01 tháng 3, 2007

Đọc “Đông Âu Tại Việt Nam” của tác giả Lý Thái Hùng

* Nguyễn Ngọc Bích

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích
phát biểu tại buổi ra mắt sách
ở Houston
Năm 1989 là một năm ghi hằn sâu trong lịch sử cận đại của nhân loại. Từ Đông sang Tây, 14 năm sau khi mất miền Nam vào tay người Cộng sản, chúng ta bỗng bừng tỉnh để thấy cả "thế giới Cộng sản" lung lay đến tận gốc rễ. Ở Trung Hoa thì là Thiên An Môn với các sinh viên 19-20 tuổi, chỉ trong có ít ngày (cuối tháng 5 đầu tháng 6/1989) sém phát động được phong trào Ngũ Tứ thứ hai trong lịch sử của nước khổng lồ này, trong vòng cùng một thế kỷ. Phong trào Ngũ Tứ, trong tiếng Anh kêu là "the May Fourth Movement", là sản phẩm của một sự phẫn nộ của quần chúng rộng lớn bùng nổ vào ngày mùng 4 tháng 5 năm 1919 sau khi hiệp định Versailles chấm dứt Thế Chiến I trao cho các tô giới Đức sang cho Nhật Bản thay vì trả lại cho Trung Quốc dù như Trung quốc ở về phe Đồng minh hồi bấy giờ.

Phong trào Ngũ Tứ bị dẹp tắt, hiểu theo nghĩa hẹp là 3000 sinh viên thuộc các trường đại học ở Bắc Kinh tham gia trong biến cố Lư Cầu Kiều, bị giải tán, một số bị bắn chết, nhưng phong trào sau đó đã lan ra toàn quốc mở một kỷ nguyên cải cách mà cho đến nay vẫn chưa chấm dứt : hơn 400 tờ báo ra đời để thúc đẩy việc dùng bạch thoại, quay lưng lại với truyền thống hũ Nho nhằm đi tìm hai giá trị mới, khoa học và dân chủ. Cũng tương tự, vụ Thiên An Môn cho đến nay vẫn còn là một vết thương toang hoác trong tâm thức người dân Trung Hoa và một ngày nào đó chính quyền cộng sản Trung quốc sẽ phải trả lời cho con số mấy nghìn người, đại diện cho tuổi hoa đẹp nhất của nguyên một thế hệ, bị chết dưới nòng súng và xe tăng của "Quân đội Nhân dân" Trung quốc! Tượng thần Tự do ở Thiên An Môn đang được chép kiểu lại ở Washington, DC, để thành kỷ niệm đài cho hơn 100 triệu nạn nhân cs trong thế kỷ vừa qua.



Lịch sử là như vậy! Nó không chỉ được chép bởi những mốc ngày tháng hay một trận được thua, ngay dù to lớn như trận Mậu Thân 1968 hoặc "chiến dịch Hồ Chí Minh" dẫn đến sự toàn thắng quân sự của Hà Nội vào năm 1975. Lịch sử có những cách tự khẳng định của nó mà nhiều khi chúng ta không thể đoán định hết được. Tỷ dụ, có người nói, và cá nhân tôi cũng tin như vậy, là Hà Nội thắng về mặt quân sự còn gần như đang thua miền Nam trên hầu hết các mặt trận: kinh tế (theo tư bản, bỏ Mác-Lê) văn hóa (nhạc vàng, hội họa, thơ hiện đại, tiểu thuyết xã hội, thời trang, phim ảnh, thậm chí đến cả thi hoa hậu và cách ăn nói cũng lễ phép hơn khi họ mới ở rừng về). Về mặt chủ quyền quốc gia, chẳng hạn, ai cũng phải công nhận là trên trận chiến Hoàng Sa của miền Nam vào tháng 1-1974 vừa anh hùng, vừa có chính nghĩa hơn là mặt trận Trường Sa mà Hà Nội thua, bỏ chạy vào tháng 3-1988 và nhất là mấy hiệp định nhượng đất nhượng biển cho Trung Cộng (không đánh mà vẫn thua, vẫn mất ở một qui mô thật lớn).

Chính những việc làm nhục nhã này của Hà Nội, phản ảnh một tình trạng rối ren tranh chấp trong thượng tầng kiến trúc của đảng CSVN, đã và đang là mầm cho một diễn biến hoà bình tất yếu ở trong nước mà người cộng sản không thể cưỡng nổi. Đó chính là lý do vì sao ta có thể nói được rằng cuốn Đông Âu tại Việt Nam của Lý Thái Hùng đã ra đời thật đúng lúc.

MỘT CUỐN CHÍNH TRỊ HỌC SO SÁNH CÔNG PHU

Nếu Thiên An Môn là một biến cố lớn ở Đông Á với vang vọng còn kéo dài trong lịch sử Trung Quốc thì cùng năm, 1989, ở phía Tây còn đánh dấu một loại sóng thần quét sạch chủ thuyết cộng sản ở Đông Âu, giải phóng con người hơn trong 10 nước nếu ta tính gộp vào trong đó cả ba nước trong vùng Baltic cũng "chia tay ý thức hệ với chủ nghĩa Mác Lê" vào cùng thời gian. Là một phong trào nhân dân đứng lên giành lại chủ quyền quốc gia và quyền quyết định vận mệnh của dân tộc mình, những biến động ở Đông Âu vào năm 1989 có những nguồn gốc đôi khi rất sâu xa. Để hiểu, chúng ta không thể hời hợt được và đó chính là cái công của tác giả Lý Thái Hùng trong tám chương, một chương tổng quát và bảy chương cá biệt mà ông dành cho từng nước một: Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria (Bảo Gia Lợi), Romania (Lỗ Mã Ni) và Nam Tư (Yugoslavia). Trong mỗi chương sau này, ông đi sâu vào lịch sử của cuộc cách mạng, cái dài cái ngắn nhưng tựu chung hầu hết là bất bạo động, đã đánh đổ chế độ cộng sản ở mỗi nước: nếu ở Ba Lan, thời gian đó kéo dài 9 năm (từ ngày thành lập Công Đoàn Đoàn Kết vào năm 1980 đến ngày Mazowieckj, người của Công Đoàn Đoàn Kết, lên làm thủ tướng) thì ở Romania, chẳng hạn, chính quyền Ceaucescu sụp đổ chỉ trong vòng có 8 tháng.

Là đọc giả người Việt mà đa phần trong chúng ta không có bao nhiêu kinh nghiệm với các quốc gia Đông Âu, chúng ta rất dễ bị rối rắm bởi những tên đất tên người xa lạ, những ngày tháng chi chít, những biến cố dù có nổi tiếng song vẫn không nằm trong vùng kỷ niệm cá nhân của chúng ta, trước khi vào sách đã có lúc tôi ngờ là nó có thể giữ được sự chú ý của ta qua hơn 300 trang khổ lớn nhằm cung cấp cho chúng ta những sự kiện cụ thể kiểu "nói có sách, mách có chứng." Nhưng tác giả đã khéo léo trong khi trình bày, nêu ra được một số quy luật để cho ta để nhớ vì nắm bắt được cái thường hằng, cái giống nhau trong mớ bòng bong sự kiện đó.

Dù như cuộc "Cách Mạng Nhung" ở Tiệp Khắc chủ yếu do các thành phần trí thức quy tụ trong phong trào Hiến chương 77 thúc đẩy đến thành công, khác hẳn với cách mạng ở Ba Lan trong đó vai trò của công nhân, Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, và của Giáo Hội Công Giáo đóng vai trò cực kỳ trọng yếu, và cũng lại rất khác trường hợp của Hung Gia Lợi nơi mà những thành phần cấp tiến trong đảng cộng sản Hung đã là những tác nhân chính trong cuộc đổi thay từ cộng sản sang dân chủ, tác giả cho thấy vẫn có một số bước đi căn bản không thể thiếu:

KỊCH BẢN ’ĐÔNG ÂU TẠI VIỆT NAM"

Đảng cộng sản, do ruỗng từ bên trong và ngay từ cấp lãnh đạo nên phải đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, trả lại nhân quyền, dân quyền cho người dân (như các tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, đi lại, lập hội, xây dựng xã hội dân sự, xã hội công dân v.v..). Không cho cũng không được vì "tức nước vỡ bờ", như ở Việt Nam, người dân đã tự đứng lên, vượt được cái sợ, khẳng định quyền làm người của mình. Đó là động lực đằng sau những phong trào như Thái Bình, Kim Nỗ, Đồng Nai (1997-98), những phong trào khiếu kiện, đình công, người Thượng ở Cao Nguyên (trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2001), hay thậm chí cả khối 8406 ra đời năm ngoái. Ngày nay, như ta thấy, đã có một số đảng công khai xuất hiện ở trong nước như các đảng Dân Chủ XXI (của cụ Hoàng Minh Chính), Thăng Tiến Việt Nam (của anh Nguyễn Phong ở Huế mà phát ngôn nhân là luật sư Lê Thị Công Nhân ở Hà Nội), Dân Chủ Nhân Dân (của anh Đỗ Thành Công), Nhân Dân Hành Động (của Nguyễn Sĩ Bình và Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi), Vì Dân (của anh Nguyễn Công Bằng) v.v.. Báo tự do không nằm trong vòng kiềm tỏa của đảng Cộng sản, giờ đây cũng đã có trên mạng (như Tự Do Ngôn Luận của L.M Chân Tín, đã ra được đến số 20, báo Tổ Quốc của T.S Nguyễn Thanh giang, ra được 8 số, mà còn có cả bản in trên giấy để truyền tay nhau đọc ở trong nước - như tờ Tự Do Ngôn Luận đã phân phối được tới mức 10.000 bản trên toàn quốc).

Tóm lại, từ mô thức "xin - cho" mà rất nhiều khi không được của quá khứ, người dân bây giờ đi đến chỗ tự khẳng định mình, tự nắm lấy quyền vào trong tay không hỏi han gì nữa, và đôi khi còn đặt vấn đề, ra điều kiện nữa. Như khối 8406 đã đặt ra những điều kiện cần thiết với đảng cộng sản thì mới hòng họ tham gia trong cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 20 tháng 5 tới đây, còn không họ sẽ kêu gọi tẩy chay để cho người cs sẽ mất đi sự chính thống nếu nhất quyết đi theo kiểu "đảng cử dân bầu". Như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ nhiều năm nay đã ra điều kiện với chính quyền, hay Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Tòa Thánh gần đây là để thương lượng một số điều kiện mà bên Công Giáo đưa ra nhằm dẫn đến bình thường hóa giữa Hà Nội và Tòa Thánh.

Đến khi đảng cộng sản không còn nói với cùng một ngôn ngữ nữa (tỷ như trung tướng Trần Độ trước khi chết đã phản đối kịch liệt sự suy đồi mất uy tín của đảng cộng sản Việt Nam, tỷ như Tổng Cục 2 chia hẳn hai ông tướng Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Anh thành 2 phe đối nghịch một mất một còn, tỷ như Võ Văn Kiệt bây giờ nói rất khác giọng Lê Đức Anh và Đỗ Mười) thì cái ngày không xa sẽ đến là áp lực quần chúng sẽ đòi hỏi phải "bỏ 4" (tức bỏ Điều 4 trong Hiến Pháp 1992 dành quyền lãnh đạo toàn quốc cho đảng CSVN), đổi tên đảng (như Bùi Tín và nhiều người khác đã đề nghị trở về với tên "đảng Lao Động"), đổi tên nước (không còn gọi là "Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam" nữa). Tất cả những chuyện này đều đã xảy ra ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Bulgaria, Romania, Nam Tư v.v..

Không những Khối 8406 đòi hỏi phải có tổng tuyển cử tự do với giám sát quốc tế để cho người dân có quyền thật sự chọn lựa người đại diện xứng đáng cho mình, Phương Nam Đỗ Nam Hải còn đòi hỏi trước khi đó cần có một cuộc trưng cầu dân ý để khẳng định xem người dân có thực sự chọn một chế độ độc đảng trên một chế độ đa nguyên đa đảng không? Rồi tất cả các đảng đã, đang và sẽ ra đời trong những ngày tháng tới tắt yếu sẽ đòi phải có những điều kiện không thể thiếu được nếu có tổng tuyển cử tự do như tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội lập đảng, ứng cử bầu cử một cách hoàn toàn công khai với cùng những điều kiện tranh cử đồng đều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những điều kiện này, lúc đầu thế nào đảng cộng sản cũng sẽ cưỡng và từ chối thẳng thừng nhưng dưới những áp lực từ bên trong cũng như từ bên ngoài (quốc tế và cộng đồng hải ngoại), đến một lúc nào đó cộng sản sẽ phải nhượng bộ qua những vụ thương lượng với các phe đối lặp dưới những tên như Hội Nghị Bàn Tròn, Hội Nghị Hiệp Thương, Hội Nghị Quốc Dân, bằng không sẽ bị áp lực biểu tình từ quần chúng mà lúc đầu có thể nhỏ nhưng có khả năng nhân lên rất nhanh đến hàng chục, hàng trăm nghìn, đôi khi cả nửa triệu người như đã xảy ra ở Leipzig (Đông Đức), Gdansk (Ba Lan), Ptaha (Tiệp Khắc), Budapest (Hung Gia Lợi), Bucharest (Bulgaria), Timisoara (Romania), Belgrad và một số thành phố khác ở Nam Tư v.v.. Đến đó thì không súng ống nào có thể dẹp được và như tháng 8 năm 1991 ở Liên Xô, quân đội khi gọi vào có thể sẽ từ chối bắn vào dân, quay sang đứng về phía quần chúng, phía cách mạng! Còn nếu như có một vài đơn vị trong phe công an hay trong phe quân đội mà ngoan cố bảo vệ đảng, bảo vệ chính quyền thì lúc bấy giờ có thể sẽ bị tàn sát như đã xảy ra ở Timisoara dẫn đến cái chết nhục nhã, bị tử hình của vợ chồng Ceaucescu ở Romania!

ĐỐI LẬP NGÀY CÀNG CÓ TỔ CHỨC VÀ VỮNG MẠNH

Mặc dầu đảng CSVN đã có những thành công biểu kiến, nghĩa là nhìn từ bề ngoài thì tưởng thế, như có một sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế nào đó, như được thế giới ngày càng công nhận để được đăng cai những hội nghị quốc tế lớn như APEC 2006, rồi vào WTO (tổ chức thương mại thế giới) v.v.. song những thành tựu đó xem ra vẫn khá mong manh. Vì như ông Lý Quang Diệu mới sang Việt Nam gần đây có nói, chế độ hiện hành ở Việt Nam đang có những nhược điểm căn bản (như tham nhũng bất trị, bộ máy hành chánh không hữu hiệu, giáo dục toàn quốc rất kém) nên dù có tiến bộ vẫn sẽ không bắt kịp được với các nước trong vùng chứ chưa nói đến các nước tân tiến trên thế giới.

Biết rõ và khai thác những nhược điểm này, phe đối lập và các thành phần dân chủ ở trong nước đã biết ngồi lại với nhau để có thêm sức mạnh. Lối đánh nhịp nhàng của khối 8406, chứng tỏ là ở trong nước các thành phần dăn chủ đã biết làm việc với nhau thay vì chơi cá lẻ hoặc cản bước tiến của nhau, với sự tham gia tiếp tay ngày càng đông đảo của hải ngoại đang cho thế giới thấy là cs không còn thành công trong nỗ lực chia rẽ hải ngoại với quốc nội, lối "chia để trị" học được của thực dân đã và đang thất bại trước bức tường kiên cố do các lực lượng dân tộc, dân chủ và đa nguyên dựng lên. Đây là chủ trương của Hội Nghị Liên Kết I định nghiã và đưa ra từ mùa Xuân năm 1995, chủ trương này cũng đã được cũng cố từ đó đến nay để trở thành một thực tế đã quá nhiều hiển nhiên.

Tất cả những kinh nghiệm trên đây, các quốc gia và dân tộc ở Đông Âu đều đã từng trải qua trong quá trình làm cách mạng lật đổ chính quyền cộng sản ở xứ họ. Nay ta đang thấy những hiện tượng tương tự dồn dập xảy ra ở Việt Nam thì đó không phải là do Mỹ muốn hay Tầu muốn (đặc biệt Trung Cộng thì không thể muốn trông thấy sự phát triển quá nhanh của một xã hội dân sự ở Việt Nam), Mỹ giựt dây hay Tàu giựt dây mà là một sự diễn biến hoà bình tự nhiên, từ bên trong, đôi khi ngay từ trong hàng ngũ của đảng CSVN nên nó không thể cưỡng được. Như vậy, cơ hội đang chín mùi. Việc ra cuốn sách Đông Âu tại Việt Nam của tác giả Lý Thái Hùng, bằng cách nhắc lại cho chúng ta kinh nghiệm Đông Âu, có thể xem như là một cuộc tổng duyệt lại cái hiểu biết của ta, một loại tập trận cho những ngày tháng tới. Có lẽ trong thâm tâm, ông không muốn chúng ta một lần nữa lại bỏ lỡ cơ hội khi cờ đã sắp đến tay và sẵn sàng để cho chúng ta phất.

Gần 80 năm về trước, nhà báo Mỹ John Reed, người có đi làm tin và chứng kiến cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga, khi về Mỹ đã viết cuốn Ten Days That Shook the Worlh (Mười ngày làm long trời lở đất) để mô tả cách mạng tháng Mười ở Liên Xô. Bảy mươi hai năm sau, đến lượt một cuộc cách mạng khác hẳn, một cuộc cách mạng ý thức hệ gần như không đổ tí máu nào đã làm long trời lở đất ít nhất là mười mấy quốc gia nếu ta kể thêm cả những cách mạng màu gần ta hơn nữa ở Ukraina, Georgia (Gruzia) và Kyrgyzstan. Những bài học đó là những bài học quý giá cho ta nếu ta không muốn vấp váp trên còn đường đi tới lật đổ chế độ cộng sản chuyên chế và thoái hóa ở nước ta bằng con đường hoà bình.

Người Tây Phương cũng có câu "Ignorance is bliss". Không biết ấy chính là hạnh phúc. Song giờ đây, thế giới ngày hôm nay đã là thế giới của siêu xa lộ thông tin, của Internet, Skype và Paltalk; nó không cho phép ta "ngu si hưởng thái bình" mãi; trong nền kinh tế tri thức của ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta là một công dân với ngang bằng quyền lợi song cũng ngang bằng trách nhiệm. Quốc gia hưng vong, thất phu còn hữu trách, nữa là chúng ta, những người có ăn học lên cao, với đầy đủ phương tiện để "access" thông tin, vậy chúng ta còn chờ gì nữa mà không xóa bỏ đi những dị biệt để mà đi vào hành động sớm mang lại ngày giải phóng quê hương trong cái nghĩa rộng rãi và khai phóng nhất của hai từ ngữ đó.

Trình bày ở buổi ra mắt sách “Đông Âu tại Việt Nam” ở Houston, TX.

Chủ Nhật 11 tháng 2 năm 2007

Nguyễn Ngọc Bích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét