09 tháng 3, 2007

Phát biểu của Giáo sư Bùi Xuân Quang trong buổi ra mắt sách Đông Âu tại Việt-Nam của tác giả Lý Thái Hùng

* Giáo sư Bùi Xuân Quang

Paris 4 Tháng Ba 2007

Ðầu tiên, trên tư cách một thường dân Việt-Nam (chữ của Tưởng Năng Tiến), tôi cám ơn anh Lý Thái Hùng đã có công xuất bản sách « Đông Âu tại Việt-Nam ». Ðây là một tài liệu thật quý, đầy đủ, nghiêm chỉnh, phân tích mạch lạc nhưng với lời văn giản dị các sự kiện đã đưa đến sự sụp đổ của chế độ Cộng sản tại Đông Âu. Dĩ nhiên, người Việt chúng ta ai muốn hiểu rõ sự kiện Đông Âu, sự kiện quan trọng nhất của lịch sử nhân loại cuối thế kỷ 20 đều cần có tác phẩm này. Và phải có, nếu không phải là người nghiên cứu chuyên nghiệp, thông hiểu ngoại ngữ, có thì giờ tìm tòi tài liệu trong các thư viện để soạn thảo trong trí óc một cuốn sách cho riêng mình.

Các dữ kiện trong sách về phong trào dân chủ Viêt-Nam hiện nay cũng rất đầy đủ, chính xác. Đó là phần tài liệu hoàn toàn khách quan, không thể bác bỏ vì lý do chính trị, không thể giấu giếm vì lương tâm ít ỏi.

Anh Lý Thái Hùng là một nhà tranh đấu chính trị, là một người hiện đang giữ một vai trò quan trọng và trách nhiệm trong một chính đảng Việt-Nam. Tất nhiên, kết luận của tập sách, phương hướng đấu tranh, cái nhìn chiến lược của tác giả, là cái nhìn về tình hình đất nước của Đảng Việt Tân mà anh Lý Thái Hùng đại diện. Cho ra mắt sách Đông Âu tại Việt-Nam là chính thức công bố cái nhìn chiến lược của Đảng Việt Tân. Độc giả có thể đồng ý hay không, đồng ý chỗ nào, không đồng ý chỗ nào, nhưng không thể chụp mũ, nói xấu theo cách hành sử thông thường của bọn mạ lị chuyên nghiệp đối với những cá nhân, những tổ chức, nổi lên trong cộng đồng hải ngoại.



Tôi xin cám ơn ban tổ chức đã cho tôi nói lên vài lời trong buổi ra mắt sách Đông Âu Tại Việt-Nam của anh Lý Thái Hùng tại Paris, và cám ơn anh Lý Thái Hùng đã chấp nhận đề nghị của ban tổ chức. Và tôi xin lợi dụng cơ hội này để nói lên cảm nghĩ của một người dân thường không thuộc một đảng phái nào.

Thưa các bạn, nếu chúng ta quyết định dấn thân, dù ít hay nhiều, chúng ta không thể mang trong đầu một ý đồ quyền lực nào, vì đó là một thái độ quá ngu si, mà ngu si thì vô thưởng vô phạt, không đáng bàn làm gì. Như vậy, lý do nào khiến chúng ta đã dấn thân ? Khó mà giải thích một cách cặn kẽ, khoa học, để đo lường và khen chê động lực đã thúc đẩy chúng ta hướng về dân tộc, hướng về tổ quốc.

Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những đợt cứu người VN tỵ nạn ở Phi Luật Tân, những thành quả khả quan của hội Bạn Thương Phế Binh VNCH với gần 20 000 hồ sơ được giúp đỡ, thì quả là ở đâu, người Việt-Nam cũng hằng dành trong lòng một địa vị rộng lớn, bao la, cho tình yêu thương người đồng bào đang khổ cực, cho lòng biết ơn những người đã phải hy sinh vì tự do.

Song chúng ta cũng không thể quên rằng, vì yêu thương dân tộc và tổ quốc, có những người đã không ngại xả thân trong sa trường chính trị. Cái mức độ hy sinh của những người dấn thân chính trị này đã vượt ra ngoài những hy sinh thường có : họ đã hy sinh cả cuộc đời của họ, và có khi cả mạng sống của chính họ.

Ngày hôm nay, 4 tháng ba năm 2007 tại Paris, chúng ta gặp gỡ nhau ở đây, nhân dịp ra mắt sách Đông Âu Tại Việt-Nam của anh Lý Thái Hùng. Vì lòng thương đồng bào ở quê nhà, chúng ta hỗ trợ Tự Do Dân chủ cho Việt-Nam, cốt là để người Việt được ấm no, sống trong công bằng, từ bi, bác ái, sống trong sự tôn trọng nhân phẩm. Chúng ta đồng ý với nhau hay không đồng ý với nhau trên điểm này, điểm nọ, đó chỉ là chiến thuật, kỹ thuật, và tùy theo vị trí hiểu biết của mỗi cá nhân.

Nếu có NHÂN mà không có TRÍ thì công việc làm không đi đến đâu, sẽ hoặc sai lạc, hoặc trì trệ. Chúng ta gặp nhau ở đây, đó là vì chữ TRÍ.

Thưa các bạn, thiết nghĩ cần theo gương người xưa, để sống với người nay, vì nếu xã hội có thay đổi, con người bao giờ cũng vẫn chỉ là con người. Vì vậy, tôi xin thêm chữ DŨNG, vì cần DŨNG mọi hành động mới vượt được khó khăn, mới đến đích. DŨNG với lòng yêu thương đưa con người toàn vẹn lên hàng một KẺ SĨ toàn vẹn : NHÂN, TRÍ, DŨNG.

Cái dũng đầu tiên của người trí thức là chấp nhận sai lầm của mình, cái dũng đầu tiên của một người đấu tranh dân chủ là chấp nhận những người không đồng ý kiến với mình, cái dũng của một chiến sĩ, trên mọi mặt trận, là chấp nhận hy sinh xương máu vì sự thật, vì dân tộc, vì tổ quốc.

Tác giả Đông Âu tại Việt-Nam có nhiều lần nhắc đến cái nhục của người Việt-Nam lúc thấy đất nước chậm tiến đối với các nước láng giềng, đối với những quốc gia đang phát triển mạnh trên môi trường kinh tế. Theo tôi nghĩ, cái nhục đầu tiên là có đầy dẫy người Việt lầm than, cái nhục là trông thấy một xã hội bất công một cách trắng trợn. Nhưng xin thưa, đồng ý hay không với tác giả trên điểm này không có gì là quan trọng, mà cái nhục của người trí thức là không biết nhục. Và khi biết nhục thì đã bớt nhục một phần nào.

Ở trong nước, ở hải ngoại, không thiếu kẻ sĩ, đó là một điều đáng hãnh diện.

Hội AFVE, và riêng cá nhân tôi, chỉ biết đứng sau những kẻ sĩ. Lòng kính cẩn. Tâm hồn phấn khởi.

Xin cám ơn quý bạn

Bùi Xuân Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét