14 tháng 4, 2007

Ngày Mai Tươi Đẹp

* Hiền My

Bài phát biểu của cô Hiền My trong buổi ra mắt sách “Đông Âu Tại Việt Nam” tại Brisbane, Úc Châu.

Sáng nay thức dậy, Hiền My thấy mặt trời đẹp hơn mọi khi. Trên tivi đang chiếu cuộc thảo luận giữa nội các chính phủ đang cầm quyền tại VN với các đảng phái đối lập khác. Họ đang tranh luận về những chính sách để phát triển quốc gia. Muốn không theo dõi cuộc bàn cãi cũng không được, tuổi này mình được bỏ phiếu mà.

Coi xong Hiền My cắp sách đến trường. Con đường cũng thật náo nhiệt lắm. Với tiếng rao, tiếng gõ ‘cháo lòng đây!’ ‘hột vịt lộn đây’ và thay vào tiếng than ai oán của những em bé xin ăn của trước kia là tiếng cuời nói vui vẻ, hồn nhiên của các em học sinh trong bộ đồ đồng phục. Khung cảnh hiện thực của một quê hương Việt Nam tươi đẹp ấm no.

Khoan đã, phải chăng Hiền My đang nằm mơ? Không phải đâu. Cái này người ta nói là ‘đọc gì suy đó.’ Nếu không phải mình đọc ngày đọc đêm ‘Đông Âu tại Việt Nam’ thì cái cảm tưởng đến một đời sống với nền văn minh dân chủ trên mảnh đất nước Việt Nam quê hương không hiện ra thực như vậy.



Thiệt ra lúc đầu khi cầm cuốn sách trong tay, Hiền My rất lo. Trời ơi sách dày quá, làm sao đọc cho xong? Và không biết tác giả Lý Thái Hùng có dùng nhiều chử chính trị phức tạp để gây khó dễ cho mình không đây. Nỗi lo âu từ từ biến mất một khi Hiền My bắt đầu đọc. Từng chi tiết được sắp gọn kỷ càng theo từng chương mục, từng quan điểm được phân tích dễ hiểu, lối văn nhẹ nhàng nhưng không thiếu sâu sắc. Đọc ngấu đọc nhiến, đọc quên ăn quên ngủ. Nhưng rất đáng, vì ‘Đông Âu Tại Việt Nam’ đốt sáng ngùn ngụt niềm tin về tương lai dân chủ Việt Nam.

Chưa bao giờ Hiền My thấy mình phấn khởi về công cuộc đấu tranh này như bây giờ. Tác giả đã khéo léo hâm nóng lại công cuộc đấu tranh, chuyên chở chúng ta trên con đường từ quá khứ đau thương, vượt thời gian về hiện tại đầy hi vọng để rồi lần lần dẫn ta đến một tương lai dân chủ hiển nhiên.

Khi Hà Nội không còn tham nhũng, khi đường phố không còn vết bụi ăn xin, khi chú bác cô dì không còn bị họ cướp mất nhà đất, khi tất cả các bạn trẻ dại được đến trường học chử, khi cô gái Việt Nam da vàng giữ được mãi nét hồn nhiên, khi các con ma quỹ buôn bán con người xem nhân quyền là rác rưởi bị hình phạt thoả đáng.

Nhưng trong sách viết gì mà khiến cho mình tràn trề hi vọng như vậy? Tác giả Lý Thái Hùng đem so sánh Việt Nam với lịch sử đông Âu như thế nào mà chắc chắn rằng chế độ độc tài có thể bị lật đổ tương tự? Làm sao thật sự có một Đông Âu tại Việt Nam đây?

Thật ra Việt Nam đang theo gót đông Âu thật đấy. Như Bức tường Bá Linh, gốc rễ của chế độ độc quyền Việt Nam sẽ bị rạn nức dần dần. Vì ‘sức mạnh toàn dân là sức mạnh vạn năng’ và như tác giả viết ‘chế độ đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân sớm muộn gì cũng bị sụp đổ.’

Đúng, lúc này đây người dân không còn sợ nữa, họ đã thật sự trổi dậy, liên kết lên tiếng chống nỗi bất công qua biểu tình, ký kiến nghị, đình công, bãi thị, tố cáo và khiếu kiện.

‘Tôi, Nguyễn Thị Hồng, 56 tuổi. Ở Xã Hồng Thủy, Lê Thủy, Tỉnh Quãng Bình, do bọn tham nhũng cơ sở tôi không có nhà. Tôi đã kiện 7 năm, không được giải quyết còn bị đánh căm nằm viện 5 tháng. Nay ở vỉa hè Hà Nội ăn cơm thiêu.’

‘Nước nâng thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền.’ Nhưng làm sao để nước lật thuyền mà không mang chết chóc đó mới là điều cốt yếu. Tác giả tin tưởng rằng câu trả lời nằm trong 4 chử đấu tranh giải phóng. Có nghĩa là ‘đại đa số những người bị áp bức chống lại thiểu số thống trị đang điều hành hệ thống áp bức đó’ ‘bằng mọi phương tiện, mọi phương pháp và lề lối.’

Theo tác giả lề lối này, hiện tại cũng đang được áp dụng, là ‘không dùng súng đạn để đối đầu với súng ống, mà dùng tâm lý để khơi dậy sự sáng suốt của người cầm sung? Điều này không những đã xảy ra tại Đông Âu như Ba Lan, Bularia hay Tiệp Khắc mà cũng được viết lên trên trang lịch sử của Phi Luật Tân, nước láng diềng, khi chính phủ độc tài Tổng Thống Ferdinand Marcos bị trục suất ra khỏi đia vị nhờ tất cả người dân biểu tình đình công trong vỏn vẹn mấy ngày.

Đấu tranh giải phóng không gươm máu có hiệu quả vô cùng, không những trong quá khứ, mà còn tương lai, nhưng làm sao Lý Thái Hùng thuyết phục chúng ta rằng đây là lối đấu tranh tốt nhất cho dân tộc ta hiện nay? Tại sao sau 30 mấy năm bây giờ là thời điểm nóng nhất để nỗ lực đấu tranh? Liệu chúng ta làm sao có thể đoàn kết tất cả người Việt trong nước thành một lực lượng đối kháng? Câu trả lời nằm trong ‘Đông Âu tại Việt Nam.’

Nhưng Gandhi có lần nói ‘Nếu người cho tôi gạo, tôi sẽ có ăn hôm nay. Nếu người dạy tôi trồng lúa, tôi sẽ có thức ăn mỗi ngày.’ Bởi vậy, tác giả không chỉ nêu lên rằng ta nên khơi dậy đấu tranh, mà còn dùng cơ hội khai thác chiến lược dạy ta nên làm sao để đạt thành công. Một khi có sức mạnh dân tộc, thì phải đánh vào đâu? Nhắm vào mục tiêu nào của nhà nước? Và cách nào ta có thể duy trì dân chủ mãi mãi một khi thành công?

Giấc mơ Martin Luther King, và giấc mơ chung của chúng ta sẽ thành hiện thực.

Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày khi đất nước này trỗi dậy để sống theo ý nghĩa thật của niềm xác tín của chính mình: "Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người sinh ra đều bình đẳng.’’

Hiền My
Brisbane March 17 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét