* Lý Thái Hùng
Tiếp theo Chỉ thị mang số 37/CP của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam phổ biến vào ngày 26 tháng 10 năm 2006 nhằm chỉ thị Bộ thông tin văn hóa và các Uỷ ban nhân dân tỉnh phải rà soát lại việc quản lý báo chí và truyền thông, đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức một hội nghị có danh xưng là ’sơ kết hai năm thực hiện thông báo 162 của bộ chính trị về công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, tuyên truyền’ tại Hạ Long vào ngày 8 tháng 1 năm 2007. Trong bài nhận định về công tác quản lý báo chí, Tô Huy Hứa nêu lên một số thành quả và biểu dương những tờ báo đã thực hiện chỉ thị của bộ chính trị như báo nhân dân, báo quân đội nhân dân, báo công an, thông tấn xã Việt Nam, báo điện tử đảng Cộng sản Việt Nam và những đơn vị như thành phố Sài Gòn, Hà Nội, Bộ quốc phòng, Bộ bưu chính viễn thông, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các tỉnh uỷ Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Cần Thơ, Đà Nẵng. Những con số mà Tô Huy Rứa mang ra biểu dương trước Hội nghị quả là quá khiêm nhường vì tại Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 600 tờ báo đủ loại và cỡ 700 cơ sở truyền thanh, truyền hình, báo điện tử, cơ quan tuyên truyền. Chỉ nhìn qua điều này người ta đủ thấy là diễn biến Hội nghị về báo chí đang có vấn đề lớn trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi khen ngợi một vài điều chung chung như báo chí đã góp phần quảng bá chủ trương đổi mới, tuyên truyền về việc gia nhập WTO của đảng, Tô Huy Hứa đã nêu ra một số hiện tượng khá tiêu cực trong sinh hoạt báo chí, tuyên truyền hiên nay tại Việt Nam.
Thứ nhất, Tô Huy Rứa cho là báo chí và các bộ phận tuyên truyền đã không phản ảnh những quan điểm chính trị của đảng trước những diễn biến trong xã hội.
Thứ hai, Tô Huy Rứa đả kích việc tư nhân núp bóng cơ quan nhà nước để ra báo kinh doanh, tạo ra hiện tượng cạnh tranh bất chính giữa các tờ báo. Ông Rứa cho rằng đây là đầu mối đưa đến tình trạng chạy theo lợi nhuận và không còn quan tâm đến nội dung của đảng.
Thứ ba, Tô Huy Rứa cho là báo chí và các cơ quan truyền thanh không những không thực thi đúng các chỉ thị của đảng mà còn loan tải các luận điệu tạo ra sự mâu thuẫn trong các chủ trương chính sách của đảng như vụ đồng tiền Polimer. Mặc dù Bộ thông tin văn hóa đã ra chỉ thị yêu cầu ngưng các phê phán trên mặt báo; nhưng các báo chí – vì nhu cầu câu độc giả - vẫn tiếp tục viết vài châm chọc về đồng tiền Polimer là một thí dụ điển hình.
Khi Cộng sản Việt Nam dùng cả một Hội nghị để phê phán những tiêu cực của báo chí, truyền thanh cho chúng ta thấy là Hà Nội đang muốn ‘uốn nắn’ bộ máy tuyên truyền sau khi gia nhập WTO. Nghĩa là Hà Nội muốn tiếp tục khống chế các mạng thông tin theo những nhu cầu của đảng khi đẩy mạnh việc mở cửa hội nhập vào trào lưu toàn cầu hóa hiện nay. Tại sao?
Khống chế truyền thông là một chủ trương quan trọng của mọi chế độ độc tài. Đặc biệt trong các chế độ cộng sản, sự khống chế truyền thông còn là một nhu cầu sinh tử của chế độ nhằm ngăn chận mọi xu hướng chống đối trong quần chúng. Trong thời kỳ mở cửa hiện nay, Hà Nội còn muốn tăng cường kiểm soát truyền thông và báo chí nhiều hơn nữa vì không muốn những xu hướng chính trị khác với đảng Cộng sản xuất hiện tạo thành những lực đối trọng làm soi mòn quyền lực chính trị của đảng và nhà nước trong xã hội. Chính trong bối cảnh đó, Hà Nội đã chủ trương không cấp giấy phép ra báo cho tư nhân mà chỉ cấp cho các cơ quan trực thuộc đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như không cho lưu hành bất cứ tài liệu nào không nằm trong sự cho phép của ban văn hóa tư tưởng trung ương đảng Cộng sản. Nhưng xã hội Việt Nam đã có những thay đổi với nhu cầu mở rộng các luồng trao đổi khi mở cửa du nhập đầu tư, trong khi khả năng thông tin, tuyên truyền của các cơ sở đảng quá yếu nên Hà Nội đã phải ‘làm ngơ’ cho tư nhân thuê lại các giấy phép của những cơ quan nhà nước.
Khi để cho tư nhân làm báo dù dưới hình thức ‘chui’ như hiện nay, đảng Cộng sản Việt Nam thấy nguy cơ đe dọa là họ đang mất dần sự kiểm soát không chỉ trong lãnh vực báo chí, tuyên truyền mà ngay cả trong sinh hoạt xã hội. Nhưng thay vì cải thiện lề lối cai trị theo đúng những khát vọng chung của người dân là xây dựng một xã hội tự do dân chủ, đảng Cộng sản Việt Nam lại cố tình bưng bít để che đậy sự yếu kém của mình nên mới tổ chức Hội nghị vào ngày 8 tháng 1 năm 2007 vừa qua, với ba mục tiêu như sau:
Thứ nhất là tập trung phản kích việc các cơ quan đảng và nhà nước cho tư nhân thuê lại giấy phép ra báo dưới hình thức chui. Chính những tờ báo chui này đã và đang làm tổn thương các chính sách cai trị vì đã loan tải và bình luận những vấn đề không nằm trong khuôn khổ cho phép của đảng Cộng sản.Việt Nam.
Thứ hai là cảnh báo trong nội bộ về một viễn cảnh mất kiểm soát nội dung loan tải của báo chí, đặc biệt là những nội dung cổ võ cho các vấn đề nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, nhân quyền... có khả năng kích lên những bất mãn dây chuyền trong xã hội.
Thứ ba là ra chỉ thị cho các bộ phận quản lý phải tổ chức những khóa ’bồi dưỡng tư tưởng’ đối với các phóng viên, ký giả để không ra rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa khi viết bài. Đồng thời ngăn cấm các cơ quan báo chí ra thêm ấn phẩm phụ, phụ san có những nội dung chạy theo thị hiếu thị trường nhưng lại phản lại các chủ trương của đảng.
Rõ ràng là Hà Nội đang rất lo ngại việc họ không còn khống chế nổi các sinh hoạt báo chí, tuyên truyền, khi xã hội Việt Nam đang từng bước thay đổi theo hướng ’đa nguyên’. Đây là kết quả đấu tranh bền bĩ và không tương nhượng của các nhà đối kháng, các lực lượng không cộng sản và cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại trong nhiều năm qua. Cũng qua hội nghị này, chúng ta thấy rõ là Hà Nội đang cố vẫy vùng lội ngược dòng tiến hóa của nhân loại một cách vất vả. Hà Nội chắc chắn sẽ bị đuối sức trong lối bơi ngược dòng này và bối cảnh đa nguyên chính trị tại Việt Nam sẽ diễn ra trong một thời gian ngắn trước mặt.
Lý Thái Hùng
Jan 10 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét