07 tháng 2, 2007

Đôi Lời Của Tác Giả

* Lý Thái Hùng

Khi đưa tập bản thảo "Đông Âu Tại Việt Nam" cho một số vị để nhờ đọc và cho ý kiến, có vài vị đã nói với chúng tôi rằng tên quyển sách có thể tạo cho độc giả một ấn tượng sai lạc. Chúng tôi có xin quý vị này giúp đặt lại tên quyển sách. Sau khi đọc xong, các vị đã đề nghị những đề tựa như: Liệu Cơn Bão Đông Âu Có Đến Việt Nam Không?; Bài Học Đông Âu và Những Lời Giải Cho Vấn Nạn Việt Nam; Kinh Nghiệm Đông Âu và Giải Pháp Cho Việt Nam; Kinh Nghiệm Đông Âu: Thực Tại và Tương Lai Việt Nam; Kinh Nghiệm Đông Âu và Giải Phóng Việt Nam; Bài Học Đông Âu.

Những tựa đề nêu trên đều quảng diễn nội dung chính yếu của quyển sách mà chúng tôi muốn chuyên chở là những diễn biến đã xảy ra ở Đông Âu có thể nào được lập lại trên đất nước Việt Nam hay không?

Mặt khác, có vị cho rằng tựa đề tập sách không cân xứng với nội dung, khi dành đến 8 chương để trình bày chi tiết về những diễn tiến chính trị xảy ra tại các quốc gia ở Đông Âu trong khi chỉ có 2 chương đề cập về Việt Nam. Nếu là tựa đề này, phần trình bày về Việt Nam phải được phân tích kỹ hơn, nhiều hơn trong mối tương quan giữa Việt Nam và Đông Âu.

Trong khi đó, cũng có vị đề nghị nên giữ nguyên tựa sách lúc đầu vì khó có tựa đề nào ngắn hơn tựa đề hiện nay và tuy tựa đề này có thể tạo sự khó hiểu; nhưng sau khi đọc xong, độc giả sẽ hiểu dụng ý của chúng tôi.



Tất cả những trao đổi và đề nghị mà chúng tôi ghi lại ở trên nhằm chia xẻ cùng quý độc giả là vấn đề đặt tựa cho quyển sách quả là khó khăn. Sau nhiều suy nghĩ, chúng tôi đã quyết định giữ nguyên tên "Đông Âu tại Việt Nam" đã từng theo tôi từ 10 năm nay.

Chúng tôi chọn tựa đề "Đông Âu Tại Việt Nam" vì nghĩ rằng những yếu tố đã từng xảy ra tại các quốc gia ở Đông Âu, đưa đến sự tan rã của khối Cộng sản quốc tế vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, chắc chắn sẽ được lập lại ở Trung Quốc và Việt Nam. Đương nhiên sự lập lại này không giống nhau hoàn toàn; nhưng bản chất của các hiện tượng xảy ra thì sẽ gần giống nhau, tùy theo phản ứng đối phó của ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, cũng như tùy theo sự chủ động nhiều hay ít của các lực lượng dân chủ trong việc điều hướng các phong trào quần chúng tạo áp lực chính trị lên chế độ. Chính vì nghĩ như vậy, chúng tôi đã theo đuổi việc nghiên cứu này trong 10 năm, cố gắng thu thập, tổng hợp mọi dữ kiện xảy ra theo diễn biến tại từng quốc gia, để quý độc giả có thể hiểu rõ được tất cả mọi khiá cạnh của câu chuyện, từ cách đối phó của nhóm cầm quyền cho đến lúc chế độ sụp đổ. Trong khi đó ở phần Việt Nam, chúng tôi đã nêu lên những yếu tố nhằm chứng minh rằng những gì đã từng làm cho Đông Âu sụp đổ, thì đã và đang xảy ra tại Việt Nam, để giúp quý độc giả suy nghiệm và cùng nhau tìm ra những lời giải cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam. Nói cách khác, chúng tôi muốn dùng 8 chương đầu của tập sách để trình bày những kinh nghiệm của Đông Âu, giúp chúng ta rút ra những bài học để ứng dụng vào hoàn cảnh Việt Nam mà cho đến nay, vấn đề Đông Âu hay Liên Xô đã được nói đến nhiều nhưng chưa có tài liệu nào được viết đầy đủ và chi tiết. Những sự kiện này được trình bày cặn kẽ trong 8 chương đầu của tập sách này sẽ giúp độc giả dễ nhìn ra sự tương ứng của nó khi xuất hiện ở Việt Nam.

*

Chúng tôi bắt đầu quan tâm và nghiên cứu kỹ về tình hình Đông Âu vào khoảng năm 1994 và 1995 khi các phe cựu cộng sản thắng thế trở lại trong các cuộc tổng tuyển cử ở Ba Lan và Hung Gia Lợi. Điều gì đã khiến cho phe cộng sản thắng thế trong khi chỉ mấy năm trước đó, hàng trăm ngàn người xuống đường tuyên bố giã từ chủ nghĩa cộng sản, đòi tự do dân chủ? Điều gì đã khiến cho các lực lượng dân chủ không ổn định được tình hình và thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, và liệu phe cựu cộng sản có thể đảo ngược lại tình hình hay không? Những câu hỏi này đã làm chúng tôi quan tâm tìm hiểu về nguy cơ phe cựu cộng sản có thể phục hồi guồng máy chính trị như xưa, cũng như làm sao có thể khai dụng những kinh nghiệm ở Đông Âu để dấy lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ tại Việt Nam nhằm chấm dứt ách độc tài của đảng Cộng sản. Chúng tôi theo đuổi mối quan tâm này vì nghĩ rằng Đông Âu - tuy hoàn toàn khác biệt với Việt Nam về địa dư, văn hóa và lịch sử - nhưng đã là con người, thì dù sống ở bất cứ nơi đâu, cũng đều có một trái tim để biết yêu thương, biết căm thù và có ý chí vươn lên từ áp bức bất công. Nhất là con người, ai cũng có một tấm lòng can đảm dám đối đầu với bạo lực khi bị dồn vào chân tường và một ước mơ được sống trong xã hội tự do dân chủ.

Tuy mới bắt đầu nghiên cứu và biên soạn thành những bài viết theo từng quốc gia từ tháng 6 năm 1995; nhưng trước đó, từ năm 1988 chúng tôi đã thu thập các tài liệu, tin tức về những diễn tiến chính trị xảy ra ở Ba Lan, Liên Xô và đã viết thành những bài bình luận. Phần lớn những bài viết này chỉ được dùng làm tài liệu tham khảo riêng và chúng tôi không nghĩ đến việc in thành sách. Mãi cho đến đầu năm 2005, như đã được dự kiến trước đó, tình hình biến chuyển của Việt Nam sau khi Hoa Kỳ và Cộng sản Việt Nam ký thương ước Việt - Mỹ (2000) bắt đầu xuất hiện những sự việc đã từng xảy ra tại Ba Lan, Hung Gia Lợi hay Tiệp Khắc, khiến chúng tôi thấy cần hoàn tất việc phân tích những bài học Đông Âu để rút kinh nghiệm cho Việt Nam. Sự tranh chấp bất phân thắng bại giữa phe Võ Văn Kiệt với phe Đỗ Mười & Lê Đức Anh về quan điểm đổi mới; Sự xung đột quyền lực giữa hai tướng Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Anh qua vụ án Tổng Cục II thuộc Bộ Quốc Phòng; Nạn tham ô cửa quyền, hậu quả của chủ trương ’mở kinh tế - xiết chính trị’ đã đưa đến những vụ án mà bản chất không khác gì mấy các vụ án tham ô đã từng xảy ra dưới chế độ Cộng sản ở Đông Âu trước đây. Phong trào khiếu kiện đòi lại ruộng đất, phong trào đình công của công nhân, tuy chỉ mới bắt đầu; nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy là nó sẽ phát tác rất lớn và rất nhanh trong thời gian tới.

Trong tất cả những diễn biến chính trị nói trên, sự kiện đảng Cộng sản Việt Nam phải thả một số tù nhân chính trị trước thời hạn vào đầu năm 2005 gồm Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Giáo sư Nguyễn Đình Huy, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã như ’thả cọp về rừng’, làm cho tình hình thêm biến chuyển. Sự ra đời Khối 8406 với gần 2,000 người ký tên vào bản Tuyên Ngôn Dân Chủ, là một biến cố chính trị biểu hiện hai ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhất, từ những đấu tranh đơn lẻ mang tính cách cá nhân hay từng nhóm nhỏ vài ba người trong nhiều thập niên qua, các nhà đấu tranh cho dân chủ Việt Nam đã vượt lên trên sự sợ hãi để công khai kết tụ lại với nhau thành một tập hợp lớn, khởi động cho một phong trào dân chủ tại Việt Nam.

Thứ hai, sự hiện hữu của Khối 8406 cùng với sự xuất hiện của một số đảng phái, và các tờ báo Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Dân Chủ... đang tạo ra bối cảnh chính trị mới, với sự đối đầu công khai giữa các lực lượng dân tộc với các thế lực của đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới.

Sự xuất hiện của Khối 8406 có thể được xem như bước đột phá của tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Sự đột phá này mang tính chất gần giống như phong trào Hiến Chương 77 của gần 700 trí thức, sinh viên, công nhân Tiệp Khắc đã ký tên vào bản Hiến Chương Nhân Quyền vạch trần bản chất cai trị độc tài bất hợp hiến, vi phạm bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của đảng Cộng sản Tiệp Khắc vào năm 1977. Sau khi xuất hiện, nhóm Hiến Chương 77 đã bị đảng Cộng sản Tiệp Khắc đàn áp và khống chế trong nhiều năm dài, nhưng chính nó đã là nơi nuôi dưỡng tiềm lực đấu tranh của các nhà đối kháng và trở thành lực đối đầu với chế độ Cộng sản Tiệp Khắc - qua danh xưng Diễn Đàn Dân Sự - khi cao trào đấu tranh quần chúng bùng nổ mạnh mẽ vào tháng 11 năm 1989. Trong bản Tiến Trình Dân Chủ Hóa Việt Nam công bố ngày 22 tháng 8 năm 2006, Khối 8406 nói rằng sẽ tự giải tán sau khi các chính đảng xuất hiện đấu tranh công khai với chế độ Hà Nội ở bước 4, giai đoạn 2 của tiến trình. Các bước đi này, rõ ràng là có những nét tương đồng giữa Khối 8406 với nhóm Hiến chương 77. Phải chăng đây là một sự trùng hợp của lịch sử?

*

Mối quan hệ giữa Đông Âu với Liên Xô vào thập niên 80 của thế kỷ 20 và Việt Nam với Trung Quốc hiện nay cần phải được chú trọng để khi áp dụng những kinh nghiệm của Đông Âu xảy ra cách nay 17 năm vào tình hình Việt Nam, người ta phải thấy những phức tạp của tình hình an ninh khu vực đã có những thay đổi căn bản. Cộng sản Việt Nam không còn dựa vào Nga mà đang dựa vào Trung Quốc vì nhu cầu ý thức hệ, nhưng chính họ luôn luôn ám ảnh mối đe dọa ‘bá quyền’ của phương Bắc. Tìm cách đu giây với Hoa Kỳ để huy động thêm phương tiện củng cố chế độ và cân bằng ảnh hưởng của Bắc Kinh, nhưng chính họ cũng luôn luôn bị ám ảnh bởi mối đe dọa ‘diễn biến hòa bình’ của Hoa Thịnh Đốn. Hậu quả của sự đu giây này, Việt Nam đang ở vào khúc quanh phức tạp, với những chi phối từ hai áp lực của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chính những chi phối này đã đặt ra cho các lực lượng đấu tranh một vấn đề quan trọng là phải chủ động trong các nỗ lực đấu tranh mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam, chứ không thể hoàn toàn dựa vào hay tin vào những áp lực ’dân chủ nhân quyền’ lên chế độ Hà Nội của các thế lực quốc tế.

Muốn giữ sự chủ động và trực tiếp giải quyết vấn nạn Cộng sản trên đất nước, phong trào dân chủ hóa phải được khởi động và khai mào ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong trận thế phức tạp hiện nay, sự khởi động của phong trào không thể không có sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Do đó mà hơn lúc nào hết, sự kết hợp đấu tranh giữa những lực lượng, đảng phái ở trong và ngoài nước cần phải được đẩy mạnh bằng những hành động cụ thể, trong đó, sự tiếp cận và liên kết giữa đại khối người Việt ở trong và ngoài nước phải được ưu tiên, để cô lập và đẩy đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi tập hợp dân tộc như nhiều quốc gia tại Đông Âu đã làm. Hải ngoại phải là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ các thành quả đấu tranh tại quốc nội, không chỉ từ những nguồn tài chánh đóng góp mà còn từ những nỗ lực vận động hỗ trợ của quốc tế. Trong khi đó tại quốc nội, các lực lượng không cộng sản sẽ phải tiến tới việc liên kết thành một liên minh dân tộc để có đủ tiềm lực đối đầu trước những trấn áp của Hà Nội đồng thời điều phối các xoay trở của Cộng sản Việt Nam trở thành những tấn công chính trị lên chế độ độc tài. Liên minh dân tộc phải được coi là một mục tiêu chiến lược không thể thiếu trong thế trận hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, quý độc giả có thể nhận ra sự quan trọng của nó xuyên qua kinh nghiệm đấu tranh của những lực lượng không cộng sản tại hầu hết các quốc gia ở Đông Âu. Lúc khởi động phong trào, mỗi tổ chức, mỗi đảng phái có thể xuất hiện riêng rẽ theo nhu cầu riêng; nhưng sau đó, các đảng phái không cộng sản đã liên kết thành những liên minh chính trị, điều hướng các phong trào quần chúng vào những chủ điểm chính trị, để vừa tấn công vào nền tảng của chế độc tài, vừa không cho đảng Cộng sản khuynh loát nội bộ những đảng phái không cộng sản. Không những thế, quý độc giả còn tìm gặp rất nhiều cách ứng phó khác nhau của những lực lượng đấu tranh không cộng sản tại Đông Âu, mà trọng tâm chính là dùng áp lực của quần chúng để cô lập thượng tầng lãnh đạo và đẩy các phe nhóm trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản rơi vào thế phân liệt để phải thảm bại trong các cuộc tổng tuyển cử tự do sau đó. Đương nhiên Đông Âu không phải là Việt Nam, do đó, chúng ta không nên chờ đợi mọi điều xảy ra sẽ giống nhau. Chúng ta chỉ nên coi những kinh nghiệm xoay chuyển tình hình tại Đông Âu như những bài học cần rút tỉa mà thôi.

*

"Đông Âu tại Việt Nam" có tất cả 10 chương. Chúng tôi dành 8 chương để mô tả chi tiết về tình hình Đông Âu và 7 quốc gia trong số 8 nước bị Stalin và Hồng Quân Nga nhuộm đỏ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng tôi kết hợp lối viết tường thuật lẫn phân tích dữ kiện để giúp độc giả dễ theo dõi các biến chuyển tình hình của mỗi quốc gia. Hai chương còn lại đề cập về Việt Nam, trình bày cô đọng những nét tổng quát về các diễn biến cũng như một số đề nghị để quý độc giả cùng suy nghĩ. Mặc dù đã thận trọng trong việc nghiên cứu những vấn đề mang tính cách vừa lịch sử, vừa thời sự trong gần 10 năm vừa qua, nhưng chắc chắn không tránh khỏi một đôi phần chủ quan trong khi phân tích. Kính mong quý độc giả và những bậc thức giả soi sáng và hướng dẫn để chúng tôi được học hỏi và cập nhật các vấn đề trong những lần tái bản tới.

Lý Thái Hùng
August 30 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét