* Sử gia Trần Gia Phụng
Kính thưa các bậc trưởng thượng,
Kính thưa quý vị quan khách,
Trước hết, tôi xin cảm ơn Ban tổ chức đã mời tôi phát biểu ý kiến hôm nay, nhân lễ ra mắt sách Đông Âu tại Việt Nam của tác giả Lý Thái Hùng tại Toronto.
Kính thưa quý vị,
Sách Đông Âu tại Việt Nam đã được phát hành khoảng nửa năm, và đã được ra mắt tại nhiều nơi trên thế giới trước Toronto. Trong những lần ra mắt sách trước đây, nhiều người đã nói về phương diện chính trị của quyển sách. Riêng tôi, tôi chỉ xin đóng góp vài ý kiến về phương diện sử học. Lý do dễ hiểu vì tôi không phải là một nhà họat động chính trị, mà tôi chỉ là một người học sử, nghiên cứu sử mà thôi.
Thưa quý vị,
Trước hết, trong ngành sử học Việt Nam, Đông Âu rất ít được nhắc đến. Ở bậc trung học, hầu như chỉ có hai lần Đông Âu được nhắc đến ở chương trình thế giới sử lớp 12. Đó là:
Thứ nhất, ngày 28-6-1914, hoàng thái tử Áo là Francis Ferdinand bị ám sát tại Sarajevo, thủ đô của Bosnia, tạo ra nguyên nhân thế chiến thứ nhất (1914-1918).
Thứ hai, ngày 1-9-1939, Đức tấn công và xâm chiếm Ba Lan. Ngày 3-9-1939, Anh và Pháp tuyên chiến, đưa đến thế chiến thứ hai (1939-1945).
Ngoài hai lần nhắc đến rất sơ lược hai sự kiện trên đây, hầu như chương trình trung học Việt Nam không đề cập đến các nước Đông Âu. Ở bậc đại học cũng thế. Chương trình sử học mênh mông, nhất là thế giới sử, nên Đông Âu ít được chú ý đến.
Chương trình địa lý cũng không khá hơn. Ngoài địa lý Việt Nam, chương trình ở trung học và đại học Việt Nam chỉ chú trọng đến các cường quốc kinh tế trên thế giới, như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Nga, Trung Hoa, Ấn Độ, Canada, Ý… Hầu như không nhắc đến Đông Âu.
Về sách vở, có thể nói rất ít có sách vở bằng tiếng Việt, viết về Đông Âu. Tôi xin nhấn mạnh sách bằng tiếng Việt, chứ không phải sách bằng tiếng nước ngoài, vì tiếng nước ngoài thì có nhiều. Năm 1971, tại Sài Gòn, nhà xuất bản Lửa Thiêng ấn hành sách Lịch sử chính trị & bang giao quốc tế thế giới hiện đại của tác giả Hoàng Ngọc Thành, giảng viên Đại học Văn khoa Sài Gòn. Trong tập 1, sách nầy có nhiều chương đề cập đến các nước Đông Âu.
Đây là một trong số vài quyển sách viết về Đông Âu bằng tiếng Việt. Điều nầy cũng hữu lý, vì Đông Âu ít liên hệ đến Việt Nam và không đóng vai trò gì quan trọng trong đời sống chính trị và kinh tế thế giới.
Vì vậy, người Việt nói chung, trong đó có chúng tôi, rất ít hiểu biết về Đông Âu và ít chú trọng về Đông Âu. Cho đến thập niên 80 vừa qua, biến cố Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan làm cho bản thân chúng tôi bừng tỉnh.
Lúc đó còn ở trong nước, tôi theo dõi rất sát biến cố Công đòan Đoàn Kết ở Ba Lan, để tìm hiểu làm thế nào một nước nhỏ như Ba Lan, có thể thoát ra khỏi bàn tay chế độ cộng sản toàn trị, nhất là đang sống bên cạnh nước Liên Xô khổng lồ. Từ đó, tôi bắt đầu so sánh hoàn cảnh Ba Lan và các tiểu quốc Đông Âu, với hòan cảnh nước Việt Nam chúng ta và các nước Đông Nam Á.
Thứ nhất Ba Lan nằm giữa hai nước mạnh: phía đông là Nga, phía tây là Đức. Hai nước nầy luôn luôn muốn thôn tính Ba Lan. Nước Việt Nam cũng thế. Nước Việt chúng ta nằm bên cạnh Trung Hoa khổng lồ. Trong quá trình lịch sử, từ khi lập quốc cho đến ngày nay, Trung Hoa luôn luôn muốn thôn tính Việt Nam. Tuy nhiên, cả Ba Lan và Việt Nam đều chống trả mãnh liệt các cuộc ngoại xâm, và duy trì nền độc lập của mình.
Thứ hai, nuớc Ba Lan, cũng như nước Việt Nam, đều bị hiểm họa cộng sản toàn trị từ sau thế chiến thứ hai, tức từ 1945 trở đi. Chỉ khác một điều là Ba Lan bị ngọai bang áp đặt chế độ cộng sản, trong khi người Hồ Chí Minh tự ý du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam.
Nước Ba Lan và Việt Nam đều nằm giữa hai khối chính trị khổng lồ. Ba Lan nằm giữa Liên Xô và Tây Âu. Việt Nam nằm giữa Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và các nước tư bản, do Hoa Kỳ dẫn đầu. Sự tranh chấp giữa hai khối đưa đến kết quả ngược nhau. Ở Ba Lan, chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, chế độ dân chủ thành công. Trái lại ở Việt Nam, chế độ dân chủ thất bại, chủ nghĩa cộng sản tạm thời thắng thế.
Do những lẽ trên, tuy các nước Đông Âu chỉ là những nước nhỏ, với nền kinh tế không thuộc vào hạng mạnh trên thế giới, rất cần được người Việt Nam, nhất là những nhà họat động chính trị, tìm hiểu kỹ càng hơn. Biết đâu việc tìm hiểu nầy sẽ giúp tìm ra những đáp án cần thiết cho tình hình Việt Nam hiện nay?
Đáng chú ý là từ khi ra nước ngoài năm 1975, cho đến năm 2005, nghĩa là trải qua 30 năm sống ở hải ngọai, dầu người Việt dễ dàng tiếp cận được các tài liệu quốc tế về Đông Âu, hầu như chưa có một quyển sách nào do người Việt soạn về Đông Âu.
Vì vậy, thưa quý vị, sách Đông Âu tại Việt Nam của tác giả Lý Thái Hùng, được ấn hành đúng thời, theo nhu cầu tìm hiểu của người Việt chúng ta hiện nay. Với phương pháp nghiên cứu công phu, trình bày rõ ràng, văn phong đơn giản, tôi hy vọng sách Đông Âu tại Việt Nam sẽ không phụ lòng người đọc.
Trân trọng cảm ơn quý vị đã lắng nghe và xin kính chào quý vị.
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 27-5-2007)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét