07 tháng 2, 2007

Chương II - Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Ba Lan

(Trích một phần từ: Chương II - Cuộc Cách Mạng Dân Chủ Tại Ba Lan trong tập sách "Đông Âu tại Việt Nam" của tác giả Lý Thái Hùng.)

Sơ Lược Bối Cảnh Lịch Sử

Ngày 21 tháng 4 năm 1945, một nhóm đảng viên cộng sản Ba Lan do đảng Cộng sản Nga huấn luyện và đỡ đầu từ thập niên 30 đã họp ở thành phố Chelm để thành lập chính phủ kháng chiến, bất chấp sự hiện hữu của chính phủ lưu vong Ba Lan lúc đó đang tỵ nạn Đức Quốc Xã tại Anh. Vì thiếu lực lượng và lại sợ phe cộng sản nắm hết quyền bính nên các phe phái khác (kể cả chính phủ lưu vong ở Luân Đôn), đành miễn cưỡng tham gia chính phủ liên hiệp với đảng Cộng sản Ba Lan. Sau đó, bằng những thủ đoạn khủng bố và trấn áp, phe cộng sản đã tiêu diệt gần hết tiềm lực của các tổ chức khác trong chính quyền liên hiệp này. Năm 1946, Cộng sản Ba Lan đã dàn dựng ra cuộc trưng cầu dân ý, để vừa chính thức hóa vai trò lãnh đạo của mình, vừa quốc hữu hóa các xí nghiệp kỹ nghệ và cơ quan truyền thông. Trong hai năm 1947 và 1948, chính quyền cộng sản đã đưa ra một số Pháp lệnh để giải tán các đảng phái khác và ép buộc các nhân vật trong đảng Xã Hội Ba Lan phải gia nhập đảng Cộng sản, lúc đó đã đổi tên thành đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (Polish United Worker’s Party).


Công nhân thành phố Poznam
biểu tình đòi tách ra khỏi
ảnh hưởng của Liên Xô năm 1956.
Mặc dù được đảng Cộng sản Liên Xô huấn luyện và đỡ đầu trong việc cướp chính quyền sau khi Đức Quốc Xã sụp đổ, nhưng với quá khứ bị Nga đô hộ gần 100 năm, những người Cộng sản Ba Lan luôn luôn có khuynh hướng chống Nga và tìm mọi cách để thoát ra khỏi sự chi phối của nước này. Điều thấy rõ nhất là sau khi Stalin chết (1953), trong khoảng thời gian từ 1953 - 1955, tại Ba Lan có hơn 100 ngàn tù nhân chính trị đã được phóng thích, bắt đầu giai đoạn "tìm về dân tộc" của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan. Ngoài ra, nhân vụ Nikita Khruschev, Đệ nhất bí thư đảng Cộng sản Liên Xô tố giác những tội ác của Stalin trong Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 20 ngày 25 tháng 2 năm 1956, quần chúng và một số đảng viên Cộng sản Ba Lan có khuynh hướng chống Nga đã tổ chức cuộc nổi dậy ở Poznan, đưa ra khẩu hiệu: "Bánh Mì - Tự Do - Độc Lập", chống chính quyền độc tài Ba Lan, và đòi tách khỏi sự chi phối của Liên Xô. Mặc dù cuộc nổi dậy này đã bị Hồng Quân Liên Xô đàn áp, nhưng sự bất mãn đối với chính quyền Cộng sản Ba Lan và xu hướng chống Liên Xô vẫn còn tiềm ẩn mạnh mẽ trong lòng người dân.

Từ năm 1970, do những thất bại trong chính sách công nghiệp hóa, tình hình kinh tế của Ba Lan liên tục bị khủng hoảng, ngân sách thâm thủng trầm trọng. Chính quyền Vladyslaw Gomulka quyết định tăng giá thực phẩm lên đến gần 60% khiến cho giới công nhân bất mãn, thực hiện các cuộc đình công để chống đối. Những cuộc đình công này nhanh chóng lan rộng trên toàn quốc, tạo áp lực mạnh mẽ lên đảng Công Nhân Thống Nhất, khiến cho chính quyền Vladyslaw Gomulka sụp đổ, chính quyền Edward Gierek lên thay thế. Được sự chấp nhận của Liên Xô, chính quyền Edward Gierek quay trở lại chính sách mở cửa, vay tiền các nước Tây phương để gia tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ của dân chúng. Nhưng chính sách cải tổ của Gierek cũng dẫn đến thất bại. Tình trạng nhũng lạm trong đảng gia tăng khiến cho những món tiền đi vay bị tiêu xài hoang phí mà không có một dự án nào được hoàn tất đúng nghĩa, nợ ngoại trái càng lúc càng nhiều, đời sống người dân chẳng những không được cải thiện mà lại càng thêm đói khổ.

Thủ tướng Edward Gierek
chấp nhận 21 yêu sách
của công nhân và nhờ vậy
Công Đoàn Đoàn Kết ra đời
năm 1980.
Năm 1976, chính quyền Edward Gierek phải quyết định tăng giá sinh hoạt một lần nữa. Lần này chính quyền đã ngăn chận trước tại những nơi có khả năng tổ chức đình công, nên mặc dù công nhân rất bất mãn, nhưng không có cuộc đình công nào xảy ra. Mặc dù đã tăng giá sinh hoạt nhưng chính quyền Edward Gierek vẫn không giải quyết được tình trạng thâm thủng ngân sách, nên đến ngày 1 tháng 7 năm 1980 lại phải tiếp tục tăng giá thịt và những sản phẩm chế biến bằng thịt. Việc này đã làm cho công nhân và dân chúng không còn chịu đựng được nữa. Cuộc đình công phản đối của công nhân tại thành phố Chelm vào ngày 2 tháng 7 năm 1980 đã mở đầu cho một loạt những biến cố đưa đến sự tan rã chế độ cộng sản Ba Lan vào một thập niên sau đó.

Những Diễn Biến Chính Trị

Công Đoàn Đoàn Kết Ra Đời

Đại diện chính quyền Ba Lan (trái) cùng với
ông Lech Walesa (phải) ký thỏa ước
thi hành 21 Yêu Sách của Ủy Ban Đình Công.
Cuộc đình công chống tăng giá thịt của công nhân tại thành phố Chelm đã tác động mạnh mẽ lên công nhân ở thành phố Gdansk, nằm ở ven biển Baltic. Ngày 14-8-1980, lấy lý do chống đối việc ban quản trị sa thải một nữ công nhân phụ trách điều khiển giàn cần trục tự động, công nhân xưởng đóng tàu Lênin tại Gdansk đã tiến chiếm công trường, thực hiện đình công. Ngày 16-8-1980, công nhân thành lập Ủy ban đình công (MKS: Miedzyzakladowy Komitet Strajkowy/Inter-Factory Strike Committee) để bảo vệ quyền lợi công nhân. Ngày 18-8-1980, Ủy ban đình công đưa ra 21 yêu sách đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan phải đáp ứng như công nhận quyền đình công, thừa nhận quyền lập nghiệp đoàn, quyền tự do hội họp... Ngày 22-8-1980, chính quyền Gierek phải cử một số cán bộ đến thảo luận về những yêu sách của Ủy ban đình công ở Gdansk.

Sau mấy ngày thảo luận và tranh cãi về nhiều vấn đề, cuối cùng, đại diện chính quyền Gierek đã ký một thỏa ước với Lech Walesa, đại diện Ủy ban, vào ngày 1-9-1980, đồng ý thực thi 21 yêu sách của Ủy ban như chấp nhận quyền tự do lập nghiệp đoàn, tự do nhóm họp và tự do đình công... Ngày 4-9-1980, Ủy ban đình công (MKS) cải tên thành Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc), bầu Lech Walesa làm Chủ tịch, văn phòng đặt trong xưởng đóng tàu Lênin ở thành phố Gdansk.

Sự ra đời của Công Đoàn Đoàn Kết đã thu hút đông đảo công nhân, trí thức và quần chúng Ba Lan tham gia. Nó không chỉ là một nghiệp đoàn độc lập ngoài chính quyền mà còn là một phong trào công nhân đòi tự do dân chủ. Khi đó, Đức Hồng Y gốc Ba Lan vừa trở thành Đức Giáo Hoàng John Paul II (1978), vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo La Mã, đã ủng hộ Công Đoàn Đoàn Kết một cách công khai, khiến cho giới công nhân, quần chúng nhiệt liệt tin tưởng vào thế đấu tranh chính nghĩa của Công Đoàn Đoàn Kết. Nhờ vậy mà trong giai đoạn đầu của thập niên 80, số thành viên tham gia Công Đoàn lên đến gần 1/3 dân số Ba Lan, trở thành một lực lượng chính trị đáng kể.

Công Đoàn Đoàn Kết Bị Đàn Áp

Thủ Tướng Wojciech
Jaruzelski ban bố
lệnh thiết quân luật
ngày 13-12-198
đặt Công Đoàn Đoàn Kết
ra ngoài vòng phát luật.
Ngày 14-9-1980, Trung ương đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (PUWP) buộc Edward Gierek từ chức chức vụ Thủ tướng, và đề cử Kania lên thay thế. Nhưng Thủ tướng Kania cũng không ổn định được tình hình, nên đến tháng 2 năm 1981, Trung ương đảng đề cử Wojciech Jaruzelski, thuộc phe giáo điều lên làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Sau khi lên cầm quyền, Jaruzelski đã lập ra và tự làm chủ tịch Hội đồng Quân sự Cứu quốc gồm 20 tướng lãnh (cơ chế này không quy định trong hiến pháp), với mục đích ngăn ngừa đảo chánh và ổn định tình hình. Ngày 13-12-1981, Jaruzelski ban hành lệnh thiết quân luật trên toàn quốc, đồng thời đóng cửa biên giới, cấm phát hành sách báo, cấm mọi cuộc đình công, biểu tình, và cấm dân chúng rời nhà ban đêm.

Thủ tướng Wojciech Jaruzelski không những ra lệnh đóng cửa các trụ sở của Công Đoàn; bắt giam Lech Walesa cùng bộ tham mưu của ông lúc đó là những nhân vật tên tuổi như Adam Michnik, Luật sư Tadeusz Mazowieckj, Sử gia Bronislaw Geremek... mà còn quản thúc cựu Thủ tướng Edward Girerek và những cán bộ đảng viên có liên hệ đến việc chấp nhận 21 yêu sách của Công Đoàn Đoàn Kết vào năm 1980. Ngày 9-10-1982, chính quyền Jaruzelski đặt Công Đoàn Đoàn Kết ra ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, để phản đối lệnh thiết quân luật và việc đàn áp Công Đoàn Đoàn Kết của chính quyền Jaruzelski, Tổng thống Reagan đã cho triệu hồi đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan về nước, và công bố lệnh cấm vận kinh tế Ba Lan vào ngày 24-12-1981. Sau đó, Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi Nhật Bản và các nước Tây phương quyết định tương tự như Hoa Kỳ để bảo vệ Công Đoàn Đoàn Kết. Ngày 2-9-1982, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ đã đề ra chính sách mới về Đông Âu, với mục tiêu giúp cho các nước này tiếp cận với Tây Âu để tách khỏi sự chi phối của Liên Xô. Do những áp lực của các quốc gia Tây Phương và của tòa thánh Vatican, Thủ tướng Wojciech Jaruzelski đã phải chấm dứt lệnh thiết quân luật vào tháng 12 năm 1982 và ra lệnh phóng thích Walesa cùng thành phần lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết. Vì hạ tầng cơ sở bị tê liệt do sự khủng bố của cơ quan mật vụ Ba Lan, hoạt động của Công Đoàn Đoàn Kết từ đó trở nên suy yếu. Mặc dù uy tín cá nhân của Walesa gia tăng và được Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao Giải Nobel Hòa Bình năm 1983, nhưng ông đã không lấy lại được khí thế cho Công Đoàn, khiến hơn một nửa thành viên ngưng hoạt động hoặc xa lánh Công Đoàn vào những năm kế tiếp.

Đình Công Đưa Đến Sự Sụp Đổ Nội Các Mesnel

Hàng trăm ngàn người biểu tình hàng ngày
làm tê liệt các sinh hoạt trong xã hội.
Trong khi Công Đoàn Đoàn Kết bị tê liệt, nội tình của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (PUWP) cũng rối rắm vì sự xung đột giữa hai phe giáo điều và cải cách trong đảng. Phe cải cách thắng thế và ép buộc Jaruzelski từ chức Thủ tướng. Trung Ương Đảng Công Nhân Thống Nhất đề cử Mesnel lên thay thế. Nội các Mesnel đưa ra một số chương trình cải cách, nhưng lại dùng thủ đoạn bắt Quốc hội Ba Lan thông qua đạo luật "Quyền Tối Khẩn" cho nội các, vào ngày 11-5-1988, mục tiêu là để giúp cho Mesnel có thể đưa ra những pháp lệnh phù hợp trong khuôn khổ cải cách có lợi cho đảng cầm quyền. Nhận thấy âm mưu của đảng cầm quyền không muốn tiến hành các chương trình cải cách mà ngược lại sẽ tung ra những pháp lệnh nhằm trì hoãn các biện pháp cải cách chính trị, Lech Walesa kêu gọi Công Đoàn Đoàn Kết thực hiện một cuộc đình công quy mô trên toàn quốc kéo dài từ tháng 4 qua đến tháng 8 năm 1988. Nội các Mesnel dùng "Quyền Tối Khẩn" để ngăn chận cuộc đình công, nhưng thất bại. Trước tình trạng sinh hoạt xã hội bị tê liệt do cuộc đình công của Công Đoàn gây ra, phe cải cách một lần nữa áp lực Trung ương đảng phải trực tiếp đối thoại với Công Đoàn Đoàn Kết để giải tỏa cuộc đình công toàn quốc này. Do đó, trong Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung Ương đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan nhóm họp vào ngày 13-6-1988, Tổng bí thư Wojciech Jaruzelski, tuy không công nhận Công Đoàn Đoàn Kết là một tổ chức hợp pháp, nhưng tuyên bố chấp nhận tham dự Hội Nghị Bàn Tròn với đại diện Công Đoàn, để giải quyết các yêu sách.

Ngày 26-8-1988, Bộ trưởng Nội vụ Czeslaw Kiszczak tuyên bố là nếu Công Đoàn chấp hành luật pháp và hiến pháp của Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan, thì chính quyền sẵn sàng thỏa mãn các yêu sách của Công Đoàn mà không cần một điều kiện nào. Ngày hôm sau, Walesa công bố bản tuyên cáo đồng ý những đề nghị của chính quyền. Ngày 31-8-1988, Walesa gặp gỡ Bộ trưởng Nội vụ Czeslaw Kiszczak, sau đó kêu gọi công nhân toàn quốc ngưng cuộc đình công. Trước khi đó, đảng Công Nhân Thống Nhất (PUWP) cấp tốc tổ chức Hội nghị Trung Ương đảng kỳ 8 sớm hơn dự trù, từ ngày 27 đến 28-8-1988, để đối phó với tình hình. Trong Hội nghị này, Trung Ương đảng chính thức quyết định tiến hành cải cách kinh tế và chính trị, đồng thời biểu quyết chấp thuận việc đối thoại với Công Đoàn Đoàn Kết. Như vậy, mặc dù buộc Quốc hội thông qua để có đạo luật "Quyền Tối Khẩn", nội các Mesnel đã không chận đứng được các cuộc đình công của Công Đoàn và cũng không thực hiện được cuộc cải cách theo ý của đảng cầm quyền, nên cuối cùng Quốc Hội đã biểu quyết bất tín nhiệm nội các khiến Thủ tướng Mesnel phải từ chức.

Hội Nghị Bàn Tròn

Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền
Ba Lan và Công Đoàn Đoàn Kết
từ ngày 6-2 đến 5-4-1989.
Mặc dù đã đồng ý tham dự Hội Nghị Bàn Tròn với Công Đoàn, chính quyền Cộng sản Ba Lan vẫn tìm cách trì hoãn, đưa ra một số điều kiện để giới hạn mục tiêu của hội nghị. Đầu tiên, phía chính quyền đặt điều kiện là Công Đoàn phải tôn trọng hiến pháp, luật pháp hiện hành, và chỉ bàn về sự hợp pháp của Công Đoàn mà thôi. Phía Công Đoàn Đoàn Kết thì dựa vào điều tuyên bố của chính quyền trước đó, rằng Hội Nghị không có điều kiện nào ràng buộc về chủ đề họp cũng như người tham gia, nên tẩy chay cuộc họp. Ngày 3-11-1988, Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak xin hội đàm với Walesa để khai thông vấn đề. Phía Công Đoàn Đoàn Kết đã đưa ra một số điều kiện tiên quyết để tham dự Hội Nghị:

1) Thừa nhận sự hợp pháp của Công Đoàn;
2) Phục hồi chức vụ và công việc của những người đã tham gia đình công;
3) Cho những người đã liên hệ trong hai cuộc đấu tranh năm 1968 và 1970 tham dự hội nghị;
4) Thu hồi lệnh giải tán xuởng đóng tàu Lênin.

Những đòi hỏi của Công Đoàn Đoàn Kết đã khiến cho đảng cầm quyền lúng túng. Mãi cho đến ngày 18-1-1989, Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan mới triệu tập được Hội nghị lần thứ 10 của Trung ương đảng để thảo luận về các điều kiện kể trên của Công Đoàn. Cuối cùng, Hội Nghị phải nhượng bộ, đồng ý bốn yêu sách của Công Đoàn và đưa ra hai quyết định quan trọng: Thứ nhất là chấp nhận sinh hoạt chính trị đa thành phần (chưa công nhận đa đảng); Thứ hai là chấp nhận nghiệp đoàn đa thành phần. Ngày 22-1-1989, Công Đoàn Đoàn Kết đưa ra lời tuyên bố biểu lộ sự quan tâm về quyết định của đảng cầm quyền và chấp nhận tham gia Hội Nghị Bàn Tròn. Hội Nghị Bàn Tròn bắt đầu từ ngày 6-2-1989 kéo dài đến ngày 5-4-1989. Ngày đầu và ngày cuối có diễn văn khai mạc và bế mạc của cả hai phía. Hội Nghị chia làm ba tiểu ban gồm:

Tiểu Ban I, thảo luận về các chương trình cải cách kinh tế và những chính sách xã hội;
Tiểu Ban II, thảo luận về chính sách nghiệp đoàn, lao động;
Tiểu Ban III, thảo luận về cải cách chính trị.

Công Đoàn Đoàn Kết Đại Thắng Trong Cuộc Bầu Cử Quốc Hội

Dân chúng Ba Lan đi bỏ phiếu và
đại đa số bỏ phiếu cho các ứng viên
của Công Đoàn Đoàn Kết 4-6-1989.
Căn cứ trên những thỏa thuận trong Hội Nghị Bàn Tròn giữa chính quyền và Công Đoàn Đoàn Kết, cuộc bầu cử Quốc hội đã được quy dịnh hai lần vào ngày 4 và 18-6-1989 (nếu trong lần bầu đầu tiên mà ứng viên cao phiếu nhất không đạt trên quá bán thì sẽ phải bầu lại lần thứ nhì giữa 2 ứng viên được số phiếu cao nhất). Kết quả của lần bầu cử đầu tiên vào ngày 4-6-1989, Công Đoàn Đoàn Kết đã thắng vẻ vang, vượt ra ngoài dự liệu của mọi người.

Tại Hạ Viện, trong số 161 ghế dành cho những ứng viên tự do, thì ngay trong vòng đầu, người của Công Đoàn Đoàn Kết thắng 100%, tức chiếm 161 ghế. Nếu số ghế chia cho những ứng cử viên không đảng phái được quy định nhiều hơn, hay để cho dân tự do tuyển chọn, thì có lẽ số ghế của Công Đoàn Đoàn Kết còn cao hơn nữa. Ngược lại, trong số những ứng viên của đảng cầm quyền trên toàn quốc có 35 người, thì 33 người không đủ túc số quá bán, như Thủ tướng Mieczyslaw Rakowski, Bộ trưởng Nội vụ Czeslaw Kiszczak, Ủy viên Bộ chính trị Jozef Czyrek. Lúc đầu chính quyền không dự định tổ chức cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ hai vào ngày 18-6-1989, vì nghĩ là phe chính quyền sẽ toàn thắng. Nhưng trước kết quả này, chính quyền Cộng sản đã phải cấp tốc tổ chức bầu cử lần thứ hai.

Sau hai lần bầu cử, kết quả số ghế giữa các đảng như sau: Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (đảng đang cầm quyền) được 173 ghế (chiếm 38%); Công Đoàn Đoàn Kết được 161 ghế (chiếm 35%); Đảng Nông Dân Thống Nhất (ngoại vi của đảng cầm quyền) được 76 ghế (chiếm 17%); đảng Dân Chủ (ngoại vi của đảng cầm quyền) được 27 ghế (chiếm 6%), Liên Minh các tổ chức Thiên Chúa Giáo được 23 ghế (chiếm 5%). Tại Thượng Viện, Công Đoàn Đoàn Kết toàn thắng vì trong 100 ghế ở Thượng Viện, Công Đoàn chiếm 99 ghế, 1 ghế còn lại thuộc về 1 nhân vật không liên hệ đảng phái. Mặc dù Công Đoàn Đoàn Kết chiếm nhiều ghế nhất trong hai viện, nhưng ở Hạ Viện, số ghế của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan cộng chung với các đảng ngoại vi (đảng Nhân Dân Thống Nhất, đảng Dân Chủ) vẫn chiếm ưu thế (276 ghế) nên đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan có nhiều thuận lợi hơn trong việc tuyển chọn Tổng thống (nhiệm kỳ đầu do Quốc hội bầu) và Thủ tướng.

Sau những dàn xếp nội bộ giữa các đảng phái, ngày 19-7-1989, toàn thể lưỡng viện Quốc hội đã bầu Wojciech Jaruzelski làm Tổng thống với tư cách không đảng phái. Ngày 2-8-1989, Hạ Viện đã bỏ phiếu đồng ý việc tổng từ chức của nội các Rakowski. Sau đó, Quốc hội biểu quyết vai trò Thủ tướng của Czeslaw Kiszczak do tân Tổng thống Wojciech Jaruzelski chỉ định. Việc chỉ định cựu Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak làm Thủ tướng đã bị một số dân biểu trong đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan cùng với sự hỗ trợ của một phần dân biểu trong Công Đoàn Đoàn Kết chống đối. Trong khi dân biểu của hai đảng ngoại vi của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan là đảng Dân Chủ và đảng Nông Dân Thống Nhất lại ủng hộ Czeslaw Kiszczak, nên việc tuyển chọn Kiszczak làm Thủ tướng tuy gặp trở ngại lúc đầu, nhưng cuối cùng cũng được Hạ Viện biểu quyết thông qua. Tuy nhiên việc thành lập nội các của tân Thủ tướng Czeslaw Kiszczak vô cùng khó khăn, vì nếu phe Công Đoàn Đoàn Kết không tham gia thì nội các của Thủ tướng Kiszczak sớm muộn gì cũng bị lật đổ.

Trước tình thế gay go này, ngày 7-8-1989, Lech Walesa đề nghị ba đảng gồm: Công Đoàn Đoàn Kết, đảng Dân Chủ và đảng Nông Dân Thống Nhất ra lập nội các. Đảng Nông Dân Thống Nhất và đảng Dân Chủ vốn đang bất mãn về việc thành lập chính quyền liên hiệp với đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan, nên muốn ngả về giải pháp của Walesa. Trước tình hình hỗn loạn đó, ngày 16-8-1989, Czeslaw Kiszczak tuyên bố từ bỏ ý định ra làm Thủ tướng. Ngày 24-8-1989, Hạ Viện Ba Lan bỏ phiếu tín nhiệm Luật sư Tadeusz Mazowieckj làm Thủ tướng. Ông Tadeusz Mazowieckj nguyên là thành phần Công giáo Trí thức Dấn thân, đã từng hoạt động nhiều năm bên cạnh Giáo Hội Công Giáo Ba Lan với tư cách là một ký giả. Năm 1980, khi Công Đoàn Đoàn Kết thành lập, Taduez Mazowieckj tham gia, làm chủ bút tờ báo Solidarnosc của Công Đoàn. Sau khi nhậm chức Thủ tướng, Tadeusz Mazowieckj đã tiến hành việc thành lập chính phủ liên hiệp nhiều thành phần, nhưng cũng bị nhiều áp lực nặng nề từ phía Liên Xô.

Sự Bế Tắc Của Nội Các Tadeusz Mazowieckj

Nội các Mazowieckj thừa hưởng một gia tài đổ nát, nợ ngoại trái ngập đầu, đạo đức xã hội băng hoại trầm trọng nên các chính sách dù có thực tế đến đâu, mà trì lực của di sản cộng sản quá lớn, khiến cho các chương trình cải cách không tiến hành được như ý muốn. Hơn nữa, nội các Thủ tướng Mazowieckj là một chính quyền liên hiệp, mặc dù ông cố gắng tiến hành các chính sách cải tổ, nhưng một số bộ do phe cựu cộng sản nắm giữ, luôn cố tình gây trở ngại để làm mất uy tín phe Công Đoàn Đoàn Kết. Một điểm quan trọng khác là tuy Công Đoàn Đoàn Kết nắm giữ những vị trí then chốt ở cơ chế chính quyền trung ương, nhưng trong thực tế khi tiến hành các dự án cải tổ ở địa phương, phần lớn nhân sự thừa hành đều là cán bộ cũ của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan. Những người này không thể bị thay thế mà phải được lưu dụng vì hai nguyên do: - Sa thải quá nhiều sẽ tạo xáo trộn xã hội; - Chưa có người đủ kinh nghiệm ở địa phương để thay thế.

Nắm được yếu điểm này của chính quyền Công Đoàn Đoàn Kết, các cán bộ cộng sản cố tình làm sai hoặc không giải quyết nhiều sự việc, vì thế sự bất mãn của quần chúng càng gia tăng. Nhưng khó khăn của nội các Mazowieckj không chỉ có thế. Những dấu hiệu rạn nứt trong nội bộ Công Đoàn Đoàn Kết đã thấy xuất hiện giữa thành phần trí thức của Công Đoàn (tập trung quanh tờ báo Gazeta của Công Đoàn) với các hạ tầng cơ sở Công Đoàn, qua những chính sách ưu tiên ban hành của chính quyền Mazowieckj. Phe trí thức đòi hỏi chính quyền phải ưu tiên cải tổ chính trị, điều chỉnh hệ thống kiểm soát và quy chế truyền thông. Trong khi hạ tầng cơ sở của Công Đoàn thì coi việc giải quyết vấn đề thực phẩm, lương bổng là ưu tiên hàng đầu của công nhân. Khi Công Đoàn Đoàn Kết ra thành lập chính quyền liên hiệp, một số nước Tây phương hứa sẽ viện trợ để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế lụn bại của Ba Lan. Nhưng ngoài những lời cố vấn về kỹ thuật để gây dựng cơ cấu kinh tế thị trường, các nước Tây phương hầu như không tháo khoán toàn bộ những ngân khoản đã hứa. Trong khi đó, những khó khăn bắt đầu Txuất hiện từ hàng ngũ công nhân, khi thấy là "người của họ" đã không những không ổn định được vật giá, mà còn có chiều hướng áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, không cho tăng lương. Từ những khó khăn này, nội bộ Công Đoàn chia làm hai phe, đứng đầu bởi Walesa và Mazowieckj, đối nghịch nhau về phương cách giải quyết vấn nạn Ba Lan. Sự đối nghịch này gia tăng mỗi ngày một lớn, tạo ra sự tranh chấp công khai giữa Walesa và Mazowieckj trên mặt báo chí và nhất là trong cuộc tranh cử Tổng thống tổ chức vào ngày 18-10 và 18-11-1990.

Trong tình thế đó, đa số quần chúng mong muốn Walesa ra lãnh đạo Ba Lan, vì với uy tín sẵn có, Walesa có thể tạo một gạch nối rất tốt giữa chính quyền với quần chúng, để vận động mọi giới tham gia đóng góp vào công cuộc phục hưng Ba Lan. Ngày 12-5-1990, giới trí thức và một số thành phần lãnh đạo Công Đoàn ở địa phương ủng hộ Lech Walesa lập ra tổ chức Liên Minh Trung Ương (Centre Alliance) để vận động phiếu cho Walesa ra tranh cử Tổng thống. Trong khi đó, ngày 16-7-1990, những người ủng hộ Mazowieckj thành lập tổ chức Phong Trào Công Dân Dân Chủ Hành Động (Citizens’ Movement Democratic Action). Lúc đầu cả hai nhóm biết tự chế, tạo những liên hệ với nhau, vì cùng chung một gốc là Công Đoàn. Nhưng về sau, cả hai đã đưa ra một số lập trường và quan điểm chính trị khác biệt, khiến cho nội bộ Công Đoàn Đoàn Kết phân rã trầm trọng. Xu hướng của nhóm Liên Minh Trung Ương (phe ủng hộ Walesa) thiên về cánh hữu, theo chủ nghĩa dân túy (populist), tôn trọng truyền thống dân tộc và ngả về khuynh hướng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Trong khi nhóm Phong Trào Công Dân Dân Chủ Hành Động (phe ủng hộ Mazowieckj) thì theo chủ nghĩa tự do, tiến bộ, thiên về cánh tả. Mặc dù khuynh hướng chính trị có khác nhau, nhưng chủ đề chính mà hai nhóm đưa ra trong cuộc bầu cử Tổng thống vẫn là đề tài kinh tế.

Lech Walesa Được Bầu Làm Tổng Thống

Lech Walesa khi được bầu
làm Tổng Thống.
Cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan được tổ chức hai lần, lần I vào ngày 18-10 và lần II vào ngày 18-11-1990, với ba đối thủ, hai người trong Công Đoàn Đoàn Kết là Lech Walesa và Tadeusz Mazowieckj, người thứ ba là một thương gia Gia Nã Đại, gốc Ba Lan, kinh doanh tại Peru, tên là Stanislaw Tyminskj. Sự xuất hiện của nhân vật Stanislaw Tyminskj đã làm cho hai phe trong Công Đoàn bối rối, còn quần chúng thì vừa ngạc nhiên, vừa chờ đợi "phép lạ" làm giàu của Tyminskj. Khi Tyminski nộp đơn tranh cử, cử tri Ba Lan chỉ thoáng biết rằng ông ta đã rời Ba Lan bằng chiếu khán du lịch năm 1969, đến Gia Nã Đại học ngành kỹ thuật điện toán, năm 1975 thành lập hãng Transduction sản xuất các hệ thống điện toán cho công xưởng và nhà máy điện lực, trở thành triệu phú tại Toronto. Năm 1982, Tyminskj sang Peru thành lập hãng truyền hình và cưới vợ tại đây, ông đã nhiều lần về Ba Lan du lịch qua ngả Libya trong thập niên 80.

Kết quả cuộc bầu cử vòng đầu vào ngày 18-10-1990, Lech Walesa đứng thứ nhất nhưng chỉ chiếm được 40% phiếu cử tri, thương gia Stanislaw Tyminskj đã vượt hơn Tadeusz Mazowieckj đứng hàng thứ hai với 23% phiếu, còn Mazowieckj thua cuộc, đứng hàng thứ ba với 20% phiếu. Mặc dù trên tổng thể, Tyminskj thua phiếu Walesa, nhưng ở một số địa phương, Tyminskj đã có số phiếu cao hơn cả Walesa, nhất là vùng công nhân hầm mỏ tại Katowice. Điều này cho thấy là tuy Tyminskj không được cử tri biết đến nhiều nhưng khẩu hiệu tranh cử "làm giàu dân Ba Lan" đáp ứng được sự chờ đợi và mong muốn giàu có nhanh của quần chúng. Trong khi đó, những lời hứa hẹn khá sôi nổi nhưng có vẻ thiếu giải pháp của Lech Walesa lúc tranh cử cũng đã là một yếu tố khiến Walesa không chiếm được đa số phiếu như mong đợi.

Tình trạng này đã đặt cho nội bộ Công Đoàn Đoàn Kết một nhu cầu sinh tử là phải đoàn kết một khối, dồn phiếu cho Walesa nếu không muốn thất bại trong lần bầu cử vòng hai giữa Lech Walesa và Tyminskj vào ngày 18-11-1990. Kết quả là Lech Walesa chiếm được 75% phiếu, Tyminskj chiếm được 25% phiếu. Lech Walesa đã chính thức trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của nước Ba Lan tự do vào ngày 22-12-1990 (có nhiệm kỳ 5 năm).

Sau khi nhận chức Tổng thống, Lech Walesa chỉ định nhà kinh tế Jan Krzysztof Bielecki thay thế Luật sư Tadeusz Mazowieckj trong trách nhiệm Thủ tướng trong cuộc họp Quốc Hội vào đầu năm 1991. Tuy nhiên nội các này cũng không giải quyết tình hình được sáng sủa hơn. Mặc dù bên Công Đoàn Đoàn Kết cố gắng đẩy mạnh cải cách kinh tế, nhưng tình hình vẫn bị trì trệ bởi 65% ghế của đảng viên cộng sản Ba Lan tại Hạ Viện. Tổng thống Walesa nóng lòng yêu cầu Quốc hội cho Hành Pháp thêm quyền. Ngày 27-10-1991, Ba Lan tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên sau Đệ Nhị Thế Chiến. Vì có quá nhiều đảng phái ra tranh cử nên mặc dù phe Công Đoàn Liên Đới xuất hiện với hai tập hợp chính trị mới là Liên Minh Trung Ương (ủng hộ Walesa) và Phong Trào Công Dân Dân Chủ Hành Động do cựu Thủ Tướng Tadeusz Mazowieckj lãnh đạo có số phiếu cao nhất so với đảng Liên Minh Dân Chủ Tả Khuynh (hậu thân của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan), nhưng không có đảng nào chiếm quá 13% tổng số phiếu cử tri trên toàn quốc. Cuộc bầu cử này đã mở ra giai đoạn hỗn loạn về đảng phái trong chính trường Ba Lan.

Phe Cựu Cộng Sản Chiếm Ưu Thế Trong Quốc Hội

Ngày 13-9-1993, Ba Lan tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do lần thứ hai, theo luật tuyển cử mới được soạn thảo trong thời nội các của Thủ tướng Hanna Suchocka. Theo luật mới này, mỗi đảng muốn ra tranh cử phải có trên 5% phiếu cử tri thì mới hợp lệ. Luật này đã loại được những chính đảng nhỏ trong số 29 đảng phái trước đây trong Quốc hội và chỉ còn lại 6 chính đảng lớn. Trong cuộc bầu cử này, đảng Liên Minh Dân Chủ Tả Khuynh (cựu cộng sản) thắng thế đứng hàng thứ nhất chiếm 20,4% phiếu cử tri toàn quốc với 171 ghế; Đảng Nông Dân chiếm 15,4% phiếu với 132 ghế trở thành đảng đứng thứ hai; hai nhóm Liên Minh Trung Ương và Phong Trào Công Dân Dân Chủ Hành Động của Công Đoàn Đoàn Kết chỉ chiếm được 12% phiếu cử tri, tụt xuống hàng thứ ba và thứ tư.

Tổng số dân biểu của hai nhóm tả khuynh cựu cộng sản gồm Liên Minh Dân Chủ Tả Khuynh và đảng Nông Dân Ba Lan chiếm hơn 2/3 ghế trong Hạ viện. Hai nhóm này đã liên hiệp thành lập chính quyền tả khuynh đầu tiên sau cuộc chính biến ở Ba Lan vào năm 1989. Waldemar Pawlar, chủ tịch đảng Nông Dân Ba Lan được đề cử làm Thủ tướng. Tuy theo khuynh hướng tả phái, Thủ tướng Waldemar Pawlar chủ trương tiếp tục thi hành các chính sách cải tổ do Công Đoàn Đoàn Kết đưa ra trước đó. Cho đến tháng 10 năm 1994, nội các Pawlar đã đẩy lùi được nạn lạm phát xuống còn 30%, so với các năm trước lên đến ba con số. Sản lượng công nghiệp tăng 13%, xuất cảng tăng 20% so với năm 1993. Tuy nhiên tình trạng thất nghiệp vẫn lan rộng lên đến 15%, và thay đổi theo từng khu vực. Theo thống kê vào tháng 11 năm 1994, nạn thất nghiệp ở thủ đô Warsaw là 7,7%; thành phố Poznan là 8,3% và thành phố Kosharin lên đến 28,3%.

Sau khi phe cựu Cộng sản chiếm ưu thế trong Quốc hội, tiềm lực chính trị của phía Công Đoàn Đoàn Kết bắt đầu suy giảm, ảnh hưởng đến cuộc vận động tái ứng cử vào chức vụ Tổng thống của ông Lech Walesa. Từ đầu năm 1995, những chủ trương cải cách kinh tế của Liên Minh Dân Chủ Tả Khuynh (cựu cộng sản) từng ảnh hưởng mạnh ở khu vực nông thôn như duy trì nền kinh tế theo khuynh hướng thị trường giống như Công Đoàn, mở rộng chế độ bảo hiểm xã hội, thận trọng trong việc giải tư xí nghiệp quốc doanh... nay bắt đầu nhận được sự ủng hộ của thành phần trí thức đô thị. Trong khi đó, Tổng thống Walesa chủ trương đẩy nhanh vấn đề giải tư, kêu gọi quần chúng thắt lưng buộc bụng, nên đã tạo ra làn sóng bất mãn trong dân chúng.

Cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan lần thứ 3 sau biến cố năm 1988, đã diễn ra vào ngày 5-11-1995 với 11 ứng cử viên, nhưng đối thủ quan trọng nhất của Lech Walesa là Aleksander Kwasniewski, đương kim Chủ tịch Liên Minh Dân Chủ Tả Phái. Kết quả cuộc bầu cử là không có ai chiếm được tỷ lệ quá bán, nhưng điều bất ngờ cho Tổng thống Walesa là ông chỉ được 33,3% số phiếu, về hạng nhì, trong khi ông Aleksander Kwasniewski về nhất chiếm 34,8%, và người về thứ ba là ông Jack Kron, nguyên cố vấn Công Đoàn chiếm 8,7% phiếu. Do đó, Ba Lan đã phải tổ chức bầu lại đợt hai vào ngày 20-11-1995, với sự tranh phiếu của hai ứng viên Walesa và Kwasniewski. Kết quả Kwasniewski về nhất chiếm 51,72% còn Tổng thống Walesa chỉ được 48,27% phiếu, mặc dù đã được ứng cử viên về ba là Jack Kron tuyên bố vận động dồn phiếu cho Walesa.

Kết quả cuộc bầu cử cho thấy phần lớn dân chúng Ba Lan muốn được thấy Ba Lan sớm thay đổi và kinh tế phục hồi. Nhưng suốt trong mấy tháng vận động, Tổng thống Walesa và bộ tham mưu của ông chỉ đề cập nhiều về quá khứ thảm họa cộng sản, kêu gọi mọi người cảnh giác không cho Cộng sản trở lại cầm quyền, nhưng lại không cho thấy một viễn ảnh gì sáng sủa hơn. Trong khi đó, Kwasniewski, chủ tịch Liên Minh Dân Chủ Tả Phái, 41 tuổi, đã đưa ra lời hứa là tiếp tục duy trì thể chế chính trị dân chủ mà Công Đoàn Đoàn Kết đã gây dựng, nhưng sẽ cật lực làm cho nền kinh tế sớm phục hồi.

Kết Luận

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị
về thăm Ba Lan vào ngày 2-6-1979.
Sau cuộc thăm viếng này cục diện
chính trị tại Ba Lan thay đổi.
Trong suốt thập niên 80, Công Đoàn Đoàn Kết liên tục bị đàn áp, khủng bố và thành phần lãnh đạo bị truy lùng gắt gao. Nhưng nhờ sự hậu thuẫn của Giáo Hội Công Giáo, được những vị Linh mục ở các địa phương tận tình che giấu, bí mật chuyển tài liệu cho Công Đoàn ở trong và ngoài nước, nên ngọn lửa đấu tranh của công nhân liên tục được bùng cháy. Ngoài ra, phải kể đến sự hỗ trợ tại các nước Tây phương, nhất là Tổng thống Reagan của Hoa Kỳ có những biện pháp áp lực mạnh mẽ lên chính quyền Cộng sản Ba Lan, như vừa công bố lệnh cấm vận đối với Ba Lan để đòi thu hồi lệnh thiết quân luật, vừa ngầm giúp đỡ Công Đoàn, qua Tổng Liên Đoàn Lao Động. Trong khi đó, trên mặt ngoại giao Hoa Kỳ tìm cách lôi kéo các nước có ý muốn tách rời khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Những áp lực này đã khiến cho chính quyền Cộng sản Ba Lan phải chấm dứt thiết quân luật. Yếu tố này là khởi điểm sự suy yếu của chính quyền Cộng sản Ba Lan.

Nhưng, sở dĩ biến cố Ba Lan diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho Công Đoàn Đoàn Kết, phần lớn nhờ vào thái độ ngấm ngầm khuyến khích bằng cách "làm ngơ" của ông Gorbachev. Trong hội nghị về an ninh của các nước trong khối Quân sự Warsaw vào giữa tháng 6 năm 1988, Gorbachev đã tuyên bố rằng "nhân dân các nước Đông Âu quyết định vận mạng của mình trong việc xậy dựng xã hội chủ nghĩa mà không có sự can thiệp thô bạo nào từ bên ngoài". Tháng 10 năm 1988, trong bài diễn văn đọc tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Gorbachev tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa sẽ giảm các lực lượng đồn trú tại Đông Âu, tái phối trí như một lực lượng có tính cách phòng thủ và không chủ trương dùng biện pháp quân sự để can thiệp. Đây là chỉ dấu mà Công Đoàn Đoàn Kết nói riêng và các lực lượng dân chủ ở các nước Đông Âu cũ đã chờ đợi từ lâu. Nhờ vậy mà các tổ chức quần chúng đã mạnh mẽ tiến hành các nỗ lực tranh đấu, không lo sợ Hồng Quân Liên Xô đàn áp như những năm 1956, 1968 trước đây. Nói tóm lại, sự thắng thế của Công Đoàn Đoàn Kết, phần lớn do ý chí đấu tranh của thành phần công nhân và trí thức, nhưng nếu không có áp lực quốc tế, kể cả thái độ "làm ngơ" của ông Gorbachev, thì đã không xảy ra một cách nhanh chóng và ngoạn mục như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét