năm để chiêm nghiệm và thực hiện. Công trình này cũng đòi hỏi tác giả phải nắm vững được lịch sử và qui luật của nó, hiểu được văn hóa, am tường về bối cảnh chính trị riêng của từng quốc gia cũng như chính trị địa lý thật phức tạp của toàn vùng để có thể trình bày đến độc giả một bức tranh toàn cảnh đầy đủ và sinh động. Tác giả đã phân tích, nhận định về những yếu tố chủ quan của từng quốc gia và những yếu tố khách quan đã dẫn đến sự sụp đổ tại các quốc gia độc tài cộng sản này. Ngoài ra, người đọc còn tìm thấy trong tác phẩm biên khảo này những phân tích so sánh, những đối chiếu chính trị lịch sử của mỗi quốc gia tại Đông Âu để ta thấy được những nét đặc thù riêng biệt của từng cuộc cách mạng; cũng như những điểm tương đồng to lớn, những cái chung quan trọng của các dân tộc tại Đông Âu đã dẫn đến cuộc "cách mạng nhung" với một kết thúc tuyệt hảo và mở màn cho trào lưu tự do dân chủ, một xu thế thời đại, vào cuối thế kỷ 20 của nhân loại.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nêu ra ở đây là việc làm của tác giả đã không dừng lại ở điểm này. Nếu trong tám chương đầu, tác giả đã cho chúng ta thấy bức tranh lớn với đủ nét chấm phá của cuộc cách mạng nhung, thì trong hai chương cuối cùng của tác phẩm, chương 9 và 10, tác giả Lý Thái Hùng đã cố gắng soi rọi những bài học tại Đông Âu vào bối cảnh của nước Việt Nam để cố tìm ra một số lời giải cho vấn nạn của đất nước mà ông đã và đang quan tâm mưu tìm từ mấy mươi năm nay. Đây cũng là điều mà cá nhân tôi rất lấy làm tâm đắc.

Cũng bằng những phương pháp phân tích, tổng hợp khách quan, tác giả đã cho thấy những nhận định thật chân xác về thực trạng của đất nước với những bế tắc, trì trệ, tụt hậu. Tác giả đã phân tích chi tiết, cụ thể những vấn đề nội bộ của đảng Cộng Sản Việt Nam đã diễn ra trong nhiều thập niên, những phân rẽ trong thượng từng lãnh đạo, những tranh giành quyền lực qua những thanh trừng đẫm máu ..v..v. đã dẫn đến sự soi mòn dần dần guồng máy quyền lực khiến tình trạng phận liệt hầu như vô phương cứu chữa đang là mối đe dọa hàng đầu cho vị trí lãnh đạo của đảng. Đồng thời, tác giả cũng nêu bật lên được những khủng hoảng, mất định hướng của lãnh đạo Hà Nội bởi những "chấn động" được lan truyền từ thành trì xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô khi chúng đang lung lay trong cuộc "cách mạng nhung". Qua những đối chiếu sự kiện diễn ra sau bức màn sắt từ bên trời Đông song song với những phản ứng hốt hoảng, lúng túng của lãnh đạo cộng sản tại Việt Nam, tác giả đã cho thấy rõ bản chất giáo điều nô lệ của giới đương quyền tại Hà Nội qua những phản ứng hoàn toàn bị động, trôi nổi theo ngoại bang.

Cũng từ ngay trong lòng của chế độ độc tài với mạng lưới công an dầy đặc và đầy đủ phương tiện sắt máu, với chính sách hộ khẩu gian manh và chủ trương khủng bố đàn áp, tác giả đã trình bày cho người đọc sự hình thành và phát triển của những lực lượng đối kháng trong nước với những đặc điểm qua từng giai đoạn và những bước đổi thay tiến bộ để thích ứng với tình hình đấu tranh. Từ những giai đoạn khởi sự cực kỳ gian khổ và chỉ được trang bị bằng lòng yêu nước, tinh thần quyết tâm, hai bàn tay trắng và khát vọng tự do, các lực lượng đối kháng đã vượt qua được những thử thách và khủng bố để tồn tại và dần dần phát triển lớn mạnh. Trong hơn ba mươi năm tranh đấu vô cùng gian nan, sự phát triển của lực lượng đối kháng được tác giả phân tích thật chi tiết mà ta có thể tóm tắt trên những điểm chính như sau: từ đấu tranh đơn lẻ riêng biệt đã chuyển sang liên kết hợp quần; từ qui mô nhỏ đã tiến đến những qui mô to lớn hơn; những phản kháng cá nhân tự phát chuyển sang đấu tranh tập thể phối hợp (đình công, khiếu kiện.. v.v..); từ đấu tranh trong một phạm vi nhỏ đã lan rộng ra trên nhiều bình diện (tôn giáo, chính trị, xã hội ..v..v..) và đến từ mọi thành phần khác nhau trong xã hội (nông dân, công nhân, trí thức, tu sĩ, sinh viên giới trẻ ..); và đấu tranh tại một vài nơi đã bộc phát lan rộng ở mọi miền của đất nước. Nói cách khác, công cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam hiện nay đã biểu hiện cao độ tinh thần "Toàn dân kháng chiến và toàn diện đấu tranh".

Đồng thời, tác giả cũng trao đổi những suy tư của mình về viễn cảnh của tình hình Việt Nam cùng với những dự đoán cho những cảnh huống khác nhau với những cơ hội, tiềm năng, thử thách, đe dọa, nguy cơ mà dân tộc ta phải đối diện và giải quyết. Sau cùng, tác giả đã khẳng khái trình bày, đề nghị những giải pháp triệt để nhằm giải quyết một lần cho xong bài toán độc lập và canh tân đất nước, xóa bỏ tàn tích của độc tài, rửa đi mối nhục lạc hậu và đặt nền tảng cho công cuộc xây dựng và canh tân lâu dài cho quê hương.

Nếu nói tám chương đầu tiên của quyển sách là công trình của một người nghiên cứu chính trị lịch sử có tính hàn lâm thì hai chương sau cùng lại cho ta thấy nơi tác giả những thao thức suy tư, trăn trở của một con dân Việt và những giải đáp cho những vấn nạn của quê hương từ một người dấn thân tranh đấu cho nền dân chủ tự do với lý tưởng canh tân đất nước.

Tôi rất hân hạnh và cám ơn tác giả Lý Thái Hùng gửi cho tôi tập bản thảo để nhờ xem và cho nhận xét. Tôi tin rằng đây là một quyển sách tham khảo thật giá trị và xứng đáng góp mặt trong tủ sách của mỗi gia đình; đây cũng là một biên khảo chính trị sâu sắc có thể dùng làm nền cho những thảo luận về vấn nạn Việt Nam cho tất cả những ai đang quan tâm ưu tư đến đất nước. Nhất là tác phẩm này đã toát ra sự lạc quan về tiền đồ tươi sáng của đất nước và một niềm tin vào vận hội mới của dân tộc.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

BÁC SĨ NGUYỄN TRỌNG VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét