07 tháng 2, 2007

Chương VIII - Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Nam Tư

(Trích một phần từ: Chương VIII - Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Nam Tư trong tập sách "Đông Âu tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng.)

Sơ Lược Bối Cảnh Lịch Sử

Dưới thời chiếm đóng của Đức Quốc Xã, hai phong trào kháng chiến chống Đức đã được thành lập. Một là tổ chức do Thống Chế Josip Broz Tito lãnh đạo, thuộc đảng Cộng sản Nam Tư đã hoạt động bí mật từ năm 1921. Hai là tổ chức của tướng Draja Mihailovitch quy tụ những nông dân và quân nhân ủng hộ ấu chúa là vua Pierre đang lưu vong tại Áo. Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, hai phong trào này thường có những sự phối hợp để chống lại Đức Quốc Xã, nhưng dần dần về sau, họ trở thành thù địch, và bên nào cũng lợi dụng quân Đức để tiêu diệt đối phương. Thống chế Tito được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đảng Cộng sản Liên Xô nên lần lần củng cố được lực lượng, và tới cuối năm 1942, Tito chiếm được một số lãnh thổ, tự thiết lập chính phủ kháng chiến. Trong khi đó, nhóm Mihailovitch lúc đầu được Đồng Minh giúp đỡ, nhưng đến năm 1943 thì bị Đồng Minh bỏ rơi. Tới năm 1944, chính phủ lưu vong của vua Pierre cũng bỏ rơi Mihailovitch. Lợi dụng lúc phe Đồng Minh mở cuộc tổng phản công quân Đức Quốc Xã tại các mặt trận Âu châu vào đầu năm 1945, Tito cũng tung lực lượng Cộng sản của mình chiếm giữ những phần đất do quân Đức bỏ lại, và khi lực lượng này tới vùng Belgrade, Hồng quân Nga mới kéo quân từ Đông Bắc xuống hợp lực với Tito để giải phóng Nam Tư.

Sau khi chiếm được chính quyền, Josip Broz Tito, một mặt đóng vai trò trung thành với Stalin như các nước Đông Âu khác; mặt khác thi hành chính sách cải tạo xã hội Nam Tư theo đường lối cộng sản của riêng mình. Tuy nhiên Tito theo đuổi giấc mộng như của Stalin là thành lập một chế độ Liên bang của vùng Balkans. Trong hai năm 1946 và 1947, Tito đã nhiều lần sang thăm viếng Bulgaria và Hung Gia Lợi để vận động cho việc thành lập liên bang bao gồm ba nước Nam Tư, Hung và Bảo nhưng đều thất bại. Chủ đích của Josip Broz Tito là không muốn lệ thuộc vào hệ thống Cộng sản do Stalin chỉ đạo, mà muốn thành lập một khối Cộng sản riêng ở vùng Balkan. Âm mưu của Tito khiến cho Stalin lo ngại nên tìm mọi cách ngăn chận.


Chiến dịch ngăn chận này mở đầu bằng Giác Thư của Trung Ương đảng Cộng sản Liên Xô gửi cho đảng Cộng sản Nam Tư cảnh cáo Josip Broz Tito và Bộ Chính Trị, buộc phải tuân phục những mệnh lệnh của Điện Cẩm Linh. Giác Thư này được sao ra nhiều bản gửi cho tất cả các đảng Cộng sản trong Khối để dằn mặt. Đến ngày 28-6-1948, Quốc tế Cộng sản, lúc này còn đặt văn phòng điều hành ở Thủ đô Belgrade, công bố Giác Thư của Liên Xô và buộc tội Nam Tư đã phản lại phong trào Quốc tế Vô sản. Sau khi công bố Giác Thư, Quốc tế Cộng sản chuyển văn phòng từ Belgrade về thủ đô Bucharest của Romania.

Sau khi nhận Giác Thư, đảng Cộng sản Nam Tư triệu tập đại hội đảng vào tháng 7-1948 để phân tích sự kiện và trả lời. Trong đại hội này, vì đảng còn ở trong thế yếu và không muốn tạo lý cớ cho phe thân Liên Xô trong đảng tấn công mình, Josip Broz Tito chọn đường lối mềm dẻo, không tấn công trực tiếp vào Stalin mà chỉ cho rằng những cáo buộc của Quốc Tế Cộng Sản là bất công, yêu cầu suy xét lại. Nhưng sau vài tháng thăm dò ý kiến trong toàn đảng về nội dung giác thư, Tito thấy rằng hầu hết đảng viên đều bất mãn về thái độ trịch thượng của Stalin, do dó Tito đã bộc lộ thái độ cứng rắn, ngang nhiên công kích Liên Xô và Stalin. Tito còn đưa ra chủ trương rằng vì mỗi nước đều có hoàn cảnh riêng, nên mỗi đảng Cộng sản phải được tự do lựa chọn con đường nào thích hợp nhất để tiến lên xã hội chủ nghĩa mà không bị trói buộc theo khuôn mẫu chung của hệ thống Quốc Tế Cộng Sản.

Trước khi bị phân rã vào năm 1991, Nam Tư là một quốc gia tổ chức theo hình thức Liên Bang bao gồm 6 nước Cộng Hòa là Slovenia, Croatia, Bosnia-Herzegovina, Serbia, Macedonia, Montenegro và hai Khu Tự Trị là Kosovo và Vojvodina (trực thuộc sự quản trị của nước Cộng Hòa Serbia). Diện tích Nam Tư vào khoảng 255 ngàn cây số vuông, có 28,2 triệu dân bao gồm 24 chủng tộc khác nhau. Vì là một quốc gia tập hợp nhiều sắc dân, bao gồm nhiều vùng đất có quá khứ thành lập khác nhau, nên việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa các nước Cộng Hòa để tuân phục đường lối chung của Liên Bang là một nan đề của Josip Broz Tito. Sau khi thoát ra khỏi sự khống chế của Liên Xô năm 1948, Tito đã mất gần 4 năm sau đó để giải quyết những vấn đề nội bộ và tìm đường hướng đi riêng cho Nam Tư.

Năm 1952, đảng Cộng sản Nam Tư tổ chức Đại hội đảng lần thứ 6, quyết định một số vấn đề quan trọng. Thứ nhất, đổi tên đảng thành Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư. Thứ hai, bãi bỏ hình thức trung ương tập quyền như mô hình Stalin. Thứ ba, đảng không còn đóng vai trò chỉ huy mà là thuyết phục và hợp tác, dựa theo nguyên tắc phân quyền và tự quản lý giữa các nước Cộng Hòa và Khu Tự Trị. Thứ tư, tu chính hiến pháp để phù hợp với đường lối mới của đảng và bầu Tito làm Tổng thống vĩnh viễn. Dựa trên bốn cải tổ căn bản này, Quốc hội Liên bang Nam Tư đã soạn thảo ra hiến pháp mới công bố vào năm 1953, quy định Nam Tư đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa Tự Trị-Tự Quản, chấm dứt việc áp dụng mô hình của Stalin.

Ngày 31-1-1974, bản hiến pháp lần thứ tư của Liên Bang Nam Tư được công bố, theo đó, tất cả những sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội đều dựa trên nền tảng Xã hội chủ nghĩa Tự quản. Theo kinh tế gia Rudolf Bicamic của Nam Tư thì lý thuyết này dựa trên bốn nguyên tắc: -Tản quyền; -Giảm sự chi phối của guồng máy nhà nước; -Dân chủ hóa; -Giảm thiểu sự chi phối của chính trị. Mục tiêu của việc áp dụng nguyên tắc này là Nam Tư muốn giảm thiểu vai trò chi phối của đảng trong những quyết định về kinh tế-xã hội.

Trên phương diện chính trị, hiến pháp lần này quy định Hội Đồng Cán Bộ Liên Bang gồm 9 người, thay vì là 23 người như quy định của hiến pháp năm 1971 (mỗi nước Cộng Hòa chọn 3 người, mỗi Khu Tự Trị chọn 2 người và Tito là 23 người). Chín người này gồm đại diện 6 của nước Cộng Hòa, đại diện của Hai Khu Tự Trị và Chủ Tịch Liên Minh Những Người Cộng sản Nam Tư. Theo sự quy định này, quyền hạn của Liên Bang, Cộng Hòa Quốc và Khu Tự Trị đều có một phiếu ngang nhau khi biểu quyết những vấn đề quan trọng của Liên Bang. Hội Đồng Cán Bộ Liên Bang có nhiệm vụ làm trung gian hòa giải những tranh chấp về chủng tộc, lãnh thổ của các Cộng Hòa Quốc và Khu Tự Trị.

Sau khi Tito qua đời vào tháng 5-1980, Liên Bang Nam Tư được điều hành bởi Hội Đồng Cán Bộ Liên Bang có 9 người, tiếp tục đường lối Xã hội chủ nghĩa qua hai chính sách: tự chủ quản lý và phi đồng minh, trong tình trạng kinh tế khủng hoảng cùng cực. Cuối năm 1981, để chấn chỉnh nạn lạm phát và tiến hành chương trình cải cách kinh tế, Chủ tịch Hội Đồng Cán Bộ Liên Bang, cũng là chủ tịch Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư, cho thành lập Ủy Ban Ổn Định Kinh Tế Liên Bang. Đến năm 1983, Ủy Ban này mới đưa ra chương trình ổn định kinh tế, nhưng cũng chỉ áp dụng một số nguyên tắc đã đưa ra từ trước và vì áp dụng trễ nên cũng không thể nào cải thiện tình hình như ý muốn.

Nạn lạm phát lên đến 1000% là áp lực nặng nề cho Liên Bang Nam Tư vào thời đó. Nó ảnh hưởng rất nặng nề trên đời sống người dân khiến từ năm 1987, giới công nhân lao động đã tổ chức nhiều cuộc đình công. Lúc đầu, các cuộc đình công thuần túy đòi hỏi quyền lợi dân sinh, và phê phán sự bất lực của Thủ Tướng Branko Mikulif về các chính sách cải cách kinh tế, nhưng dần dần sau đó, nội dung tranh đấu của các cuộc đình công chuyển hướng sang lãnh vực chính trị như đòi phải mở rộng quyền tự do lao động, tư tưởng, đi lại...

Tháng 1-1987, Hội Đồng Cán Bộ Liên Bang tuyên bố sẽ tu chính hiến pháp. Tháng 5-1988, Thủ Tướng Mikulif (được tuyển chọn từ Cộng Hòa Quốc Bosnia-Herzegovina) thiết lập Hội Đồng Cải Cách Chế Độ Kinh Tế, đưa ra bản đề cương cải cách chế độ kinh tế. Bản đề cương này có mục đích duyệt xét toàn bộ các chính sách kinh tế, xã hội và chính trị đã được đưa ra trong bản hiến pháp 1974 để chận đứng tình trạng khủng hoảng kinh tế và lược duyệt lại hệ thống tự quản, theo nguyên tắc hiệp thương kinh tế từng được áp dụng từ thập niên 50. Đề cương này còn đề nghị tích cực áp dụng nguyên tắc thị trường và thống nhất một thị trường trên toàn Liên Bang hơn là thực thi nhiều loại thị trường như lúc đó. Ngoài ra, bản đề cương còn đề nghị chấm dứt việc cho các Cộng Hòa Quốc, Khu Tự Trị được độc lập trong các chính sách xã hội, thuế khóa... mà phải để cho Liên Bang hoạch định nhằm thống nhất thị trường chung.

Những đề nghị nêu trên nhằm tăng cường quyền hạn cho chính quyền Liên Bang để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế, đã được Quốc Hội Liên Bang biểu quyết thông qua. Nhưng khi đưa về cho các Cộng Hòa Quốc thực thi thì các nơi lại viện dẫn nhiều lý do để không thi hành nghiêm chỉnh. Mỗi vùng lại dựa theo tình hình địa phương đề nghị tu sửa, rồi nhân đó đặt ra các luật lệ tự bảo vệ vùng mình, ngăn cản sự cạnh tranh từ các vùng khác, gây nên tình trạng sứ quân. Rốt cuộc kế hoạch cải cách kinh tế của Thủ tướng Mikulif chỉ có giá trị trên giấy tờ.

Những Diễn Biến Chính Trị

Xung Đột Chủng Tộc Ở Khu Tự Trị Kosovo

Liên Bang Nam Tư có 24 sắc tộc khác nhau, trong đó người Serb chiếm ưu thế, và sống trải rộng khắp các Cộng Hòa Quốc, Khu Tự Trị. Do đó, sự xung đột giữa người Serb với các sắc dân khác liên tục xảy ra từ xưa đến nay. Cái chết của Tổng Thống Tito vào tháng 5-1980 đã tạo ra một khoảng trống lãnh đạo rất lớn cho Nam Tư trong tình trạng kinh tế suy thoái cùng cực. Lợi dụng tình trạng này, dân Albania trong Khu Tự Trị Kosovo, trực thuộc Cộng Hòa Quốc Serb đã tổ chức các cuộc biểu tình đòi độc lập bắt đầu từ tháng 3 và 4-1981.

Căn nguyên của vấn đề Kosovo là do tình trạng tụt hậu kinh tế và vì áp dụng triệt để nguyên tắc tự quản Xã hội chủ nghĩa, nên đã khiến cho vấn đề trở nên phức tạp. Người Albania viện dẫn rằng những điều đòi hỏi của họ phù hợp với Hiến pháp 1974, quy định sự bình đẳng giữa các sắc dân, nên họ đã đòi thành lập Cộng Hòa Quốc. Trong khi đó, người Serb cực lực chống đối. Lý do là Khu Tự Trị Kosovo nguyên là thủ đô của vương quốc Serb trước khi bị sát nhập vào Liên Bang Nam Tư. Đất Kosovo là thánh địa của dân tộc Serb, không thể tách rời ra khỏi Cộng Hòa Serb. Vì vậy khi Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư thảo luận về vấn đề này, các Cộng Hòa Quốc như Serb, Slovenia và Croatia đều bất mãn, bắt đầu có những chống đối ngấm ngầm trong nội bộ.

Sau khi biến cố Kosovo xảy ra, đảng viên của Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư ở Kosovo đã chủ xướng cuộc biểu tình ủng hộ và đòi Hội Đồng Cán Bộ phải giải quyết, nhưng chính quyền Cộng hòa Serb đàn áp và bắt giữ một số người, đưa ra tòa với tội danh "phản cách mạng". Đầu tháng 2-1989, dân Albania đã tổ chức hai cuộc biểu tình lớn. Đến ngày 12-2-1989, hơn 1000 công nhân trong các hầm mỏ ở vùng Đông Bắc Kosovo lãn công và biểu tình thầm lặng để đòi quyền tự trị. Ngày 27-2-1989, Hội Đồng Cán Bộ Liên Bang đã ban hành lệnh thiết quân luật trên toàn vùng Kosovo, đặt Khu Tự Trị dưới quyền kiểm soát của quân đội Nam Tư. Ngày 2-3-1989, Chủ tịch Liên Minh Những Người Cộng Sản ở Kosovo ra lệnh bắt giam những người chủ mưu các cuộc đình công, và ban hành sắc lệnh cưỡng chế lao động đối với những người lao động đã tham gia đình công vào ngày 12-2-1989.

Trước tình thế như trên, ngày 23-3-1989, Quốc hội Khu Tự Trị Kosovo tự ý thông qua đề nghị tu chính hiến pháp. Trong khi đó, Quốc hội Liên bang lại hậu thuẫn cho Quốc hội Cộng hòa Serb thông qua một tu chính hiến pháp, cho phép Cộng Hòa Serb có quyền về quốc phòng, an ninh, hiệp tác quốc tế và xã hội, giảm thiểu quyền hạn của các Khu Tự Trị. Sự kiện này càng đẩy người Albania vào chân tường nên họ đã tổ chức các cuộc biểu tình chống đối một cách mãnh liệt. Đến cuối tháng 4-1989, các cuộc bạo động của người Albania tuy có giảm bớt, nhưng tình trạng đối đầu giữa người Albania với các sắc dân Serb, Montenegro trong Khu Tự Trị Kosovo càng ngày càng trở nên kịch liệt và cho đến đầu năm 1990, cuộc nổi dậy ở Kosovo trở thành một vấn đề không thể giải quyết.

Cộng Hòa Slovenia Đòi Độc Lập:

Trong khi vấn đề đòi tự trị của Khu Tự Trị Kosovo chưa được giải quyết xong thì vấn đề Slovenia bắt đầu bùng nổ. Cộng Hòa Quốc Slovenia nằm ở phía Bắc Liên Bang Nam Tư, giáp ranh với các nước Ý, Áo và Hung Gia Lợi. Dân số của nước Cộng Hòa này có khoảng 2 triệu người, trong đó người Slovenia có khoảng 1 triệu 700 ngàn người, chiếm 90% dân số Cộng Hòa Quốc. Đây là sắc dân có nhiều khả năng nhất trong Liên Bang, lợi tức trung bình đầu người lên đến 612 Mỹ kim thời đó, đứng hàng thứ nhất so với các Cộng Hòa Quốc trong Liên Bang, so với lợi tức đầu người trong Khu Tự Trị Kosovo chỉ có 74 Mỹ kim. Nhờ sự giàu có này mà chính quyền nước Cộng Hòa Slovenia có tiếng nói khá mạnh trong Liên Bang mặc dù dân số ít hơn Cộng Hòa Serb.

Bước vào thập niên 80, trong tình trạng xuống dốc chung của nền kinh tế Liên Bang, Slovenia trở thành nơi phải cáng đáng việc trả nợ ngoại trái cho Liên Bang, nên Slovenia thiếu ngoại tệ để du nhập trang thiết bị cải thiện tình trạng sản xuất, do đó làm cho nền kinh tế của Slovenia xuống dốc, không theo kịp đà cạnh tranh với các nước tiên tiến khác. Để cứu vãn tình trạng này, Cộng Hòa Slovenia chọn giải pháp tách rời Liên Bang, trở thành một quốc gia độc lập để tài nguyên của Sovenia không bị phung phí vào những vùng đất khác. Ý muốn ly khai khỏi Liên bang của Cộng Hòa Quốc Slovenia, được sự hậu thuẫn của Cộng Hòa Croatia.

Tháng 4-1989, đoàn đại biểu Slovenia tham dự Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư nhóm họp từ ngày 14 đến 19-4-1989, đã đặt vấn đề duyệt xét lại nguyên tắc "dân chủ tập trung" và "nội dung bản Cương Lĩnh" của đảng. Mặt khác, ngày 27-9-1989, Quốc hội của Cộng Hòa Quốc Slovenia đơn phương đề nghị tu chính một phần hiến pháp Liên Bang, cũng như biểu quyết chấp thuận những điều sau: 1) Cho chính quyền Cộng Hòa Quốc Slovenia được quyền có những quyết định độc lập đối với chính quyền Liên Bang; 2) Chính quyền Liên Bang muốn đưa quân đội, cũng như muốn ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Cộng Hòa Slovenia phải có sự đồng ý của Cộng Hòa Sloveina; 3) Công nhận chủ quyền kinh tế của Cộng Hòa Quốc Slovenia.

Sau sự tu chính hiến pháp nói trên, Hội Đồng Cán Bộ Liên Bang và chính quyền Cộng Hòa Quốc Serb đã kiện lên Tối cao Pháp viện vì cho đây là hành động vi hiến. Từ đó, sự xung đột giữa Cộng Hòa Slovenia và Serb càng ngày càng gia tăng. Sau khi dự đại hội Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư lâm thời trở về, những đại biểu trong Liên Minh Những Người Cộng Sản ở Cộng hòa Slovenia đã tổ chức Hội nghị lâm thời vào ngày 4-2-1990, quyết định tách ra khỏi Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư, đổi tên thành đảng Dân Chủ Cải Cách. Chính quyền Cộng sản Slovenia đã công bố "Luật Chính Đảng" trong đó cho phép những tổ chức nào có trên 500 thành viên và có trụ sở, được công khai hoạt động, đồng quyết định tổ chức trưng cầu dân ý và chuẩn bị bầu cử tự do. Sau khi Luật Chính Đảng được công bố, tại Cộng hòa Slovenia có đến 17 đảng phái xuất hiện như Liên Minh Xã Hội Dân Chủ, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, Liên Minh Nông Dân, đảng Xanh Lục, đảng Dân Chủ Cải Cách (cựu Cộng sản)...

Ngày 22-4-1990, Cộng Hòa Slovenia tổ chức trưng cầu dân ý về việc ly khai ra khỏi Liên bang, bầu cử Quốc hội và Tổng thống. Có đến 87% cử tri đồng ý ly khai khỏi Liên bang, thành lập Cộng hòa Slovenia độc lập. Về kết quả bầu cử quốc hội, đa số phiếu dồn cho các Liên Minh Xã Hội Dân Chủ, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đảng Nông Dân và đảng Xanh Lục, trong khi đảng Dân Chủ Cải Cách (cựu cộng sản) hoàn toàn thảm bại. Tuy nhiên Milan Kucan, chủ tịch đảng Dân Chủ Cải Cách, một thành viên cựu Cộng sản, nhưng vì có chủ trương cải cách và tích cực đòi độc lập đối với Liên bang nên đã đắc cử Tổng thống.

Ngày 25-6-1991, Cộng Hòa Slovenia tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Nam Tư.

Cộng Hòa Croatia Đòi Độc Lập:

Tháng 12-1989, Cộng Hòa Croatia công bố luật Chính đảng và công nhận sinh hoạt chính trị đa đảng. Đầu năm 1990, một số đảng phái xuất hiện như Liên Đoàn Dân Chủ, Liên Minh Đồng Thuận Quốc Gia, đảng Cộng Sản, Liên Minh Dân Chủ Xã Hội, Hiệp Hội Ủng Hộ Nhân Quyền, đảng Nông Dân, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, đảng Xanh Lục... Tháng 2-1990, chính quyền Cộng hòa Croatia quyết định tổ chức trưng cầu dân ý, bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào ngày 21-5-1990. Giống như tại Cộng hòa Slovenia, đại đa số cử tri Croatia đã bỏ phiếu tán đồng việc ly khai khỏi Liên bang, thành lập quốc gia độc lập. Trong khi đó, tuy những thành viên cộng sản hoàn toàn mất phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội, nhưng Liên Minh Đồng Thuận Quốc Gia (CNA) có khuynh hướng trung gian vẫn thua phiếu rất xa đối với nhóm cực hữu là Liên Đoàn Dân Chủ do Franjo Tudjman lãnh đạo. Lý do là nhóm cực hữu đã đưa ra những lời tuyên bố mạnh mẽ đòi độc lập, khích động được khát vọng của đa số cử tri. Nhờ thế Franjo Tudjman cũng đắc cử Tổng thống với tỷ lệ rất cao.

Tháng 12-1990, tân Quốc hội Croatia công bố bản hiến pháp mới lấy tên nước là Cộng hòa Croatia, theo chế độ Tổng thống chế. Hiến pháp quy định Quốc hội gồm có hai viện: Thượng viện có 63 ghế, nhiệm kỳ 4 năm; Hạ viện có 138 ghế, nhiệm kỳ 4 năm. Trong khi đó, tám thành viên thuộc Hội đồng Chủ tịch Liên bang Nam Tư nhóm họp khẩn cấp vào ngày 15-5-1991, sau khi việc bỏ phiếu bầu tân Tổng thống Nam Tư bị thất bại. Theo đạo luật "Luân Phiên Lãnh Đạo" của Liên bang thì chức vụ tối cao này sẽ đến lượt phó Tổng Thống Nam Tư là ông Stipe Mesic, đại diện Cộng hòa Croatia, đảm nhiệm. Nhưng sự việc không thành vì Cộng hòa Serb lấy lý cớ sắc dân Croat đòi ly khai ra khỏi Liên bang. Tổng thống Nam Tư đương nhiệm là Borisav Jovic (dân Serb) tuyên bố chống lại ông Stipe Mseic vì ông này tuyên bố là nên giải thể Liên bang Nam Tư.

Ngày 25-6-1991, cùng với Cộng hòa Slovenia, Cộng hòa Croatia tuyên bố độc lập và chính thức ly khai khỏi Liên bang Nam Tư. .

Cộng Hòa Macedonia Tuyên Bố Độc Lập

Việc Cộng hòa Slovenia và Croatia tuyên bố độc lập vào ngày 25-6-1991 đã đưa đến cuộc nội chiến giữa Cộng hòa Serb với Cộng hòa Croatia từ mùa Thu năm 1991. Cộng Hòa Macedonia thấy Liên bang Nam Tư khó tồn tại nên ngày 26-9-1991, Macedonia tổ chức trưng cầu dân ý việc ly khai khỏi Liên bang, và được đa số cử tri đồng ý . Căn cứ vào kết quả này, ngày 20-11-1991, Quốc hội Macedonia tuyên bố độc lập và công bố bản tân hiến pháp. Nhưng vào thời điểm này Macedonia chưa được Liên Hiệp Quốc và các quốc gia Tây Âu thừa nhận như là một quốc gia, vì vẫn không chịu đổi quốc kỳ và tên nước. Đến tháng 4-1993, Macedonia đổi tên nước thành Cộng Hòa Macedonia, thì liền được Liên Hiệp Quốc công nhận và từ đó nước này tái lập quan hệ ngoại giao với Đan Mạch, Đức, Pháp, Anh, Hòa Lan.

Nội Chiến Ở Cộng Hòa Bosnia-Herzegovina.

Ngày 3-3-1992, Cộng hòa Bosnia-Herzegovina chính thức tuyên bố độc lập, được Hoa Kỳ và các nước trong Cộng Đồng Âu Châu công nhận. Chính quyền Cộng hòa Bosnia-Herzegovina do sắc dân Hồi Giáo nắm giữ, vì vậy người Serb chống lại quyết định độc lập kể trên, và vì được sự hậu thuẫn của Cộng Hòa Serb nên họ đã tổ chức vũ trang chống lại chính quyền Hồi Giáo, khiến cho cuộc nội chiến bùng nổ giữa ba sắc dân: người Serb (được sự ủng hộ của Tân Liên bang Nam Tư); người Croatia và người Hồi Giáo (lúc đầu được sự ủng hộ của Cộng hòa Croatia). Cuộc nội chiến phát khởi từ tháng 4-1992, mỗi ngày một lớn, khiến cho 6/10 dân số trở thành dân tỵ nạn với 2 triệu 780 ngàn người, và số tử vong lên đến hơn 200 ngàn người.

Ngày 14-11-1995, dưới áp lực của Hoa Kỳ, các phe liên hệ tham dự hội đàm đình chiến tại Dayton, tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ, và đi đến quyết định đồng ý đình chiến trong một biên bản ký tạm vào ngày 21-11-1995. Đại diện của ba phe Bosnia, Cộng hòa Serb và Croatia gặp nhau tại Paris và chính thức ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh vào ngày 14-12-1995, và hai phía đồng ý nguyên tắc chia đôi lãnh thổ theo tỷ lệ Liên minh Quốc gia của hai sắc dân Hồi Giáo và Croat ở Bosnia chiếm 51%; sắc dân du kích Serb chiếm 49%. Cuộc nội chiến ở Bosnia-Herzegovina tuy chấm dứt vào đầu năm 1996 nhưng lực lượng Mũ Xanh Liên Hiệp Quốc vẫn ở lại đây đến năm 1998.

Tân Cộng Hòa Nam Tư Ra Đời

Mặc dù có một số Cộng Hoà Quốc tách ra khỏi Liên Bang, nhưng hai nước Cộng Hòa Serb và Montenegro vẫn quyết định duy trì Liên Bang Nam Tư, tuy không được thế giới công nhận vì Serb vẫn tiếp tục các cuộc chiến tranh xâm chiếm đất đai của Cộng hòa Bosnia-Herzegovina. Mặc dù chính quyền Tân Liên bang Nam Tư được thành lập, nhưng trên thực tế, gần như Cộng hòa Serb chi phối hoàn toàn các sinh hoạt chính trị, xã hội trong toàn Liên bang. Cộng hòa Serb đã giúp người Serb trong Cộng hòa Croatia nổi dậy chống quyết định độc lập của người Croat, sau đó lại yểm trợ người Serb trong Cộng hòa Bosnia-Herzegovenia chống chính quyền người Hồi Giáo, khiến cho cuộc nội chiến bùng nổ rộng lớn, đe dọa hòa bình của các nước vùng Balkan và của vùng Trung Âu. Vì vậy, từ tháng 5-1992, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra quyết nghị tiếp tục chế tài Tân Liên Bang Nam Tư bằng cách bao vây kinh tế. Do đó, bước vào năm 1993, tình trạng kinh tế của Tân Liên Bang Nam Tư bị khủng hoảng trần trọng, lạm phát gia tăng với tốc độ phi mã (mỗi tháng tăng lên từ 100% đến 300%). Từ đó, vào tháng 8-1993, chính quyền Liên Bang phải thực hiện chính sách nhà nước trực tiếp quản lý giá cả nhu yếu phẩm để kiểm soát nạn lạm phát.

Sau khi cùng với Cộng hòa Montenegro thành lập Tân Liên bang Nam Tư, Cộng hòa Serb tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 12-1992, với kết quả là đảng Xã Hội Serb chiếm ưu thế, nên Slobodan Milosevic, Chủ tịch đảng này được bầu làm Tổng thống. Mặc dù vậy, đảng Xã hội phải thành lập chính quyền liên hiệp với đảng Cấp Tiến Serb, khuynh hữu. Đến tháng 9-1993, vì bất đồng quan điểm trong việc cung cấp vũ khí cho du kích quân Serb tại Bosnia, đảng Cấp Tiến rút lui khỏi nội các và đệ trình lên Quốc hội Quyết nghị bất tín nhiệm nội các của Tổng thống Milosevic. Tổng thống Milosevic bất mãn, tuyên bố giải tán Quốc hội, cho tổ chức tuyển cử lại vào tháng 12-1993. Lần này, đảng Xã Hội của Tổng thống Milosevic thắng lớn, chiếm 123 ghế trong số 250 ghế của Quốc hội, trong khi đảng Cấp Tiến chỉ còn có 39 ghế, đảng Dân Chủ chiếm 31 ghế.

Ngày 21-11-1995, Milosevic cử đại diện tham dự cuộc hội đàm đình chiến tại Bosnia ở thành phố Dayton, tiểu bang Ohio Hoa Kỳ. Ngày 14-12-1995, Hiệp định đình chiến được ký kết chính thức tại Paris giữa Milosevic đại diện Serb, với đại diện Bosnia và đại diện Croatia. Tháng 5-1996, tòa án quốc tế tại Hòa Lan chính thức xúc tiến hồ sơ truy tố các tội phạm chiến tranh trong đó có hồ sơ tội ác của Slobodan Milosevic. Liên Hiệp Quốc chính thức bãi bỏ cấm vận Tân Nam Tư vào ngày 1-10-1996, sau khi Bosnia tổ chức thành công cuộc bầu cử tự do. Ngày 17-11-1996, Tân Nam Tư tổ chức cuộc tuyển cử hội đồng nhân dân các cấp địa phương. Các đảng phái không cộng sản chiếm ưu thế nhưng Milosevic không chịu công nhận kết quả khiến cho quần chúng tụ tập biểu tình phản đối kéo dài hơn 77 ngày, trong khi đó quân đội tuyên bố không đàn áp đoàn biểu tình nên Milosevic đã phải nhượng bộ và công nhận kết quả.

Lúc đó, tình hình kinh tế của Tân Nam Tư bị suy thoái toàn diện vì sự cô lập của thế giới do đường lối cai trị độc tài của Milosevic; nhưng vì muốn tiếp tục giữ địa vị tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ 3 nên Milosevic đã tìm mọi cách gian lận để tiếp tục ‘đắc cử’ trong kỳ bầu cử vào tháng 7-1997. Kể từ thời điểm này, Milosevic ở trong tình trạng tứ bề thọ địch. Ở bên ngoài thì bị thế giới phong tỏa kinh tế và lên án là độc tài, ở bên trong thì bị các nhóm đối lập tổ chức biểu tình chống đối ngày một quyết liệt. Trong tình hình đó, đáng lý Milosevic phải thoái lui nhưng ông vẫn cương quyết ôm cứng quyền lực vào trong tay. Thậm chí, trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 24-9-2000, Milosevic đã bị đánh bại bởi ứng cử viên tổng thống độc lập Vojislav Kostunica, nhưng Milosevic lại không chịu công nhận kết quả. Trước sự ngoan cố của Milosevic, các đảng phái, các tổ chức tôn giáo và xã hội đã đoàn kết đứng sau lưng Vojislav Kostunica tổ chức các cuộc biểu tình đòi Milosevic phải thoái nhiệm. Trước áp lực của quần chúng quá mạnh, trong khi quân đội và cảnh sát không chấp hành mệnh lệnh với lý do ‘không thể bắn vào nhân dân’, Milosevic phải tuyên bố chuyển giao quyền lãnh đạo cho Vojislav Kostunica vào ngày 5-10-2000.

Kết Luận

Sự tan rã của Liên Bang Nam Tư, trên bề mặt là do những xung đột về chủng tộc và cuộc nội chiến giữa các Cộng hòa quốc, là hệ quả của những tranh giành lãnh thổ giữa các chủng tộc, pha lẫn màu sắc tôn giáo. Nhưng bên trong, chính sự bế tắc của đường lối kinh tế Cộng sản (mặc dù Nam Tư đã áp dụng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa từ thập niên 70), và những tác động của Đông Âu, đã làm cho các Cộng hòa quốc nương theo những khủng hoảng này mà tuyên bố độc lập. Mặc dù sự tan rã đảng Cộng Sản Nam Tư không giống như các nước Đông Âu qua những cuộc tuyển cử tự do chính thức, nhưng sự tách rời của các Cộng hòa quốc đã làm cho Liên Minh Những Người Cộng Sản Nam Tư từng bước suy yếu và biến thái dưới nhiều hệ phái khác nhau trong mỗi Cộng hòa quốc.

Trước Thế Chiến Thứ Hai, Nam Tư là vùng tranh chấp của nhiều sắc tộc, nhưng sở dĩ Josip Broz Tito thống nhất và quy tụ được các sắc tộc ở đây về một mối là nhờ guồng máy bạo lực Cộng sản. Mộng của Tito không khác gì Stalin là bành trướng thế lực Cộng sản do ông ta lãnh đạo đến toàn vùng Balkan. Stalin biết rõ tham vọng của Tito nên đã ra tay trước bằng cách khai trừ và cô lập Nam Tư ra khỏi Quốc Tế Cộng Sản, nên mộng của Tito đã không thành. Sau khi Tito mất, cây đại thụ của chế độ bị đốn ngã, một khoảng trống lãnh đạo đã xuất hiện trong Liên Bang Nam Tư, và từ đó các phe nhóm (giữa các cộng hòa quốc) bắt đầu tranh giành quyền lực, từng bước đưa đến sự suy thoái nội bộ, làm tan rã Nam Tư. Vì vậy, điểm khác của Nam Tư so với cuộc cách mạng ở các nước Đông Âu cũ là phong trào đấu tranh quần chúng không bộc phát mạnh mẽ bằng các cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, mà tiềm ẩn dưới chủ trương đòi tự trị, xung đột sắc tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét